Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Tiểu Bạch

06/02/202115:07:00(Xem: 2978)

 


Tiếng chó sủa râm ran từ những căn nhà quanh xóm nghe ăng ẳng,  tiếng quang quác của lũ gà kiểng ở trong vườn vọng vào làm cho Mike cảm thấy khó chịu, gấp trang sách laị, Mike cầm cây đèn pin ra vườn xem xét. Vườn khuya tịch mịch, bóng trăng rơi trên tàng cây khóm lá, tạo ra những mảng tranh tối tranh sáng khắp khu vườn. Mike lẩm bẩm

- Ma trêu hay chồn cáo vào bắt gà? 

Mike lia ánh đèn khắp một lượt thì thấy trong hốc cây bạch quả có một con cáo nằm bẹp ở đấy, bộ lông nó đỏ rực laị pha sắc vàng, phần bụng và ức thì trắng tinh khôi. Mike có cảm giác bộ lông của nó mịn và mướt lắm. Con cáo nằm đấy nhìn Mike với ánh mắt có vẻ như vừa sợ sệt vừa khẩn cầu. Nó không thể chạy, hình như chân của nó bị gãy, không biết là bị sập bẫy hay bị chó cắn? Nó nằm im phó mặc cho số phận sống chết rủi may. Mike thầm nghĩ:” Mày may mắn đó, ở vườn ta thì toàn mạng, chẳng may lọt vào vườn khác hay vào tay bọn thợ săn thì mầy chết chắc! bộ lông của mầy đắt giá lắm, các hãng thời trang thèm khát, bọn thợ săn sẽ lột da mầy bán cho họ. Họ sẽ dùng da lông của mầy để may túi xách, áo khoác, khăn choàng…Họ nhà mầy chết vì bộ lông đẹp, con voi chết vì ngà, con tê giác chết vì sừng, con tằm chết vì sợi tơ óng ả… xem ra ôm cái của qúy vào thân chưa hẳn là phước, thật sự nó laị là mối nguy hiểm vô cùng, vì cái của quý ấy mà mạng mất thân vong” Mike thận trọng tiến laị gần nó, ngồi xuống và nhích từng chút vừa thì thầm

- Đừng sợ, đừng sợ! ta không haị mày đâu! 

Bàn tay của Mike chạm vào lưng của nó, trời ạ, sao mà mịn và mượt mà đến thế! Con cáo lùi một tí nhưng đụng gốc cây bạch quả, nó gừ gừ nhẹ nhưng không cắn hay phản ứng dữ dội như những con thú hoang khác, vài phút qua đi, nó bớt sợ. Mike bồng nó lên đem vào hành lang. Mike lầy nghệ tươi giã nát buộc vào chỗ chân gãy của nó, có lẽ vết thương đau đớn, nó rít lên nhưng tuyệt nhiên không cắn tay Mike. Mike cảm nhận nó đói nên lấy một ít thức ăn và nước để đấy cho nó. Con cáo nhấm nháp từng tí, thỉnh thoảng nhìn Mike với ánh mắt trông ngây thơ lắm, ánh mắt nó như biết ơn vừa pha chút sợ sệt. Mike chẳng thấy có chút gì hoang dã hay giảo quyệt như người ta thường nói

 Mike quay laị phòng của mình để đọc tiếp cuốn sách đang đọc dở dang. Mile định bụng phải cai mạng xã hội một thời gian, trên ấy là một mớ hỗn độn, bao nhiêu là chuyện tầm phào, vu vơ, mhảm nhí, thị phi. Mike đóng máy tính cá nhân và cất vào tủ.  Mike quyết tâm đọc cho hết những cuốn  sách mới mua hôm chủ nhật rồi. Mike lấy làm quái lạ, không hiểu sao tối nay cứ đọc vài dòng là mắt sụp xuống không tài nào đọc được. Mike vả vào má rồi đi rửa mặt nhưng vẫn không khá hơn. Mike tự nhủ:” Kỳ cục thật! sao mới giờ này đã buồn ngủ, xưa nay có bao giờ đọc sách chưa hết trang mà ngủ?” Mike đặt quyết tâm phải đọc hết chương thứ bảy rồi mới đi ngủ, ấy vậy mà chưa hết nửa trang thì đã gục xuống bàn thiêm thiếp rồi. Căn phòng tịch mịch im ắng, chao đèn tạo ra một vầng sáng rất huyền hoặc giữa màn đêm mênh mông. 

