Mở tập thơ, tôi bắt gặp ngay thái độ và câu trả lời của nhà thơ, mà tôi đặc biệt yêu thích và tâm đắc, về cái
Being, “Hỏi ta vui hay buồn? Theo nắng sáng xuống phố!” (Âm cuối thu). Một thái độ trầm tĩnh thấm đẫm tinh thần Đạo giáo đông phương! Nhẹ nhàng. Phơi phới. Thong dong. Không cần đi vào những suy nghiệm siêu hình mà lại tác động mạnh mẽ lên cảm xúc, đó là lợi thế của thi ca trên Triết học. Câu thơ biểu hiện một ý thức trong sáng nắm bắt được lẽ sống thiên nhiên, thấu hiểu lẽ đời và những hữu hạn tất yếu của con người sinh sống trong đó. Sống hài hòa với những quy luật tự nhiên, sống nương theo lẽ đời chứ không chinh phục cuộc đời; sống luôn luôn khiêm tốn, chẳng bao giờ dám vọng động đến độ tự nhận mình là đỉnh cao (mà khiếp hãi nhất là đỉnh cao trí tuệ). Phải chăng đấy là triết lý sống của người xưa mà ngày nay chúng ta gần như quên bẵng?
Theo tôi, nhà thơ chẳng cần phải trả lời câu hỏi đời buồn hay vui, bởi cuộc truy tìm ấy là một “nghịch lý chung cuộc”, nếu tôi được phép vay mượn cụm từ này của Kundera. Một nghịch lý “hết thuốc chữa” của cái Being. Và, với Nguyễn Lương Vỵ, nó là “Dấu hỏi hẳn đã chìm trong mộ, Hay vẫn lang thang trên đường về?” hay “Dấu hỏi giữa hư không thầm nhắc, Xa lòng giấc mộng vẫn cầm canh.” (Dấu hỏi giữa hư không). Mọi suy diễn và lý giải về cái Being đều mang nặng tính chủ quan và không thực. Quan trọng hơn, nó sẽ không đi đến đâu và giải quyết được gì cho chính bản thân chúng ta, nói gì đến tha nhân. Nhà thơ là kẻ nhạy cảm với đời sống hơn ai hết, đau cái đau của nhân sinh, vui cái vui của đồng loại, nhưng đừng kêu gọi nhà thơ cho lời giải đáp của cái “hệ toán hiện sinh” kia. “Đời thơ không khổ nạn, Làm sao thấu được thơ?” (Không đề IV). Bởi nó là câu hỏi giữa hư không.
Không có câu trả lời nhưng cũng không tuyệt vọng. Vâng, nhà thơ chìm đắm trong nỗi buồn, từ nỗi buồn vạn cổ cho đến nỗi buồn vu vơ, nhưng nhà thơ không tuyệt vọng. Quả thế, tôi không hề tìm thấy một ý nghĩ tuyệt vọng nào trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Ngược lại là đằng khác. Cho dù “khổ nạn” bao nhiêu chăng nữa, nhà thơ vẫn “xanh” như trong bốn câu, “Thánh ca rồi cũng tan, Cầm dương rồi cũng tạnh. Lạnh lạnh lạnh lạnh lạnh, Thi sĩ đã về xanh.” (Không đề VIII).
Ugo Betti, nhà văn kiêm kịch tác gia người Ý có lần nói, “Tại bất cứ giây phút nào tôi mở mắt, tôi đều hiện hữu. Còn trước đó, trong suốt cái vô hạn, là cái gì? Thưa, không là gì cả.” Một tình cờ thật thú vị, tôi tìm thấy ý tưởng này của ông nhà văn viết cách đây gần ba phần tư thế kỷ trong mấy câu thơ sau của Nguyễn Lương Vỵ, “Mộng ngày quên hỏi lại, Chùm bông dại bay rồi. Lòng tay vắng tiếng trời, Biết làm sao gặp được. (Phải vậy không?). Sư thật là, chỉ cần sống, chỉ cần hiện hữu trên mặt thế gian này đã đủ cho nhà thơ cảm thấy toại nguyện, “Sống cho trọn kiếp, nào phải trò trẻ con.” Câu thơ của Boris Pasternak trong bài thơ bất hủ Hamlet. Tôi nghe kể hôm nhà thơ qua đời, nhà nước Xô-viết chẳng những không loan báo mà còn tìm mọi cách ngăn cản người tiễn đưa thi hào quá cố ra huyệt mộ. Thế nhưng vẫn có vài ngàn người đến dự đám tang ông. Chừng chục người ghé vai khiêng quan tài, nắp áo quan mở toang, họ vừa đi vừa cất giọng trầm hùng đọc to bài thơ Hamlet như lời tiễn đưa vĩnh biệt nhà thơ vĩ đại của dân tộc họ. Tôi chạnh nghĩ, thực ra họ đọc lời tâm nguyện sống như ông đấy. Sống cho trọn kiếp! Ôi, một điều khó khăn vô hạn!
