Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

HỒI ĐÓ CÒN TRẺ

19/08/202200:00:00(Xem: 3201)
 
Ngoài đường trời nóng, nắng chang chang.

Trong tiệm nóng, quạt máy chạy ồ ồ.

Tiếng cười giỡn, tiếng đồ nghề đụng nhau lóc cóc, tiếng ghế kéo sột soạt.

Kim xề lại bên chị Ngà, tay vuốt tóc, miệng thở ra, rên:

- Hơơơơ... chán quá chị Ngà ơi. Em muốn bỏ nghề nầy cho rồi. Chị có thuốc nhức đầu hông cho em viên.

Chị Ngà ngước lên, nhăn mày:

- Sao vậy? nhức đầu hả? sao ngày nào chị cũng nghe Kim than nhức đầu. Có bịnh gì hông?

Kim thở dài:

- Đâu biết có bịnh gì hông. Ngày nào cũng đi làm thành ra đâu biết có bịnh gì hông.

Chị Ngà lục lục trong tủ, lấy hộp thuốc ra, vặn tới vặn lui, bực bội:

- Ai mà chế tạo ra cái nắp nầy khó mở thấy mồ. Nói là cách an toàn cho con nít hổng mở được. Hứ! mình mở còn hổng được, nói chi con nít?

Tuấn đằng kia nói vói qua:

- Ậy. Thế mà chị cứ giao cho con nít đi, nó sẽ mở ra liền một khi. Đưa đây em mở cho. Nà…y, chị phải vừa ấn xuống vừa xoay... đây nầy, có chữ viết dặn rõ ràng, không đọc rồi làm không đúng rồi thì ỏm tỏi lên, thế mới chết chứ... đây nầy, cần mấy chục viên?

Kim vừa lấy hộp thuốc vừa nạt:

- Đưa đây, hai viên. Vô duyên. Làm như voi vậy, thuốc mà hỏi uống mấy chục viên, cha nội, lảng nhách. Thấy ghét.

Chị Ngà nói bã lã:

- Ối. Thì tay của cậu mạnh hơn, tay tui yếu rồi.

Xoay qua Kim, chị nói:

- Uống đi. Ờ phải ăn miếng bánh gì vô hông thôi thuốc nó hành, xót ruột lắm.

Đợi Kim uống thuốc xong chị Ngà hỏi han:

- Ngồi xuống đây. Sao vậy? em bị nhức đầu thường thường hay lâu lâu mới nhức?

Kim lấy hai ngón tay chà chà lên hai bên màng tang, nhăn nhăn:

- Nhức hoài hà. Ở đây nhức, về nhà cũng nhức, ăn no cũng nhức, đói bụng cũng nhức, thiệt chán ghê....

Vinh rề rề lại gần, ngó cô vợ, vẻ mặt lo lo thấy rõ:

- Ờ chị ơi lúc nào cũng nghe Kim than nhức đầu, hổng biết có bị gì hông chị?

Chị Ngà cười:

- Hỏi ngộ! tui là thợ làm tóc chớ có phải là bác sĩ đâu mà hỏi bịnh vậy cà.

Vinh cười:

- Hổng phải. Tại em tính chị lớn nhứt chị có kinh nghiệm sống hơn tụi em, nhứt là chị ở trong nghề lâu năm hơn tụi em, chắc chị rành hơn tụi em.

Chị Ngà nói:

- Ừa. Để coi, gì mà tụi em tụi em một hơi vậy? Ừa, tụi bây nói cũng có lý. Cái vụ nhức đầu nầy tui nhớ là có đọc trong một tin tức trên báo có đoạn nói về bịnh nhức đầu. In là mới đọc, để tui soạn lại đống báo coi có còn hông.

Vừa nói chị vừa đi lại bàn soạn soạn đống báo. Chị la lên:

- Đây nè. Trong nầy có bài nói về bịnh nhức đầu nè.

Vinh, Kim cùng hỏi:

- Đâu đâu... ủa, báo nầy tiếng Anh, làm sao em hiểu.

Chị Ngà nói:

- Khải, Tuấn, người nào ở không, đâu dịch bài nầy cho chị em nghe coi.

Khải nói:

- Để em xem.... À, cho em đọc trước lấy ý rồi em dịch cho các chị nghe nhé.


