Hôm nay,  

Những tấm lòng nhân hậu

25/08/202220:47:00(Xem: 2865)

Tùy bút

ZRkRkWP

 

Khi chúng tôi bỡ ngỡ đặt chân trong chân ngoài vào lớp đệ thất, làm lính mới, thì các chị lớp lớn hơn gọi chúng tôi là “cái đám tò te”. Không biết tại sao có danh hiệu này?

 

Toàn là lũ “tò te” chúng nó làm ồn quá! Bọn “tò te” lên thang gác giậm chân ầm ầm trên đầu người ta!

 

Đôi khi các chị đứng trên lan can lầu hai, lầu ba nhìn xuống theo dõi chúng tôi đang tập thể thao dưới sân nắng rộng, chỉ trỏ nhau:

 

– Ôi cái lớp “tò te” coi cũng còn giống “búp bê” quá!

 

Nhiều khi các chị cũng bị đuổi vào lớp, cho đáng. Đúng, đó là lúc chúng tôi tập thể dục với cô Hiền, có khi với cô Hường, chúng tôi được mặc quần phùng xanh dương ngắn, áo sơ mi trắng cộc tay nện giầy vải. Đứa nào cũng còn sạch, đẹp, thơm mùi vải vì ba mẹ mới sắm cho. Áo dài thì mặc hằng ngày, suốt ngày, có lúc nhàu nát, lem nhem, từ buổi sáng vừa đến trường. Còn đồng phục thể thao, ít dùng, nên khi ra sân tập, có nhiều lúc trông chúng tôi tươm tất và đĩnh ngộ hơn.

 

Bà hiệu trưởng nghe tiếng còi của cô Hường hay cô Hiền, rời bỏ bàn giấy ra hành lang dự giờ, chưa biết chúng tôi tập tành ra sao, nhưng thấy một đám học sinh mặc quần áo chỉnh tề, kỷ luật dàn hàng ngang, hàng dọc như ý, bà cười sung sướng, “khỏe vì nước kiến thiết quốc gia”. Nhưng đó là phần trình diễn thôi, còn phần chuẫn bị thì có ý luộm thuộm hơn. Số là buổi sáng sớm, thường là sáng thứ hai, chúng tôi lớp đệ thất, tay sách nách mang đồ nghề, đã cặp sách đầy, lại nón mũ cho bên vai, vai còn lại khệ nệ giỏ áo quần, giày vải Bata và đồ ăn, lon guigoz phần lớn, vì tập xong lúc 10 giờ sáng, chúng tôi được phép ở lại luôn trong trường, chơi và đại náo sân sau hay dưới sảnh đường, sát cổng rộng, qua cả buổi trưa chờ buổi học văn hóa chính thức bắt  đầu vào 13 giờ chiều. Cứ thế cả năm học.

 

Cứ mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần  là lớp chúng tôi rong ruổi với hành lý tay mang tay sách đi lòng vòng trong sân vì còn sớm, ít ai đã tới, nên chúng tôi tự do đi từ sân sau qua hành lang giữa, ra sân trước, làm một vòng qua phòng hành chánh, băng qua cửa văn phòng bà Giám, bà Tổng và cả văn phòng bà Hiệu rồi ra sân chính, cái sân rộng giáp với bên kia  là viện khảo cổ. Chúng tôi có đứa còn ngái ngủ, ngáp, có đứa tỉnh như sáo, ngồi tán gẫu, đồ đạc vất ngổn ngang ở vài gốc cây đại thụ.

 

Bà hiệu trưởng thường sang trường sớm, chuẩn bị dự lễ chào cờ, có lần nhìn chúng tôi với hành lý vất vạ vật như thế, bà cười cười:

 

– Sao các em học sinh của tôi chúng nó lôi thôi giống như từng đoàn người đi tản cư năm 1945 quá… năm 1955… cũng vậy! Chả biết rồi tình thế sau nầy sẽ còn ra sao nữa!

 

(Quả nhiên năm 1975, lại một biến cố di cư vĩ đại nào ngờ!)

 

Rồi bà khuyên chúng tôi mang tất cả vào phòng thay áo quần cất đi, không ai lấy mất đâu mà sợ, miễn là lát nữa đừng em nọ cầm lộn đồ của em kia thôi. Để ở đâu thì nhớ đó. Có như thế mới chào cờ nghiêm chỉnh được. Đây là bài học ngăn nắp có thứ tự đầu tiên của bà cho chúng tôi.