Lớp học của ông giáo Ngữ sáng hôm nay xôn xao quá, ông giáo Ngữ đập cây roi mây xuống phản ầm ầm, tiếng ồn ào tạm lắng một tí, nhưng sau đó laị rộn ràng lên. Bình thường ông giáo chỉ cần dứ dứ cây roi mây trong hư không là bọn học trò im bặt, vậy mà hôm nay chúng chẳng sợ, dường như sự phấn khích bắt nguồn từ cậu học trò mới nhập học hôm qua. Y tướng tá trông cao ráo, gương mặt thanh tú, ngũ quan cân đối, đặc biệt đôi mắt y đẹp và trong veo như bầu trời mùa thu. Y vận bộ y phục trắng, tóc búi cao, laị chít cái khăn trắng trông lãng tử nhưng cũng điệu đà không kém. Ông giáo Ngữ giới thiệu y với cả lớp xong thì thằng Lộc cà khịa, nói nho nhỏ nhưng cố ý để mọi người nghe

- Người đâu mà như con gái! 

Thằng Minh ra vẻ thâm nho hơn, buông lời buâng quơ

- Đừng có nói là Hoa Mộc Lan hay Chúc Anh Đài cải trang nha! 

Lục Lang lên tiếng

- Các cậu đừng có mà ma cũ bắt nạt ma mới, hãy để cậu ta yên.

Giờ ra nghỉ giải lao, cả bọn quay quanh tay nho sinh mới hỏi han chọc ghẹo. Y tự xưng là Tiểu Bạch, người làng Cửu Hương, cách đây độ ba ngày đường. Vì nghe tiếng trường giáo Ngữ nên đến đây xin trọ học. Trường giáo Ngữ ở trong trấn Hội Vân nằm bên hữu ngạn sông Hà Thanh, bên này là tiểu trấn, ruộng vườn phì nhiêu, bờ bên kia là ngọn núi Thanh Huy sừng sững uy nghi. Người ta đồn đaị trường giáo Ngữ ở nơi hữu tình, đất hiếu học nên rất vượng. Ông Giáo Ngữ tuy hiền, không dữ đòn như giáo Sâm, giáo Sằn, giáo Lân… nhưng nho sinh của trường giáo Ngữ laị đỗ đạt cao. Hạng cử nhân thì cả khối, có người đỗ đến Thám Hoa. Bọn học trò trường giáo Ngữ cũng nghịch ra phết, có buổi cả bọn lén đi tắm sông, giáo Ngữ bắt phạt qùy cả buổi chiều. Có khi chúng lấy hạt mắt mèo chà lên băng ghế, bọn học trò không biết ngồi lên sẽ ngứa nhảy tưng tưng, địt lủm bủm. Những ngày nước lớn tràn bờ, cả bọn thi nhau chơi ném lia thia, đo mực nước, có mấy anh học trò thuộc bài đem chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh ra kể cho bọn đàn em nghe. Từ khi có Tiểu Bạch nhập học, cả bọn dường như còn tăng động hơn. Y làm khuấy động một làn sóng nhỏ trong bọn học trò. Y sáng láng và thông minh quá, chữ viết đẹp như rồng bay phụng múa, văn của y thường được giáo Ngữ đem ra đọc cho cả lớp nghe, nhằm khuyến khích bọn học trò. Điều này trước kia chỉ có mỗi Lục Lang mới được cái danh dự này. Y xuất sắc quá, có người sanh lòng đố kỵ tìm cách dèm pha, nhiều đứa thì tỏ vẻ ganh ghét ra mặt. Thằng Tân nói nhỏ với Lục Lang

- Cậu phải cẩn thận với Tiểu Bạch, nó sẽ vượt qua cậu đấy! 