Nói rồi Khải cầm tờ tạp chí đem lại bàn của mình và ngồi xuống đọc.

Đằng nầy chị Ngà hỏi nhỏ Kim:

- Hay là...tháng nầy…có chưa?

Kim trả lời:

- Rồi chị. Hổng phải có bầu đâu chị à. Em bị bịnh nhức đầu nầy lâu rồi, trước khi có chồng lận. Hồi đó thì ít, càng ngày càng nhiều.

Thanh xen vô:

- Ừa. Chuyện dễ hiểu. Hồi đó còn trẻ còn mạnh, mình lướt bịnh, bây giờ lớn tuổi hơn, yếu hơn, bịnh nó vật lại mình. Hay là muốn nhõng nhẽo với ông Vinh? Chaaa... Nghe bà than sao giống cô đào hát cải lương quá.

Chị Ngà nói:

- Nhỏ nầy xéo xắc! Kim à, nghe hỏi nè, bịnh thì uống thuốc, nhức đầu sơ sài thì chữa ở nhà, bịnh nặng nữa thì đi bác sĩ, liệt giường liệt chiếu thì chở vô nhà thương, có gì mà nói là chán nghề nầy quá? Sao mà chán? Nói nghe coi.

Kim cũng còn thở ra, vẻ mệt mỏi:

- Chớ ngày nào cũng cầm cây kéo cắt xọc xọc, ngày nào cũng quấn tóc, ngày nào cũng hửi ba cái mùi thuốc uốn tóc, ngày nào cũng hửi ba cái mùi thuốc nhuộm, ngày nào cũng phải ngọt ngào chìu chuộng khách hàng, ngày nào cũng làm tới mờ hai con mắt, ngày nào cũng nhức mỏi đau lưng đau chưn đau tay đau dạ dầy đau…ơ…dây chằng, chán quá chị ơi. Phải chi hồi đó em học nghề cô giáo, hay nghề đếm tiền ở nhà băng. Người ta tới đây cho mình làm đẹp, mình làm cho người ta đẹp còn mình thì, mặt mày mét chằng hai bàn tay sứt mẻ đi đâu cũng phải dấu dấu... hooơ... chán thấy mồ!

Chị Ngà cười:

- Xời. Mới mấy năm. Xời. Đánh chút phấn thoa chút son thì sao mét chằng? Móng tay sạch sẻ sơn nước bóng thì sao phải dấu dấu?  Tui đây đứng đủ hai chục năm. Tui đây hửi mùi thuốc uốn tóc, đủ 20 năm. Đau lưng đau tay đau chưn đau cùng mình, đủ 20 năm mà chưa than. Nè nghe tui nói nè mấy cậu mấy cô. Dù sao tui cũng đi trước quí vị vài... chục năm, lấy kinh nghiệm ở đời nói chuyện chơi nè, nghề nào cũng có cái tốt cái xấu cái hay cái dở... Đặng nầy mất kia mờ. Mình làm thợ xử dụng tay chưn thì đau tay đau chưn, người làm nghề thư ký thì đau... mông vì ngồi nhiều quá, bụng phệ ra, đau cần cổ, đau vai. Người nào gõ máy điện tử nhiều thì đau đầu ngón tay, đau tim, người đứng đi nhiều thì chai bàn chưn long đầu gối... Nói tóm lại, ai cũng khổ sở vì nghề nghiệp hết á. Vậy thì, tại sao khổng nhớ hà.  Nghề nầy đã nuôi sống mình bao năm nay? Sao lại muốn bỏ nghề hả Kim? Vợ chồng bây có gì lục đục hay không?

Vừa lúc đó khách ào vô ba bốn người, chưa ai kịp trả lời, chị Ngà hối:

- Thôi thôi ra lãnh khách, chút nữa nói tiếp.

Thế là ai nấy vô phận sự, quên cha nó, ba cái vụ nhức đầu nhức cẳng nhức chưn, vì tới giờ là xách bóp về cho lẹ, còn cơm nước nữa.