 

Bà hiệu trưởng của chúng tôi như thế đó, bà nghiêm nhưng không mấy khi rầy quở học trò, nhứt là đôi với học trò nhỏ “tò te” của trường. Bà bảo ban ân cần như cha mẹ dạy con, thân mật gần gũi nhưng rất rõ ràng là mệnh lệnh, làm gì phải gọn gàng và đúng như ý bà muốn.

Bà gọi chúng tôi tất cả là em, xưng cô. Dù bà đã lớn tuổi, bà ngoài năm mươi có lẽ, khi chúng tôi nhập trường; tướng bà bệ vệ cao lớn, nhưng từ tốn, khoan dung, đặc biệt không bao giờ thấy bà vội, dù là trước những việc cần kíp hay hệ trọng.

 

Khi chúng tôi còn bé hay phá, nô giỡn ầm ầm, “suỵt“ thế là đủ. Con nít thì nó hồn nhiên có sao đâu, miễn đừng tác yêu tác quái là được. Ngày ấy chúng tôi có biết tác yêu tác quái là gì.

Chắc lên lớp trên, các chị lớn tác yêu tác quái… và lớn lên biết đâu cả chúng tôi còn hơn nữa. Bà sẽ mệt.

 

Một hôm thấy băng chúng tôi, gần 20 đứa, ngồi tò ho quanh thềm cột cờ chờ cô Hường đi họp về đặng thi lục cá nguyệt. Bà cũng đi đâu đó về sớm.

 

– Các em ngồi đó làm gì ?

 

Mấy cái miệng lắp bắp hô lên cùng một lúc:

 

– Tụi em đợi thi, thi leo dây ạ.

 

– Cô Hường đâu? Cô đi họp mấy giờ về? Trưởng lớp đâu? Bà nhìn quanh hỏi. Chúng tôi cũng không thấy trưởng lớp đâu và cũng không biết nó đang ở đâu. Vì nó giữ sổ điểm. Hay là nó đang đi mua đậu đỏ bánh lọt nước dừa?

 

– Các em không biết rõ cái gì cả à ? Không biết bao giờ cô về. Không biết sổ sách đâu ? Ngồi đây lâu mau rồi, đã chán chưa?

 

Chúng tôi 20 đứa như một lắc lắc cái đầu, cười cười, tỏ ra không biết rõ cái gì lắm, cứ đợi… có đứa tần ngần vuốt hai cái nơ đỏ buộc tóc. Trò Vân đứng gần bà nhất, nó ngoan đến hơi ngố ngố, cũng cười mím chi. Tất cả như đợi ai trả lời giùm, mắt cứ mở to, đen, trong sáng, chờ quyết định của người khác. Hồng Hải mím môi, kệ ai nói gì cứ nói. Châu chăm chú đọc sách, hơi ngửng đầu lên lại cúi xuống… Bà cười:

 

– Đấy “tò te” là như thế… hiểu “tò te“ là gì chưa… ngẩn tò te là không biết gì.

 

– Dạ, hiểu rồi ạ.

 

– Thôi tất cả vào một phòng trống cuối sân kia, lấy sách vở ra làm bài, học bài, im lặng, để cho thầy, cô các lớp bên cạnh làm việc.

 

Kể ra cũng lòng vòng nhớ đâu nói đó, năm đệ lục chúng tôi học sử địa với cô Lệ Khanh. Cô dạy chúng tôi bằng sách giáo khoa của ông bà Tăng Xuân An. Quyển sách của ông bà dày cộm. Chao ôi làm chúng tôi cũng ngán, ngán cả bài học dài lòng thòng, mà ngán cả  mang theo hai cuốn sách đi học. Mang đi mang về đầy ắp cả cặp sách rồi còn đâu. Có đứa lười không mang, tới giờ dòm ké sách bạn bên cạnh, khi bạn kéo sách xích ra vì phải đổi trang thì cô bạn dòm ké vội vàng kéo xích lại chút đỉnh… cái màn kéo qua đẩy lại làm cô Khanh bực mình, nhưng cái trò láu cá học trò thì nó vẫn là cái giải thích láu cá vặt:

 

– Cô ơi, ở trang cuối cuốn sách có in to một chữ CHUNG, em vẫn tưởng là phải xem chung!

