Tôi có thể giữ được chủ quan về Mưa Thuận Thành1 hay không, sau tất cả những huyền thoại đã nghe về Hoàng Cầm? Ông là tác giả của Về Kinh Bắc2, tập thơ cho đến bây giờ vẫn tiếp tục mang vầng hào quang riêng của những tác phẩm nằm lâu trong ngăn kéo mà chỉ cái tên của nó đã hứa hẹn, và hơn cả hứa hẹn: đã thiết lập hẳn một không gian tinh thần đặc trưng, là điều mà đa số các tập thơ hiện nay không làm nổi. Nhiều người sành điệu rỉ tai nhau, rằng ông là một trong số hiếm hoi những thi sĩ thực thụ còn tồn tại. Tên ông, ngay sinh thời, dường như đã được nối vào danh sách không dài lắm của những tên tuổi được mụ thời gian tính khí rất thất thường đồng ý lưu lại. Nhưng tác phẩm của Hoàng Cầm lại đến với công chúng muộn mằn, và phải chở trên lưng một quá khứ nguy hiểm. Nguy hiểm cho chính ông đã đành, cho người đọc cũng nguy hiểm chẳng kém. Tôi có giữ được lòng mình, hay cũng vì đủ thứ lý do nằm ngoài bản thân tác phẩm mà phải chi ra một vài món tình cảm và nhận thức nào đó cho những huyền thoại ấy, cho quá khứ ấy? Nguy cơ là lớn. Nhưng tôi hy vọng vào khoảng cách giữa các thế hệ. Hoàng Cầm và tôi là người cùng thời, nhưng ông có trước tôi một thời đại không lặp lại nữa, hay dùng chữ của ông: một gia phả tinh thần mà dù đã được rũ bụi thì tôi cũng không thể đơn giản làm quen.
Trước ông ít lâu, những người trẻ tuổi đang háo hức nhóm dậy một cuộc cách mệnh về thi ca đã tấn công không thương tiếc kể cả thi sĩ sáng danh Tản Đà, người đại biểu chính thức cho nền thơ cũ3, nhân danh một hồn thơ mới của một thời đại mới, bất chấp ngọn roi quật lại cũng phũ phàng của một chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đầy uy tín. Đã qua lâu rồi cuộc nội chiến vĩ đại, kéo theo những hậu quả ăn chặt vào lòng ngôn ngữ Việt và chiếm một vị trí có thể gọi là bành trướng trong lịch sử thơ Việt ấy. Những người trẻ tuổi của các thế hệ tiếp theo không khởi xướng – hoặc không có cơ hội khởi xướng – một phong trào thơ ca nào tương tự về tầm vóc như thế nữa. Chúng ta đành ghi nhận tính khoan dung giữa các trào lưu và phong cách trong lịch sử thơ Việt từ đó đến nay, nếu quả thật nửa thế kỷ qua thơ Việt – ở miền Bắc trước và ở cả nước sau thống nhất – đã có nhiều hơn là một trào lưu duy nhất, một phong cách duy nhất. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các thế hệ vẫn có thật, và hơn nữa: khoảng cách giữa các thời đại.
