Hôm nay,  

Những Người Không Chịu Chết

17/04/202015:27:00(Xem: 3992)

 

 

blank

 

Kỷ niệm Quốc Hận 30 tháng Tư, 2020

 

Bài viết này lấy cảm hứng từ tựa đề của một tác phẩm nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam Cộng Hoà. Đó là tựa đề “Những người không chịu chết” (1972), một trong những vở kịch nổi tiếng của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan. Lúc vở kịch ra đời, tôi hãy còn nhỏ lắm, nhưng cũng phần nào đủ trí khôn để thưởng thức vở kịch này. Tôi được đọc vở kịch trước rồi sau mới xem kịch trên truyền hình. Đã mấy mươi năm rồi nên bây giờ tôi chỉ còn nhớ lờ mờ rằng vở kịch đó nói về một nhóm tượng người mẫu, cứ đêm đêm đêm lại trở thành người, sống, ăn nói và sinh hoạt như bao con người bình thường khác, với đầy đủ tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, thất tình lục dục. Bài viết này mượn cảm hứng đó để nói về—không hẳn chỉ là những con người—mà còn là những thực thể khác, cũng không hề chịu chết, qua dòng lịch sử nghiệt ngã của nước Việt, tính từ ngày 30 tháng Tư năm 1975.

 

cờ long tinh      cờ quẻ ly

                 cờ vàng ba sọc đỏ             CỜ VÀNG

 

          LÁ CỜ KHÔNG CHỊU CHẾT! Đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ tượng trưng cho tinh thần dân chủ và tự do của mọi người Việt khao khát một cuộc sống an lành, hạnh phúc, xứng đáng với nhân phẩm. Lá cờ này không nhất thiết đại diện cho một chế độ hay một chính phủ nhất thời mà là một sự tiếp nối truyền thống lâu đời của một dân tộc hào hùng. Nền vàng của lá cờ bắt nguồn từ cả ngàn năm trước, thuở Hai Bà Trưng quyết đánh đuổi quân Hán xâm lược, “đầu voi phất ngọn cờ vàng”. Một số vì vua sau đó cũng dùng cờ vàng để làm biểu hiệu cho quốc gia. Lá cờ vàng được thêm thắt, sửa đổi về sau để thành cờ Long Tinh (triều Nguyễn 1920-1945), cờ quẻ ly (chính phủ Trần Trọng Kim) và cuối cùng là cờ quẻ càn, hay lá cờ vàng ba sọc đỏ mà chúng ta có ngày nay, được dùng trong thời kỳ Quốc Gia Việt Nam (1949-1955) và Việt Nam Cộng Hoà (1955-1975). Xem như thế đủ hiểu rằng lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của một dân tộc, thấm đẫm hồn thiêng của tổ quốc từ đời này qua đời khác. Ngày 30 tháng Tư năm 1975, lúc cả trăm ngàn người miền Nam bỏ chạy ra khỏi nước để trốn tránh một chế độ độc tài sắp áp đặt xuống phần đất phương nam, lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng cùng mọi người đi tìm tự do. Lúc ấy, lá cờ vàng như vị thần hộ mệnh, đi theo đoàn người viễn xứ để bảo bọc, che chở họ, đồng thời giữ vững, hâm nóng ngọn lửa tự do dân chủ trong lòng họ. Trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay, chưa có lá cờ dân tộc nào tồn tại dai dẳng và kiêu hùng nơi xứ người như lá cờ vàng ba sọc đỏ, tính đến nay đã hơn bốn mươi năm trời, và còn biết bao nhiêu năm tháng trước mặt nữa. Không những sống vững, sống mạnh trong các cộng đồng người Việt tự do khắp thế giới, lá cờ vàng ba sọc đỏ còn tiếp tục “sinh sôi nẩy nở” khắp nơi trên những phần đất tự do của các quốc gia sở tại.

 

covang3a

Hôi Nghị Quốc Tế Bandung, Indonesia, 2015

 

             Cách dây vài năm, như một phép lạ diệu kỳ, tại hội nghị quốc tế Bandung ở Indonesia vào tháng 4-2015, lá cờ vàng ba sọc đỏ lại hiên ngang sánh vai với các các lá quốc kỳ khác với tư cách là lá cờ của một quốc gia hội viên. Đây là một ngoại lệ vô tiền khoáng hậu! Trên nguyên tắc, một hội nghị quốc tế không bị ràng buộc phải trưng một lá cờ của một quốc gia không tồn tại về mặt pháp lý. Ấy vậy mà hội nghị Bandung đã làm một việc mà ngay cả những nguyên tắc ngoại giao quốc tế cũng khó mà giải thích.  Riêng ở Hoa Kỳ, đã có khoảng 14 tiểu bang, 7 quận hạt và 88 thành phố chính thức công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ chính thức đại diện cho cộng đồng người Việt tự do sinh sống nơi đây. Hằng năm, vào các dịp lễ lạt cổ truyền hay sinh hoạt cộng đồng, lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn phất phới tung bay như góp vui với mọi người. Nơi tôi ở—Little Saigon, Orange County—cứ mỗi độ 30 tháng Tư về là các đường phố chính rợp bóng cờ vàng, xen lẫn với lá cờ của nước sở tại. Mỗi buổi sáng trong mùa tháng Tư Đen, vừa lái xe ra khỏi cổng tôi đã thấy những lá cờ vàng tung bay bên lá cờ sao Hoa Kỳ. Tôi vừa vui vừa buồn khi nhìn những lá cờ thân yêu ấy. Hy vọng một ngày nào đó không xa, khi đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, toàn dân sẽ đồng lòng chọn lá cờ vàng truyền thống để làm biểu tượng cho tinh thần bất khuất ngàn năm của người Việt Nam.