 

Cô Khanh còn dặn chúng tôi mua mỗi đứa một quyển tập bìa khổ rộng, cứ như đi học kiến trúc sư, để vẽ bản đồ các châu nữa. Cha mẹ ơi, quyển bản đồ và mấy hộp bút chì màu chiếm chỗ không ít, cả trong ngăn bàn, rồi cãi nhau vì có khi mượn qua mượn lại. Tụi tôi thích vẽ, o bế, tô màu bản đồ vì được cô chấm điểm. Thúy Nga, Trịnh Thúy Nga, nó vẽ bản đồ rất đẹp, đẹp như in.

 

Tuy vậy sách của bà hiệu trưởng tôi và ông, cũng đầy là bản đồ, thành ra học cũng đỡ ngán, có khi bài nhiều trang lại là bài ngắn. Có lần chúng tôi tò mò đi rình xem trộm giáo sư Tăng Xuân An như thế nào. Ông tốt người, nho nhã và tươi cười vui vẻ. Ông đang nói chuyện với giáo sư Tăng Minh Tuyết, cô dạy Anh văn. Cô lúc ấy mang bầu nhưng rất nhanh nhẹn vui vẻ. Cô Tuyết thường mang đến lớp một hai chồng sách khổ nhỏ như loại sách hồng thiếu nhi, kể chuyện vui bằng Anh ngữ, cho chúng tôi mượn. Đứa nào muốn lựa cuốn nào tùy ý. Tụi tôi chọn theo màu sắc và hình vẽ ngoài bìa, có hiểu mấy nội dung đâu. Thường thì cô Tuyết có với chúng tôi hai giờ một ngày, giờ đầu cô giảng ngữ vựng, văn phạm Anh văn, giờ sau cô cho chúng tôi lên kể truyện dựa theo sách cô cho mượn. Đứa nào đã đọc qua, đã đi hỏi ai, đã hiểu lơ mơ mà dám lên kể lại cho cô và các bạn nghe, dĩ nhiên kể bằng tiếng Việt, sẽ được cô cho 16 điểm ngon ơ. Lớp tôi vì thế điểm vấn đáp Anh văn toàn là 16 ! Cột điểm đẹp làm sao! Hoan hô và cảm ơn cô Tuyết, thành ra giờ Anh văn hào hứng lắm.

 

Một hôm chúng dành giựt mượn sách, xô bồ quá, bà hiệu đi qua lớp ghé vào, nhìn ra sự việc, bà phán:

 

– Cô làm vậy không đúng phần nào, lỡ trò nào nhờ ai dịch giùm trước đó thì sao? Cô coi lại đi.

 

– Thưa bà hiệu trưởng các sách này các em chỉ được coi ở đây, hết giờ đội trưởng gom lại đủ nộp cho em. Thưa đó cũng là một chút khuyến khích các em tập đọc sách và nhớ lấy vài chữ, mang về nhà mà đi hỏi thì cũng tốt thôi.

 

Cô giải thích dễ thương. Cô tôi xinh lắm.

 

– Vậy thì được.

 

Chúng tôi cũng không biết rõ hơn những việc khác bà phải làm, nhưng đã là hiệu trưởng một trường lớn, bà bận rộn lắm. Nhưng chúng tôi chỉ biết bà cứ làm việc cặm cụi trong văn phòng, hai giờ bà lại ra sân một lần. Vì vậy bà thường xuyên là một giáo sư dự giờ, dự giờ tập thể dục thể thao của hầu hết các lớp nhỏ. Thoạt đầu cô trò tôi cũng hơi khó chịu, nhưng riết rồi qua. Có khi không có bà lại thấy thiếu thiếu một cái gì. Mà khi đã thấy thiếu lại càng thiếu vì càng ngày bà càng bận rộn hơn. Tháng nào vào việc của tháng ấy, trường học là cái đồng hồ và cũng là cái máy quay tơ. Thật vậy không có bà đứng xem và cổ võ cũng thiếu đi ít nhiều hào hứng. Có đứa leo lên dây cao, hai tay rát quá, đau, rồi bất chợt để tuột tay, rơi mình tuồn tuột đánh “bịch” xuống một khung cát vuông dầy và rộng. “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia”.

 

Công việc của bà dẫn trường lớp đều đặn, cứ thế trong nhiều năm mà thấy bà cũng không thay đổi nhiều. Lúc nào, ngày nào sáng sớm cũng thấy bà đi từ nhà riêng, ở bên hông cửa sau, lách qua cái sân nhỏ, sang ngay sân lớn vào trường. Tóc bà búi gọn, mặc quốc phục chỉnh tề, mang cái ví da nhỏ dưới tay, trang điểm một chút son môi kín đáo. Có những buổi sáng bà xuống rất sớm, cũng có những buổi chiều bà xuống muộn. Thỉnh thoảng thấy bà thấp thoáng trên lan can cao. Một cây dừa sum suê tàn lá từ dưới đất mọc vụt lên kia, đúng vào lan can cửa sổ nhà bà thì dừng lại đó, y như cây dù thiên nhiên đãi ngộ che mưa che nắng.