Vậy thì trước hết, tôi thấy Hoàng Cầm đẹp và xa cách. Thật lạ lùng, thực ra hầu hết những gì tạm gọi là chất liệu làm nên thế giới thơ ông đều còn nguyên, thực ra không xa vời, không siêu nhiên hoang đường gì hết, mà hồn thơ ông vẫn là một người khách xa, không dễ cho tôi bày tỏ đúng cách lòng trân trọng, chứ chưa nói đến việc cởi mở tâm tình. Trong khi đó, chẳng hạn cái thế giới Chiêm Thành mộng mị ma ảo của họ Chế đã điêu tàn từ lâu, nhưng Chế Lan Viên thuở ấy với tôi lại là gần gũi. Không phải là vấn đề ngôn ngữ, dù Hoàng Cầm có một hệ lời tinh vi và lắt léo, đôi khi lắt léo tới mức người biết đọc thơ ông cũng không nhất thiết phát hiện ra những lỗi in sai trầm trọng, vì cái lý thông thường của các con chữ, cái lý của một nghĩa gói trong một chữ, ở trường hợp ông rất nhiều khi chẳng giúp được gì. Cái hệ lời ới hời vi vút sấp ngửa khép nép nghiêng ngửa mê và tê tê vời vợi ấy lại đi đôi với một âm vận rất riêng, dường như đã được gọt giũa tính toán cho không còn một chút ngẫu nhiên nào lọt lưới, đồng thời cũng dường như chỉ cảnh vẻ thế thôi, chẳng mấy bận tâm, nên lắm chỗ cứ ngang phứa lên, phá kỷ lục của cả những tay chơi ngang thượng thặng, nhưng khác xa loại thơ xuôi tai, loại thơ có đổi thanh đổi vận, có xuống hàng và có thu xếp hòm hòm một số lượng từ ngữ nào đó cho một tiết tấu nào đó. Tất nhiên là Hoàng Cầm cầu kỳ. Đấy có vẻ như một phản ứng trước xu thế giản dị hoá, giản đơn hoá, bình dân hoá, rồi thô thiển hoá trong thơ Việt từ nhiều chục năm nay, sau khi nền thơ ca bác học đầy điển tích sâu xa và niêm luật khe khắt bị chôn bởi thơ tiền chiến, rồi đến lượt mình, thơ tiền chiến lại bị lấp đến thắt lưng bởi thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bất kỳ câu nào của ông cũng tiêu tao yểu điệu, tuy nhiều chỗ chỉ là một kiểu chơi không thấm thía và thuyết phục lắm, không làm người đọc bàng hoàng bởi một sự phi thường nào đó phát lộ qua vài con chữ, một kiểu chơi thường gặp ở những nghệ sĩ không nhất thiết chủ trương nghệ thuật buộc phải tải một cái gì đó ngoài chính nó và đương nhiên, người làm ra nó:
Đón chị hồn chênh/lệch bóng đêm...
Vùi trong trắng-xoá vĩnh hằng thơ ngây...
Ở Yên Kỳ sao con vẫn thiếu/Một nơi nằm yên/Mấy kỳ nguôi quên...
Vùi trong trắng-xoá vĩnh hằng thơ ngây...
Ở Yên Kỳ sao con vẫn thiếu/Một nơi nằm yên/Mấy kỳ nguôi quên...
Và cũng không phải cái thường được gọi một cách bí ẩn và hàm hồ là những ẩn ức nào đó ở Hoàng Cầm. Xem ra đấy có vẻ như một liên hệ dễ dãi với quê hương Kinh Bắc của ông. Như đã nói, thực ra Kinh Bắc ấy, với những chùa chiền hội hè lăng miếu dân ca huyền thoại và những người nam người nữ tương đối rụt rè trong nhục cảm, không xa lạ gì với phần đông người Việt còn sống đến hết thế kỷ hai mươi này. Những sản phẩm tinh thần thuần túy thành phố lớn chưa thống trị chúng ta. Còn đô thị cổ với không khí đặc trưng của nó như trong thơ Hoàng Cầm, chứ không phải làng quê Việt Nam truyền thống, thì chưa lùi xa vào dĩ vãng đến thế. Vậy mà sao ông vẫn mang một vẻ đẹp xa cách, mặc dù ba phần tư Mưa Thuận Thành được viết trong thời gian gần đây, có bài thậm chí cuối năm ngoái.
