Mộng ước sau cùng
Đầu Tháng Tư năm 2016, cháu Oanh từ Úc Châu gọi cho chúng tôi. Thưa bác, bố con đã yếu rồi. Vẫn còn ở Sacramento, thủ đô California. Không biết sẽ đi lúc nào. Con thì ở nơi xa xôi. Chuẩn bị sẵn sàng, có tin là con bay về. Gia đình bên CA cũng đã chuẩn bị. Bố con ở bên đó không giao thiệp nhiều, nên cũng không quen biết ai. Con muốn khi bố con ra đi sẽ được hưởng chút nghi lễ của quân đội. Tôi hỏi lại rằng con muốn nghi lễ ra sao. Cháu Oanh trả lời rằng bố con là quân nhân nhảy dù, sau qua cảnh sát. Xin mời các chiến hữu tham dự tang lễ. Xin được phủ cờ. Vậy cháu gửi cho bác tất cả các giấy tờ liên quan đến tiểu sử của ba, bác sẽ thu xếp giới thiệu với các quân nhân và cộng đồng tại địa phương. Giữa tháng Tư, cháu bay từ Úc qua Hoa Kỳ, sau khi thăm ông già ở Sacto, trên đường về đã ghé San Jose để gặp chúng tôi xin lễ phủ cờ cho người cha thân yêu. Đọc hết hồ sơ quân vụ, những giấy ra trại, ra tù. Những lá thư từ trại tù gửi về cho vợ con. Chúng tôi hết sức xao xuyến bồi hồi, xin kể lại câu chuyện cho các chiến hữu và xin vui lòng giúp cho cháu Oanh một cái lễ phủ cờ.
Thu ngắn chuyện dài
Các bạn chắc vẫn không biết rõ cháu Oanh là ai, bố cô tên tuổi ra sao mà khi sắp ra đi gia đình lại muốn xin làm lễ nghi quân cách dù quân đội đã rã ngũ tan hàng trên 40 năm. Chuyện dài xin kể ngắn lại như sau. Bằng hữu hẳn còn nhớ, mấy năm trước cô tác giả Carina Oanh Hoàng chủ biên cuốn sách Anh ngữ Boat People. Tôi được dịp xem qua và giới thiệu tác phẩm vì quả thực tuyển tập rất có giá trị và trình bày ấn loát tuyệt vời. Cuốn sách này mới lại được in bản Việt Ngữ đã phát hành. Chúng tôi đã gặp Bố của cháu Oanh trong một buổi chiều mấy năm về trước. Ông Hữu Ái mang dòng họ Hoàng Tích đã kể lể về chuyện lính, chuyện tù. Tôi bị quyến rũ về cách ông tâm sự cũng như phê phán cuộc đời. Gần như cả buổi, ông nói một mình. Xin trích lại để các bạn cùng thưởng thức.
Một thời oanh liệt
Từ Sacramento, Carina Oanh Hoàng đem được thân phụ cô là Phượng Hoàng 74 tuổi tên là Hoàng Tích Hữu Ái xuống núi. Ngày xưa sinh viên sĩ quan họ Hoàng thuộc khóa 5 Trừ Bị Vì Dân, học tại Đà Lạt. Cùng khóa với Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường. Anh thanh niên Hà Nội dòng họ Hoàng Tích mang cấp bậc trung tá QLVNCH vào những năm 70 làm cảnh sát trưởng Hậu Nghĩa, Bình Long, rồi cuối cùng là Tây Ninh. Các bạn chắc có nghe đến chiến dịch Phượng Hoàng đã được coi là kẻ thù số một của Cộng Sản. Trưởng ty cảnh sát Tây Ninh lại là nơi trực diện cùng địa bàn hoạt động với cục R. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Trung Tá Hoàng. Ông người cao lớn và xem ra tính tình cũng cao ngạo. Trải qua 14 năm tù, nhưng lưng vẫn thẳng. Dù chống gậy đi chậm chạp nhưng tiếng nói mạnh mẽ. Tóc bạc trắng, mặt rất có hồn với đôi mắt tinh anh. Tôi tưởng rằng ông có thể vào vai Thành Cát Tư Hãn trong kịch của Vũ Khắc Khoan. Chúng tôi ngồi nói chuyện binh đoàn, chuyện núi Bà Đen, chuyện bị Cộng Sản bắt, chuyện tù đày và sau cùng là chuyện con “kên kên Hoàng Oanh”
Ông kể rằng vào những ngày cuối, cảnh sát Tây Ninh tan hàng. Trung tá quân đội trở về với lính trung đoàn tại địa phương. Tiếp tục chiến đấu. Tìm đường chạy qua Cam bốt nhưng không thoát, khi bị bắt vẫn còn vũ khí. Ông bị giam riêng ở cục R. Chuyện chấp pháp hỏi cung ông vẫn còn nhớ như mới xảy ra hôm qua.
