Trên một con đường lồi lõm đá chai cứng
Tôi gặp một cô bé
đang cõng cậu em thơ dại
“Bé con ơi
Con đang vác gánh nặng quá”
Cô bé lặng nhìn tôi và nói
“Ông ơi, có phải gánh nặng đâu
Đây là em trai con mà!”
Tôi sững sờ
Và lời của cô bé
Khắc sâu trong tâm
Rồi khi loài người mang khổ đau đè nặng trên vai tôi
Nghị lực đã rời xa tôi
Câu nói ấy lại vang lên
“Có phải gánh nặng đâu
Chỉ là em của ông thôi mà”.
(Theo motspositifs).
*
Câu chuyện của cô bé học trò lớp Đệ Tam Yersin
(Chuyện thật từ lời kể của một thầy giáo cũ)
Sau khi đọc đoạn văn trên của em, tôi nhớ đến câu chuyện thật của tôi sau đây, về số phận của một học trò lớp Đệ Tam A. Đó là câu chuyện mà khi trở về Pháp tôi kể nhiều lần nhất. Mỗi lần nhớ lại khoảng thời gian tôi ở Việt Nam là tôi lại nhớ đến chuyện của một cô học trò lớp Đệ Tam A mà tôi không hề biết tên, thậm chí cô họ gì tôi cũng không biết. Đó là thời gian nhập học lúc tôi dạy năm thứ nhì ở trường Yersin, Dalat. Lớp Đệ Tam Văn Chương, gồm có 54 học sinh đã ghi danh và hiện diện trong lớp. Tôi không thể nhớ tên các em trong thời gian ngắn ấy được.
Vào kỳ nghỉ Giáng Sinh năm ấy, tôi phải lấy máy bay để đến các đồn điền ở DakLak, đó là phương tiện duy nhất để đến Ban Mê Thuột. Ở phi trường Liên Khương Dalat, trong khi chờ đến giờ lên tàu, có thể kéo dài hàng giờ, vì lý do phải nhường ưu tiên cho các chuyến bay quân sự, nên các chuyến dân sự phải kiên nhẫn chờ để cất cánh, một cô gái đã đến chào tôi, và khi nhìn vào ánh mắt ngạc nhiên của tôi, biết rằng tôi không nhận ra, cô ấy vội xin lỗi và nói rằng cô chỉ học lớp của tôi trong thời gian rất ngắn, ở lớp Đệ Tam có học cổ ngữ, và sau đó cô phải nghỉ học để chăm lo cho các em của mình từ khi mẹ cô qua đời.
Biết rằng chờ chuyến bay rất lâu và chán, cô bé ân cần mời tôi đến nhóm bạn của cô ấy để nói chuyện cho vui. Cô kể rằng gia đình có sống trong một ngôi làng xa thành phố Đà Lạt, cả nhà nhờ vào hoa lợi của một xưởng cưa nhỏ để mưu sinh, nhưng rồi cha mẹ cô đều đã mất nên cô phải quán xuyến xưởng cưa để các em trai và gái của cô có thể tiếp tục đi học ở trường trung học Yersin; cô bé con kể tên các học trò trong lớp của tôi mà tôi không thể nhớ tên hết được, nhưng tôi không hề nghi ngờ về tính xác thực của những điều cô nêu ra. Bỗng dưng gương mặt của cô bé hiện ra trong tâm trí tôi và tôi nhớ lại cô bé đã có lần yêu cầu tôi một điều.
– Có phải em là người đã yêu cầu tôi nói chậm hơn một chút vào đầu năm học, đúng không?
– Dạ thua thầy đúng rồi. Đáng lý ra em không nên nói như vậy. Em xin lỗi đã tỏ ra bất lịch sự với thầy.
– Không sao đâu, em đã làm đúng và tôi có lời khen em đã tỏ ra can đảm đưa tay lên để yêu cầu một việc thật hoàn toàn chính đáng.