Hoàng Cầm không phải một thi sĩ thời thế để người đọc có thể tìm kiếm tức thì sự cảm thông gần gũi qua những bày tỏ tâm huyết về xã hội và cuộc đời. Ông không đơn giản tới mức cứ đau đời từ trang này sang trang khác. Ông cũng không chỉ bảo cho ai, rằng thực ra cái Đẹp trốn ở đâu. Không hùng tráng, không khắc nghiệt, không cười cợt, rất ít triết lý, không có chính kiến. Song thật dễ chịu khi thi sĩ không nhảy bổ ra từ mỗi góc thơ để thét vào mặt tôi hoặc thầm thì sâu sắc vào tai tôi, rằng cuộc đời thì đầy rẫy điều đáng phàn nàn, kết cục chỉ riêng tác giả là biết đau đớn, hoặc căng thẳng hơn: biết đau đớn một cách thẩm mĩ nhất. Không như vậy. Thế giới tình cảm của Hoàng Cầm trong Mưa Thuận Thành, dù gồm nhiều mảng rất khác nhau, chỉ xót xa, phiền muộn, yểu điệu, yếu ớt, tinh vi, nhiều mặc cảm, nhiều nữ tính. Có một cậu thiếu niên cầm lá diêu bông, lá hy vọng hờ, lá hư không, đi suốt cuộc đời thơ ông, cậu thiếu niên xưng Em, em đứng nhìn theo, em gọi đôi cho một đời lẽo đẽo cô đơn đa tình, dẫu sau này, cũng trong cùng một tập thơ, ngôi thứ và các đại từ nhân xưng có được phân bổ lại, phù hợp với các quy ước chung hơn. Ở Hoàng Cầm không có dấu hiệu gì của phản kháng, tức giận, bùng nổ, hiếu chiến. Trí thông minh không được huy động để đối phó với những nỗi buồn. Bản năng cũng được kìm nén. Chỉ êm dịu một lẽ chấp nhận thoáng chút xót xa. Thế giới ấy, tôi khó chia sẻ.
Điều duy nhất có thể giúp tôi cắt nghĩa câu hỏi nêu ở phần trên là trường liên tưởng rất đặc trưng Hoàng Cầm. Em thì Em ngắt quãng tân hôn/Theo chị lùa mưa đuổi nắng buồn/ Hai đứa lung linh lơi yếm áo/Thuyền trăng dềnh/sã cánh cô đơn... Với tôi, những lung linh lơi, trăng dềnh, sã cánh cô đơn, biếc thời gian, cõi mưa nhung, sạm màu cô đơn, điệu kèn hư vô... là những thứ không còn mấy sức gợi cảm. Chúng đã mất tia sáng tạo loé lên ở một thuở ban đầu nào đó từ lâu. Nhiều câu thơ khác của ông cũng đứng chênh vênh giữa ranh giới của khám phá và sáo mòn, làm đau tim và đau đầu chính độc giả của riêng ông, thậm chí làm những người ngưỡng mộ ông vô điều kiện có thể rối loạn khả năng cảm thụ: Luỹ tre gầy nhuốm sương... Nến khuya loang vũng máu... Chuông sớm có nghiêng về mộng cũ..., rồi khói tím, hương tím, hoa tím, bóng tím, chuông buông tím... Những tín hiệu đó xa lạ với lớp trẻ ngày nay, vẫn hiếu kỳ như mọi lớp trẻ, nhưng ưa tốc độc cao, thích sòng phẳng, chuộng hiệu quả và ghét mùi mẫn. Lần đầu đọc thơ ông, tôi hơi bối rối trước những từ ngữ không ngờ có thể đặt cạnh nhau, những hình ảnh không ngờ có thể tiếp nối nhau để xuất hiện những thi tứ không ngờ và một nhạc điệu không ngờ. Tôi không bắt được cái cơ chế hoạt động trong ông để sản sinh ra những điều ấy. Tiếp tục đọc ông, tôi vẫn bối rối, nhưng lần này vì không dám chắc tất cả những thứ độc đáo bất ngờ đó có được hình thành trên cơ sở của một trường liên tưởng khác thường, với khả năng hấp thụ và đàn hồi lớn, hay một phần đáng kể nào đó có thể chỉ là một lối chơi công phu, quá công phu nữa so với hiệu quả, vì rất có thể người chơi đã quan niệm hiệu quả theo cách khe khắt nhất của riêng mình. Nếu quả như vậy, vẻ đẹp xa cách của ông sẽ được chiêm ngưỡng như người ta thường chiêm ngưỡng các vị cao thủ miên man bên những ván cờ mà đường đi nước bước ít ai có đủ tâm trí và thời gian để hiểu.
