Hôm nay,  

Con Mèo Của Anh Sướng Nhất Trên Đời

18/05/202013:10:00(Xem: 2385)

(Najlepiej w życiu ma twój kot)

Untitled
Wisława Szymborska và Kornel Filipowicz


Con mèo của anh sướng nhất trên đời” là tập thư từ dày gần 400 trang của thi sĩ Wisława Szymborska và Kornel Filipowicz – nhà văn, nhà thơ, người yêu của bà từ năm 1967 cho đến tận khi ông qua đời năm 1990. Họ không cưới nhau, chưa từng sống chung với nhau dưới một mái nhà, không có con với nhau, nhưng tình yêu của họ rất đặc biệt. Những dòng họ viết cho nhau hóm hỉnh, cảm động, tha thiết, chân thật, là những hình thái đẹp nhất của ngôn từ. Và không chỉ là ngôn từ, đó còn là những hình vẽ, những bức cắt dán, những tấm bưu thiếp đầy sáng tạo và u-mua mà họ gửi cho nhau.
Xin trích dịch một số bức thư trong khoảng thời gian 1 năm họ mới quen và yêu nhau, trong đó có 5 tháng Wisława Szymborska phải điều trị tại viện điều dưỡng ở Zakopane cách thành phố Kraków của họ hơn 100 km. Thời gian này họ viết thư và gọi điện cho nhau gần như hàng ngày. “Con mèo của anh sướng nhất trên đời”, từ Zakopane, Szymborska đã viết cho Filipowicz đầy nhớ nhung như thế. Hơn 20 năm sau, khi Filipowicz qua đời, Szymborska viết bài thơ “Con mèo trong căn hộ vắng”, một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của bà.
(Thái Linh)

***

Moskva, 3.9.1967
Wisława yêu quí,
Anh đã giữ lời hứa đến thăm mộ Chekhov. Vì không có hoa nên anh đặt lên đó 2 chiếc lá hạt dẻ, của em và của anh.
Khoảng ngày 26 chắc Borisov sẽ đến Kraków. Anh đã cho anh ấy số điện thoại của em; nếu em muốn và có thời gian thì hẹn với anh ấy nhé.
Ôm em thật chặt.
Kornel

***
Jałta, 14.9.1967
Wisława yêu quý,
Hóa ra*, ngược lại với điều Tadeusz R.1 vẫn khăng khăng, không phải tất cả những người siêu việt đều thấp. Ví dụ Anton Pavlovich cao 1m86. Anh rất hài lòng báo cho em tin này.
Kornel Filipowicz của em (1m82)
ôm Eva2 và Adam3 nhé
*(anh đến thăm bảo tàng Chekhov, ở ngay Jałta)
***
10.07.1968
(…)
Em rất vui vì anh để ria. Chắc nó sẽ đẹp như của ngài Tulczyński4. Em xin anh hãy để nguyên nó cho đến khi trở về, gần đây chắc em xứng đáng được nhìn thấy một thứ chói lòa như thế. Ở đây em nghĩ đến anh luôn và yêu anh không ngừng (chỉ có giải lao để ăn trưa). Em rất muốn anh lại khỏe mạnh và vui vẻ. Tiếng con mèo của anh kêu giữa đêm khuya bay đến tận phố nhà em. Rõ là nó chẳng làm gì chỉ biết nhớ nhung, mà anh đã dặn nó làm việc rồi đấy, chắc lại viết một tiểu thuyết mới tuyệt đẹp. Em đã đọc truyện ngắn mới của nó trên “Tuần báo phổ thông”. Rất hay. Quả là anh có được nhiều niềm vui từ sinh vật dễ thương ấy. Ở đây em chẳng có ai như thế, các chú lùn từ chối chẳng chịu giúp đỡ gì vì trời nóng nực quá, mà nói thật họ chỉ là những nhà văn xoàng.

1 hoặc 2.8.1968
Kornel thân yêu! Phòng 119 của em trông như thế này. Một cửa dẫn đến nhà tắm, cửa kia mở thẳng ra phố Krupówka. Em yêu anh, nhưng anh đừng để ý lắm, cũng đừng đặc biệt tin tưởng vào điều này. Cùng lắm anh hãy cân nhắc nó khi gặp cô Katzowna. 5 Ở đây có rất nhiều bạn gái của Gienia6, thậm chí có vài chị em sinh đôi của cô ta. Có mặt họ, em cảm thấy mình chẳng còn sinh lực và nghĩa lí. Vì họ mới có nghĩa lí.
Hãy viết cho em anh làm gì, hoặc nếu anh thích thì hãy viết khô khan và thưa thớt thôi. Và anh hãy tránh xa em ra (thế này có đúng tiếng Ba Lan không nhỉ?).
Em không biết trên thế giới đang xảy ra chuyện gì, nhưng em nghi là không hay?
Hôn anh với đủ các nguyên tắc vệ sinh – W.
(viết trên bưu thiếp, mặt trước là ảnh căn phòng của giáo hoàng trong Thánh điện Vatican)

