Hôm nay,  

Ngày Chiến Sĩ Trận Vong Nghĩ Đến Người Chinh Phụ

22/05/202000:00:00(Xem: 3005)

NGAY CHIEN SI TRAN VONG 02
Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong Ở Hoa Kỳ. (nguồn: www.sofrep.com )

“Cũng có kẻ mắc vào khóa lính,

Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,

Nước khe cơm ống gian nan,

Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.

Buổi chiến trận mạng người như rác,

Phận đã đành đạn lạc tên rơi.

Lập lòe ngọn lửa ma trơi,

Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.”

 

Đó là đoạn văn tế các chiến sĩ trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của thi hào Nguyễn Du. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của thi hào Nguyễn Du thường được đọc trong ngày Rằm Tháng Bảy với lễ chẩn tế thập loại cô hồn được tổ chức trong các Chùa trùng với Lễ Vu Lan.

Tại Hoa Kỳ, Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) năm nay 2020 nhằm vào Thứ Hai, 25 tháng 5. Đây là ngày lễ liên bang tại Hoa Kỳ được tổ chức vào Thứ Hai thuộc tuần lễ cuối của tháng 5 hàng năm. Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong để vinh danh và tưởng niệm các quân nhân Hoa Kỳ đã nằm xuống ngoài chiến trận.

Các chiến sĩ là những người hy sinh đời trai trẻ của họ để đi theo tiếng gọi lên đường bảo vệ tổ quốc quê hương hay bảo vệ chính nghĩa tự do và hòa bình trên thế giới. Các chiến sĩ có người đã lập gia đình có người còn độc thân. Những quân nhân độc thân khi ra sa trường thì có cha mẹ và anh chị em ở nhà thương tưởng chờ mong ngày về. Còn những chiến sĩ đã có gia đình khi ra chiến trường giết giặc thì có vợ con ở nhà trông ngóng đợi chờ.

Những người vợ của các chinh phu được gọi là những chinh phụ. Những chinh phu nơi chiến trận phải đối diện với bao hiểm nguy tai họa của đạn lạc tên rơi và sự sống chết của họ mỏng manh như ‘chỉ mành treo chuông’. Nhưng, những người chinh phụ ở nhà thì phải gánh chịu muôn vàn khổ lụy đè nặng lên đôi vai gầy yếu của người phụ nữ, từ trách nhiệm thay chồng lo cho gia đình và con cái đến nỗi đau vò xé tâm can khi mòn mỏi chờ mong ngày chinh phu trở về.

Hơn ai hết, người phụ nữ Việt Nam là những người thâm cảm sâu sắc nỗi đau của người chinh phụ, vì đất nước Việt Nam hầu như thời nào cũng có chiến tranh và những hệ quả của chiến cuộc. Trong chiến tranh, những chinh phụ đau đớn vì chồng còn nơi chiến trận không biết sống chết ra sao. Sau chiến tranh, như sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những chinh phụ khổ sở vì chồng bị đẩy vào lao tù khổ sai của chế độ cộng sản. Những chinh phụ thời kỳ sau 1975 tại Miền Nam không những mất mát về tình cảm mà còn gánh chịu muôn vàn khốn khổ về vật chất.

Trong nền văn học Việt Nam, thân phận và tâm trạng của người chinh phụ đã được mô tả một cách thấm thía, mà nổi tiếng nhất là trong tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm” do thi sĩ Đặng Trần Côn viết bằng Hán văn và nhiều bản dịch chữ Nôm được thực hiện bởi nhiều nhà thơ, trong đó bản dịch chữ Nôm của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm là một tuyệt tác được lưu truyền rộng rãi nhất.
 
Về Chinh Phụ Ngâm
 
Theo Bách Khoa Từ Điển Mở Tiếng Việt, Chinh Phụ Ngâm có nhiều bản dịch bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát và song thất lục bát gồm các bản dịch của Đoàn Thị Điểm, Phay Huy Ích, Nguyễn Khản, v.v... Bản dịch phổ biến nhất xưa nay theo thể song thất lục bát, dài 412 câu, có tên Chinh Phụ Ngâm Khúc Diễn Ca, được cho là của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749), hay có người cho là của Phan Huy Ích (1751-1822), với tên Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca Tân Khúc.