Nhưng bất kể thế nào, khả năng liên tưởng kỳ lạ của Hoàng Cầm vẫn là điều đáng quan tâm hơn cả so với những phẩm chất khác. Chính nó đã quyết định từng câu từng chữ có vị Hoàng Cầm. Ở những chỗ không có nó, tôi không nhận ra Hoàng Cầm, mặc dù cũng chẳng có gì để chê hay khen: Có nét buồn khôi nguyên/Chìm sâu vào đằng đẵng/Có tiếng ca ưu phiền/Chìm sâu vào lẳng lặng... Nhưng ngay lập tức, ở khổ sau, liên tưởng xuất hiện, tuy không xuất sắc lắm: Và dai dẳng em ơi/Là cơn say khát lá/Cứ thon mềm xanh lả/Trong men quê bồi hồi... Chính nó đã gọi về cho ông những cảm xúc đang lang thang ở đâu đó, đã xâu chuỗi những hình ảnh, đã lảy ra những từ ngữ, nhạc điệu không thể có nổi ở một trường liên tưởng nông cạn, nghèo nàn, hoặc tầm thường hơn. Không có nó thì những bài thơ tuyệt vời của ông: Cây tam cúc, Lá diêu bông, Theo đuổi, Về với ta, Chùa Hương... sẽ chỉ là những câu chuyện rời rạc, không xứng đáng với tâm trạng đằng sau. Nhưng đấy là một mạch liên tưởng khó nắm bắt, lắt léo, đột ngột nhảy cóc, đột ngột mất hút rồi lại vụt trở về như không có gì cần giải thích. Tôi có lẽ nằm ở một mạch liên tưởng khác, trong đó những đường ngang ngõ tắt của cảm xúc và suy tư vẫn được chỉ dẫn bằng một tấm bảng nào đó của lô-gích. Bởi thế, chưa tìm được đường gần gũi với thơ Hoàng Cầm hơn chăng?
Có thể say mê thơ Hoàng Cầm, cũng có thể khó chịu, hoặc cả hai một lúc. Cảm giác nước đôi ấy không có đối với số đông thi phẩm Việt Nam. Cũng có thể thuần tuý thán phục tài thơ ông, học ở ông, thậm chí chịu ảnh hưởng của ông mà vẫn giữ được một khoảng cách với ông. Ông cũng là người đi một mình, chẳng choán đầy ai, chẳng ai choán đầy ông, và bất chấp tất cả sự đa cảm đa mang, vẫn cô độc.
Xuân Diệu, Tố Hữu... có những bài thơ và câu thơ hay, nhưng không dựng nổi một không gian tinh thần, một vương quốc thơ dẫu bé nhỏ đến mấy nhưng là của riêng mình. Chế Lan Viên với thật nhiều hứa hẹn và ân sủng cũng chỉ chớm làm được điều ấy. Cùng với Hàn Mặc Tử, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, có thể phần nào Nguyễn Bính... trước ông, và Trần Dần, Đặng Đình Hưng, nửa sau của Lê Đạt... cùng thời, Hoàng Cầm là một trong số không nhiều lắm những người lập được cho mình một vương quốc thơ riêng, với nền móng, bản sắc và các nghi thức không thể trộn lẫn. Tập Mưa Thuận Thành không cần đề tên tác giả, vì chắc chắn đó là Hoàng Cầm.
