Quê hương và lục huyền âm Nguyễn Lương Vỵ
Lê Giang Trần
.
Từ trái qua phải : Họa sĩ Nguyễn Đại Giang, và các nhà thơ Ngô Tịnh Yên, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ, Trịnh Thanh Thủy.
.
I. Quê hương và thi nhân
Quê hương là một nơi chốn, một “thổ ngơi” đặc biệt in sâu trong lòng thi nhân. Điều này ai từng yêu thơ, đọc thơ, thưởng thức thơ đều nhận thấy, từ thơ Đường thời xưa của người Trung Hoa đến thơ văn cổ đời Ngô, Lê, Trần Lý của Việt Nam, đến thi ca tiền chiến hay cận đại của hai miền Nam Bắc VN; Rồi đi xa hơn, bước vào thế giới thi ca của phương Tây, vẫn bắt gặp những bài thơ về quê hương của thi nhân thật dạt dào tình ý, như thể hiện đậm nét nhất là trong tập thơ “Lá Cỏ” / “Leaves of Grass” của thi hào Watl Whitman.
Tại sao nói về thơ của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ (NLV) lại trước hết đề cập đến hai chữ “quê hương”? Vì tập thơ“Tám Câu Lục Huyền Âm” của ông, tôi chú ý thấy có nhiều hơi hướm hương quê và quê hương, qua chữ nghĩa cô đọng, rất Việt Nam, rất thơ, rất văn chương của nhà thơ. Điều đáng lưu ý là việc nỗ lực sử dụng chữ thuần Việt, tránh tối đa mượn chữ Hán-Việt, đòi hỏi người phải sành sỏi tiếng mẹ đẻ, còn gọi là quốc âm hay quốc ngữ, đã là chuyện khó; nhà thơ còn làm chuyện khó hơn, sáng tạo những bài thơ này trong khuôn “Sáu chữ và Tám câu”, một thể thơ chưa thấy có ai làm!
Đó là NLV chọn một cõi riêng, một biên thùy riêng, một thổ ngơi thơ riêng để đi về. Chọn lựa riêng một biên thùy, Bùi Giáng nói rất đã: “Sao bằng riêng một biên thùy / Cõi điên vũ trụ tùy nghi tung hoành” [bài Sao Bằng / BG]. Tuy nhiên tung hoành, đi về trong cái gọi là cõi điên của thi nhân không giống phàm nhân, hãy nghe Bùi Giáng tâm sự với NLV: “Đại ca biết không, trẫm tưởng điên là vui mà té ra càng điên càng buồn!” Nghe câu này, NLV đã ứa nước mắt cảm thương cho Bùi Giáng, một thi nhân nhất quyết một lòng ở lại sống chết trên quê hương của mình. Cái cõi biên thùy riêng, cái cõi tùy nghi tung hoành và đi về của thi nhân được BG nhấn mạnh: “Đi về với gió phù du / Mở trang trí huệ cho mù sa bay” [bài Đi Về và Trăng Châu Thổ / BG].
Đại thi hào Nguyễn Trãi (1380–1442), cách nay hơn 630 năm, đã viết “Quốc Âm Thi Tập” thuần Nôm. Nôm là chữ Việt thời xưa do chính người Việt ta sáng tạo ra, tuy áp dụng theo mẫu dạng trông giống như chữ Hán nhưng lại đọc ra “Tiếng” của nước Việt, vì thế gọi là chữ “Quốc Âm”. Dạng mẫu tự quốc ngữ này người Hán nhìn vào mù tịt. Nguyễn Trãi dùng tiếng Nôm làm thơ với dụng ý nói lên lòng yêu nước, chỉ sử dụng tiếng nước mình chứ không dùng tiếng Hán của ngoại bang. Đây là tập thơ chữ Nôm xưa nhất còn tồn tại cho đến ngày nay, được xem là một cuộc “cách mạng” trong thơ Việt thời bấy giờ, đến nay đọc lại, kẻ hậu bối thời nay còn phải cúi đầu bái phục. Trong thi tập nầy, Nguyễn Trãi có những bài lục ngôn phá thể lừng danh, cụ thể như bài “Thủ Vĩ Ngâm (bài 1)”:
Góc thành Nam lều một gian,
No nước uống thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn dường ai quyến,
Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá,
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn.
Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải,
Góc thành Nam lều một gian.
Bài thơ trên là lục ngôn, nhưng phá thể ở các câu 5, 6, 7 thành thất ngôn (bảy chữ), tuy nhiên vẫn giữ đối ở cặp câu 5-6, câu cuối thứ 8 kết bằng lục ngôn (6 chữ).
Trở lại “Tám Câu Lục Huyền Âm” của Nguyễn Lương Vỵ, ông không phá cách, mà tuyền là 6 chữ 8 câu (lục ngôn bát cú) trong một bài thơ, đối câu hẵn hoi ở hai cặp đôi 3-4, 5-6. Tôi cho đó là việc làm sáng tạo táo bạo một thổ ngơi Thơ riêng cho mình của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ, đồng thời nói lên nhã ý kế thừa bậc tiền bối Nguyễn Trãi mà ông luôn kính trọng. (Tôi sẽ đề cập thêm trong phần sau).
Thổ ngơi Quê Hương mà tôi nhìn thấy trong thơ Nguyễn Lương Vỵ, quê hương ấy là một “nỗi đau”. Vì sao? Đó là quê hương được nhận diện khi ông trở về thăm lại quê cha đất tổ. Quê hương từ cái nhìn bằng tâm thức thi nhân. Quê hương ở hiện tiền mà nếu lùi lại nhìn ngắm theo dòng lịch sử, quê hương ngày nay là một nỗi đau của dân tộc, một niềm tủi hổ đối với các quốc gia tự do nhân bản thăng tiến ngoài thế giới. Quả thật là “đứt ruột bầm gan,” đến nỗi “chỉ biết đưa tay vuốt mặt”, “ém trong ngực một tiếng thét”, “Đù Má! Đứt ruột bầm gan”… Sâu kín trong tất cả những gì ông bắt gặp, tiếp xúc, trở về, suy nghĩ, hồi nhớ… dường như đều mang một nỗi đau buồn khó tả. Vì thế, khi đọc những bài thơ Lục Huyền Âm của ông, tinh tế mới nhận ra những tiềm ẩn mà ông gởi gấm trong đó, tiềm ẩn đó như là nỗi sầu bao la, heo hút, thê lương, đìu hiu, hiu hắt… dù có khi ông tỉnh bơ, cười cợt hay tung hê bất chấp.