Lục Lang đáp

- Nếu y có bản lãnh thì cứ vượt qua, biển học mênh mông, chữ nghĩa vô chừng, văn chương của muôn nhà… ai giỏi thì đắc! 

Thằng Tân laị xúc xiểm

- Nhưng cậu xưa nay có tiếng văn hay chữ tốt nhất vùng, nếu giờ y qua mặt cậu, cậu không xấu hổ sao? Gia đình cậu sẽ nghĩ như thế nào đây?

Lục Lang khẳng định chắc nịch

- Không hề gì, ai giỏi thì người ấy nổi, vả laị tớ không nghĩ y có thể vượt qua mặt tớ! 

Thằng Tân bỏ đi, nó cấu kết với mấy cậu học trò kém hơn và lười biếng để nói xấu và bắt nạt Tiểu Bạch. Lục Lang không bằng lòng cái cách đối xử ấy, cậu ta vẫn thường ra mặt bênh vực cho Tiểu Bạch. Có lẽ vì thế nên y tỏ ra rất có cảm tình với Lục Lang, thỉnh thoảng y đem những món quà lặt vặt đến trường tặng cho Lục Lang. Y và Lục Lang kết nghĩa huynh đệ, có đôi khi Lục Lang hỏi gia cảnh của y thì y thoái thác tìm cách lẩn tránh, khi không lẩn tránh được thì y hứa một ngày nào đó sẽ nói rõ hơn. Y bảo ở trọ gần đây để tiện việc đi học nhưng chẳng ai biết y trọ ở đâu, hễ ra khỏi trường một quãng đường là bóng y mất hút, chẳng ai biết y đi về hướng nào. 

Những ngày cuối năm thật rộn ràng, trấn Hội Vân tấp nập người mua sắm bánh mứt hoa quả, nhà nhà treo đèn kết hoa chuẩn bị đón tết. Người trong trấn đến lớp học của giáo Ngữ xin chữ, xin câu đối về chưng trong nhà, thỉnh thoảng ông giáo Ngữ còn cho phép Tiểu Bạch viết thay. Y viết xong, giáo Ngữ xem laị chữ nghĩa kỹ càng rồi mới giao cho người ta, việc này lẽ ra là của Lục Lang. Những năm trước, khi y chưa nhập học, Lục Lang đã từng được ông giáo Ngữ cho phép viết thay, giờ đây chữ y đẹp quá, chữ Lục Lang tuy cũng đẹp nhưng không thể sánh với chữ của y, vì thế mà y đương nhiên thành trợ thủ của thầy. Những ngày càng gần tết, bọn học trò nhà ở xa  lần lượt xin thầy về quê. Tiểu Bạch thì không thấy động tĩnh gì, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy y sẽ về quê. Lục Lang lấy làm lạ bèn hỏi

- Những người ở xa đều về quê ăn tết rồi, đệ bao giờ sẽ  đi?

Y cười cười nói

- Đệ không về quê, vẫn ở laị chỗ trọ 

- Tại sao?

- Thật tình đệ cũng muốn về quê đón tết nhưng chẳg biết nơi nào để về! 

- Chẳng phải đệ đã nói ở làng Cửu Hương sao? 

Mặt y thoáng chút bối rối, y biết nói hớ nên giả lả

- Gia đình đệ có nhiều chuyện khó nói ra nên đệ không muốn về. Đệ ở laị nơi nhà trọ, sang năm ra giêng tiếp tục học cũng tiện.

Lục Lang bảo y

- Thế đệ có muốn về nhà tôi ăn tết không? Nhà tôi ngay tại trấn này 

- Nếu được vậy thì còn gì tuyệt vời hơn, nhưng không biết cha mẹ của huynh có vui lòng? 