 

Rồi bình minh hôm sau và nhiều hôm sau bà vẫn ra chào cờ với chúng tôi. Bà cùng chúng tôi đứng nghiêm chỉnh nghe giáo sư Vũ Thị Tố Lan điềm tĩnh mà lôi cuốn, cô tôi kể câu chuyện thành Troie thì rõ hơn, làm chúng tôi nghe chăm chú, nghe chăm chú từ lúc các chú lính tù hè nhau làm thể thao, tập nhảy cao cho đến lúc đào hầm, đào hầm từng nhát, từng nhát, từng tí đất một mang đi chôn giấu… và tới lúc rủ nhau đi trốn. Hồi hộp, hồi hộp. Cô kể có duyên lạ!

Bên cạnh cô, bà hiệu trưởng chăm chú nghe từng câu từng lời. Cô tôi có tài giảng bài, ngay cả bài của cụ Phan Kế Bính, của cụ Phạm Quỳnh cô cũng giảng hay, thanh thử học trò không thèm nói chuyện riêng nữa, để hồn cho cô. Cô đoan trang nói với cái miệng có duyên, đôi mắt to sáng và thông minh, rất chững chạc. Bà hiệu trưởng vẫn chăm chú vào câu chuyện. Đứng lâu bà có ý hơi mỏi, đổi thế chân, rồi chợt nhìn lên cột cờ phía trước, nhìn lên cao hơn, bà nhìn chăm chăm lá cờ tươi vui đang bay nhè nhẹ trong nắng ban mai. Rồi bà lại quay qua ngó cô Tố Lan, hài lòng bà vỗ tay, kết thúc câu chuyện. Còn tiếc. Đợi 15 phút sau cho học trò tuần tự vào lớp, trả lại sân trường khoảng trống im lặng. Vài con se sẻ lại tự do lên xuống vì giờ là giờ của tụi nó.

 

Chị Nụ thì ra lấy thư đi vào. Chị là lao công của trường, một lao công rất trí thức, chị ôm đầy  thư từ sách báo, công văn khẩn khi có. Chị đi xăm xăm trực chỉ văn phòng hành chánh. Trên hành lang bà hiệu trưởng tôi gặp ngay chị Nụ, thế là có việc mới liền cho cái chị hay làm.

 

– Chào chị Nụ. Chị mang văn thư vào cất đi đã, rồi ra đây tôi với chị nói câu chuyện.

 

Bà vẫn chờ ở đó, tay chắp sau lưng, hai mắt vẫn nhìn lên cao, lá cờ vẫn phất nhè nhẹ. Sao mà bà tinh mắt thế. Bà hỏi chị Nụ:

 

– Này chị có biết tại làm sao mà lá cờ của chúng ta lại có in mấy cái vệt gì trăng trắng đó không? Tôi đoán chừng trên mấy cây cổ thụ rậm rì bên sân khảo cổ đầy tổ chim, chim chúng phóng uế đấy. Chị và bác Tám cho hạ xuống rồi giặt giũ đi giùm tôi với nhé. Cố làm ngay hôm nay đi. Các việc khác để lại mai mốt làm sau.

 

– Thưa bà, không chắc là giặt được sạch đâu.

 

– Không, chị cứ nghe tôi đi, cứ giặt đi đã, giặt với xà phòng, bàn chải kỳ kỹ vào, nếu không sạch thì hạ hồi phân giải. Chừng đó mình sẽ may cái khác.

 

Nói xong bà đi sau khi vỗ vai chị Nụ, nhờ cậy. Chị Nụ còn lại một mình, làm việc dưới đất còn chưa xong nữa là lo việc trên trời.

 

Thời gian cứ trôi đi, qua đi, bóng câu qua cửa. Thời gian cũng là cái chúng ta đối đầu, nhưng chúng ta có vũ khí nào chống lại thời gian đâu, ngoài việc chạy theo hối hả, nắm bắt cho kịp. Chúng tôi cũng chạy. Bà hiệu chúng tôi cũng chạy với chúng tôi. Hết hè lại Tết đến; hết Tết lo làm giỗ hai Bà Trưng. Rồi lại hè.