***

14.8.1968
Kornel ơi!
Đây là một đống câu hỏi không cho em ngủ yên:
  1. Anh có bao nhiêu loại rượu vodka trong nhà?
  2. Cô Gienia hàng tuần đến đây thăm chị gái được ai tặng cái quần bó đỏ thế?
  3. Vì sao anh nghĩ ra chừng ấy thứ công việc khó xác định như thế, khi trên núi không có ai chở cây?
  4. Vì sao khắp cả Zakopane này không có ai giống anh?
  5. Bà Salomea7 nhà anh vẫn nặng tai?
  6. Khi nào thì rốt cuộc anh sẽ viết xong chương sáu của tiểu thuyết nhan đề “Anh rể đang yêu”?
  7. Vì sao em cảm thấy mình mới ở bên nhau có 1 tháng, còn bây giờ xa nhau cả năm trời rồi?
  8. Cô sinh viên ngữ văn nào lại đang viết luận văn về anh? – và vì sao không bao giờ là cậu sinh viên?
  9. Hôm nay anh mặc chiếc áo sơ mi trắng tinh ấy đi đâu thế, hở?
  10. Khi em trở về, anh sẽ vẫn gọi em là Wisława chứ?
W.
***

14/15.8.1968
Wisława thân yêu!
Mãi đến tối anh mới đọc được thư em, có lẽ vì hơi sợ trong thư có gì không vui, nhưng nhiều khả năng nhất là vì ban ngày không có lúc nào thích hợp. Trong thư không có gì không vui hết, toàn những điều dễ chịu (trừ một thông tin tuy không phải là không vui nhưng khiến anh không thể thờ ơ). Anh đã từng nói với em rằng anh thấy thật kỳ lạ vì các anh chàng cũ của em không chịu rời xa mà cứ xoay quanh em – như những vệ tinh... Anh muốn tin và anh tin rằng với em họ đã là các cơ thể* trung tính – nhưng chính em cũng hiểu đấy...

Em đừng buồn, điều đó lãng xẹt. Hãy coi 2 tháng phải xa cách còn lại đơn giản như chuyến nghỉ ngơi. Em cần nghỉ ngơi – em đã làm rất nhiều việc, nhiều hơn là em tự ý thức được. (Và nhiều hơn những người được gọi là phê bình gia tưởng tượng ra. Mấy tiếng trước anh bỏ thư vào thùng thư “Đương đại”, có thể em sẽ nhận được thư anh nhanh hơn thư của Adam). Anh chờ em. Tuần sau nhất định anh sẽ đến – khi nào thì anh sẽ viết cho em sau. Tuần này (thứ sáu hoặc thứ bảy) anh phải gặp cô biên tập viên của tạp chí “Độc giả” đi nghỉ về qua Kraków. Anh cũng phải đến bác sĩ của anh, ông ấy mãi đến ngày 16 mới đi nghỉ về. Vậy nên bây giờ anh không về quê nữa, để đến tháng Chín (trước khi đi Zakopane).(...)
*dưới khía cạnh nào đó

23.8.1968
Wisława thân yêu! Tấm thiếp này viết ở Zakopane, lẽ ra phải được viết xong và bỏ vào thùng thư trước khi xe buýt chạy – nhưng anh không kịp. Hôm nay trời mưa từ sáng. Anh nghĩ về em và về những gì xảy ra trên thế giới8 (thay vì nghĩ về việc sửa bản thảo mà anh phải nộp vài giờ tới). Tệ hơn nữa – anh quên không thỏa thuận với em về một chuyện, khá quan trọng. Nhưng anh nghĩ nếu là chuyện đó thì chúng mình có ý kiến gần giống nhau.
Hôn em.
K.
***