Cán bộ chỉ xuống bàn chân tật nguyền của chính anh ta mà hỏi rằng:
– Chân này ai bắn anh có biết không ?
Trung tá cảnh sát đáp rằng:
– Tôi bắn chứ ai.
– Ngon, muốn làm anh hùng phải không ?
-Không, đó chỉ là bổn phận thôi.
– Lâu lắm, 20 năm.
– Đánh bao nhiêu trận, càn bao nhiêu lần?
– Nhiều lắm không nhớ hết.
– Được bao nhiêu huy chương?
– Nhiều lắm không nhớ hết. Chiến thương năm sáu lần, anh dũng mười mấy cái.
– Anh giết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng?
– Nhiều lắm, không nhớ hết, thanh toán toàn cán bộ.
Phượng Hoàng 74 tuổi Hoàng Tích Hữu Ái.
Đó là đối đáp của anh trung tá VNCH.
Phượng Hoàng độc thoại
Rồi chuyện gì đã xảy ra? Còn chuyện gì nữa. Chúng nó đập cho tơi tả. Thương tích đầy người. Một bên tai điếc hoàn toàn. Một bên chỉ còn nghe được 20%. Đầu óc cũng thương tích. Rồi đem ra bắn.
Phượng Hoàng bắt đầu độc thoại. Ông nói một mình. Cháu Oanh ngồi nghe nhưng có vẻ lo lắng sợ ông bố kể chuyện lang bang. Ông tiếp tục nói: Hôm tôi bị đem ra bắn nhưng không phải một mình. Chừng năm sáu anh em. Chẳng biết bao nhiêu. Bịt mắt từ trong tù. Đầu óc tôi chưa tỉnh. Có đọc bản án từng người. Rất dài. Bắn được hai người. Chưa đến người thứ ba thì chợt có lệnh ngưng. Tôi là trung tá ác ôn nhất nên sẽ bắn sau cùng. Vì thế nên chưa đến lượt.
Ông nói sao? Nó bắn mình có nghe tiếng súng chứ. Tiếng đạn tác chiến khác. Đạn này bắn rất gần xuyên ngay vào thịt. Vẫn bịt mắt, chúng dẫn về trại tù. Giam giữ thêm hai năm tại cục R. Bị đánh đập thẩm vấn nhiều lần rồi mới đưa ra Bắc.
Ông muốn biết gia phả họ Hoàng? Ông biết cánh Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Lân không? Hoàng Cơ là chi trên,
Hoàng Tích là chi dưới. Tôi ở chi dưới nhưng lại là hàng trên. Tôi gọi Hoàng Cơ Bình là chú. Chú Bình là thân phụ các anh chị em bên Hoàng Cơ… Cánh nhà tôi quen biết với Lý Bá Sơ khá nhiều. Ông tôi, bác tôi đều bị Cộng Sản cắt cổ.
Ông hỏi chuyện ở tù ngoài Bắc ra sao? Tôi không kêu than đói rét. Cả nước đều đói rét cả, có gì mà than. Tôi buồn vì không có tổ quốc. Không còn Saigon. Mc.Cain bị tù, nhưng còn cả nước Mỹ. Ra tù vẫn còn nguyên tổ quốc. Tù miền Nam ra tù không còn tổ quốc.
Muốn nói chuyện thơ văn, cho ông biết tôi cũng làm thơ trong tù. Ca ngợi chế độ đấy nhé. Chúng nó…Đỉnh cao trí tuệ uyên thâm. Khi vươn cao thì vừa bàn tay với, khi thâm sâu thì ngang mắt cá chân. Khi anh em chôn tù chết, những năm đầu còn gỗ tạp đóng quan tài nhỏ bé. Cũng làm thơ tiễn biệt anh em. Gặp thằng cao thì xác chết co chân. Đứa to ngang cho nó nằm nghiêng. Một thằng tù chết, mất bốn thằng khiêng. Chết tù không tiếc, tiếc bốn ngày công.
Ông biết không, Tạ Tỵ nằm cùng buồng nói rằng: Thằng Phượng Hoàng gẫy cánh, mày đừng làm thơ nữa. Thơ mày làm như nứa cứa vào da, tao chịu không nổi.
Đó thơ văn như vậy. Nghe được không ?
Ông hỏi trong tù có kỷ niệm nào đặc biệt, có đấy chứ. Một lần cán bộ gọi lên nói chuyện. Địa phương báo cáo con gái Hoàng Oanh của mày ở thành phố cực kỳ phản động ngoan cố. Trả lời rằng nó còn bé làm gì mà phản động.
Được nói rằng con gái bị cô giáo báo cáo phản động. Xin cán bộ cho nó vào tù để tôi dạy dỗ nó. Cán bộ lắc đầu bảo rằng nó vượt biên rồi.
