Cuốn Chí Phèo, thật ra, là hồi ký của một gã nông dân bị tha hoá trong một xã hội thối nát. Nam Cao chỉ là người chấp bút. Tôi không cần ai viết giùm. Tôi có thể tự viết. Viết, ở đây, là việc làm hoàn toàn có tính cá nhân, một tiếng nói của cái tầm thường. Tôi tưởng tượng: Một ngày nào đó, tâm hồn thật thanh thản, hết những tranh chấp trong/ngoài, quốc/cộng, người ta sẽ nhìn lại mấy chục năm văn học hải ngoại. Sau khi đọc những bài thơ hay, những cuốn tiểu thuyết lớn, hẳn có lúc người ta sẽ nảy chút tò mò muốn tìm hiểu những cái tầm thường chung quanh đời sống văn học: Lúc ấy cuốn sách này sẽ lên tiếng.
Trong lãnh vực văn học, mọi nỗ lực khái quát hoá và phạm trù hoá đều trở thành bất cập. Với văn học lưu vong, vốn nằm trên những biên giới, chịu nhiều tác động từ bên ngoài, lại càng dễ bất cập. Ở đó, mọi tự sự đều là những tiểu tự sự. Những tiểu tự sự ấy lại phân tán. Như những tia nước bắn tung toé, không tụ lại thành dòng. Để tìm hiểu, người ta phải nhặt nhạnh từng giọt. Từng giọt.
Từng cái tôi lửng lơ.
Những cái tôi lửng lơ ấy thường im lặng. Giới cầm bút Việt Nam ít viết hồi ký. Ở hải ngoại càng ít viết. Cuốn sách này được viết với một tham vọng duy nhất: Ghi lại những cái tầm thường nhất trong đời sống văn học, từ chuyện làm báo đến viết sách, từ chuyện nhuận bút đến tiền bản quyền cho các cuốn sách tiếng Việt và tiếng Anh. Quan trọng nhất, nó ghi lại những thao thức và trăn trở, thường nhuốm vị ngậm ngùi, của một cây bút sống và viết ở một nơi xa lắc ngoài quê hương.
Sự ngậm ngùi bàng bạc trong cả cuốn sách, nhưng không chừng rõ nhất là ở đoạn kết:
“Phần tôi, mặc dù sống ở ngoại quốc đã gần 40 năm, vẫn chủ yếu viết bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là quê hương của tôi. Các thứ tiếng khác chỉ là những cõi lưu đày, ở đó, tôi không có quá khứ, cũng không có họ hàng. Tiếng Việt còn là thân thể của tôi. Khác với tất cả các ngôn ngữ khác mà tôi biết, cảm xúc của tôi đối với tiếng Việt, và chỉ với tiếng Việt, là những cảm giác mang tính vật lý, thậm chí, nhục thể để tôi có thể run lên với chữ, phập phồng thở với từng thanh bằng thanh trắc. Viết tiếng Việt, với tôi, là tham gia vào một cuộc giao hoan. Lặng lẽ và cô độc.”
Nguyễn Hưng Quốc
***
Sách do Lotus Media xuất bản và phát hành toàn cầu trên Amazon.com
- 1. MỞ: Sống và viết như những người lưu vong
- 2. Đường vào văn học
- 3. Lộc văn
- 4. Làm báo và xuất bản
- 5. Viết sách
- 6. Những cuộc bút chiến
- 7. Đời đi dạy
- 8. Bạn văn
- 9. Không được nhập cảnh vào Việt Nam
- 10. Lại bị cấm nhập cảnh
- 11. ĐÓNG: Vấn đề bản sắc của người cầm bút lưu vong