Cái đau này không chỉ riêng đối với một thi nhân như ông, bản thân tôi cũng có niềm đau ăm ắp. Cái đau nhất, vô lý vô cùng nhất, là mình có quê hương mà không được ở trong quê hương ấy. Sau bao chục năm phải ra đi vì biến cố lịch sử 1975, niềm ao ước được trở về sống chết trên quê cha đất tổ, rồi ra chỉ là ảo vọng, huyễn ước. Cho nên tôi hay chú ý xem, ngoài tôi ra, có những thi nhân nào có chút tình với quê hương không? thì không đâu xa, thấy ngay Phạm Công Thiện là người rời bỏ quê hương, sự ra đi hay rời bỏ mà ông đã tự ví hành vi đó của ông giống như “con trường giang mọi rợ, khi chảy khi bay”, nhưng đừng bảo là trong lòng ông, một người tưởng chừng “không còn cần thiết” phải biết quê hương là gì nữa, lại không có hình bóng quê hương. Nên biết là đối với những nhà tư tưởng lớn họ không câu chấp vào ý nghĩa biên giới hạn hẹp. Trong bài thơ “trường giang mọi rợ” của ông, tôi đã thấy có nhiều địa danh quê hương được ông nhắc đến, xin trích vài câu thơ sau đây:
con sông Cửu Long chảy từ thượng tứ
Mỹ Tho buồn thây chết trôi sông
…
khi thượng đỉnh đìu hiu khi trác táng đến tận màn sân khấu
vẫn nhớ những buổi hát bội quê nhà
kèn trống cải lương đứa con nít ngó cô đào trang điểm
…
biển Nha Trang trời sinh cát hạ
đọc thơ Ba Tiêu cho Quách Tấn nghe
…
bồ câu buồn gáy lại năm xưa
mái chùa cũ Đà Lạt chiều tận thế.
Đó là chưa kể sau này khi một bọn bạn chúng tôi sống gần gũi thân tình với ông, càng khám phá ra ông thường xuyên nhớ về quê nhà qua những lời kể chuyện hay hồi niệm của ông về xứ Mỹ Tho, về ngôi chùa ở Đà Lạt khi ông vào ở để tu tập Phật pháp. Lúc nhà cầm quyền VN mở cửa mời Việt kiều về thăm quê hương, cứ thỉnh thoảng ông lại muốn về VN mới chết chứ! Cuối cùng ông chỉ đành “yêu quê hương qua màn ảnh nhỏ”.
Thi sĩ Bùi Giáng là người tử thủ ở lại với quê hương, chính ông là người nảy sinh mối đau lòng hơn ai cả, vì ông chứng kiến từng ngày một những đổi thay quái dị quái đản trên quê hương. Ông làm bài thơ “Quê hương hôm nay” với hai câu đầu: “Xuân xanh về giữa sơn hà / Bây giờ cố quận tên là dựng xây” đã thấy chua xót trong hai chữ “dựng xây” và ông diễn tả cái đau về nhiều thứ, qua bài thơ “Cố Quận”, xin trích vài câu dưới đây:
Niềm vui cố quận lênh đênh
Niềm đau khách địa qua ghềnh cồng chua
Niềm vui cố quốc chiền chùa
Niềm đau xa vắng giậy mùa trở cơn
Niềm vui bản thể xanh rờn
Niềm đau bản chất dập dồn huyền hoa
Niềm vui thao thiết gần xa
Niềm đau ở mãi mãi và tận đâu
…
Sau này, thi nhân lấy 2 câu đầu sửa lại làm bài thơ chỉ có hai câu, đặt tựa là “niềm đau”: “Niềm vui cố quận lênh đênh / Niềm đau nhớ nước qua ghềnh cồng chua”. (hai chữ “cồng chua” thật sự tôi không hiểu, nhưng chắc chắn không sai đả tự, vì ông đã dùng đến 2 lần).
Như đã nói, thi nhân là người nặng lòng với đất nước quê hương. Chính vì xúc động, cám cảnh như thế đối với thi hào Seamus Heaney của Ái Nhỉ Lan, người thi sĩ có tâm hồn đậm đà với quê hương, nên khi Seamus Heaney được trao giải Nobel văn chương năm 1995, Phạm Công Thiện đã hào hứng viết một tiểu luận về nhà thơ này, trong đó ông diễn tả tuyệt vời về thi ca của nhà thơ Seamus Heaney mang tính sắt son chung thủy với đất nước sơn hà của thi nhân, và về phẩm cách của thi sĩ nói chung, mà theo tôi, cũng là nỗi niềm sâu kín của ông đối với quê hương của mình, thổ ngơi mà ông vĩnh viễn không còn có dịp nào trở lại thăm thú. Ông nói mà dường như trúng phong phóc tấm lòng của Nguyễn Lương Vỵ:
“…đặc điểm nổi bật nhất của Seamus Heaney là khôi phục lại tính thể của “thiên nhiên”… qua sự linh hiện sống dậy của những linh địa quê hương, những hình ảnh và tiếng nói đồng vọng… từ sông hồ và đồi cao lũng gió, từ những cơn mưa bất tận… đến những làng mạc đìu hiu chiều tối… Đặc điểm sáng ngời nhất của thi ca Seamus Heaney là lòng sắt son chung thủy với đất đai, sơn hà, hải hồ của quê hương”.
Hãy đọc hai đoạn thơ của Nguyễn Lương Vỵ làm cho chính quê hương Quảng Nam của ông, để nhận ra tấm lòng đối với thổ ngơi sinh thành của thi sĩ:
GỬI QUOẢNG NÔM
V.
Đất Quoảng Nôm cổm thương nhiều
Chưa mưa đõa thấm… núa liều
Thương cho lắm rồi phọt phẹt
Nhớ cho hung rồi đẹt điều
Sân tâm hèn chi lứa dủm
Si tình nên phửa lộn lèo
Toang thương gió vùi mưa dập
Chiều chiều lựa nhớ chiều chiều…
VI.
Chiều mô rứa đó quê nhòa
Niên thiếu bây chừ trôi xoa
Cuống rốn còn rung đất mẹ
Mứa đầu vẫn rợp trời choa
…
Bài thơ này gồm 7 đoạn, và được tác giả chú thích: “Bài thơ nầy, lấy hứng từ hai câu ca dao:“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm / Rượu hồng đào chưa nhấm đã say…” Toàn bộ bài thơ được viết theo âm, giọng Quảng Nam (âm, giọng nầy, người viết đã ngấm sâu trong xương tủy, dù đã xa quê từ buổi thiếu thời), để riêng kính tặng người xứ Quảng Nam, xem như ân tình sâu nặng của tác giả đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.”