27.8.1968
Em yêu!
Anh cũng buồn, ngoài ra còn xấu hổ, thấy đáng tiếc và nói chung anh đang chịu đựng một loạt những cảm xúc tồi tệ, nhưng như em có thể đoán, chúng không có chút gì liên quan đến em cũng như anh! Những chuyện này lại thêm các khó khăn khác nữa. Ví dụ việc sửa bản thảo: họ nói với anh rằng những thay đổi* mà anh muốn cho vào một số truyện ngắn phải có đúng số điểm như thế, không thêm không bớt. Ngoài ra anh đã nhận được tín hiệu là hai truyện ngắn (từ lần xuất bản thứ nhất) sẽ bị người kiểm duyệt đặt vấn đề. (Một truyện vì bài bài Do Thái, truyện kia vì giọng điệu bài – bài Séc...).
Anh lo sợ, Wisława ạ, rằng chúng ta sẽ bị cầm tù trong khối của mình và cắt đứt với thế giới trong thời gian dài, chưa nói đến chuyện họ sẽ bịt miệng chúng ta. Trừ khi có người can đảm thú nhận rằng hắn ta đã bị xúi giục ghê gớm, điều mà ở Pentagon người ta sẽ vừa phủi tay và vừa cười khẩy...
Chúng mình, Wisława ơi, phải ở gần nhau hơn, mình sẽ nhẹ nhàng và chắc chắn là vui vẻ hơn. Hôn em, em yêu, thật nhiều – Kornel.
*về phong cách

P.S. Mrożek9 phản đối trên “Le Monde”!

10/11.9.1968
Wisława em yêu!
Những bức thư của em tuyệt vời như những tác phẩm đẹp*: chân thực, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, vô song. Phải chăng chúng cũng cất giấu những tình cảm chân thực và vô song? Hãy cho phép anh tin như thế!
Không đùa đâu. Văn viết thư của em rất tuyệt và anh thấy những lời phàn nàn của em về tình trạng trí tuệ tệ hại hoàn toàn không có cơ sở. Với anh thì tệ hơn. Hôm nay anh ép mình trở lại với những thứ bắt đầu từ trước khi bị ốm – hiệu quả thật thảm hại. Anh chẳng làm được gì cả, lại đi nằm, đọc một đoạn trong Kẻ vô gia cư của Conrad (Conrad mà anh ít biết nhất) không mấy thích thú, sau đó anh cầm lấy cuốn Sa đọa của Camus, hóa ra anh đã đọc hồi trước, khá gai góc (trái ngược với những gì các phê bình gia nói nhân khi bình luận về Kẻ phản diện – mà anh ta cũng không việc gì phải xấu hổ). Trái ngược với Dịch hạch vốn là một cái gì đó lớn hơn, Sa đọa – là một luận thuyết triết học thuần khiết**. Ngày mai anh sẽ đọc Exupéry, những truyện ngắn anh chưa biết. Cái này chắc sẽ hay nhất. Nhưng hay nhất trong tất cả những thứ này – là Em, người cho đến gần đây anh mới chỉ được nhìn thấy từ xa...
Ngày mai anh sẽ đi ra ngoài thế giới một chút – đến bác sĩ và thợ cắt tóc. Tiếc là đã qua cái thời hai nghề này thường do một con người thông minh làm, nếu là thời ấy thì anh sẽ không phải xếp hàng chờ hai lần.
Hôn em yêu – K.
nhiệt độ – 36,8
nhịp tim – chậm
cảm giác – tàm tạm

P.S. Gửi cho anh cái trắc nghiệm về tình yêu đó đi! Anh sẽ trả lời tất cả các câu hỏi!
* hoặc ngược lại: đẹp như những tác phẩm tuyệt vời
** hơi quá so với cái gu nham nhở của anh.


16.9.1968
Kornel,
Em rất yêu anh*. Anh đừng lạm dụng điện thoại khi nghi ngờ về điều này! Qua điện thoại em khó lòng chứng minh được điều gì. Nhưng em rất lo** vì cả qua thư em cũng không chứng minh được. Ai thì không biết, nhưng lẽ ra chính em phải là người bị vò xé bởi những mối nghi ngờ tồi tệ nhất – ít nhất cũng là những nỗi băn khoăn. Và em đang bị vò xé, nhưng em âm thầm đau khổ và cho anh thời gian để cắt đứt hết những mối quan hệ thiếu chín chắn, để anh có thể vui vẻ trong khi em vắng mặt***. Hẳn anh có thể đoán ra, em lại viết cho anh sau cuộc nói chuyện điện thoại (vào ngày thứ Hai)****, khi em lại thấy buồn. Hôm nay cô y tá đưa nhầm cho em cả gam Streptomycin***** và bây giờ em đau đầu với mông phải khủng khiếp. Lần đầu tiên trong đời em thấy hiển lộ mối liên hệ bí ẩn giữa hai bộ phận cơ thể này. Ngoài ra, những ngọn núi trông rất gần, báo hiệu gió nồm và lại mưa******. Nếu không ngủ được, em thử tưởng tượng sẽ tuyệt vời thế nào khi em được ở bên anh trong ngày lễ đặt tên!
Hôn anh*******-
Wisława
* SỰ THẬT
** sự thật
*** sự thật hơi cường điệu
**** sự thật
*****sự thật
****** sự thật đã được khoa học chứng minh
******* rất tiếc, không phải sự thật!...