Người là con vật duy nhất mà cái Being của riêng hắn là vấn nạn chỉ mình hắn giải quyết. Sự vĩ đại của con người không nằm ở những thành tựu chính trị hay kinh tế, không ở chỗ “thành công hay thành nhân,” mà chính ở chỗ hắn can đảm sống và sống cho trọn kiếp. Âm nhạc của Beethoven không ca ngợi con người anh hùng hay cá nhân thần thánh. Nó là bản tụng ca cho cái tinh thần sống như con người. Và đừng quên câu nói bất hủ của Jean-Paul Sartre, như nguyên lý thứ nhất cho Triết học Hiện sinh, “Con người chẳng là cái gì ngoài cái hắn tạo dựng nên chính hắn.”
*
Mặc dù tự nhận mình có sống trong mộng ảo trong những câu thơ sau, “Cuối đời càng lắm mộng, Đêm về mộng am mây. Ngày ủ trong lòng tay, Ngát thơm chùm bông dại.” (Phải vậy không?). Thế nhưng Nguyễn Lương Vỵ không có xu hướng quay về cõi mộng như rất nhiều nhà thơ miền Nam Việt Nam thuộc thế hệ trước. (Một hiện tượng khá lạ bởi trong một đất nước tơi bời khói lửa chiến tranh mà chỉ có vài ba thi sĩ nói về chiến tranh). Không quay về cõi mộng, Nguyễn Lương Vỵ cũng tuyệt đối rũ bỏ son phấn lụa là. Bạn sẽ không tìm thấy những thi ảnh kiểu “em buông tóc kiêu sa đi trong chiều nắng hạ” hoặc “ngón tay em dài, ngón chân em nhỏ” trong thơ Nguyễn Lương Vỵ bao giờ. Tôi mừng lắm. Bởi thú thật, tôi ớn loại thơ đó đến tận óc. Mong nó sẽ mãi mãi nằm trên kệ sách bụi bám của các thư viện thị trấn miền xa.
Thơ Nguyễn Lương Vỵ không son phấn lụa là nhưng nhục cảm thì có.
Hai bài thơ thấm đẫm nhục cảm là bài “Đêm Tượng Trưng” và bài “Hà Hà Hà!”. Thấm đẫm nhục cảm nhưng cả hai đều kết bằng tiếng cười ha hả như khoái trá, như chọc ghẹo, như đùa cợt bông phèng. Tôi lấy làm lạ. Khi đụng chạm đến vấn đề thân xác nhục cảm, người ta thường hay “chất ngất cơn say” hoặc “đưa em lên đỉnh cuộc tình” chứ ai đời lại cất tiếng cười ha hả bao giờ. Tôi có cảm tưởng đây chỉ là sự châm biếm, tự biếm thì đúng hơn, nào đó của chính nhà thơ. Nhục cảm được thăng hoa bởi tiếng cười ha hả chăng? Nhục cảm ở chừng mực nào đó biến thành sự hài hước. Nhưng cái hài hước ở đây nhất định không phải là sự trào phúng hoặc mỉa mai cay độc. Ngược lại, nó chính là tinh thần tích cực yêu cái đẹp tự nhiên. Nó được thể hiện bằng tiếng cười khoái trá. Trong thơ Nguyễn Lương Vỵ, có nhiều tiếng cười khoái trá như thế lắm. Dịch xong một câu thơ cổ, “Mừng rơn hơn trúng số” (Hương cổ thi). Hoặc tự biếm “Mừng ta ngày càng khù!” (Không đề III). Tự biếm rồi cười khà khoái trá. Một thái độ khinh mạn ư? Nhưng nếu hiểu hài hước là cảm xúc chủ quan về tính mâu thuẫn (cái nghịch lý hết thuốc chữa) của đối tượng thì chúng ta nhận thức được thái độ hết sức nhân bản của nhà nghệ sĩ. “Je suis Charlie!”
Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ, bạn sẽ ít bắt gặp những thi ảnh cụ thể của thực tại. Không có những thao thức hay trăn trở (đôi khi rất sáo, giả tạo) của kiếp sống hay kiếp tha hương. Tôi không trách nhà thơ quay lưng với thực tại, bởi thực tại lắm khi chỉ là giấc mộng vô thường, đến rồi đi, tồn tại rồi tan biến, có rồi không, hoan lạc rồi đau khổ, nói chung là cái vòng luẩn quẩn vô thủy vô chung. Nó có gì đáng cho nhà thơ ca ngợi đâu. Hãy xem nó như cỏ rác, bụi bặm bám lên người trong những giây phút vô ý, sa đà, biếng nghĩ; hoặc nếu cần thì cứ đổ lỗi cho số kiếp, cho định mệnh tai ương hay quyền lực bạo tàn nào đó. Nó là phần dư thừa, những tế bào ung thư của đời sống.
Cái đáng ca ngợi trong thi ca chính là sự cô độc, sự hiu quạnh của kiếp người. “Đêm lạnh không tiếng dế, Chỉ có tiếng thạch sùng. Tiếng trời là tiếng gió, Cửa sổ khép hờ rung.” (Mấy bận thu phai). Hay “Người đi đâu lặng ngắt, Đời về đâu lặng thinh.” (Không đề V). Sự thinh lặng giúp nhà thơ chiêm nghiệm lẽ sống và những điều khác lạ mà có lẽ khó nhận thức nếu chung quanh là cảnh huyên náo của cuộc đời. “Khách lạ đứng nín thinh, Cúi nhặt vài âm lạ.” (Trưa ở chùa Linh Ứng).
Nguyễn Lương Vỵ bảo làm thơ tức là làm thinh. Câu “Mần thơ là mần thinh” (Tự hỏi tự đáp), như một lời tuyên ngôn cho việc làm thơ của mình, láy đi láy lại như một điệp khúc trong tập thơ. Nó đồng nghĩa với sự cô độc. Làm thơ là nói với chính mình, là độc thoại với khoảng không vô hạn trong lòng mình. Đúng ra, nghệ thuật nào cũng là sự đối diện của người nghệ sĩ với sự cô độc của chính mình. Chỉ sự cô độc mới cho người nghệ sĩ tìm ra cảm hứng sáng tạo, cho “Chữ reo xanh ý tứ, Sắc màu ứa vó câu.” (Không đề IX). Trăm năm trong cõi người ta là Trăm năm hiu quạnh. Hoặc như Octavio Paz, nhà thơ lớn nhất của nền thi ca Mexico thời hiện đại nhận định trong cuốn The Labyrinth of Solitude, “Sự hiu quạnh là cái gì sâu thẳm nhất của kiếp người. Con người là sinh vật duy nhất biết mình cô đơn.”
Tôi yêu thích những bài “Không Đề” trong tập thơ Năm Chữ Ngàn Câu này, nhất là bài Không Đề IV đề tặng nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Nó gói ghém cái nhìn của nhà thơ về nhà thơ. Như trả lời câu hỏi, “Nhà thơ, mi là ai?” Có những câu khá cường điệu trong bài thơ như, “Đời thơ không lời đáp, Tự móc mắt moi tim.” Sự cường điệu có lẽ là cần thiết như một hình thức biểu đạt, nhưng tựu trung, nó vẫn khẳng định thi sĩ luôn luôn là kẻ cô đơn. “Đời thơ không quán xá, Chữ buốt giá tuỷ trời.”
Mô-típ huyết-âm, âm-huyết xuất hiện như nốt nhạc láy rền vang động trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Chúng hiện hữu như một ám ảnh khôn nguôi, quay về mãi, mỗi lần với một ý nghĩa khác nhau, và tất cả những ý nghĩa khác nhau đó tuôn chảy qua cụm từ như dòng nước tuôn chảy qua lòng sông. Tôi muốn gọi chúng là lòng sông của Heraclitus. (“Bạn không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông”). Tôi không rõ lắm hiệu ứng thi ca của các cụm từ đó khi xuất hiện trong những bài thơ mà đôi khi hiện ra như tiếng kêu tắc nghẹn, ngậm ngùi. Chỉ thấy bàng bạc một cảm xúc mơ hồ dấy lên trong tâm tưởng chảy qua dòng sông này có một dòng sông khác; dòng sông với ý nghĩa mới và những ý nghĩa cũ cộng hưởng, hòa nhập vào nhau. Cuộc nghiệm sinh mỗi lần vang lên là một lần hòa nhập vào nhau khiến bản hòa âm đời sống càng thêm phong phú.