Rồi trong tập thơ mới “Năm Chữ Năm Câu”, sẽ phát hành vào đầu năm 2014, ông có thêm 8 bài lục huyền âm, trong số này vẫn có một bài thơ trở về thăm quê hương là bài “sương đồng bằng”, tuy ngôn ngữ nhẹ nhàng mà rào rạt tâm tình gởi gấm:
sương đồng bằng
1.
sương đồng bằng sương chiêm bao
trở về thăm nghe đất chào
nghe ruộng gọi nghe suối hát
nghe gà gáy nghe vịt khào
dõi mắt nhớ gò lau trắng
vòng tay thương bụi mía lau
thằng-bé-ta đang u mọi
vang chiều vang bóng hanh hao…
Hay đi ngược lại năm 2007, trong thi tập “Hòa Âm Âm Âm Âm…” vẫn bắt gặp tấm lòng đối với quê hương “nhà quê” của thi nhân qua bài thơ “Sử Lịch”, xin trích 2 đoạn:
Gió vu vơ nứt từng nhánh sông
Từng gương mặt bà con ẩn hiện
Từng cái chết là từng câu chuyện
Gốc rạ cằn đứt ruột trời xa
…
Chốn ta về là chốn Nhà Quê
Gắp vài đũa lùa theo nước mắt
Muối vẫn mặn âm vang mùa gặt
Gừng vẫn cay thanh sắc ca dao
…
Sài gòn đối với Nguyễn Lương Vỵ cũng không phải là một thổ ngơi hời hợt trong lòng ông. Trong quá khứ, khi từ quê nhà vào Sài Gòn, người thanh niên này phải vượt qua bao khó khăn bon chen nơi đô hội, quyết tâm học hành thành tài. Ngoài sinh nhai trong cuộc sống nơi thành đô, ông còn phải góp phần phụ giúp mẹ già và lo cho các em đang sống nghèo cực nơi quê nhà Quảng Nam xa xôi. Sau một quảng đời tha hương nơi xứ người, sực thấy mình không biết đang sẩy chân vào ngả đời nào nơi xứ lạ quê người, trên thổ ngơi tạm dung đời lưu vong luân lạc, với tâm trạng cô độc trong cái tháng lễ Chúa giáng sinh, cái tháng có một đêm lễ hội ấm cúng sum họp gia đình, làm cho thi nhân chợt phát sinh một nỗi nhớ Sài Gòn đầy kỷ niệm thấm thía. Xin dẫn vài câu trích trong bài thơ “Sài Gòn Nhớ Quá” của ông mần vào tháng 12 năm 2004:
Sài Gòn nhớ quá Nhan ơi!
Uống dùm ta ly bia bờ kè Nhiêu Lộc
Khạc dùm ta câu thơ trắng tóc trắng mây
Hát dùm ta một nụ cười phai nắng
…
Sài Gòn nhớ quá Nhan ơi!
Nheo mắt dùm ta những chiều say khướt
Đếm dùm ta ngàn năm sau trước
Bụi sinh linh vẫn rờm rợp bay về
Ngả Ba ngả Sáu ngả Một Ngàn Lẻ Một
Ngả đời ta sẩy bước nơi nao?!
…
Nhan, trong bài thơ trên là thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan, người bạn chí thân của ông. Nỗi buồn sẩy chân đến góc biển chân trời còn được nhìn thấy ông tâm sự trong bài “Hoài âm hoài” ở 4 câu cuối:
Hoài âm hoài góc biển chân trời
Đốt triệu bài thơ gởi đất chơi!!!
Liếm sạch cô liêu tiêu tán nợ
Ợ trào tiếng vọng của muôn nơi
Bước ra đời sớm sủa từ tuổi thiếu niên, bước đường đời của ông đầy chông gai, ngọt bùi, cay đắng, đã tôi luyện ý chí ông vững vàng và tâm hồn ông mở rộng bao la; Ông lại vào học tại đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, Phật pháp càng thấm nhuần càng thâm hiểu đạo Phật, hoát ngộ lẽ vô thường thế gian, tâm hồn thi sĩ của ông càng mông mênh trời biển hơn; Huống chi bây giờ là tâm linh của một thi nhân sống gởi cuộc đời lưu vong nơi đất khách, lẽ phù du càng làm cho tầng trí tuệ và lòng bi mẫn của thi nhân chín mùi, nói theo Tô Đăng Khoa là “tự mình bước tới bờ hương chín”. Nghĩa là NLV đã sang bờ bên kia của dòng sông thơ, đã đáo bỉ ngạn, đã bước lên bờ hương chín của tâm thức thi ca, thong dong, vô ngại.
Người Việt Nam gọi quê hương là “Mẹ Việt Nam”. Phạm Công Thiện đẩy lên cao hơn, ông gọi “Mẹ Quê Hương” là “Linh Mẫu Quê Hương”, là thổ ngơi linh địa mà ông cho là cái nơi bao gồm “trí nhớ vạn đại của truyền thống dân tộc, nơi chốn linh diệu, suối nguồn của mọi sáng tạo và của sự hồi phục nguyên khí bất diệt của sức mạnh tinh thần…” Ở trong tâm thức của thi nhân Nguyễn Lương Vỵ, tôi nhận thấy quê hương đối với ông cũng “linh thiêng” như thế, và vì Phạm Công Thiện đã diễn đạt quá tuyệt vời cái quê hương ẩn tàng linh diệu trong tâm thức của thi nhân, nên tôi xin mượn lời của PCT dành cho Nguyễn Lương Vỵ vậy. Nên biết thêm cho vui, chữ Linh-Mẫu và chữ Mẫu cũng được Bùi Giáng thi sĩ hay sử dụng trong thơ.
II. Âm trong thơ Nguyễn Lương Vỵ
Nguyễn Lương Vỵ, trong dòng thơ của ông, chữ được thường xuyên dùng đến là chữ “Âm”. Qua 8 tập thơ đã xuất bản của tác giả, hết 6 tựa tập có chữ Âm: Âm Vang Và Sắc Màu – 1991. Hòa Âm Âm Âm Âm… – 2007. Huyết Âm – 2008. Tinh Âm – 2010. Bốn Câu Thất Huyền Âm –2011. Tám Câu Lục Huyền Âm – 2013. Tô Đăng Khoa trong Lời Bạt viết trong tập thơ “Năm Chữ Năm Câu” cũng nhận thấy như thế: “Ông sống rất nặng tình với Thơ, với từng con Âm, con Chữ. Hầu như trong tất cả các tập thơ trước của NLV, chúng ta đều thấy có chữ “Âm” trong đó”.