- Đừng lo lắng chuyện đó, hãy thu xếp và xin phép thầy ngày mai nghỉ tết là được rồi. 

Nhà Lục Lang ở giữa trấn, tuy nhỏ nhưng xinh lắm, gia cảnh nho nhã thanh bạch, quanh nhà là cả một khu vườn xanh biếc,  bao nhiêu là hoa kiểng, sum xuê hoa quả. Mẹ Lục Lang vốn là tiểu chủ, bà có cửa hiệu mua bán lụa là nên cuộc sống rất phong lưu. Ba  Lục Lang vốn là một nho sinh xuất sắc nhưng không có chí làm quan, chỉ đóng cửa đọc sách và viết sách.  Bữa cơm cả nhà quây quần thật ấm cúng và tràn đầy tình thương yêu. Cha mẹ Lục Lang thấy Tiểu Bạch thanh tú, mặt mày sáng sủa, đã thế laị ăn uống nhỏ nhẻ, thưa gởi lễ phép nên rất hài lòng và có cảm tình với y. Mẹ Lục Lang bảo y cứ ăn uống tự nhiên như con cháu trong nhà, bà còn nói

- Ta mà có con gái thì ta sẽ gả cho cháu!

Chỉ có thế mà y thẹn đến đỏ cả mặt, mặt y vốn thanh tú, trắng trẻo, giờ mắc cỡ đỏ lên đẹp tựa mặt hoa đào má phấn như mấy cô gái xuân thì. Cha Lục Lang rót một bát rượu rồi bảo y

- Ta đố con câu này, nói được ta có thưởng, bằng không sẽ phạt uống cạn bát rượu này! vậy chứ “ Một vành trăng khuyết ba sao giữa trời” nghĩa là gì? 

Tiểu Bạch chắp tay thưa đó là chữ tâm, cha Lục Lang hài lòng lắm, ông bảo mồng một tết sẽ thưởng cho Tiểu Bạch một cây bút lông Hàng Châu và một xấp giấy hoa tiên. Ông uống cạn bát rượu, vuốt chòm râu 

- Con khá lắm! ta nghe tiếng đồn con văn hay chữ tốt, quả thật lời đồn không ngoa tí nào. Chữ tâm như trăng sao vằng vặc giữa trời, dù cho thế sự có thế naò đi nữa nó vẫn lung linh tỏa sáng. Sống ở đời, làm người phải có cái tâm, không có tâm thì khác gì muông thú cỏ cây. Sống ở đời, cái công danh quan trọng lắm, nhưng mình phải thức thời biết tiến lui, phải đặt cái tâm lên trên trước. Ta vẫn bảo Lục Lang học lấy cái chữ để lập công danh, nhưng nếu mà như thời thế không thể thì về nhà, ngày đi cày tối đóng cửa đọc sách cũng tốt! Chữ tài thường đi liền với chữ tai, chữ tâm thì bằng ba chữ tài. Người sống ở đời với cái tâm thiện lương thanh tịnh thì chẳng ai haị họ bao giờ, tất nhiên cũng có những trường hợp thiện lương thanh tịnh mà bị hoạ, ấy là vì phải trả cái nghiệp trong quá khứ, cũng có thể là oan gia đối đầu, mà đã là cái nghiệp trong quá khứ và oan gia trái chủ thì vô chừng, không ai biết trước được. Mình sống thiện lương thanh tịnh may ra có công năng hoá giải hoặc làm nhẹ bớt đi cái nghiệp xấu. Cái tâm tạo tác, cái tâm là chủ tể, hoạ phước, thăng đoạ cũng từ một tâm mà ra.



Đêm ấy chong đèn đọc sách, Lục Lang đọc đến câu

” Người cổ laị còn đeo thoi nguyệt

   Buồn xuân đâu để lạnh mùi hương” bèn hỏi đố Tiểu Bạch

- Đệ nói được ta có thưởng? 

