Hôm nay,  

Mùa Đông Tacoma

25/12/201800:00:00(Xem: 5303)
Duy Xuyên

 
Cơn mưa đầu mùa đã nhỏ giọt. Trời chiều Thu lành lạnh, báo hiệu cho một mùa Đông giá rét kéo về, dài lê thê với gió bấc từng cơn thổi lạnh buốt thấu xương, mây đen vần vũ, sương mù giăng tỏa, mà niềm thương nỗi nhớ trỗi dậy, ngập tràn thân thể với ray rứt, nhớ nhung len lén vào xương tủy, bâng khuâng và khắc khoải hoài mang đến cho ta nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn.

Xa quê hương, mọi vật rũ buồn thê thảm. Phố thị không còn là của riêng ta.

Những con đường mang tên em, từng ngõ cụt cũng xa lạ, hững hờ. Con đường ta đưa em vào mộng mị, không tìm thấy, những con hẻm buồn khi ta chia tay em cũng biền biệt, mất hút, xa lơ xa lắc, chỉ còn phố thị tấp nập, xe cộ qua lại, chạy vun vút như đâm xả vào nhau. Nhộn nhịp thật, song ta vẫn thấy cô đơn dị thường!

Ở đây, dường như có cái gì đó xa lạ, không giống như Nha Trang quê mình.

Ở đây, mùa Đông kéo dài lê thê, tưởng chừng như vô tận. Bầu trời ảm đạm, sương tuyết ngập tràn vạn nẻo.

Gió lạnh từng cơn kéo về thổi rách toe toét những cánh hoa hồng như đang run rẩy, đến nỗi không còn sót lại một bông hoa nào trong khu vườn nhà tôi. Cây lá xơ xác, đìu hiu.

Cảnh vật buồn tênh với những ngày nắng đi hoang chưa về, nên hoa lá cũng xanh xao, khác hẳn với đầu mùa Thu, các khóm cúc lúc nào cũng tươi cười, reo vui, khoe sắc thắm.

Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, tôi thèm đi quanh quẩn trong khu vườn hồng, với niềm vui rộn ràng của người trồng hoa, để nâng niu, tỉa lá mục, cắt cành khô cho khu vườn thêm xinh xắn.

Mùa Đông ở Tacoma, buồn thê thảm. Mặt trời từ hướng tây ngả ụp về, bao trùm cảnh vật lúc 3 giờ chiều, mà vẫn còn ngái ngủ đến 8 giờ sáng, mới chịu uể oải vươn mình thức giấc, cũng chẳng mang lại cho ta một tia nắng hanh vàng nào, để mình được ngồi ở ngưỡng cửa, phơi chân dưới nắng ấm, hay bên cạnh người yêu, để quỳ bên chân nàng, nâng nhẹ suối tóc, mượt mà của nàng, để được chính mình sưởi ấm từng sợi tóc mây trong cơn nắng đầu mùa, mà hương thơm của những cánh hoa hồng nghe ngây ngất, làm tâm hồn mình ngỡ như lạc lõng, chơi vơi trong nắng pha lê lung linh rực cháy, nghe thoang thoảng tình yêu vời vợi trong nắng mới đầu hè, hòa lẫn với hơi thở ngọt ngào của mùi thơm lúa chín.

Mưa cứ mưa. Vào mùa Đông thường thường vẫn là những ngày mưa dai dẳng không dứt, kéo theo những luồng gió lạnh buốt, rét tê tay. Mưa từ ngày này qua tháng khác. Mưa hoài không dứt. Ánh đèn đường lờ mờ đủ soi rõ khu vườn tiêu điều, xơ xác, cành lá ủ rũ, gãy đổ vì trận mưa to gió lớn buổi chiều.

Chưa bao giờ tôi thích ngồi đợi những tia nắng tràn về từ đầu ngõ như bây giờ.

Nắng về tràn ngập niềm vui. Nắng len lén liếm gót chân em tôi. Nắng lên cao, tràn vào sân hôn nhè nhẹ lên tóc nàng. Nắng buồn em bâng khuâng… nắng đi em muộn phiền.