Đó là ngày vui nhất của tôi.
Đến khi ra tù sau 13 hay 14 năm gì đó, tôi cũng tìm đường ra đi. Lại bị bắt thêm vài năm tù trong Nam. Rồi bây giờ ngồi ở đây. Tổ quốc ở đâu. Tướng Nguyễn Khánh trao tặng huy chương năm 1964.
Ông muốn hỏi thêm chuyện gì nữa. Ông có biết chúng xử bắn bằng súng gì không. Tôi bị bịt mắt, làm sao biết được nhưng bắn gần lắm. Phát súng đầu tiên cũng là phát súng ân huệ cuối cùng. Nó bắn bằng súng lục. Tôi không bị bắn nhưng sao bây giờ dường như vẫn có viên đạn trong đầu. Bây giờ muốn nói chuyện con Oanh, nói chuyện thuyền nhân hay sao. Con gái tôi mới hơn 10 tuổi, cha đã đi tù. Ở nhà anh em nó vượt biên. Chuyện tù đày là chuyện của tôi. Chúng nó không cứu được tôi. Chuyện vượt biên là chuyện của các con. Tôi không cứu được chúng nó. Anh em chụp mũ công sản lên đầu nó. Con tôi tôi biết, nếu nó là Cộng Sản tôi sẽ xử nó. Không khiến đến anh em. Nếu nó không phải là cộng sản, anh em tính sao với tôi đây. Tôi là chiến binh, tôi thương chiến binh. Tôi là thằng tù. Tôi thương thằng tù. Con tôi nó là thuyền nhân, nó thương thuyền nhân. Nó là người đầu tiên về lại Biển Đông tìm mộ thuyền nhân. Nó không phải là con kên kên tìm về ăn thịt xác chết như các anh chụp mũ. Nó là con tôi, tôi phải biết. Nó chỉ đi tìm ngôi mộ của thằng anh nó chôn ở hoang đảo Nam Dương. Đó là mộ thằng con trai tôi. Trong 40 câu chuyện thuyền nhân trong sách, chỉ có một chuyện mà nó không kể ra. Đó là chuyện đi tìm mộ thằng anh của nó. Con tôi, tôi biết, nó giỏi lắm ông ạ. Cha mẹ sinh ra nhưng không nuôi dưỡng các con. Nó thân lập thân, một mình xoay trở để thành người. Nó không phải là kên kên. Nó là Cộng Sản tôi sẽ xử nó. Không đến lượt các ông. Cha nó ở tù, không nuôi con được một ngày cơm. Nhưng nó chịu khó học hành. Đậu đủ các bằng cấp. Làm cho hãng Mỹ. Làm cho hãng Úc. Làm cho lãnh sự Mỹ. Chế ra túi cấp cứu để bán cho dân Sài Gòn. Nó Cộng Sản ở chỗ nào. Sao lại bảo nó là kên kên. Rồi hô hào đi bắn kên kên. Ông biết chúng nó bắn tôi bằng súng gì không. Súng lục đấy. Nó tha tôi mà sao vẫn còn viên đạn trong đầu. Chẳng còn tỉnh táo đâu. Trong lúc ở tù tôi nghĩ đã có lúc nằm trong quan tài. Chúng nó khiêng tôi, bốn người không nổi. Tôi phải co chân nằm nghiêng. Cần phải sáu người. Tù chết không tiếc, tiếc sáu ngày công. Đó là Cộng Sản.
Ông có muốn xem tờ giấy ra trại của tôi không. Tên trung tá Ngụy cực kỳ phản động, cực kỳ ác ôn. Không thể cải tạo được.
Cộng sản độc tài gọi cha là Phượng Hoàng nợ máu nhân dân, cộng hòa tự do gọi con là kên kên ăn thịt thuyền nhân. Tôi thật tiếc cho các ông.
Trung Tá Hoàng Tích Hữu Ái đứng lên từ biệt. Tay cầm gậy, mũ đội trên đầu, lưng thẳng. Ông nói thêm: Thưa niên trưởng, chuyện thuyền nhân để cháu nó lo được rồi. Mình là lính bại trận, bây giờ mấy thằng trốn lính nó nói sao cũng có người tin. Chiến hữu rơi rụng cả rồi. Chiều nay tôi lại đi thêm một đám nữa. Chào Colonel để cháu đưa tôi về.
Xem lại hồ sơ quân bạ:
Ông trung tá nhảy dù với chức vụ trưởng ty cánh sát Tây Ninh bắt tay từ giã tôi để về lại Sacramento. Đã mấy năm qua không có dịp liên lạc. Vâng chính cái anh chàng cùng học trường Võ bị Liên Quan Đà Lạt 1954 khóa 5 Phụ. Khóa Tư Phụ Cương Quyết chúng tôi ra trường 1954 thì đến lượt Hoàng Tích Hữu Ái trình diện 1955.