Âm có một nghĩa bình thường là “tiếng nói”, “quốc âm” là “tiếng nói của nước nhà” đồng nghĩa với “quốc ngữ” là chữ của nước nhà, vì từ Âm hay Tiếng nói mới sinh ra chữ viết, ngôn ngữ, Âm ngữ là tiếng đọc phát ra của con chữ viết, là tiếng nói ra, Âm có nguyên âm và phụ âm. Nói theo kiểu triết lý của Phạm Công Thiện (PCT), “Thơ đâm chồi từ những chủng tự bí ẩn (bija), những nguyên âm và phụ âm linh thiêng xuất hiện u huyền từ Thai tạng của vũ trụ nguyên khai và Thời gian nguyên tiêu khẽ động”. Triết gia PCT cho biết thêm thêm: “T.S. Eliot đã đề cập khởi nguyên của sự sáng tác thi ca qua hình tượng về cái ‘phôi thai âm u’ (đã ảnh hưởng đến) vận hành luân chuyển của thi tứ. Hơi thở phập phồng của phôi châu thổi ra từ luồng sinh khí bao la cho sáng tạo thi ca trường cửu liên tục trong suốt quá trình và tiến trình thịnh suy của tiền đồ dân tộc”.
Thi sĩ Bùi Giáng trong bài thơ “Nguồn Thơ” của ông cũng có ý tương đồng, gói ghém trong hai đại danh từ “hồng hoang” và “hỗn độn”, bảo là:
Nguồn thơ lớn tuôn ra từ từng bước
Của lang thang người phiêu bạt giang hồ
…
Một định mệnh từ hồng hoang quyết liệt
tới hoang liêu từ hỗn độn miệt mài
…
(BG)
Nguyễn Lương Vỵ rất coi trọng chữ “Âm” cho nên ông gọi thể thơ 6 chữ riêng của ông là “Lục Huyền Âm”. Và hơn thế nữa, tập thơ này được ông trang trọng ghi xuống là “tri ân tiền bối Nguyễn Trãi” với bài thơ “Gửi Quốc Âm”, hai câu đầu: “Trọn đời thương nhớ Quốc Âm / Thơ sáng trưng theo tháng năm” và sau đó vào tập thơ bằng bài thơ:
DỐC TRĂNG CỐ XỨ
(Thay Lời Tựa)
I.
Nhớ quá dốc trăng cố xứ
Hít một hơi ứ thiên cao
Ruột gan tim phổi ngất ngứ
Hồn phách trí não phập phào
Đất trào huyết hoa bức tử
Gió vút máu đá vụt trào
Nếp trán vết hằn tâm sự
Dốc trăng khuyết đĩa dầu hao…
Bài thơ thay lời tựa để dẫn vào nội dung tập thơ đã tức khắc cho thấy tấm lòng ông luôn hướng về quê hương, mà quê hương đó sao lại làm cho ông có tâm trạng như ông diễn tả? Chính câu hỏi này của tôi đã làm tôi dọ dẫm từng bước vào thế giới lục huyền âm của thi nhân. Đầu tiên, tôi thấy ông trước hết dành sự tôn kính cho Nguyễn Trãi, nghĩa là tiềm ẩn có sự đồng thanh tương ứng nào đó giữa thi nhân với vị trung thần tài ba lỗi lạc, thanh sạch này. Tôi không ngạc nhiên chút nào, trước đó, trong thi phẩm “Hòa Âm Âm Âm Âm…” ông cũng đã có bài thơ “Hòa Âm Quốc Âm Nguyễn Trãi”, xin ghi lại vài câu để thấy thi nhân bao giờ cũng có một không gian trang trọng trong tâm thức dành cho vị đại trí lẫm liệt này:
Nhớ Ông Quốc Âm Nguyễn Trãi
Tình thư một bức mở xem
…
Nghe ông vuốt râu một cái
Nắng Côn Sơn chảy rất mềm
Máu một giọt chuông rền mái
Oan một trời không thèm rên
…
Nguyễn Lương Vỵ tế nhị gởi gấm điều gì đây, khi mở vào tập thơ lại đưa ra hình ảnh của Nguyễn Trãi? hay là đồng thanh tương ứng với Phạm Công Thiện khi PCT cũng tế nhị nói xa gần là “Hơi thở phập phồng của phôi châu thổi ra từ luồng sinh khí bao la cho sáng tạo thi ca trường cửu liên tục trong suốt quá trình và tiến trình thịnh suy của tiền đồ dân tộc”. Và Tô Đăng Khoa trong lời bạt, nói một cách thực tế thời đại hơn, gần gũi dễ nghe hơn: “Và tâm ý, kinh nghiệm sống đó lại được làm cho hiển lộ qua phẩm cách, lối sống hàng ngày của chính tác giả. Đó chính là nền tảng của một bài thơ hay và đẹp, tức là chính đời sống hàng ngày của người sáng tạo”.
Hầu hết những bài lục huyền âm của Nguyễn Lương Vỵ bắt đầu bằng hai chữ “mần thơ”. Ai cũng hiểu mần là làm, nhưng trong dòng thơ lục huyền âm, thi nhân dụng ý dùng chữ “mần” để nghe dân dã, tượng hình hơn và ngầm nói lên vẻ tinh nghịch dí dỏm. Đó là tác ngôn có dụng ý của tác giả. Người thơ Phạm Công Thiện đặt câu hỏi “Tại sao phải làm thơ? Tại sao người ta nói làm thơ, thay vì nói viết thơ? Phải chăng chỉ có thi sĩ mới làm thơ? Cái gì làm thi sĩ thành ra thi sĩ? Hiển nhiên là việc làm thơ. Cái gì làm thơ ra thơ?” Áy chà, trả lời những câu hỏi này không đơn giản chút nào! Tuy nhiên, hãy nghe PCT sau khi đặt thành vấn đề rồi ông tự trả lời:
“Thơ xuất hiện trước thi sĩ; Thơ chính là tiếng nói nguyên thủy của con người: thi sĩ được đẻ ra trong Thơ, nuôi dưỡng bởi Thơ và trưởng thành trong Thơ; thi sĩ chỉ được gọi là làm thơ; vì chính Thơ đã làm ra cái làm của thi sĩ; cái gọi là thi hứng hay cảm hứng chỉ là cách nói lên sự xuất hiện linh động toàn diện của Tiếng Nói uyên nguyên, thế lực vũ bão của nguyên âm và phụ âm trong lòng thu nhập sự im lặng vào tận trung tâm điểm ba động của vũ trụ và thế giới, của mặt đất và thiên thanh, của nhân và phi nhân, của chư thiên và quỉ thần, của biến động lịch sử và chấn động thiên địa. Thơ là cuộc đại ba lãng của hư không và vũ trụ…
Thơ làm cho nhà thơ nhìn thấy những gì kẻ khác không thể nhìn thấy được; thi nhân nghe được cái nghe bất động lắng sâu dưới sự ba động của âm thanh và vọt lên trên sự tịch lặng của vô thanh vô hưởng. Mỗi bài thơ là một thế giới nguyên sinh, linh ứng hiện hình và vang động nhịp nhàng với hồn thơ vạn đại… Sự hiện diện và hiện tính của bài thơ thay hình đổi dạng liên tục, chuyển âm, biến thanh, chuyển sắc lộ diện một cách mới lạ không ngừng; mỗi khi điệu được đồng, thanh được ứng, âm được hưởng, và hình sắc được ảnh hiện thì Thơ xuất hiện”.
