Hôm nay,  

Đường Mây Bay

24/10/202109:27:00(Xem: 1335)
Vinh Hao
Bessi (Pixabay.com)

 

Mây qua trời. Có khi trắng, có khi đen. Có khi tụ, có khi tán. Ngưng tụ mà thực ra là chuyển động liên tục; tán thất mà thực không mất đi đâu. Vận hành tự tại, biến hóa vô số hình thù, rồi tan biến, rồi kết tụ trong một hình thể khác, hiện hữu nơi một không gian khác. Đến-đi cùng khắp, đông tây, nam bắc, phương trên hay phương dưới, không nơi nào mà không có mặt. Từ vô cùng quá khứ đến hiện tại và vô tận tương lai, trông như giống mà thực không giống, trông như cũ mà thực không cũ. Luôn mới mẻ tinh khôi trong từng giây phút. Đêm lẫn ngày, vẫn thường sinh-diệt, chuyển biến không ngừng. Tùy duyên ứng hiện, nơi đâu rồi cũng thuận hợp, chan hòa.

Rồi một sớm mai ngước nhìn lên cao, thử tìm dấu vết của cụm mây đi ngang vầng trăng sáng đêm qua: không gì để lại trên vòm trời mênh mông.

 

Bồ-tát đi vào cõi đời sinh-diệt này như mây ngang trời. Mây nhẹ, mây nặng, mây trắng, mây đen là tùy nơi nhân duyên, thời tiết. Còn trời thì còn mây, hết trời thì hết mây. Chúng sinh còn thì bồ-tát còn, chúng sinh hết thì bồ-tát mới hết. Sự sinh-diệt của bồ-tát là để phổ hiện tính chất ảo hóa của tự thân trên cái nền vĩnh cửu bất động của hư không giới.

Không gì cố định trong cuộc thế vô thường, nên sự hiện hữu của bồ-tát cũng bất định: có khi lâu dài, có khi ngắn ngủi, có khi bao la như biển cả, có khi nhỏ bé như hạt sương. Nhưng chí nguyện thì thiết tha, kiên cố, liên tục không gián đoạn, trải dài vô cùng thời gian, trùm khắp vô tận không gian. Do chí nguyện thâm thiết và bền bỉ ấy, bồ-tát thành tựu thọ mạng vô tận theo cái vô tận của chúng sinh giới. Thế giới chúng sinh vô cùng thì chí nguyện bồ-tát cũng vô cùng. Chí nguyện vô cùng nên sinh mệnh của bồ-tát cũng vô hạn lượng.

 

Hành giả theo Phật nếu từ lúc ban sơ chưa từng lập nguyện thì nay hãy giốc cả sinh mệnh, thệ nguyện hy sinh và phụng-hành Chánh pháp; nếu đã lập nguyện mà để cho nguyện ấy mờ phai theo năm tháng thì nay hãy khẩn thiết tái lập hạnh nguyện lợi ích chúng sinh. Thọ mạng của Chánh pháp không nằm ở nơi tự viện nguy nga bền chắc, cũng không nằm nơi tàng kinh các đồ sộ chứa đầy kinh điển ngay hàng thẳng lối – mà ở nơi tâm bồ-đề rộng lớn, trực nhận nỗi thống khổ vô cùng của chúng sinh, thiết tha dấn mình hóa độ.

Xun xoe chạy theo những danh vị hào nhoáng, kết bè lập nhóm với những người bất hảo vô luân, thì ngày qua tháng lại tập nhiễm thói đời, hưởng thụ dục lạc, vui thú lợi danh; còn đâu tâm chí để hoằng dương con đường cao rộng của Phật-đà!

Ở trong giai đoạn mà sinh hoạt của con người và xã hội bị phủ lấp bởi sự ngoa ngụy, dối trá, xu nịnh thế quyền, ca tụng những điều bất nhân… xem như là những biểu hiện bình thường, thì hành giả theo Phật càng phải quyết tâm giương cao ngọn cờ Chánh pháp: thấy biết như thật, nói năng như thật, và sống ngay thật để hóa giải những chấp tranh, mâu thuẫn xã hội (1). Không như thế thì thời kỳ mạt pháp ứng hiện ở ngay nơi tự thân.

 

Hôm nay trời mưa lâm râm suốt từ sáng sớm; đến chiều mới ngưng. Mưa như tịnh thủy tẩy sạch bụi bặm trên những cành cây ngọn lá; lênh láng ngập tràn hai bên đường dẫn ngang xóm nhỏ ngoại ô. Cảm nhận hóa thân của mây trời nơi những giọt mưa còn đọng trên cánh hoa; và trong chung trà ấm tay buổi chiều thu. Cảm niệm một bậc chân sư từ chốn xa mờ, như áng mây, như cánh hạc bay qua sông dài, mất hút cuối trời tây. Không dấu vết.

 

California, ngày 23 tháng 11 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

 

 

 

______________

 

1)    Ý tưởng này được ghi nhận và triển khai sau khi đọc một đoạn trong Thắng Man Giảng Luận: “Sự nhiếp thọ Chánh pháp của Thắng Man phu nhân là sự hộ trì chánh pháp trong thời đại mà Chánh pháp được công bố của đức Thích Tôn gần đi đến chỗ biến mất. Thực trạng của sự biến mất đó được mô tả rõ: lúc bấy giờ các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, nghĩa là tất cả bốn chúng đệ tử của Phật, không tha thiết gì đến những sự kiện học hỏi và hành trì Phật pháp, mà chỉ bận tâm đến những tranh chấp, phe nhóm, bè đảng. Chính trong bối cảnh ấy, trách nhiệm nhiếp thọ Chánh pháp phải là sự nêu cao đức tính không gian xảo. Đức tính này được đề cao ở đây quả thực có một ý nghĩa quan trọng mà chúng ta không thể lơ đãng để lướt qua. Đó là sự tiên đoán gián tiếp rằng Phật pháp sẽ không được tôn sùng trong thời đại mà tính gian xảo như là bản chất chủ động của con người được bộc lộ phổ biến, cho đến đệ tử Phật cũng không ngoài công ước chung của thời đại. Lấy tính gian xảo làm bản chất chủ động để điều hành những mâu thuẫn xã hội, thì thực trạng của thời đại đương nhiên là đấu tranh thù nghịch, chia rẽ phe nhóm. Giữa những làn sóng đục thô bạo đó, trách nhiệm hộ trì chánh pháp là phải củng cố cộng đồng Chánh pháp, lấy trực tâm, lấy đức tính không gian xảo, đức tính nhiệt thành với chánh pháp làm nền tảng.” (Tuệ Sỹ, Thắng Man Giảng Luận, Chương V: Bồ Tát Hành, trang 81 – Hương Tích, 2018)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.