NGAY CHIEN SI TRAN VONG 01
Hình minh họa Chinh Phụ Ngâm. (nguồn: www.theki.vn )

Nguyên tác Hán văn của Chinh Phụ Ngâm Khúc do thi sĩ Đặng Trần Côn sáng tác. Theo tài liệu được đăng trên trang mạng www.thanhxuan.gov.vnwww.vanhien.vn, thì năm sinh của Đặng Trần Côn vẫn chưa được xác định. Các tài liệu chỉ dựa vào những nhân vật mà ông có giao tiếp cùng thời như Ngô Thời Sỹ (1726-1780) và Đoàn Thị Điểm để phỏng đoán ông sinh vào khoảng 1707 và mất vào khoảng 1745, trước ở Hải Hưng sau về Hà Nội. Trong khi bà Đoàn Thị Điểm sinh vào năm 1705 và mất vào năm 1749, tại làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Các tác phẩm của Đặng Trần Côn đều bằng chữ Hán, Ngoài Chinh phụ ngâm khúc, còn nhiều tác phẩm như: Phủ Chưởng Tân Thư, Yêu Hưởng Thưởng Xuân Thiếp, Lãn Trai Di Thảo, Hạ Nguyễn Quý Hầu Cập Đệ Gia Môn Vinh Thịnh Tự và Đề Tiêu Tương Bát Cảnh Đồ Thi Thảo...

Bà Đoàn Thị Điểm, ngoài bản dịch Nôm của Chinh Phụ Ngâm còn viết tập Truyền Kỳ Tân Phả (chữ Hán), Nữ Trung Tùng Phận gồm 1401 câu thơ và bài Bộ Bộ Thiềm Thu Từ. Ngoài ra còn có một số bài thơ văn khác của bà (gồm chữ Hán, chữ Nôm) được chép trong tập Hồng Hà Phu Nhân Di Văn của tiến sĩ Nguyễn Kiều mới được phát hiện gần đây, theo Bách Khoa Từ Điển Mở Tiếng Việt.

Tương truyền rằng bà Đoàn Thị Điểm là một giai nhân tuyệt sắc lúc bấy giờ nên có rất nhiều đấng mày râu đến dạm hỏi xin cưới, nhưng bà chưa để ý đến ai. Trong lúc đó, Đặng Trần Côn là học trò của thân phụ của bà Điểm là cụ Đoàn Doãn Nghi. Côn nhỏ hơn bà Điểm hai tuổi lại đem lòng yêu thích bà, nên có lần đã đến dạm hỏi xin cưới bà. Bà Đoàn Thị Điểm sau đó đã nói với người quen rằng Đặng Trần Côn miệng còn hôi sữa, làm thơ còn chưa nên mà bày đặt chuyện vợ chồng.

Gã họ Đặng nghe vậy thì chạm lòng tự ái nên quyết chí rèn mài kinh sử và luyện thơ. Ông đã dốc chí bình sinh để viết Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn. Khi viết xong Chinh Phụ Ngâm, Đặng Trần Côn đưa cho Ngô Thời Sỹ đọc và được khen là văn tài kiệt xuất. Đặng Trần Côn cũng có đưa cho bà Điểm xem nhưng bà lúc đó chưa dịch liền.

Trong bài “Đặng Trần Côn - Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời vua Lê – chúa Trịnh” đăng trong trang web www.vanhien.vn cho biết bà Đoàn Thị Điểm đến năm 1742 lúc đó bà đã 37 tuổi mới lấy chồng, chồng bà là Tiến sỹ Nguyễn Kiều, nổi tiếng hay chữ, nhưng đã góa vợ mới lấy Đoàn Thị Điểm. Nhưng vừa cưới bà Đoàn Thị Điểm xong thì Tiến sỹ Nguyễn Kiều theo lệnh của chúa Trịnh Doanh (1720 – 1767) và vua Lê Hiển Tông (1716 - 1786) lên đường sang Trung Quốc đi sứ nhà Thanh. Chuyến đi sứ này đã mất 3 năm Nguyễn Kiều mới về nước.

Có lẽ trong thời gian đó, tức là từ năm 1742 – 1745, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn đã được sáng tác. Trong đó Đặng Trần Côn dùng nhân vật là  một phụ nữ có chồng đi xa bày tỏ tâm trạng nhớ thương chồng và mô tả tình cảnh đơn độc của mình. Điều này phù hợp với hoàn cảnh của bà Đoàn Thị Điểm nên bà đã dịch Chinh Phụ Ngâm từ chữ Hán ra chữ Nôm. Nhiều người khen bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm còn hay hơn bản Hán của Đặng Trần Côn. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì theo lẽ tự nhiên đọc bản chữ Nôm là đọc tiếng mẹ đẻ nên dễ cảm nhận được chữ nghĩa và tâm tình của tác phẩm hơn bản Hán. Tất nhiên, yếu tố chính vẫn là tự bản thân của bản dịch Nôm vốn đã hay từ lời tới ý thì người đọc mới cảm nhận được cái hay của nó.
 