Tôi mượn lời phát biểu trên của thi sĩ PCT để trang trọng dành cho dòng thơ và người thơ Nguyễn Lương Vỵ, vì tôi đã cảm nhận được như thế khi đọc năm lần bảy lượt những bài lục huyền âm của ông. NLV đã có một công lực xuất thần, nội công thâm hậu về quốc âm hay tiếng Việt trong võ công Thơ của ông, mà lời nhận định tuyệt vời của Tô Đăng Khoa trong lời Bạt tập thơ “năm chữ năm câu” tôi cho rằng là phát biểu chân tình, chính xác và khó ai có thể diễn tả hay hơn:
“Nếu tác giả không trải qua tiến trình nhiều năm tu Tâm tu Chữ, không “tự mình bước tới bờ hương chín”, thì sẽ không thể có được cái nội lực cần thiết để điều khiển văn tự chữ nghĩa, hay những con Âm, cơn dâng trào ý tứ, mà phơi bày chúng trong các tác phẩm của mình. Nói cách khác, tác giả nếu không thể chạm tới được cái “cõi mật” thì làm sao có thể đưa cái tinh thần sáng tạo vô ngôn ấy vào tác phẩm một cách tự nhiên được”. Và nói thêm, “Kết quả tức khắc của việc “tự mình bước tới bờ hương chín” là nhãn quan sẽ thay đổi, cái thấy và cái nghe sẽ không còn như trước đây nữa”.
Nguyễn Lương Vỵ ghi ở bìa sau tập thơ “Hòa Âm”, ấn bản 2007 như sau: “Mần thơ và đã có thơ đăng báo (Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Văn Chương) từ 1969 tại Sà Gòn – Việt Nam”. Quả là ông thích dùng chữ “mần” hơn chữ “làm”. Có thể hiếm người biết qua vài bài thơ đầu tay của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ. Ông cho biết đã đăng thơ rất sớm, từ năm ông 17 tuổi và bài thơ đầu tiên gởi đến báo “Bán nguyệt san Văn – Sài Gòn” đã được chọn đăng ngay vào năm 1969. Nên nhớ là thời buổi ấy, thơ được chọn đăng trên những tập san văn học nghệ thuật nghĩa là bài thơ phải hay, chứng tỏ thực lực của tác giả, vì thế thật hãnh diện và vinh dự cho bài thơ xuất hiện đầu tiên đó, vì đó là dấu ấn dành cho một thi nhân từ đó về sau. Xin mời đọc qua một trong hai bài thơ đầu tay của NLV để thấy sinh mệnh Thơ của ông khởi nguồn như thế nào.
Tinh Âm Hoa
Chào kẻ lạ giữa đời quen lịch kiếp
Bước chân qua chiều khép lạnh đời hoa
Trời xuôi ngược những hình ma không hẹn
Ghé về thăm heo hút cõi lòng ta
Khơi nhẹ âm hồn hoa
Đưa nắng tà qua tóc
Cổ lâu ơi đừng khóc nữa vì người
Tay vẫy nhẹ xa vời hương sắc cũ
Cổ lâu ơi xanh ngát nụ hoa câm
Tinh âm hoa tinh âm hoa
Vỡ òa tinh rúng động
Loang hồng giấc mộng thắm trời Đông
Tinh âm hoa tinh âm hoa tinh âm hoa
Bóng xa bay e ấp mãi bên giòng
Chào kẻ lạ giữa giòng quen lịch kiếp
Bước chân qua chiều khép lạnh đời mình
Trời không nói ta cũng đành chọn nghiệp
Để tang hoa ngồi khóc giữa vô minh…
(Lưu giữ của Võ Chân Cửu, 1973)
Cái kỳ lạ là cả hai bài thơ đầu tay của thi sĩ, tựa bài thơ đều có chữ “Âm”: Tinh Âm Thu và Tinh Âm Hoa, bài thơ trên. Và định mệnh Thơ đã linh tính hiển lộ tiên báo qua thi bút của ông rằng “Trời không nói ta cũng đành chọn nghiệp.” Từ đây, chữ “Âm” đã theo dài nghiệp thơ của thi nhân này. Khẩu khí bài thơ của một cậu thanh niên mười bảy tuổi ngoài cái mạnh mẽ sinh động, sao mà còn có vẻ già dặn của một trung niên đến thế? Đúng thôi, vì nhà thơ đã sớm bước vào cuộc sống, sớm lăn lộn vào chốn giang hồ hào kiệt, vào “chốn nhân gian không thể hiểu” (chữ Du Tử Lê) từ khi ông 13 tuổi, đã như con ngựa đơn độc bon chân với đời sống, ngựa non phải đá với cuộc mưu sinh, và đã mồ côi cha khi còn quá trẻ để thay cha gánh gánh nặng gia đình trên đôi vai còn non nớt. Cậu thanh niên thi sĩ này khi vô Sài Gòn, trong cuộc mưu sinh kiếm sống, đã chạm trán anh hùng lương sơn bạc, ngoài có tài chữ nghĩa, học hành đàng hoàng, anh còn chứng tỏ mình cũng là một tay hảo hán giang hồ, nên được quý trọng và kết giao thân tình, được giới giang hồ kính vì, nể trọng. Người này sống như thế làm sao không biết trân trọng đời sống chứ? Chỉ cần biết trang trọng cái đời sống mình đang sống hòa nhập, tâm hồn đó đủ để trở thành một thi nhân.
III. Nỗi đau về thăm cố xứ
Sau đoạn I thay lời tựa, đã nhận diện ra ngay tức khắc niềm đau u uẩn của thi nhân liền theo 2 đoạn thơ kế tiếp:
DỐC TRĂNG CỐ XỨ
II.
Chào cố xứ trào nước mắt
Muốn gọi người mà khôn đành
Phong dao mài thanh kiếm sắc
Thủy cầm rưới nấm mồ thanh
Trăng rợp mái đình vằng vặc
Dốc nghiêng vai gió vạnh vành
Dợm chân bước nghe máu sặc
Oan khiên vãng sự cầm canh…
III.