Tiểu Bạch cười nhẹ bảo

- Đệ có phải con nít đâu mà đố câu này? nếu đệ nói đúng thì huynh thưởng gì? 

- Mùng một tết năm nay đi trẩy hội hoa đào, huynh sẽ cho đệ biết.

Tiểu Bạch hứng chí nói một hơi

- Tên bà chúa thơ Nôm đó mà, người nữ sĩ phóng khoáng tài hoa, bà làm thơ đả phá cái cổ hủ lạc hậu, chống laị sự bất công giả dối của cái xã hội trọng nam khinh nữ… thơ Nôm của bà là cả một sự mới mẻ tươi mát, một luồng gió mới thổi vào cái không khí cũ kỹ, ẩm ương của văn chương cổ điển. Bà gây nên một làn sóng kinh động trong giới thủ cựu, giáo điều, khuôn sáo… 

Lục lang nhìn Tiểu Bạch cười ma mãnh

- Thế còn câu “ Hoa cù hồng phấn nữ

Tranh khán lục lang y” thì sao?

Tiểu Bạch nghe thế xụ mặt bảo

- Đến huynh mà cũng trêu đệ vậy sao? nếu còn cợt nhã như thế nữa thì đệ sẽ bỏ đi ngay lập tức! 

Lục lang biết mình thô thaó, lập tức xin lỗi y. Ngày cúng tất niên, nhà Lục Lang năm nay dường như vui hơn, cha mẹ Lục Lang làm mân cơm thịnh sọan hơn mọi năm. Hôm ấy có lão đạo sĩ ghé thăm nhà, lão ta vốn có quen biết trước kia, thỉnh thoảng cha mẹ Lục Lang có thỉnh lão về cúng bái trời đất qủy thần. Lão vừa bước vào nhà liền khịt khịt mũi, mắt dáo dác như tìm kiếm gì đấy. Lão bảo

- Trong nhà có mùi gì lạ lắm, dường như mùi tử khí của cả trăm năm vậy!

Lão ta laị hỏi

- Gần đây gia chủ có tiếp khách lạ chăng?

Cha mẹ Lục Lang đáp

- Nào có khách khứa chi đâu, chỉ có mỗi Tiểu Bạch, bạn học của Lục Lang nghỉ học về đây ăn tết. 

Nghe thế lão đạo sĩ im lặng, chẳng nói năng gì, tiệc tất niên thật vui, cả nhà quây quần ăn uống chuyện trò hỉ hả.

Tiểu Bạch thì có vẻ lấm lét chứ không được tự nhiên như mấy ngày trước. Lão đạo sĩ thỉnh thoảng nhìn chằm chặp Tiểu Bạch, thái độ của lão ta làm cho Lục Lang thấy khó hiểu và cũng khó chịu lắm. Tiểu Bạch ăn uống qua quít rồi kiếm cớ rời khỏi bàn ăn, sau bữa tiệc ấy, Lục Lang nghe được lão đạo sĩ  xì xầm với cha mẹ 

- Bạn của công tử Lục lang không phải là người! khi vừa bước vào nhà là tôi đã nghi ngờ, đến khi gặp cậu ta trong bàn ăn thì tôi càng tin chắc hơn. Để đảm bảo xác thực thì ngày mai, lúc đúng ngọ tôi sẽ bày trận và phù phép vào bát nước. Cậu ta phải trích máu ngón tay nhỏ vào, nếu cậu ta là người thì gịot máu đỏ sẽ loang ra và tan trong nước, còn như giọt máu trắng và cô đặc laị như viên ngọc màu sữa thì cậu ta chính là cửu vĩ bạch hồ ly, bằng như gịot máu xanh cô laị như viên ngọc lưu y thì cậu ta chính là cửu vĩ thanh hồ ly. Bọn hồ ly có chín đẳng cấp, mỗi đẳng cấp tùy thuộc vaò thời gian tu luyện của chúng. Một khi chúng đắc được ngọc thì chúng có thể hoá hiện thân người, trà trộn vào chốn nhân gian. 