Ít thấy những thi ảnh cụ thể trong thơ Nguyễn Lương Vỵ, và nếu có thì nó mang hơi hướm cổ điển như những câu sau trong bài Âm cuối thu, “Chiêm bao màu nắng lụa, Hửng sáng ửng một đoá. Cúc vàng đang ngậm sương, Tóc bạc vừa níu gió.” Cú điệu, nhạc tính trong thơ đều đều, êm nhẹ, đa phần là thuận âm, bởi hầu hết là thơ năm chữ niêm luật chỉn chu. Đọc tập thơ, thú thật có lúc tôi muốn tìm một nốt nhạc nghịch âm nào đó, và mặc dù trước khi gấp sách, tôi bắt gặp vài ba bài thơ xuôi và thơ tự do, nhưng nhạc tính của những bài thơ đó vẫn không thoát khỏi sự êm dịu cố hữu của thuận âm. Bạn cũng sẽ thất vọng nếu bạn tìm kiếm sự khai phá (hoặc đột phá, bứt phá, công phá, nếu muốn nói theo ngôn ngữ thời thượng) trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Không có những thử nghiệm mới lạ hoặc những hình thức làm dáng kiêu kỳ. Không có những kiểu vắt dòng ngược ngạo hay những ký hiệu gạch ngang gạch chéo ngớ ngẩn như thơ của nhiều nhà thơ ngày nay. Không có những thi ảnh trừu tượng, bí hiểm, làm dáng. Thơ Nguyễn Lương Vỵ chủ về ý nghĩa và nghệ thuật phối từ. Nhà thơ cẩn trọng với chữ nghĩa vốn là truyền thống của thi ca Việt Nam từ thời Trung đại. Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi ít bắt gặp những từ hào nhoáng, nuột nà. Thế nhưng, nhờ tài năng và một tâm hồn yêu thơ cao độ, Nguyễn Lương Vỵ đã khéo léo sắp đặt những từ tưởng là tầm thường như hòn sỏi bên cạnh nhau để biến chúng thành chuỗi ngọc sáng ngời.
Đọc xong tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ, nếu có kẻ hỏi tôi đời buồn hay vui thì tôi sẽ trả lời kẻ ấy bằng câu thơ “Theo nắng sáng xuống phố!” rồi thản nhiên nhìn cái Being chảy trôi trước mắt.
.
GHI CHÚ:
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ sinh ngày 9/5/1952 tại Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam. Từ trần ngày 18/2/2021 tại Quận Cam, California. Nguyễn Lương Vỵ nổi tiếng trong giới văn học Miễn Nam VN từ 1969, khi còn là học sinh trung học. Ông sáng tác đa dạng, nổi bật với văn phong riêng biệt, xuất sắc trong cả thơ đời và thơ đạo.
.
Tác phẩm đã in của Nguyễn Lương Vỵ:
. Âm Vang Và Sắc Màu (NXB Trẻ, Sài Gòn, 1991);
. Phương Ý (NXB Thanh Niên, Sài Gòn, 2000);
. Hòa Âm Âm Âm Âm… (NXB Thư Ấn Quán, New Jersey, 2007);
. Huyết Âm (NXB Q&P Production, California, 2008);
. Tinh Âm (NXB Q&P Production, California, 2010);
. Bốn Câu Thất Huyền Âm (NXB Q&P, Production, California, 2011);
. Tám Câu Lục Huyền Âm (NXB Q&P Production, California, 2013);
. Năm Chữ Năm Câu (NXB Q&P Production, California, 01.2014);
. Năm Chữ Ngàn Câu (NXB Q&P Production, California, 12.2014);
. Tuyển Tập Thơ 45 Năm (1969 – 2014) (NXB Sống, Q&P Production, California, 2015).
. Tuyển Tập Thơ 50 Năm (1969-2019) (Văn Học Press, Q&P Production, California, 2020).
.
.