 

Năm ấy chúng tôi đã lớn bộn, chúng tôi chuẩn bị thi tú tài. Bắt đầu năm thì phải, chúng tôi học Pháp văn với cô Tuyết Sương. Cô mới ở Pháp về nhận nhiệm sở. Vừa ra nghề cô rất tận tâm, cô cố giảng bài cho học trò khản cả cổ. Có bài chúng tôi hiểu, nhiều bài chúng tôi lơ mơ. Khó thật, học khó nhất. Nào thơ, poésie, phải hiểu và học thuộc lòng. Nào là pelican, nào là le ciel est par–dessus le toit… nào là biographie, tiểu sử của Alfred de Vigny, Alfred de Musset, nào là Oceano nox của Victor Hugo. Rồi còn Lamartine, Beaudelaire, Paul Verlaine, Arvers, nhiều quá, nhiều quá điên cái đầu. Vẫn cố để mà hiểu, để mà học. Còn cô, cô cố gắng giảng và giúp chúng tôi vì cô biết chúng tôi năm nay phải thi làm sinh ngữ chính.

 

Ngoài phần văn chương ra còn mục nghị luận, đại loại như phải tìm hiểu và phân tích thế  nào là “sự làm việc cho ngày ngắn lại và làm cho đời dài ra”. Eo ơi, không biết độ đó chúng tôi diễn ý bằng Pháp văn làm sao đó mà cô Tuyết Sương gạch và viết bằng viết đỏ nhiều hơn số chữ chúng tôi viết lên bài làm. Khen thay cô chữa bài tỉ mỉ, bỏ ra nhiều thì giờ cặm cụi chấm bài, chấm bài suốt ngày, và có lẽ suốt cả đêm. Giáo sư như “từ mẫu” là cô.

 

Bất chợt có một ngày bà hiệu trưởng xin phép cô giáo cho bà dự giờ. Tự đâu bà nghe phong thanh học trò lơ mơ quá, ngồi dự xong hai giờ liền bà xin phép cô rồi xin phép cả học trò cho bà được phát biểu ý kiến. Bà bắt đầu rằng thấy chúng tôi đọc Pháp văn rất khá, chứng tỏ cô Sương truyền thụ mau và giỏi. Nguyên tắc sư phạm của cô tốt, không có gì phải sửa chữa. Nhưng về phía học trò hơi yếu, vì vậy bà từ tốn khuyên học trò phải nỗ lực cố gắng vì đã may mắn có cô, môt giáo sư giỏi và tận tâm. Nếu cần, và nếu có thể, bà sẽ thu xếp cho thêm một số giờ.

 

Nhưng bà nói dịu dàng hơn bao giờ hết và thiết tha nhìn cô:

 

– Theo thiển ý của tôi, của riêng tôi, xin phép bà Tuyết Sương cho tôi đề nghị là bà cố gắng giảng cho các em một lần mỗi bài, chỉ một lần thôi, thoát ý từ Pháp văn qua Việt văn. Vì thực ra các em nầy theo chương trình Việt, học Pháp văn mau quá chúng nắm bắt chưa kịp. Chúng không xuất sắc lắm trong khi nghe. Mà học ngoại ngữ thì nghe để hiểu, rất quan trọng. Có nghe được mới trả lời được. Thưa bà Tuyết Sương, bà dư khả năng và muốn giúp đỡ, vậy xin bà lưu ý điều đó. Chúng ta chả có biện pháp nào hay hơn thế cả. Tôi đến đây dự giờ hôm nay và chỉ biết đề nghị, việc quyết định là ở giáo sư. Bà thấy sao, ổn tí nào không?

 

Cô Tuyết Sương đứng đó, rồi ngồi xuống, cô đi đi lại lại trên bục giảng, cô nhìn khắp lượt chúng tôi thật nhanh, lại nhìn bà hiệu trưởng. Chợt cô mỉm cười với chính mình vì cô cười khi cúi xuống, cô cười với cái sổ điểm trước mặt cô. Cô Tuyết Sương trẻ mà có nụ cười rất kín đáo, rất trí thức, môi dưới hay trề xuống hình trái tim, hai cánh môi trên hơi cong cong một chút xíu, một chút xíu thôi. Miệng cô tôi là một đóa hoa hồng hàm tiếu rất xinh, đẹp như lòng khoan dung, độ lượng của Đức Mẹ Maria. Rồi cô khẽ gật đầu đồng ý:

 

– Oui… Madame.