          saigon xua 2                 Saigon_Old2

 

          THÀNH PHỐ KHÔNG CHỊU CHẾT! Thành phố Sài Gòn, cho dẫu trong hiện tại có phải “mang tên xác người”, cũng như lá cờ vàng ba sọc đỏ, là một “thành phố không chịu chết”. Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng tên gọi Sài Gòn không bao giờ mất đi trên môi những người Việt xa xứ. Không những vậy mà ngay tại Sài Gòn, tên gọi này cũng không những không mai một đi mà còn tồn tại song song với cái tên xác người. Đối với người dân thành phố, người ta vẫn nói “mưa Sài Gòn, nắng Sài Gòn” chẳng hạn—nghe vừa thân mật lại vừa thơ mộng— chứ chẳng ai biết “nắng mưa thành phố hồ chí minh” là cái chi chi! Một buổi sáng thức dậy trong lòng thành phố, bạn có thể nghe tiếng người cười nói lao xao ngoài ngõ, tiếng xe cộ, tiếng kèn xe, mùi khói xe lẫn với mùi cà-phê và hủ tiếu. Và bạn bảo tất cả những âm thanh cùng những mùi khác nhau trộn lẫn lại đó là một cái gì rất đặc trưng của thành phố này, rất “Sài Gòn”; chứ chẳng có ma nào nói, tất cả những điều đó là một cái gì rất “thành phố hồ chí minh”! Loại ngôn ngữ khiên cưỡng đó tự nó đã sượng sùng, ngượng nghịu nên không bao giờ có dịp thoát ra khỏi đôi môi người nói. Thêm nữa, không biết bao nhiêu công ty, cửa tiệm, nhãn hiệu hàng hoá ngày nay vẫn còn ưu ái mang tên Sài Gòn trong thành phố (bị xui xẻo) mang tên “người… chết” này! Thành phố có thể đang tạm mất tên nhưng cái hồn Sài Gòn vẫn còn đó, trong từng con người đang thở mỗi ngày ở đó, chờ dịp thực sự hồi sinh.

 

TR_LittleSaigon3  

  exit saigon           san francisco

 

Ở hải ngoại, Sài Gòn không những không chết đi trong lòng những người dân Việt lưu vong mà còn thoát thai sống lại thành những Sài Gòn mới trên đất nước tự do xứ người. Đây là những “Little Saigon” đã mọc lên ở những nơi có đông người Việt cư ngụ. Những nơi có tên Little Saigon chính thức có thể kể đến là ở Westminster (California), San Jose (California), San Francisco (California), Sacramento (California), San Diego (California), Houston (Texas), Vancouver (Canada), v.v. Đó là chưa kể những khu Little Saigon mang tên chưa chính thức khắp nơi trên Hoa Kỳ và thế giới mà sinh hoạt thương mại, văn hoá, chính trị cũng rộn rịp không kém gì những Little Saigon chính thức. Những bảng tên đường tiếng Việt nhắc nhở đến Sài Gòn có thể tìm thấy ở Houston (Texas) hay Little Saigon (California), hay những bảng chỉ đường vào Little Saigon trên các xa lộ ở Californis đã đánh dấu sự “sinh sôi nẩy nở” của Sài Gòn không khác chi trường hợp của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Sài Gòn không những không chết đi mà còn tiếp tục nở rộ ra như những bông hoa biểu hiện cho dân chủ, nhân quyền trên khắp các vùng đất tự do trên thế giới. Một mai không xa, những Sài Gòn nhỏ này sẽ sum vầy cùng Sài Gòn lớn, như những dòng sông hân hoan đổ về biển rộng, cùng hát bài “Hội trùng dương” trong ngày hội lớn của dân tộc. 

    thuyền nhân

 

      hà nội biểu tình        co-vang-San_Jose_Tet_parade,_2009

 

           VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHỊU CHẾT! Những người không chịu chết này là những người phải bỏ xứ ra đi vì không chấp nhận sống dưới một chế độ phi nhân, độc tài. Về chủ nghĩa cộng sản, rất nhiều danh nhân thế giới đã phát biểu những danh ngôn vô cùng sâu sắc, thấm thía. Tuy nhiên, không gì hay bằng nghe chính những người đã từng là cộng sản nói về nó. Một trong những người này là ông Boris Yeltsin, vị tổng thống đầu tiên của nước Nga hậu cộng sản (nhiệm kỳ 1991-1999). Ông Yeltsin đã từng là đảng viên Đảng Cộng Sản Nga trong 29 năm (1961-1990) và từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Xô-viết. Vào năm 1989, một trong những năm cuối cùng của Liên Bang Xô-viết, ông Yeltsin thực hiện một chuyến công du sang Hoa Kỳ. Trên danh nghĩa, lúc này ông vẫn còn là một người cộng sản. Trong chuyến công du, ông phát biểu như sau, do tạp chí The Independent của Anh tường thuật lại: “Let’s not talk about communism. Communism was just an idea, just pie in the sky”. (Xin tạm dịch: “Đừng nhắc đến chủ nghĩa cộng sản nữa. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là một ý tưởng, chỉ là một cái bánh vẽ trên nền trời”). Những người trốn chạy cộng sản—hay trốn chạy “cái bánh vẽ” này—ở tất cả những nước đã từng bị hiểm hoạ này, kể cả ở Việt Nam, giờ đây đã trở thành những người không chịu chết. Nói như vậy là nói với một ý nghĩa có tính cách biểu tượng. 

Người viết muốn nhấn mạnh rằng đa số những người tị nạn cộng sản không bao giờ quên được vì sao họ đã trốn chạy. Khi đã an thân ở chốn tự do, họ không chịu chấp nhận một lối sống mòn, sống cho qua ngày đoạn tháng, cho hết kiếp lưu vong. Sống như vậy cũng không khác gì đã chết. Vì vậy, đa số vẫn hướng lòng về quê hương, vẫn xót xa khi thấy đồng bào trong nước bị đàn áp dưới chế độ của bạo quyền. Mỗi người trong họ vẫn làm một điều gì đó, bằng cách này hay cách khác, để góp phần vào công cuộc tranh đấu chung của dân tộc cho một ngày mai không còn hiểm hoạ cộng sản trên quê hương. Cũng cần phải thấy rằng những người “không chịu chết” này là những người “không sợ chết” khi họ đã liều mình ra khơi, nơi mạng sống chỉ như sợi chỉ mành treo chuông. Ngày nay, những người không chịu chết này không chỉ là bậc ông, cha, chú của thế hệ lưu vong đầu tiên mà còn là cả thế hệ thanh niên gốc Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Thế hệ trẻ này không cam tâm, ích kỷ hưởng thụ cuộc sống tự do dân chủ mà mình đã may mắn có từ được lúc ra đời. Họ đã cùng đứng lên, sát cánh với cha ông đấu tranh cho tự do, dân chủ ở quê nhà bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Ở Việt Nam, ngoài thiểu số được hưởng đặc quyền đặc lợi, sẵn sàng làm lơ trước đau khổ của đồng bào, hay thậm chí đàn áp, hành hung người dân vô tội, đa số người Việt Nam cũng là những người không chịu chết, không chịu thua trước cường quyền. Họ là những nhà dân chủ sẵn sàng hy sinh sự an toàn của bản thân và gia đình để cất lên tiếng nói phản đối những điều trái tai gai mắt do chế độ gây ra trong xã hội. Họ là những người dân oan bị tước đoạt nhà cửa, đất đai, dám chấp nhận cảnh lấy trứng chọi đá để bảo vệ tài sản mồ hôi nước mắt của mình. Họ là tất cả những người nghe tiếng gọi của dòng máu Lạc Hồng trong huyết quản, đặc biệt là thế hệ trẻ, dám đứng lên để cất tiếng đòi lại những phần đất nước máu thịt của tổ quốc đang bị bọn cầm quyền “hèn với giặc, ác với dân” nhượng bộ cho chủ nghĩa bành trướng Đại Hán từ mấy ngàn năm nay.

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, kể từ khi miền Nam lọt vào tay bạo quyền cộng sản. Đó là một thời gian dài đối với một đời người ngắn ngủi, nhưng lại chỉ như là một khoảnh khắc phù du trong lịch sử, nhất là lịch sử của một đất nước có gần năm ngàn năm văn hiến. Lá cờ không chịu chết—thành phố không chịu chết—những người không chịu chết, tất cả những thực thể không chịu chết đó chính là biểu hiện của một đất nước không chịu chết. Đất nước chúng ta như đang trải qua một căn bệnh ngặt nghèo. Nhất định đất nước sẽ hồi phục một ngày không xa. Với niềm tin vào lịch sử, vào thực tế và vào tinh thần bất khuất của mỗi người dân Việt, chúng ta có quyền chờ đón một ngày đất Việt sẽ lại được thái bình thịnh trị như xưa.


Trần C. Trí

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...