Khi từ giã tại San Jose anh hứa gửi cho viện bảo tàng những giấy tờ hết sức lạ lùng. Nhưng đến nay tôi mới có dịp đọc được hồ sơ đầy thành tích được Cộng Sản tuyên dương qua giấy tịch thu tài sản vì can tội không chịu đầu hàng. Nguyên văn trong giấy tờ của Cộng Sản ghi rằng tên Ái ngoan cố không đầu hàng. Không chịu trình diện chính quyền địa phương, đã bị bắt tại Gò Dầu. Không giao nộp vũ khí như các sĩ quan khác. Giấy Ra Trại cấp năm 1988 sau 13 năm tù tập trung. Vừa được thả là tìm đường xuống miền Tây vượt biên nên bị bắt. Trên giấy Thả Tù về tội xuất cảnh trái phép. Sự thực chính là tù vượt biên. Trong hồ sơ của Hoàng Tích Hữu Ái có những bức thư từ trại tù Hà Nam Ninh gửi cho mẹ, gửi cho vợ và thư gửi cho các con. Những lá thư mỗi năm một lá của người tù Hoàng Tích Hữu Ái Đội 7 Khu C Trại Z 30 từ Hàm Tân Thuận Hải gửi đi từ 1 tháng 6 năm 1983. Đến ngày 1 tháng 5, 1984 mới có thêm một lá. Người tù từ miền núi rừng Bắc Việt viết về chuyện thương nhớ vợ con. Ngày nay chính ông Phượng Hoàng của núi Bà Đen đó đang nằm chờ những ngày cuối cùng.
Cháu Carina Oanh Hoàng biết rõ bố cháu hiện đã không còn tỉnh táo về tinh thần mà thân xác cũng đã chẳng còn hồi phục được. Người anh hùng Mũ Đỏ một thời ngang dọc hiện hết sức cô đơn. Con gái của ông biết rõ người cha luôn luôn sống trong tình chiến hữu. Cháu mong rằng vào ngày tang lễ sẽ có các bạn tù, các bạn nhảy dù, các bạn võ bị, các bạn cảnh sát đến với bố cháu…Đúng như vậy, đây là một bài báo hay là một lá thư thỉnh nguyện. Các chiến hữu của chúng tôi tại Sacramento, xin vui lòng chờ một tin buồn. Hãy đến với anh bạn Hoàng Tích Hữu Ái chúng tôi một lần. Anh đã không cô đơn trong 20 năm quân ngũ. Đã không cô đơn trong 13 năm ngục tù tập trung lao cải, Hoàng Tích Hữu Ái sẽ không cô đơn trong chuyến đi về miền vĩnh cửu.
Đây là câu chuyện về anh chàng võ bị ngang tàng được kể năm 2016. Ngày xưa nhân gặp quốc trưởng Nguyễn Khánh ở Việt Museum cũng từ Sacto xuống, tôi có nói rằng trên đó có tay trung tá nhảy dù còn nhớ niên trưởng gắn huy chương mặt trận năm 64. Ông Khánh bây giờ đã đi xa. Trung tá Hữu Ái tưởng chết từ mấy năm trước mà đến nay vẫn còn lưu luyến ở thủ đô Cali. Trong dưỡng đường cao niên tháng nào cũng báo cáo có ông già bỏ đi ban đêm rồi trở về với quần áo tả tơi, mặt mũi thâm tím. Ăn xong buổi trưa trung tá Hữu Ái ngồi viết báo cáo trận phục kích đêm qua. Sự thực ông chỉ xông vào các rừng cây và té nhào xuống đất. Không bị xử bắn sao viên đạn vẫn còn trong đầu. Đêm 10 tháng 12 năm 2020 con gái Hoàng Oanh Carina từ Úc châu gọi điện cho bác Lộc. Bố con mất rồi. Ngày nay đang dịch Covid 19 làm sao có lễ nghi quân cách. Sáng thứ sáu 11 tháng 12 tôi gửi khẩn cấp lá cờ vàng cho nhà quàn để phủ lên di hài người anh hùng mỏi mệt của khóa 5 phụ Vì Dân học tại trường Võ bị Đà Lạt. Xin các bạn cùng khóa Vì Dân 1955 tại Thủ Đức và Đà Lạt hiện chẳng còn bao nhiêu, hãy đốt một nén hương tưởng niệm cho Hoàng Tích Hữu Ái. Đưa người, ta không đưa qua sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng. Từ bên trời Úc Châu xa xôi, đứa con gái thuyền nhân không về được. Nó đứng khóc :Vo tròn thương tiếc , chiếc khăn tay. Mượn lời thơ của Thâm Tâm viết từ năm 1944 mà sao tưởng như mới khóc người đi đêm hôm qua.
Giao Chỉ, San Jose.
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393