5.10.1968
Kornel anh yêu! Con mèo của anh sướng nhất trên đời, vì được ở bên anh. Em đã nói với anh điều này qua điện thoại, nhưng em nhắc lại bằng văn bản. Em đang đọc một cuốn sách dày về núi lửa. Thật tiếc là hóa ra một núi lửa như Giewont không có chút cơ hội nào để có lúc bùng nổ (điều sẽ khiến người ta phải chuyển viện điều dưỡng về Kraków). Em cũng chẳng thể mơ mộng về lũ lụt, vì ở đây nước nói chung rất kém. Chỉ còn hỏa hoạn, nhưng làm sao chắc được khi đó người ta sẽ trả em về nhà? Em sẽ phải tiếp tục ở lại đây và chữa trị, việc em hết lòng muốn thuyết phục anh. Anh đừng xem nhẹ lời mời của ông Szczerski (nhất là khi em còn luôn băn khoăn không biết mối quan hệ thân thiết với em có gây hại cho anh chút nào không? Anh yêu, em không biết sẽ phải chịu đựng điều này thế nào...). Hôn anh RẤT NHIỀU. - Wisława.

13! 10.1968
Kornel anh yêu! Đang là buổi sáng chủ nhật đẹp tuyệt. Đẹp như buổi sáng ngày anh đến thăm phải thế. Nhưng em sợ là sẽ khác, vì gần đây mình xui xẻo. Đã hai ngày em không viết bởi em có vài bức thư nặng nề phải viết – nặng nề vì em phải chối bớt những cuộc viếng thăm của những người khá dễ thương, nhưng em cần khách khứa ở đây làm quái gì? Em chịu căn bệnh cũng tạm được, nhưng vai trò người bệnh vượt quá sức chịu đựng của em. Ngay cả với những người thân nhất (bao gồm cả anh) em cũng cảm thấy bối rối và hơi xấu hổ, nữa là với các đồng nghiệp ở tòa soạn hay với cô bạn ở Wrocław biết tin từ đâu đó và nhất định sẽ đến thăm. (…) Nhưng em đang đọc một cuốn sách rất hay, Thư tình của Goethe do Maciąg gửi cho. Em cứ tưởng đấy sẽ là những nỗi xúc động có phần tư liệu cũ kỹ, nhiều phong cách hơn là nội dung, vậy mà ở đó lại có biết bao nhiêu chất liệu sống động! Anh nên đọc đi. Anh chàng này thật được số phận ban phước, có một cuộc sống mà chúng ta chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có. Toàn bộ cống hiến của anh ta chỉ là biết tận dụng nó sao cho tốt. Anh yêu, em đợi anh như mọi khi – và tuần này càng nhiều hơn, vì có những hi vọng chắc chắn.
Hôn anh – Wisława

***
19.10.1968
Em yêu!
Thêm một cuộc gặp với em – siêu thực, như trong mơ! Nhưng con người cấu tạo từ xương, thịt và các dây thần kinh cần thiết cho những đau đớn thể xác. Không phải anh buồn lòng đâu, Wisława, chính là nỗi thương nhớ bắt anh viết ra những thứ chẳng mấy khôn ngoan thế này!
Anh đi xem triển lãm của các họa sĩ Pháp với Eva và Adam. Anh cứ tưởng ít nhất sẽ có thể gửi được cho em catalog – đáng tiếc là đã bán hết sạch từ lâu. Hội họa của họ thú vị, mặc dù với người Pháp thì dường như hơi chìm xuống, như thể nó quá lịch sự và đã chớm đi vào kinh điển. Rất nhiều cái tên anh hoàn toàn không biết. Gần như chẳng có đề nghị nào mới mẻ, tất cả dường như đều liên quan đến cái gì đó đã có từ hôm qua, hôm kia. Chỉ thú vị là hoàn toàn không thấy pop-art, các họa sĩ Pháp không chấp nhận nó. Ngược lại, có rất nhiều ám chỉ (nhưng nên thơ) về người, vật và phong cảnh. Bức tranh lớn của Vasarely10 bảo hộ toàn bộ triển lãm – là tranh thị giác, đó là một họa sĩ rất chắc tay, nhưng anh thích anh ấy như họa sĩ trừu tượng của 10 năm trước hơn.