Cha mẹ Lục Lang mặt mày biến sắc, mẹ Lục Lang thì thào

- Lẽ nào cậu ta là hồ ly? Trông cậu ta hiền lành, thật thà và tử tế thế kia mà! 

Cha  Lục lang lắc đầu quầy quậy

- Không thể nào như thế được! Tôi quan sát thấy cậu ta rất tốt, cái tâm hiền thiện chứ chẳng có tí gì ma mãnh hay thâm độc! giả như cậu ta có là hồ ly thì cũng không đến nỗi haị người. 

Lục Lang nghe đặng cuộc nói chuyện của lão đạo sĩ và cha mẹ, lòng đầy nghi hoặc. Lục lang đi thẳng vào buồng chụp lấy hai vai Tiểu Bạch lắc thật mạnh, nhìn thẳng vào mắt y

- Cậu là ai? cậu hãy nói thật đi! 

Tiểu Bạch tỏ vẻ sợ sệt, không dám nhìn vào mắt Lục Lang, giọng y chùng xuống thiểu não

- Thuở Phật Ca Diếp còn tại thế, đệ là một tiểu thiên vương ở cung trời Đao Lợi, sau khi hết phước thì năm tướng suy hao và bị đọa xuống cõi trần. Đệ đã nhiều lần làm tiểu quốc vương các xứ  Thiên Trúc, Đông Độ, An Tức, Xiêm La, Giao Châu…Thuở ấy núi Thanh Huy chưa hình thành, chỉ là một cái gò nổng với buị lùm mà thôi, còn dòng sông Hà Thanh cũng chưa chảy qua, có chăng chỉ là một khe nước bé tí teo.  Đến gần thời kỳ giaó hoá của Phật Thích Ca Mâu Ni, khoảng một ngàn năm trăm năm trước khi Phật thị hiện ở Lâm Tỳ Ni thì đệ laị là một sa môn. Thời ấy con người còn thanh tịnh thiện lương, việc học đạo và giáo hoá rất dễ dàng. Khi ấy đệ đã nổi tiếng là một sa môn học rộng biết nhiều, đa văn túc trí, laị được bọn phú hào, vương tôn công tử, đaị thần quyền qúy tôn xưng quá khỏi đầu nên đệ sanh tâm cống cao ngã mạn, cho rằng chẳng ai bằng mình. Đệ tự tiện buông lung phá giới nhưng ngụy biện là phương tiện, tùy tiện nói pháp, nói quá cả những điều mình biết, chưa chứng đã tự xưng chứng đắc, mượn cái nhãn chánh pháp để làm những điều phi pháp. Có nhiều vị trưởng lão và những bậc thiện hữu tri thức khuyên nhưng đệ không nghe lời, đã có lần bị tẩn xuất nhưng đệ vẫn chứng nào tật nấy. Một ngày nọ có vị tể quan đến vấn đạo với đệ, ông ta hỏi về nhân quả, đệ tự phụ và cống cao cực độ, tự nhận mình đã chứng đắc nên bất muội nhân quả, vì lời nói này mà khi chết đệ phải thọ thân hồ ly, tuy mang thân súc sanh nhưng linh tánh vẫn còn nên đệ đau lòng sám hối và tu tập laị từ đầu. Sau đó gặp một lão hồ ly tu tiên, ông ấy truyền cho đệ phép tu tiên và cũng vì thế mà đệ xa rời hẳn con đường Phật đạo. Đệ theo lão hồ ly tu tiên trong năm trăm năm đầu thì thần lực đã khá cao, luyện được bạch ngọc, với ngọc này thì đệ có thể vào thành ra ấp mà không ai hay biết, có thể ở chỗ này hiện bóng chỗ nọ… Cứ mỗi một năm trăm năm thì laị chứng thêm một phần công phu, có thêm một cái đuôi và từ bạch ngọc sẽ chuyển thành lưu ly ngọc, hồng huyết ngọc, hoàng huỳnh ngọc… Khi hồ ly có đủ chín đuôi và có ngọc như ý thì đắc tối thượng công phu, năng lực rất ghê gớm, với ngọc như ý thì có thể hoá hiện thân bất cứ người naò mà mình thích, cho dù là nông phu, nho sinh, tể quan, tiểu vương, thậm chí có thể hiện tướng qủy thần hoặc giả làm bồ tát… Đệ đã có đủ chín đuôi và ngọc như ý, trong một lần bâng khuâng nhớ chốn xưa, đệ quay về thăm núi Thanh Huy bên sông Hà Thanh thì gặp huynh và những nho sinh của trường ông giáo Ngữ. Đệ đã hoá làm nho sinh xin trọ học với thầy giáo Ngữ. Đệ gặp huynh, huynh đã nhiều lần tỏ ra rất can trường và quân tử, vì thế đệ có hảo cảm và xin kết nghĩa huynh đệ. Đệ đi vào cõi người với tâm địa thiện lương thanh tịnh, chí nguyện chỉ giúp người, tuyệt đối không có ý haị ai, ngặt nỗi loài người cực kỳ nặng nề thành kiến, cứ nằng nặc cho hồ ly là kẻ haị người. Đây là tất cả sự thật, có nhật nguyệt chứng giám cho đệ, nay nhân duyên đã hết, đệ phải chia tay huynh! 