A ha ta về cố xứ
Dốc trăng gót lữ động tình
Tình buốt buốt vuốt ngực hú
Niềm lâng lâng đắp nắng thinh
Trăng lặn dốc mù địa phủ
Trời nhô bóng rợp thiên tinh
Một tràng kinh về đông đủ
Chiêm bao gió lú rùng mình…
Tôi thiết nghĩ 2 đoạn thơ trên không cần phải giải trình. Hãy đọc thêm 2 đoạn thơ của bài thơ “Gửi vỉa hè Sài Gòn” dưới đây, sẽ nhìn ra cái hào khí và cái tình của thi sĩ:
GỬI VỈA HÈ SÀI GÒN
I.
Mần một bài thơ xù xì
Nhờ gió tháng Chín mang đi
Về thăm vỉa hè góc phố
Đến chào quán xá mộ bi
Rùn vai ma khuya sóng sánh
Rụt cổ quỉ đêm rầm rì
Nhậu một mình thấy chín cõi
Bàn trơ khía cạnh lầm lì…
II.
Mần một bài thơ cũ mèm
Vọng cổ xuống xề đi em
Thiệt là mùi để lấy trớn
Thiệt là hứng cho đã thèm
Hỏi người đi đâu bụi bặm
Nhắn ai ngồi đó lấm lem
Thân có tàn ma có dại
Bờ đêm tóc xõa vai mềm…
Nếu chú ý, sẽ nhìn ra nỗi đau cô độc khi ông trở về thăm vỉa hè góc phố, quán xá mộ bi, đấy là ở 2 câu cuối đoạn I: Nhậu một mình thấy chín cõi / Bàn trơ khía cạnh lầm lì; và nỗi thương tâm nhìn thấy hình ảnh tiêu biểu cho “Mẹ Việt Nam” ở 3 câu chót, đoạn 2: Nhắn ai ngồi đó lấm lem / Thân có tàn ma có dại / Bờ đêm tóc xỏa vai mềm… của một em ca vọng cổ mưu sinh trong quán nhậu, tóc xỏa vai mềm trong đêm mà sao nhìn thấy lấm lem, thân tàn ma dại.
Điều buồn đau vô cùng mà ít ai để ý, người Việt Nam gọi “quê Cha, đất Mẹ”, vì thế lấy hình ảnh người phụ nữ Việt tiêu biểu cho “Mẹ Việt Nam” mà chúng ta thường nghe thấy. Thế mà quê hương ngày nay, sau khi thống nhất, người con gái Việt lại phải gánh chịu nhiều nhọc nhằn cũng như nhục nhằn nhất trong cái xã hội mà đàn ông như vua chúa tệ bạc, đến đỗi phải đem thân “lấy chồng xa xứ” khắp nơi trên thế giới để thoát khỏi cái số phận nữ nhân bị bạc đãi một cách vô lương tâm ở trong đất nước mình, vì nữ nhi gần như bị coi như một thứ đồ vật sở hữu hay dễ dàng mua sắm phụng hầu… Ôi, thế hệ nữ nhi sao chưa hết đọa đày trong thời thanh bình không còn chiến chinh lửa đạn, sao quá nhiều con thiêu thân đâm mình vào ánh sáng như thế? Chỉ nghe tiếng thở dài trả lời cho câu hỏi trong lòng người về thăm cố xứ…
Sự lẻ loi, nỗi cô độc, sự cách biệt… giống hệt như con khủng long sắp tuyệt chủng, mình bỗng trở thành kẻ lạ, trở thành một con người ngoại vi không còn dính dáng gì đến cái đời sống mà mình nhớ nó, trở về tìm nó, thăm nó, thương nó, trăn trở cho nó… Tất cả những tư duy mà mình nghĩ ngợi hóa ra chỉ là sự “tưởng” mà thôi, vì nó đã không xảy ra như mình nghĩ, chỉ là huyễn tưởng vậy thôi. Cái đau đau đáu này rất mơ hồ, không giống như bị đứt tay hay giống như bị thất tình, rõ nét như thế. Nó giống như đau trong giấc mơ, đau trong ảo giác, thế mà sao lòng nặng chịch, tâm tư oằn trĩu? Dõi theo dọc những bài thơ lục huyền âm của NLV, tôi đều bắt gặp ông “chôn” trong mỗi đoạn thơ vài câu đau lòng đứt ruột:
Cố nhân hồ như khách lạ
Tri âm ắt hẳn đêm sâu
…
Chẳng biết tìm ai cuối phố
Bước lạc bước gió lạc gió
…
Đoạn thơ sau đây đáng chú ý:
V.