Ái cha a a ./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước hết, chúng ta thừa hưởng một nền văn hóa phụ hệ. Người đàn ông nắm hết quyền hành và đàn áp đàn bà theo ý riêng. Những thế hệ trước năm 1950, hầu hết đàn bà Việt là nô tỳ cho đàn ông, một loại nô lệ tự nguyện theo truyền thống và có thể bị hành hạ nhiều hơn nữa, nhưng không được xã hội, chính quyền bênh vực. Về sau, nhờ du nhập văn hóa, văn minh tây phương và bộ luật gia đình thời đệ nhất cộng hòa, người đàn bà Việt mới trút bớt gánh khổ bị áp bức, tuy nhiên, tinh thần tự nguyện nô tỳ vẫn hiện diện trong huyết mạch của những thế hệ trẻ, kéo dài qua hải ngoại, cho dù nơi đây tôn trọng phụ nữ bậc nhất.
Nghe họ nói chuyện với nhau thì hiểu ra. Nhóm phụ nữ này hầu hết hơi phúng phính nên họ đã tạo ra một trò chơi vừa vui vừa có ích, họ mang vô sở cái cân và mạnh ai nấy leo lên cân rồi ghi số cân vô sổ. Họ mở ra một cái quỹ, mỗi tuần mỗi người góp vô quỹ 5 đô la rồi bắt đầu ăn cữ ăn kiêng, tới cuối tháng, người nào sụt số cân nhiều nhứt sẽ được thưởng số tiền gom chung đó, rồi họ bắt đầu góp tiền cho tháng tới. Họ làm sao mà giống giống như chơi hụi mở hụi khui hụi góp hụi vậy ta.
Hiểu biết về màu sắc làm nền cho nghề nghiệp thẩm mỹ, đặc biệt trong công việc trang điểm và nhuộm, tẩy tóc; ví dụ như: Màu đỏ dự phần vào đời sống con người qua máu và lửa. Chúng ta cũng nhận xét rằng những người thời xưa đã kết hợp màu đen với bóng đêm, và màu vàng cho những ngày tươi sáng. Màu trắng tượng trưng cho sự trinh trắng, trong khi màu tím chỉ được dùng trong giới trưởng giả mà thôi.
Có những chiều thu vương nắng cuối thôn …mùa thu đã về trên bầu trời thênh thang mây, mùa thu về với những chiếc lá nâu vàng thay nhau đổi màu, mùa thu về trên vai áo nâu non, tóc mùa thu cũng nâu vàng theo nắng thu rất vội. Mùa thu chỉ vừa mới chớm.
Tối qua ngủ được, sáng sớm chị Ngà thức dậy, khỏe khoắn, lòng vui vui. Đứng lên quơ tay quơ chưn, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Hai cánh tay dơ lên cao khỏi đầu, hạ xuống ngang vai, rồi khỏi hông. Hít thở vài cái. Một hồi.
Đường nâu + sữa = hợp chất tẩy da chết cho toàn thân thể. Da-ua + mật ong = dưỡng chất dành cho da nhạy cảm (sensitive skin) và da hay bị ửng đỏ
Chúng ta thường đi bộ, nhiều người thích đi bộ. Từ đi bộ trong nhà, cho tới ngoài đường, chợ búa, mua sắm, trong sở làm v…v…như là một sinh hoạt tự nhiên. Đi bộ thực ra cũng là một môn thể thao chậm, kiểu “Low-impact”. Đi bộ vừa thong thả tự do, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn rất tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp cho cả hai phái nam và nữ.
Phần mái ở trước trán (bang), nhiều bạn gái thích cắt ngắn, trông nhí nhảnh trẻ trung, nhất là khi cột tóc đuôi ngựa. Nhưng phần tóc nầy mọc ra dài rất nhanh, chúng ta nên tập tự cắt lấy, để khỏi phải chạy ra tiệm chỉ để cắt chút xíu ở phần tóc nầy, vừa mất thì giờ lại tốn tiền.
Nè mấy người, ai muốn học gắn lông mi từ sợi từ sợi y như lông mi thiệt hông tui dạy tính rẻ, lấy vốn đồ nghề lại coi. Thu chanh chua càng nói càng lớn tiếng: Xời ơi bà nầy, vừa vô ơn vừa bòn. Trong túi có chín đồng, cố ngó quanh quất xung quanh coi có lòi ra thêm một đồng nào đâu đó đặng bỏ vô túi. Chẵn mười đồng!
Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.