Lục Lang sững sờ há hốc mồm không nói nên lời. Lục Lang hoàn toàn không biết nên phải xứ trí như thế nào nữa, lúc ấy có tiếng động ầm ầm ngoài cửa, lão đaọ sĩ hét lớn

- Cửu vĩ hồ ly tinh, mau ra đây chịu chết! 

Tiểu Bạch băng qua cửa sổ chạy ra vườn. Lục Lang chạy theo sau, quanh nhà có rất nhiều người đang la hét ầm ĩ, họ giơ cao những bó đuốc cháy phừng phừng, đinh ba, gậy gộc tua tuả. Họ gào thét “ giết hồ ly, giết hồ ly”.  Thì ra lão đạo sĩ đã kích động người trong trấn đi giết hồ ly.  Lục Lang dắt Tiểu Bạch chui qua ngõ tắt chạy thẳng ra bờ sông Hà Thanh. Lũ chó săn đánh hơi sủa rân trời, đám đông rần rần chạy theo bầy chó, những con người chất phác nhưng mê muội bị kích động, họ rần rần đuổi với sát khí ngút trời. Sông Hà Thanh cuối năm nước đầy ắp, bờ bên kia trông xa vời vợi, ngọn núi Thanh Huy sừng sững đó nhưng cũng không thể che chở được cho những kẻ khốn cùng bị săn đuổi. Tiểu Bạch bảo Lục Lang về đi, y tự lo cho bản thân được. Lục Lang không chịu đi, còn đang dùng dẳng thì chỉ phút chốc là cả đám đông đuổi kịp và vây chặt cả hai. Có những kẻ quá khích dí đuốc vào gần mặt Tiểu Bạch, khuôn mặt thanh tú mà buồn vô hạn, tuyệt nhiên không thấy y sợ sệt như những lần bị bọn học trò bắt nạt. Lão đạo sĩ vạch đám đông sấn tới

- Cửu vĩ hồ ly tinh! Ta đã tìm ngươi suốt bao lâu nay, hôm nay thì ngươi đừng hòng thoát khỏi tay ta! 

Tiểu Bạch nói như rít lên

- Ông không làm gì được tôi đâu! Tôi tuy là hồ ly nhưng tâm tôi không mảy may có ý haị người, cớ sao ông mãi truy bức tôi?

Lão đạo sĩ cười ngạo nghễ

- Hồ ly không thể ở trong cõi người! ta có bổn phận phải diệt hồ ly, mau chịu chết đi, đừng lý sự vô ích!