Nỗi lòng người chinh phụ
 
Tình cảm mặn nồng của vợ chồng luôn luôn buộc chặt họ vào nhau như hình với bóng. Một khi vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nào đó mà phải xa nhau thì bên nào cũng đau đớn nhớ nhung và mong chờ gặp lại.

Chinh Phụ Ngâm bắt đầu bằng việc người chồng nhận lệnh vua phải ra trận chiến đấu chống quân thù.
 
“Chín lần gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.”
 
Và rồi:
 
“Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.”
 
Tình cảnh tử biệt sanh ly là nỗi đau da diếc nhất của đời người, đặc biệt là người chinh phụ khi tiễn đấng chinh phu lên đường.
 
“Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền.
Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng.”
 
Kẻ đi thì đi không đành và người tiễn thì cũng không muốn rời người yêu, nên cứ níu áo lần lựa không buông. Sợi dây tình ái vô hình vô tướng mà trói con người chặt đến không bứt ra nổi. Bởi vậy nhà thơ Nguyễn Công Trứ mới than “Cái tình là cái chi chi?”
 
“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chành ý thiếp ai sầu hơn ai?”
 
Nhưng nỗi sầu lúc chia tay mới chỉ là khởi đầu của đoạn đường cô quạnh đau đớn đứt ruột dài thăm thẳm tiếp theo đó và có khi là cả đời người.
Đến đây, Chinh Phụ Ngâm mô tả bằng độc thoại tâm trạng của người chinh phụ nghĩ đến đấng lang quân đang xông pha nơi chiến trường xa xôi nào đó.
 
“Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mắt phương nao?
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm xiết sao dãi dầu.
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn.
Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh.”
 
Nghĩ đến cảnh kẻ ở người đi trong lúc tình yêu còn bén lửa để cho ngày tháng chờ đợi nhạt phai hương sắc, người chinh phụ đau đớn thốt lên.
 
“Trang phong lưu đang chừng niên thiếu,
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên.
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan san để cách hàn huyên cho đành!
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục oanh già,
Ỷ nhi lại gáy trước nhà líu lo.”
 
Rồi ngày ngày ra trước sân để chờ ngóng tin chàng:
 
“Tin thường lại, người không thấy lại,
Gốc hoa tàn đã trải rêu xanh.
Rêu xanh mấy lớp chung quanh,
Sân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ.”
 
Nhưng chờ mãi mà không thấy bóng dáng chinh phu ở đâu. Người chinh phụ ngày càng nhớ thương bi lụy. Chinh Phụ Ngâm mô tả một cách tài tình và truyền cảm không thể tả tâm trạng sầu chất ngất của người chinh phụ cô đơn lẻ loi trong những lời độc thoại đau đớn nghe ra như xé nát tâm can. Trong hiện thực biết là không thể tìm gặp được chinh phu, người chinh phụ tìm chàng trong mộng.
 
“Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ,
Chua cay này, há có vì ai?
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề.
Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng,
Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn.
Duy còn hồn mộng được gần,
Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người.”
 
Mộng dù dài thì có lúc cũng phải tỉnh để thấy rằng, “Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không!” Khi tỉnh ra chinh phụ thấy chỉ có một tấm lòng son sắc với đấng lang quân là trường cữu. Và nàng nguyền giữ lấy tấm lòng đó cho đến khi chàng trở về. Lúc đó thì:
 
“Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,
Xin vì chàng giũ lớp phong sương.
Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.
Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Đọc thơ sầu, chàng thấm từng câu.
Câu vui đối với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần ren rén đòi liên.
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.”
 
Một kết cuộc có hậu. Dù thực tế chinh phu và chinh phụ vẫn chưa đoàn tụ, nhưng Chinh Phụ Ngâm đã mở được cái thắt gút buộc chặt tâm tình của chinh phụ trong bóng tối thê lương bi lụy nhất của đời người phụ nữ khi thương nhớ chồng ở phương xa mà không biết làm cách nào để gặp được. Nhờ thế, chinh phụ sẽ sống những ngày đợi chờ chinh phu trong tâm trạng lạc quan hy vọng.