Có những tác giả mà ai cũng kính trọng và không ai đọc, trừ những người có việc phải đọc. Có những tác giả chỉ bất tử bằng các huyền thoại bên ngoài tác phẩm. Tôi hy vọng đấy không là trường hợp Hoàng Cầm. Tác phẩm của ông càng rũ đi được những hào quang phụ càng tốt.
– Phạm Thị Hoài
(Hà Nội, tháng Tư 1991, hiệu đính cho bản đăng trên Việt Báo tháng Hai 2022, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoàng Cầm).
Chú thích:
[1] Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 1991.
2 Về Kinh Bắc (1959-1960) được chính thức xuất bản lần đầu năm 1994, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội.
3 Hoài Thanh, Một thời đại trong thi ca (1941).
Phụ lục:
Mưa Thuận Thành
Nhớ mưa Thuận Thành
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
Nâng bồng Thiên Thai
Mưa chạm ngõ ngoài
Chùm cau tóc xoã
Miệng cười kẽ lá
Mưa nhoà gương soi
Phủ Chúa mưa lơi
Cung Vua mưa chơi
Lên ngôi hoàng hậu
Cứ mưa Thuận Thành
Hạt mưa chưa đậu
Vai trần Ỷ Lan
Mưa còn khép nép
Nhẹ rung tơ đàn
Lách qua cửa hẹp
Mưa càng chứa chan
Ngoài bến Luy Lâu
Tóc mưa nghiêng đầu
Vành khăn lỏng lẻo
Hạt mưa chèo bẻo
Nhạt nắng xiên khoai
Hạt mưa hoa nhài
Tàn đêm kỹ nữ
Hạt mưa sành sứ
Vỡ gạch Bát Tràng
Hai mảnh đa mang
Chiều khô lá ngải
Mưa gái thương chồng
Ướt đằm nắng quái
Sang đò cạn sông
Mưa chuông chùa lặn
Về bến trai tơ
Chùa Dâu ni cô
Sao còn thẩn thơ
Sao còn ngơ ngẩn
Không về kinh đô
Ơi đêm đợi chờ
Mưa ngồi cổng vắng
Mưa nằm lẳng lặng
Hỏi gì xin thưa
Nhớ lụa mưa lùa
Sồi non yếm tơ
[…]
Thuận Thành đang mưa…
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
Nâng bồng Thiên Thai
Mưa chạm ngõ ngoài
Chùm cau tóc xoã
Miệng cười kẽ lá
Mưa nhoà gương soi
Phủ Chúa mưa lơi
Cung Vua mưa chơi
Lên ngôi hoàng hậu
Cứ mưa Thuận Thành
Hạt mưa chưa đậu
Vai trần Ỷ Lan
Mưa còn khép nép
Nhẹ rung tơ đàn
Lách qua cửa hẹp
Mưa càng chứa chan
Ngoài bến Luy Lâu
Tóc mưa nghiêng đầu
Vành khăn lỏng lẻo
Hạt mưa chèo bẻo
Nhạt nắng xiên khoai
Hạt mưa hoa nhài
Tàn đêm kỹ nữ
Hạt mưa sành sứ
Vỡ gạch Bát Tràng
Hai mảnh đa mang
Chiều khô lá ngải
Mưa gái thương chồng
Ướt đằm nắng quái
Sang đò cạn sông
Mưa chuông chùa lặn
Về bến trai tơ
Chùa Dâu ni cô
Sao còn thẩn thơ
Sao còn ngơ ngẩn
Không về kinh đô
Ơi đêm đợi chờ
Mưa ngồi cổng vắng
Mưa nằm lẳng lặng
Hỏi gì xin thưa
Nhớ lụa mưa lùa
Sồi non yếm tơ
[…]
Thuận Thành đang mưa…
Gửi ý kiến của bạn