Mần một bài thơ tím bầm
Vần vèo rách rưới từ tâm
Thằng nhóc ngày xưa xơ xác
Lão già đêm nay cù câm
Ôm gái lạ mà tơ tưởng
Nhớ trăng xưa để mớ thầm
Ơi con trăng thơ dại ấy
Mười ba lạ nhỉ mười rằm…
Đây là đoạn thơ mạnh dạn tả một lão già về thăm quê hương, đêm ôm gái hưởng thụ, thế mà bài thơ không cho người đọc cảm thấy hứng thú hay mây mưa trăng hoa gì cả với ba chữ “ôm gái lạ”, trái lại đọc lên sao mà não lòng âm u như vũng lầy, ấy vì bài thơ đã tuyên ngôn là “tím bầm,” là “rách rưới từ tâm.” Theo phóng tưởng của tôi, tím bầm là vết thương đau lưu lại hình tích; còn tâm từ bi đã bị rách tưa bởi lưỡi dao sắc dục. Thằng nhóc nghèo xơ xác ngày xưa bây giờ trở về đã là một ông lão, ông lão này ôm gái nõn hưởng thụ mà sao lại cù câm, ôm gái điếm trong lòng mà sao lại nhớ đến trăng xưa, trăng xưa là biểu tượng hình ảnh của những thiếu nữ trong sáng thơ dại như trăng 13, trăng rằm, nhớ để mớ thầm những cái không còn, những thèm thuồng không còn có được nữa trong xã hội ngày nay. Cô gái điếm nhỏ này làm đau lòng hồi tưởng đến hình ảnh thơ dại trong trắng của những cô gái thời trước, ơi những con trăng mười ba, mười rằm. Khi tâm thức bị bầm tím thì cái đàn ông bị cù câm là cái chắc! Cho nên bài thơ kế tiếp, vẫn theo dòng liên tưởng của tôi, ông kết bằng hai câu: Trời Sài Gòn trăng châu thổ / Một hôm tan hết sắc màu… Có phải vì thế chăng? mà bước sang bài thơ kế, đọc là hiểu, không cần giải bày chi thêm nữa:
Mần một bài thơ dở dang
Gửi trao thượng đế lang thang
Ý chưa thỏa tứ đã nghẹn
Chữ chưa bưa lời đã tan
Nhấp nháy niềm kia huyệt mộ
Gập ghềnh nỗi nọ gió ngàn
Đành buông hai tiếng gọn lỏn
Đù Má! Đứt ruột bầm gan…
Tuy nhiên, nhà thơ vẫn có dũng khí để diễn tả cái bình thường của tham dục thường tình ở 2 câu kết bài thơ tiếp theo; và theo cái đoán tưởng thơ mộng của trí óc thường phàm của tôi, cùng với cảm nhận của một kẻ thèm thiếu, dù cuộc hưởng thụ chỉ tạo nên một cảm giác nồng tanh và đau đến búng huyết đối với sự thơm thảo được ngầm cảm tạ một đời, và niềm thương đối với một thân phận cũng như tưởng tượng mình vừa luân hồi trùng sinh náo nhiệt lại dè đâu:
Thiệt tình vẫn còn tiếc lắm
Cái em ngần mộng phỗng phao…
…
Phỗng phao một cuộc rong chơi
Nồng tanh thơm thảo một đời
Búng huyết sưng âm mộ địa
Giọt tinh rộ sắc luân hồi
Một niềm thương không đủ gọi
Bao nỗi nhớ chẳng kịp bồi
Muôn nẻo trùng sinh náo nhiệt
Dè đâu ta chết lâu rồi…
Sau nỗi lòng về thăm cố xứ và bài thơ riêng tặng cho Quảng Nam quê nhà của thi nhân, nhà thơ tiếp tục gửi cho: một khi nào, vu vơ, ngẫu nhiên, tất nhiên, bóng hình, một người v.v.. đầy ắp những vấn đáp của tâm thức tự thân, những ẩn mật của cuộc tồn sinh, những tha thiết của nội tâm, những đồng vọng của thiên nhiên, những réo rắc của âm nhạc, những bóng huyễn hình hư, những “vạt áo đường thu”, những “nụ cười tươi máu,” những khắc khoải, những trăn trở thao thiết của thi nhân… để rồi có lúc thổ lộ rằng:
Nhiều khi chẳng cần hỏi nữa
Đợi thơ về mần thả cửa
Mửa mật trào máu lắm phen
Sống ngất chết ngây nhiều bữa
Ý có thiêng thì cứ nhen
Chữ có linh thì cứ cựa
Tim ta bắt nhịp môi đèn
Bàn phím gõ ngàn ô lửa…
Và để kết chương thơ “Tám Câu Lục Huyền Âm” là bài thơ “Gửi Một Người Thơ”, bài thơ thi nhân trang trọng tặng cho người bạn thơ thân thiết của ông, nội dung thật đậm đà tình bằng hữu, bùi ngùi kỷ niệm, an nhiên trước lẽ vô thường; ở đoạn đầu vẫn cho thấy ở bên đây đời xa xứ, nơi trời quen đất lạ, hình ảnh quê hương bên kia bờ đại dương vẫn luôn là nỗi nhớ niềm thương:
GỬI MỘT NGƯỜI-THƠ
Tặng Nguyễn Thị Khánh Minh
I.
Ngồi thưa thốt với người-thơ
Trời Bolsa đẹp ngẩn ngơ
Nhớ Sài Gòn không thể tả
Thương miền Trung quá sững sờ
Nha Trang Bùa Hương mấy độ
Chiên Đàn tháp cổ bao giờ
Niềm u uẩn không thành tiếng
Trời quen đất lạ bơ vơ…
Và lời ông thưa thốt với người bạn hiền này, Nguyễn Thị Khánh Minh, một nhà thơ có chữ nghĩa bát ngát văn chương, có thơ ngút ngàn tâm hồn và đẹp như một bình minh sương phủ, nàng vừa ấn hành (sau tập thơ lục huyền âm không lâu) thi phẩm “Ký Ức Của Bóng”, lời thưa thật cảm động và đáng suy gẫm và đủ kết cho phần thơ lục huyền âm của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ:
Thưa cùng nữ sĩ Khờ Em
Chiều phai trong sợi tóc mềm
Thơ vốn không bờ không bến
Đời đâu có tuổi có tên
Lắng cùng ta Thượng Thanh Khí
Nghe cùng ta âm lục huyền
Vậy đó Chữ là tri ngộ
Xanh ngời giọt máu đỗ quyên…
IV. Tạm kết
Thi tập “Tám Câu Lục Huyền Âm” còn có thêm hai phần “Ngũ Linh Âm” và “Âm Bản Thời Gian” rất thơ mộng, nhưng tôi xin mạn phép không khai triển vào hai mạch thơ này, để dành cho những ai yêu thơ thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ sẽ tự khám phá thêm thế giới Thơ của ông.
Thay vào đó, tôi giới thiệu đến bạn yêu thơ sơ qua tập thơ Nguyễn Lương Vỵ (NLV) sẽ phát hành vào đầu năm 2014 là thi phẩm “Năm Chữ Năm Câu”. Lần này, nhà thơ NLV còn chơi khó hơn với chính ông, ông đưa thơ vào thể loại 5 chữ và thay vì 4 câu như thể ngũ ngôn tứ tuyệt của người xưa, nhà thơ thêm một câu kết thứ năm có tính quyết liệt và quyết định, mà Tô Đăng Khoa đã nhanh tay giành hết lời nói văn vẽ hay ho để nhận định rằng: “Sau một thời gian dài độc cư tu Tâm, tu Âm và tu Chữ, trong tập thơ mới này, với cấu trúc 100 bài năm câu năm chữ, NLV đã thâu hết nội lực, thực hiện “bước nhảy sau cùng” ở câu số năm để tự mình bước tới “bờ hương chín.” Nơi đó, những bài thơ của ông hóa thân thành búp hoàng lan “vàng câm trên bến lạ” khiêm cung bên ghềnh đá ven đường”.