Tôi đã nhớ lại lần em phát biểu hôm đó và đã trấn an em rằng học trò có quyền đặt câu hỏi hoặc cho thầy cô biết về những khó khăn để tiếp thu bài học, mà tôi không thú nhận với cô rằng lúc còn ngồi ghế trung học, tôi đã là một chuyện gia đưa tay phát biểu, trong những giờ học vật lý, bởi vì tôi là một đứa rất chậm hiểu bài giảng của thầy.
Được nói chuyện với cô bé thật là thú vị khi phải chờ máy bay trong hơn hai tiếng, và thời khắc đã trôi qua rất nhanh đến nỗi tôi thật tiếc nuối sao thời gian không kéo dài thêm nữa. Khi loa phóng thanh thông báo lên tàu, cô ấy và tôi phải chia tay. Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại cô bé bởi vì cô đã không còn đến trường nữa.
Sau biến cố Tết Mậu Thân 68, và trường lớp đã sinh hoạt trở lại, tôi lại gặp cô bé ở khu Hòa Bình Đà Lạt, và cô lại lễ phép đến chào tôi. Lần này thì tôi nhận ra cô bé ngay và hỏi thăm về gia đình cô, nhất là tôi rất lo âu không biết họ có bị tổn thất vì diễn biến phức tạp của thời sự hay không. Cô trấn an tôi và nói rằng họ không bị ảnh hưởng và các em của cô vẫn đến trường Yersin. Cô hỏi thăm tôi rất kỹ càng về tình trạng của tôi, vì người nhà cô đã cho biết về tất cả những khó khăn mà tôi phải đương đầu từ sau cuộc dội bom xuống khu Pasteur tôi ở, phá hủy căn nhà, và việc tôi đã mất hết toàn bộ những vật dụng cần thiết của tôi. Cô ấy xin lỗi khi biết đất nước của mình là nguyên do gây nên những phiền nhiễu cho tôi và trong ánh mắt buồn não của cô tôi đã nhìn thấy sự cảm thông chân thật cho tất cả những thầy cô từ Pháp qua, nạn nhân của biến cô. Cô bé thật vui tươi, trên môi luôn nở nụ cười, làm lây lan không khí chan hòa khiến cho vài phút nói chuyện với cô sẽ làm cho tinh thần bạn phấn chấn lên ngay tức khắc.
Rồi tôi gặp lại cô bé lần cuối cùng ở bưu điện và cô lại đến chào tôi. Nhưng lần này tôi rất ngạc nhiên: Tôi nhận thấy bụng cô tròn tròn, và khi thấy tôi nhìn điều khác lạ ấy cô vội vàng nói:
– Da, như thầy nhận thấy, em sắp có em bé và đại gia đình của em sẽ lớn thêm ra. Em rất hạnh phúc, thưa thầy ạ.
– Tất nhiên rồi em, đây là một sự kiện rất vui và thầy chúc mừng em, mong rằng mọi việc sẽ diễn biến suôn sẻ khi bé chào đời, đó là lúc nào vậy em?
Cô bé nói vào khoảng cuối tháng Năm, đó cũng là ngày tôi sẽ trở về Pháp và khi tôi thông báo cho cô biết điều này, cô bảo rằng các em của cô sẽ rất tiếc nhớ tôi.
Sau đó chúng tôi tạm biệt nhau. Không lâu sau khi gặp lại cô bé lần ấy, khi tôi trở lại lớp học, trò Mạc Tích Hào đến chào tôi và tỏ ra ngạc nhiên làm sao tôi có thể quen được cô học trò chỉ học vài tuần ở lớp Đệ Tam A. Tôi giải thích rằng chỉ có sự ngẫu nhiên đã khiến cô ấy gặp tôi và cô luôn luôn lễ phép đến chào hỏi tôi. Cậu học trò hỏi tôi có biết lý do vì sao cô ấy bỏ học không. Vừa thấy cô ấy đang mang thai, tôi trả lời rằng có lẽ đó là nguyên nhân cô phải nghỉ học, mặc dù tôi không biết cô ấy đã có gia đình.