Anh thấy trong mắt Eva và Adam nỗi thất vọng – có thể họ trông đợi điều gì đó hiệu quả hơn chăng? Trong khi đó, với nghệ thuật thì – em cũng biết rồi đấy.
(…)
Hai chiếc lá11
Hôn em
Kornel
***

31.10.1968
Kornel – đây là em
trong vai tấm thảm dưới giường anh!
(kèm theo hình tấm thảm cắt từ báo)

1.11.1968
Anh yêu!
Đây là cái chân thứ nhất của em đang bước về nhà. Khi em gửi cho anh cái chân thứ hai nghĩa là em sẽ trở về bất khả vãn hồi! Và chắc điều đó sắp xảy ra!
Em của anh
W.
(trên tờ giấy có hình một cái chân phụ nữ cắt ra từ báo)
***

5.11.1968
Em yêu, hôm qua anh nhận được cái chân xinh đẹp của em, ôi, nhưng anh làm gì với một cái chân? Anh chờ cái thứ hai! Còn khi đã nhận được cái thứ hai, anh sẽ chờ phần còn lại của em. Thời gian trôi thật nhanh. Không biết em thì sao, chứ anh thì chẳng kịp làm gì cả thời gian đã biến mất rồi...
Chỗ này có điện thoại của em gọi tới. Lần này giọng em rất dễ thương, không gây ra chút băn khoăn nghi ngờ nào cả...

12.11.1968
Zakopane
Kornel anh yêu!
Hôm nay là thứ Ba, nghĩa là ngày anh sẽ có những trải nghiệm khó khăn. Nhưng biết làm sao, không biết đến bệnh viện, anh không thể hoàn toàn trở thành một con người đương đại. Đây không phải lí thuyết của em, mà là của anh bạn Maciąg, anh ấy khẳng định rằng con người thế kỷ XX cần có ba trải nghiệm: 1) nhà tù, 2) li hôn, 3) bệnh viện, thì mới đạt được cái gọi là ý thức đầy đủ. Kornel, hôm qua em rất vui khi nói chuyện với anh! Khi nghĩ rằng mấy ngày tới không liên lạc được với anh, em thấy ngực trái mình trĩu nặng.
Cái nhà trong tờ giấy này là của anh. Đây là cái nhà thứ hai rồi nhé, lạy Chúa, anh đừng cho Gienia xem! Hôn anh vô biên – Wisława.
(mặt sau là hình minh họa màu một ngôi nhà có vườn cắt từ báo)

Chú thích:
1 Tadeusz Różewicz (1921-2014) - nhà thơ, nhà văn Ba Lan nổi tiếng, được đề cử Nobel văn chương, là bạn lâu năm của Filipowicz.
2 Eva Lipska – nhà thơ, bạn thân của Szymborska và Filipowicz
3 Adam Włodek (1922-1986) – nhà thơ, dịch giả, chồng cũ của Szymborska
4 Nhân vật tưởng tượng xuất hiện thường xuyên trong thư từ giữa W. Szymborska và K. Filipowicz
5J anina Katz (1939-2013) – nhà thơ, nhà phê bình, nhà văn viết tiểu thuyết. Khi nhắc đến Filipowicz là nhà văn mà bà đánh giá rất cao, bà viết “Không chút nghi ngờ, ông là người đàn ông đẹp nhất Kraków”.
6 Gienia - tình địch của Szymborska, là nhân vật tưởng tượng hay xuất hiện trong thư từ giữa bà và K. Filipowicz.
7 Bà giúp việc của Filipowicz
8 Filipowicz nói đến sự can thiệp của khối Hiệp ước Vác-sa-va vào Tiệp Khắc – đêm 20 rạng ngày 21.8 quân đội Liên Xô, Ba Lan, Hungaria, Bulgaria và Đông Đức tiến vào nước này để đàn áp quá trình tự do hóa thể chế kéo dài từ vài tháng trước.
9 Sławomir Mrożek – nhà văn, họa sĩ, nhà soạn kịch người Ba Lan khi đó đang ở nước ngoài đã đăng trên nhật báo Le Monde lời phản đối can thiệp vũ trang vào Tiệp Khắc, hậu quả là các tác phẩm của ông bị cấm xuất bản và trình diễn tại Ba Lan đến năm 1973.
10 Victor Vasarely (1906-1997) – một trong những đại diện chính của Op-art
11 Kèm theo thư là hai chiếc lá khô

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.