Trong truyền thuyết dân gian Việt Nam cũng nói đến câu chuyện người phụ nữ bồng con đứng chờ đợi người chồng đi đánh giặt nơi biên cương mịt mù lâu quá mà hóa đá, nên có Hòn Vọng Phu.

NGAY CHIEN SI TRAN VONG 03

Nhạc sĩ Lê Thương và nhạc phẩm Hòn Vọng Phu.(nguồn: www.langmai.org )


Nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996) có nhạc phẩm Hòn Vọng Phu nổi tiếng trên 70 năm qua, vì ông sáng tác bài đó vào khoảng từ năm 1943 đến 1947, theo Bách Khoa Từ Điển Mở Tiếng Việt. Bản nhạc Hồn Vọng Phu, gồm 3 phần (Đoàn Người Ra Đi, Ai Xuôn Vạn Lý và Người Chinh Phu Về) của Lê Thương dường như ít có người Việt nào ở độ tuổi trên 50 mà không biết.
 
“…Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
Người đi ngoài vạn lý quang sơn,
Người đứng chờ trong bóng cô đơn.
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng.
Người không rời khỏi kiếp gian nan,
Người biến thành tượng đá ôm con…”

Ý kiến bạn đọc
25/05/202023:55:18
Khách
Mich Long tui "lựng bàn" chút xíu về văn thơ cổ :
"Chín LẦN gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh” (trích)
- "Cửu trùng" tiếng Hán Việt có nghĩa là chín lần, chín tầng, chín bậc. Là lối nói tượng trưng chỉ ông vua, đang ngự trên ngai vàng, vì ngôi vua được xây trên chín bậc thang.
- Tuy nhiên khi dịch sang tiếng nôm mà dịch theo kiểu...thẳng băng thành "chín LẦN" nghe ra dường như ý nghĩa của nó có vẻ hoàn toàn...trật lất.
- Nếu dịch như vậy chẳng khác gì cho rằng vị chinh phu này đã có tới...chín lần trong một đêm được nhận gươm báu của nhà vua trao cho ông ta để đi đánh giặc.
- Trong khi thật tế, theo câu thơ dịch, thì ông này được cái người ngồi trên chín bệ, tức là nhà vua giao cho gươm báu để "nửa đêm truyền hịch" đi đánh giặc liền, tức trong hai câu thơ này, ổng chỉ được có...một lần vua giao cho cái vụ "định ngày xuất chinh".
- Hai sự việc này hoàn toàn khác xa nhau. Sao lại có thể dịch là ông tướng quân này có...tới chín lần được trao gươm đi đánh trận cho được? Hahaha coi bộ thời này chắc loạn lạc dữ à nha...
- Ngày xưa nếu nhớ không lầm, tui có học qua câu này từng được dịch là:
"Chín TẦNG gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”
- Từ "chín TẦNG" trên ngai, tức nhà vua trao gươm cho tướng quân đi đánh trận, nghe nó hợp lý hơn "chín LẦN" chứ, phải không ta?
- Có lẽ tác giả đã trích dẫn sai từ một bản dịch không chính xác?
- Ngoài ra nếu tra theo hai câu thơ từ Hán Việt bản gốc thì ý nghĩa của nó còn...trật lất hơn nữa, đó là:
"Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân"
- Tạm dịch, trong khi nhà vua đang "ăn nhậu" với cung phi mỹ nữ, bỗng nghe hung tin giặc kéo quân đến đánh, cho nên "ông dzua" mới:
"Vua liền chống kiếm đứng lên
Nửa đêm phát hịch, lệnh truyền tướng quân"
- Tức là mặc dù đang lúc nửa đêm, tổng thống ổng vẫn sai quân sĩ mang "công văn khẩn cấp" bảo đại tướng tổng tham mưu trưởng quân đội phải lập tức đến trình diện gấp để cùng tổng thống bàn phương mà đối phó. Chứ ổng chưa có giao gươm giao kiếm gì ráo cho cái ông đại tướng này để mà...định ngày xuất chinh.
- Nhưng khi dịch sang tiếng nôm thành ra là:
"Chín TẦNG gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”
- Ta nghe tình tiết hai câu thơ có phải rất là nhịp nhàng, sướng tai, êm đềm, lưu loát?
- Hahaha tui bàn như vậy có hợp lẽ không quý vị?
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,