– Không đúng đâu thưa thầy. Cô ấy vẫn còn độc thân.
Tôi chẳng hiểu tí gì cả.
– Vậy thầy không hề hay biết về thảm kích của gia đình cô ấy sao?
– Không, tôi không biết gì cả!
Và rồi cậu kể cho tôi nghe rằng hai năm trước đây, cha cô ấy là đại biểu của thôn làng đã bị bọn Việt Cộng xét xử vào một đêm nọ, bị toà án nhân dân kết tội và bị hành quyết ngay trước mắt gia đình ông. Vợ ông ấy đã phải tiếp tục quản lý xưởng cưa để các con có thể tiếp tục việc học ở những trường tư thục của Pháp. Thế nên con gái lớn của họ đã vào học lớp Đệ Tam của tôi. Kế tiếp, ba tuần sau ngày nhập học, bọn cướp đã vào tấn công xưởng cưa vào ban đêm để cướp tiền bạc. Chúng hãm hiếp người mẹ, rồi lại làm hại luôn cả đứa con gái lớn; khi người mẹ tìm cách can thiệp thì bị chúng giết. Và để bồi thêm cho nỗi khốn khổ ấy, thật không may khi cô bé đã mang thai vì sự hãm hại của bọn chúng.
Tôi đứng sững, kinh ngạc không vì câu chuyện thảm thương về số phận của cô bé, vì tôi đã biết bọn cướp gồm những kẻ đào ngũ từ các quân đội đang xung đột hung hãn như thế nào khi chính tôi đã từng chứng kiến cảnh chúng xâm nhập vào nhà một chủ đồn điền ở Lâm Đồng vào một buổi tối, bọn Việt Cộng đã giết cả gia đình. Nhưng vì tôi không bao giờ cảm nhận được rằng cô bé đã chứng kiến và là nạn nhân của chừng ấy thảm kịch mà không tỏ lộ bất cứ điều gì, và tôi đã được an ủi khi phải chờ đợi chuyến bay lâu như thế, được cô bé kể về các em của cô trong những lớp học khác nhau, rồi cô bé lại lo âu cho những thầy cô người Pháp sau khi gặp bao nhiêu vấn đề vì cuộc tấn công năm 68, trong khi chỉ với tuổi đời 17 cô đã phải nhận trách nhiệm nuôi dạy bốn em gái và hai em trai.
Và giờ đây, mỗi khi tôi có nỗi u sầu, tôi không thể nào không nghĩ đến cô bé và phương cách cô đã vượt qua từng ấy thử thách bằng thái độ tích cực. Tôi luôn tự nhắc nhở mình, những mối bận tâm nhỏ bé hằng ngày của tôi, cho dù nghiêm trọng thế nào cũng chẳng đáng bao nhiêu so với những gì cô ấy đã gánh chịu và đau khổ.
Khi tôi kể lại chuyện này để mọi người giải thích về những khó khăn họ phải gánh chịu, thì được biết rằng đối với người Châu Á, chịu những điều như vậy là bình thường vì họ theo thuyết định mệnh của truyền thống Phật giáo. Tôi không biết điều này có giải thích được thái độ kín đáo và can đảm của cô học trò trẻ kia không, nhưng tôi thật khâm phục cô ấy vô cùng. Cử chỉ của cô ấy sẽ luôn tồn tại mãi trong tôi như một tấm gương về nghệ thuật sống, của người không nhắm vào việc làm người khác bực bội vì những khổ đau của chính mình mà tự giác can đảm chịu khổ, không oán thán vô ích.
Cuối cùng, chính cô học trò đã cho thầy giáo của cô một bài học có phẩm chất rất cao về nghệ thuật sống, và đối với tôi, bài giáo huấn của cô có giá trị gấp nhiều lần so với tất cả những bài học về sử địa mà tôi có thể mang đến cho cô bé.
– Tháilan dịch từ lời kể của thầy Michel Michaut, thầy giáo trường Yersin Dalat.