Tiểu Bạch đáp

- Tôi là hồ ly nhưng tâm tôi không mê muội và sân hận như ông, xem ra bao nhiêu người mang thân người nhưng tâm không bằng hồ ly

Nhân lúc Tiểu Bạch đối đáp mà vô ý sơ sểnh, lão đạo sĩ phóng thanh kiếm trừ tà trảm yêu về hướng Tiểu Bạch. Phút giây nguy cấp không kịp phán đoán gì, Lục Lang lao đến lấy thân che cho Tiểu Bạch và thanh kiếm cắm ngập vào ngực. Tiểu Bạch hú lên một hồi thảm thiết, tiếng hú rờn rợn cả nước sông Hà Thanh, làm chim muông trong núi Thanh Huy bên kia sông giật mình bay loạn xạ, tiếng kêu náo cả một vùng. Tiểu Bạch đỡ lấy thân hình Lục Lang nằm trên bãi cát, y đã khóc, nước mắt nhỏ xuống mặt Lục Lang, giọng y cực kỳ thống thiết

- Cảm tạ tấm lòng lân mẫn của huynh, từ lâu đã mang ơn huynh mà lòng không biết làm sao đền đáp, hôm nay ngọc như ý đã có chỗ dùng nhưng cũng từ đây đệ laị mất thân người, không biết phải tốn bao nhiêu lần năm trăm năm nữa mới hiện laị được thân người? 

Nói xong y há miệng ra, một viên ngọc toả ánh sáng ngũ sắc lung linh. Y lấy viên ngọc áp vào vết thương trên ngực Lục Lang, kỳ diệu thay, da thịt Lục Lang lập tức liền laị như chưa hề bị đâm thủng. Ánh sáng viên ngọc vừa tan biến thì Tiểu Bạch lập tức hoá thành một con cáo to lớn với màu lông lưng đỏ rực, vùng bụng và ức thì trắng tinh khôi. Nó lao xuống sông nhanh như cắt và bơi qua bờ bên kia, chỉ trong giây lát bóng nó mất hút trong núi Thanh Huy.

Quá hai giờ sáng, Mike giật mình thức dậy, trang sách đọc dở dang vẫn còn để mở, ánh đèn tạo nên một vầng sáng ảo diệu giữa màn đêm mênh mông. Khí trời lành lạnh,  Mike đứng dậy vươn vai vài cái rồi đẩy cửa bước ra hiên, Một vầng trăng  khuyết chênh chếch hướng trời tây, ánh trăng bàng bạc rơi khắp sân vườn, nhìn laị đầu hồi nhà thì con cáo gãy chân lúc đầu hôm đã bỏ đi tự bao giờ.


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 02/2021


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.
Kể cả sau khi ra trường đi dạy, góc nhìn chọn lựa đàn ông của tôi rất giới hạn. Không cần đẹp trai, nhưng không thể xấu. Không quá cao, cũng không thể lùn. Không ăn diện thời trang, cũng không quê mùa. Không nói nhiều, cũng không câm nín. Không cần thông minh, nhưng đừng ngu khờ. Không cần làm anh hùng, nhưng đừng hèn nhát. Nhưng các tiêu chuẩn này không có nghĩa tôi sẽ chọn người trung bình.
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
…Khi anh tới cổng viện dưỡng lão, trời đã chạng vạng tối, chỉ còn bà mẹ anh và bà thư ký ngồi co ro trên ghế đá… họ đợi anh, bà thư ký vội báo cho anh hay là anh hãy canh giữ, nuôi bà cụ khoảng một tháng, chờ tình hình dịch bệnh tăng giảm ra sao, rồi thành phố sẽ quyết định và nhà già sẽ liên lạc với anh ngay sau đó. Bà thư ký đi khỏi, anh quay lại ngó mẹ và đau lòng thấy bà cụ co dúm như một mớ giẻ rách khô… anh đỡ mẹ ra xe, và nhỏ nhẹ khuyên trấn an: - Mẹ cứ về ở với con ít lâu, coi tình hình ra sao?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.