Bước nhảy sau cùng của câu thứ năm, không khác gì câu quyết định nẩy lửa của thể thơ Hai-Ku đặc thù của Nhật Bản, lại được thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh (NTKM) ngửi được mùi hương thơm của 100 đóa hoa thi này, nàng cũng đã dùng phép mầu chữ nghĩa văn chương mượt mà của riêng nàng, bình một bài dài và thơ mộng nhưng khiêm tốn đặt tựa là “Phất Phơ Năm Chữ Năm Câu”, được in cùng trong thi phẩm này. Hai đoạn nhận định thơ mộng của nữ thi sĩ như sau:
“Loại thơ tuyệt cú, hay cả Hài cú của Nhật, thường nói những chuyện như là trước mắt, tưởng là vu vơ, đơn sơ bé mọn, mà khi đọc thốt giật mình vì cái tình ý sâu kín của nó. Những thi nhân khi dùng lối tuyệt cú thường là những người đã như con thuyền vượt qua mấy biển phong ba rồi, ngồi lại một nơi u tịch nào đó, nhìn hạt cát thấy được lẽ càn khôn; nghe hạt sương rụng biết nỗi phôi phai nghìn muôn thời gian…
Làm thơ kiểu này, câu kết là lợi hại nhất. Toàn thể 100 bài năm chữ năm câu này, người thơ đều theo cái nhất quán của ông: một cú nhẩy sau cùng. Kết đóng hoặc kết mở đều mang một yếu tố bất ngờ. Ở chữ lẫn tứ. Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh. Chính yếu tố bất ngờ này đưa đến cảm xúc muôn màu. Nếu không có, thì bài thơ coi như bị rớt xuống từ sợi dây đang đi vắt vẻo”. (NTKM)
Tôi tin rằng những phát biểu hay nhận định của Tô Đăng Khoa và thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh đủ nói lên cái hay và đẹp trong tập thơ “Năm Chữ Năm Câu” của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ. Riêng tôi, từ khi được làm bạn với ông và đọc qua vài tập thơ của ông, điều tôi nể phục ông là ông có một kho chữ nghĩa quốc âm tiếng Việt thật phong phú và chữ thơ của ông rất đẹp, thi ngữ của ông thật văn chương và cô đọng. Chưa kể đến kiến thức uyên bác của ông về Đạo học và Phật học. Chính do ông có một kho tàng chữ nghĩa và kiến thức sâu rộng như thế nên ông thừa khả năng sáng tạo riêng cho ông hai thể loại 6 chữ 8 câu (lục ngôn bát cú) và 5 chữ 5 câu (ngũ ngôn ngũ tuyệt).
Trong thể 6 chữ 8 câu của ông, những cặp câu đối ở các cặp câu 3-4, 5-6 thật thần tình và đầy bất ngờ, đó là tài hoa thi sĩ của ông. Còn ở thể 5 chữ, tạo câu kết cho thành cú nhảy thần sầu cũng đòi hỏi ngoài một tâm thức rất thi sĩ, còn phải hội đủ một tâm lực dũng mãnh, một tâm hồn nhân bản và cuối cùng, nhưng quan trọng hơn cả, chính là một tâm đạo triệt ngộ. Xin nói rõ, chữ triệt ngộ ở đây không chỉ vào đắc ngộ như các vị thiền sư tu hành Phật pháp đắc đạo, nếu nói như thế là huênh hoang vô lối! Quán triệt được cái đạo của chữ nghĩa, cái đạo của đời sống, cái đạo của tình người, của tình yêu, của thiên nhiên tuần hoàn và tương quan trật tự một cách đầy bí ẩn, đã đủ thong dong, an nhiên tự tại bước đi trên con đường mà mình quyết định đi trên đó để sống như thế nào cho ra hồn, cho ra người, cho ra nhân loại.
Với tôi, con người và nhân cách sống của Nguyễn Lương Vỵ đủ nói lên những điều nêu trên. Cho nên không phải bỗng dưng tôi mang ra những lời lẽ của ông Phạm Công Thiện hay của ông Bùi Giáng như là kiểu cách khoa trương, mà chỉ vì những lời lẽ đó đều chân tình và chí lý nói về thi ca và thi nhân mà cá nhân tôi tôi cảm nhận được, thấy rằng rất xứng đáng dùng những lời lẽ ấy để khen tặng dòng thơ cũng như nhân cách của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ, những ý tưởng phù hợp đó tôi không thể nào dùng ngôn ngữ bày tỏ cho văn hoa và hay ho như thế được. Cũng như thế, những lời của Tô Đăng Khoa và thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh ngoài lòng chí tình đối với thi nhân, còn rõ ràng chuyên chở một kiến thức đầy nội lực trong cái nhìn về thi ca, phải nhìn nhận là hay và thật thú vị, làm khi đọc lên thấy mình cùng có một niềm hào hứng chia sẻ như thế, cho nên tôi còn trân trọng cảm ơn thêm, đã cho tôi có dịp thu nhận thêm một số kiến thức tao nhã của quý vị ấy; đồng thời, xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã có những dòng thơ thơ mộng, tuyệt vời, làm cho tôi hứng khởi viết lên bài viết bất ngờ này.
Đường tơ hiu hắt vĩ cầm
Ngất tuôn buốt xoáy bổng trầm chơi vơi
Hốt phiêu gió rít mưa rơi
Rợn hoang như sói tru trời đêm trăng
Lê Giang Trần
(Little Saigon, 08 tháng 12, 2013)
.
GHI CHÚ:
Nhà thơ Lê Giang Trần là người bạn thân nhất trong những năm cuối đời nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021). Một ngày nữa, là tròn một năm NLV ra đi. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ sinh ngày 9/5/1952 tại Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam. Từ trần ngày 18/2/2021 tại Quận Cam, California. Nguyễn Lương Vỵ nổi tiếng trong giới văn học Miễn Nam VN từ 1969, khi còn là học sinh trung học. Ông sáng tác đa dạng, nổi bật với văn phong riêng biệt, xuất sắc trong cả thơ đời và thơ đạo.
.
Tác phẩm đã in của Nguyễn Lương Vỵ:
. Âm Vang Và Sắc Màu (NXB Trẻ, Sài Gòn, 1991);
. Phương Ý (NXB Thanh Niên, Sài Gòn, 2000);
. Hòa Âm Âm Âm Âm… (NXB Thư Ấn Quán, New Jersey, 2007);
. Huyết Âm (NXB Q&P Production, California, 2008);
. Tinh Âm (NXB Q&P Production, California, 2010);
. Bốn Câu Thất Huyền Âm (NXB Q&P, Production, California, 2011);
. Tám Câu Lục Huyền Âm (NXB Q&P Production, California, 2013);
. Năm Chữ Năm Câu (NXB Q&P Production, California, 01.2014);
. Năm Chữ Ngàn Câu (NXB Q&P Production, California, 12.2014);
. Tuyển Tập Thơ 45 Năm (1969 – 2014) (NXB Sống, Q&P Production, California, 2015).
. Tuyển Tập Thơ 50 Năm (1969-2019) (Văn Học Press, Q&P Production, California, 2020).
.
.