 

Bà hiệu trưởng tôi bằng lòng lắm. Bà mau mắn rời chỗ ngồi tiến lên bàn đầu như học trò thuộc bài được cô giáo vời lên. Bà sung sướng nói với cô cũng như nói với chúng tôi :

 

– Thưa bà Tuyết Sương, văn chương Việt Nam mình không phải là không hay đâu. Để tôi mạn phép đọc cho bà giáo và các trò nghe câu nầy: Con cò lặn lội bờ sông, Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non. Đấy, ý có khác mà hình thức có thua Le Pélican bao nhiêu. Tôi đọc bài Le Lac của Lamartine sang Việt văn này: Hồ ơi đã thảm chưa hồ, Năm tàn đã cướp mất hoa đi rồi. Bên hồ ai chẳng làm thơ, Để ta ngơ ngẩn ngồi mơ bóng nàng.

 

Ngừng một chút cho thấm ý, bà lại thao thao nói tiếp:

 

– Đấy là nói thơ tây dịch sang thơ ta, còn thơ Tàu ôi khỏi nói. Tôi không ngoa đâu, bà Sương nầy, ngay như bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị mà cụ Phan Huy Chú nhà ta đọc ngay là: Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách. Quánh hơi thu lau lách đìu hiu, Người xuống ngựa, khách dừng chèo. Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều Trúc Ty… Mà thôi, thơ Tàu nó xa vời quá, tôi xin phép đọc một bài thơ Tây thôi, một bài nữa thôi, rồi tôi đi, vì tôi đã làm mất thì giờ quá nhiều của thầy trò cô rồi. Xin lỗi. Đây là sonnet của Arvers:

 

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère

Un amour éternel en un moment conçu..

 

Lòng ta chôn một mối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thu

Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hỡi ơi người đó ta đây

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân

Dẫu ta đi trọn đường trần

Niềm riêng dễ dám một lần hé môi…

 

Cô Sương tôi mắt long lanh cảm động:

 

– Thưa bà, rất là émouvante.

 

Còn chúng tôi thì tròn tất cả hai con mắt. Vậy ra, bà hiệu trưởng không chỉ là giáo sư sử địa, cả ngày ngồi vẽ sông ngòi với núi non hiểm trở, bình nguyên cao nguyên vi vút…

 

Chuông reng hết giờ, chúng tôi đứng lên, chào. Cô Tuyết Sương lịch sự tiến lại bắt tay cảm ơn bà đã dự giờ rất vui. Buổi hôm nay nhờ bà đọc thơ cho chúng tôi nghe. Cám ơn bà.

Cuối năm đó, 1963, vào mùa thu, khi hoa phượng đỏ bắt đầu nhu nhú đua nhau khoe sắc, ve sầu râm ran ngoài ngõ ca múa, có một bầy cá rủ nhau cùng vượt vũ môn.

 

Chúc Thanh

 

(Thành kính tưởng niệm bà hiệu trưởng Tăng Xuân An, nhũ danh An Thị Hợp, kính nhớ các giáo sư ở Mỹ và khắp nơi, thân thương thăm các bạn và da diết cùng nhau nhớ về trường nữ Trưng Vương của Sài Gòn năm xưa).

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ và trên toàn thế giới đang tiến tới một cột mốc quan trọng: 50 năm ly hương kể từ sau biến cố Tháng Tư Đen 1975. Nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện có liên quan đến sự kiện này. Tại đại hội điện ảnh Viet Film Fest 2024 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10, bộ phim đoạt giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất là New Wave của nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Bộ phim tài liệu này ghi nhận lại một hiện tượng âm nhạc quan trọng của thế hệ người Việt trong thập niên 1980s: dòng nhạc new wave. Thế nhưng bộ phim không chỉ dừng lại ở khía cạnh âm nhạc, mà đào sâu hơn vào mâu thuẫn trong những gia đình Việt Nam trong những ngày đầu định cư ở Mỹ.
Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.
Để ta cùng vượt thời gian, không gian. Một trăm năm nữa, nếu có cơ duyên hội ngộ, vẫn chuyện trò tự nhiên, vui vẻ, như từng gặp gỡ tự bao giờ. Vui vẻ, vì cả đời chỉ thích viết văn, làm thơ. Viết văn, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn cố gắng viết vui, cho bạn đọc đỡ nản. Nay tự nhiên lâm cảnh ngặt nghèo, phải đem chuyện vật lý, khoa học, Vũ trụ càn khôn, vừa nhàm chán vừa khó hiểu, ra trình làng… nên càng phải cố viết vui, viết giễu. Để may ra vớt vát được phần nào.
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.