Nắng thì thầm bên tai để em tôi thẫn thờ …

Mùa Đông ở Tacoma trời giá rét, gió lạnh vi vu rít từng cơn không dứt. Có những ngày mưa dầm. Mưa từ sáng đến giữa khuya. Nền trời như một lu nước bể miệng trút nước ào ạt từ trên mây cao rơi xuống, giăng kín cả khung trời xám xịt. Gió mưa dày xéo ngọn cỏ cành cây nghiêng ngữa cho ta những buổi chiều mùa Đông trông thật ảm đạm, thê lương, tôi đành ngồi đây, bên khung cửa sổ, chôn vùi kỷ niệm trong tiềm thức, mà mơ về quê cũ. Mẹ già đang tựa cửa, mỏi mắt ngóng trông đàn con nhỏ, đi xa chưa một lần về thăm mê.

Ở Tacoma, không có bao giờ, tôi lại được ngồi bên cạnh Thanh-Đào, để kể về cuốn Hồi Ký, “The Voice Of The Heart!” (Con Tim Thổn Thức!); mà tôi đang viết dang dở cho nàng nghe. Vì ở đây, cái gì cũng vội vã, lăng xăng, tấp nập, vội vàng như những mối tình chớm nở lúc ban mai, rồi hấp tấp chia tay vào buổi chiều, không một lời giã biệt, không một phút giây muộn phiền.

Ở đây, tôi chưa bao giờ bắt gặp những buổi chiều Hè về êm ả, nhàn hạ, ngồi duỗi chân dưới rặng dừa xanh thơ mộng, đợi nắng chiều buông xuống, gió và sóng biển cuồn cuộn, quyện lại với nhau, lung linh, vẽ lên trên các vạt áo dài ngại ngùng trong cơn gió bay, của các nàng nữ sinh Trung Học Nha Trang, thướt tha trong tà áo trắng, đang nhẹ bước trên những hạt kim cương lóng lánh, tạo thành vài áng mây hồng, trôi lững lờ chập chùng với sóng, với nước, hay không đi nữa, mình cũng được ẩn thân dưới những cụm thông già cỗi, thấp lè tè, phủ kín những cặp tình nhân đang thì thầm bên nhau, trên bãi cát trắng xóa, mịn màng, kéo dài với hàng bàng, về mùa đông trụi lá, đứng bơ vơ như mẹ già tàn tạ, mắt trũng thân gầy, phơi tóc trắng, đang run rẩy, ngóng trông, réo gọi đàn con nhỏ biền biệt lâu ngày nhớ ghé về thăm mẹ trong một khoảnh khắc.

Hàng bàng xanh điểm nắng vàng trải dài từ Ty Bưu Điện, chạy thẳng tắp đến Cầu Đá, tạo thành nửa vòng bán nguyệt xinh xắn, ấp ủ những chiếc áo dài trắng thướt tha của các nàng nữ sinh Trường Nữ Trung Học Nha Trang, kín đáo, thùy mị, với bước chân chim, tung tăng, rủ rê nhau đi dạo biển khi tan trường về, rộn ràng, chiều trên biển mênh mông, mải vui chơi quên lời mẹ dặn dò.

Từng mảng ký ức đan lẫn vào nhau, cho tôi cảm giác êm ả, da diết, đến bây giờ vẫn còn hiện về trong tiềm thức rõ nét, rồi nhạt nhòa trong trí ức, về biển Nha Trang, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên với hàng ngàn, hàng vạn kỷ niệm dồn dập, không dứt, cuốn hút ra biển khơi, mặt nước gợn li ti vài làn sóng nhỏ, tan ra thành những mảnh vụn, biến dạng, để rồi chìm sâu trong lòng đại dương thăm thẳm, trong đó mình nghe được tiếng thì thầm, xa xa, của những đợt sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ, mặt biển lăn tăn nổi sóng, trắng xóa, mờ dần trong bọt biển, chỉ để lại hình hài những con rắn biển khổng lồ, dài thườn thược, đang bò ngổn ngang trên sóng nước bao la, ngàn đời không dứt…

Chiều về, ta đưa mắt mình nhìn ra xa, thật xa, lặng thinh ngắm nhìn những cánh buồm lênh đênh, nhấp nhô ngoài biển khơi xa tít, mấy cụm mây trắng lang thang cuối trời ngoài đảo Hải Yến.

Những ngọn đèn khuya lao xao theo từng gợn sóng để ta ước mơ mình như những cánh buồm vô định phiêu bạt đó đây, ra đi biền biệt, tìm bến lạ, dừng chân, ôm hôn những hạt cát xa, mịn màng, nhưng tràn đầy nhịp sống, mà trong đó chỉ có tiếng thì thầm của con tim thổn thức, đậm đà nhớ thương.

Nha Trang mình đó! Quê hương mình đó! Thành phố biển thân yêu, hiền hòa như tấm lòng của mẹ, tình nghĩa chan hòa của cha. Ngàn đời không bao giờ nhạt nhòa, trốn chạy vẫn mãi tiếp nối ngậm ngùi tức tưởi.

MƯA

Những ngày nắng tàn mang mưa tháng chín đến phủ kín chân ai lỡ hẹn trở về…

Bầu trời lúc nào cũng tối sùm sụp. Những đám mây đen bỗng nhiên từ đâu ào ào kéo đến, gió cao nguyên rít từng cơn. Rừng thông già nghiêng nghiêng, oằn mình trong mưa gió.

Đêm yên tĩnh. Vài giọt mưa gõ xuống từ mái nhà. Mưa càng lúc càng nặng hạt.

Mưa tầm tã, dai dẳng không dứt.

Sáng sớm, sương mù giăng kín bầu trời, che khuất khu phố bên kia sườn đồi xa xa.

Loài quạ đen xuất hiện, bay thật thấp réo gọi đàn ơi ới, cho ta cảm giác giá buốt lan dần khắp xương tủy. Mình thấy mình nhỏ bé giữa không gian vô tận, rồi chợt lo toan với những ngả rẽ của cuộc đời.

Mùa mưa ở đây, thật buồn, mưa hoài như những hạt thủy tinh, kéo dài từ ngày này đến ngày khác. Mưa ngày nào cũng gõ nhịp đều đều trên mái nhà, như những phiếm đàn lạc điệu, để làm buồn thêm cho kẻ tha hương.

Tiếng mưa đêm đôi khi còn cho tôi cái ảo giác, như có chân ai đang nhẹ bước bên thềm, ròi dừng lại, gõ nhẹ lên khung cửa, đợi chờ trong vô vọng.

Tôi cũng có thói quen, vào những đêm rét mướt, ngồi cạnh cửa sổ, nghe mưa gõ nhịp, nhìn những hạt mưa rơi, nhịp nhàng, thánh thót trên khung cửa kính. Tiếng mưa lúc dồn dập, lúc cầm canh. Những hạt mưa động lại, chảy dài, thành những đường cong lập thể, tạo thành những hình thù quái dị.

Tôi cố nhìn ra khe cửa sổ, ngoài sân mấy hàng thông trụi lá, hờ hững, lạnh lùng, nặng trĩu những cành lá rũ xuống, nhảy múa, chạy dài, lung linh trên mặt đất, xao động, biến dạng hình thù như những bóng ma trơi…

Tiếng mưa đập trên cửa kính đều đặn như một điệu nhạc buồn. Mưa ở Tacoma mà sao tôi thấy nhớ Nha trang chi lạ!

Cũng có khi những hạt mưa tạo nên những đường cong huyền diệu, vẽ thành hình hài các thiếu nữ xinh đẹp, tóc xõa bờ vai. Gió rung động nhẹ, buông lơi mái tóc, vào miệng, vào mắt. Tôi nghe thấy hương môi quen thuộc, giục giã. Với những giọt nhớ xa thăm thẳm mà sao ta vẫn còn nâng niu trong vành môi quá khứ mỗi lần ta bắt gặp em đi hoang trong giấc ngủ với nhiều mộng đẹp.

Nàng đứng run cầm cập, áp mặt sát vào khung cửa, lẳng lơ, đọi chờ, như bóng người đang lấp ló, không quản mưa gió đến thăm tôi, rồi khẽ gõ cửa gọi tên tôi. Sau một hồi đánh đòn cân não, cầm lòng không đậu, tôi ra mở cửa để cho nàng được vào trú mưa trong những đêm dài vô tận không trăng sao. Những rạo rực cuồn cuộn, những đam mê bỏ ngõ, thúc giục với tất cả nỗi náo nức trong lòng và hè phố nằm im như sau một cơn bão lốc, để lắng nghe những xao xuyến, tình cờ. Ta ngất ngây trong men tình diệu vợi.

Tỉnh mộng, thấy mình bỡ ngỡ, lạc lõng, bơ vơ. Những vết hằn của năm tháng khôn cùng, những trăn trở của cuộc đời đang kéo về với âm thanh lắng đọng trong một thoáng giây muộn phiền, dẫu xa xôi tôi vẫn ấp ủ trong lòng, rồi nâng niu từng mảnh vỡ của ký ức, nhớ thương về chốn cũ, thương nhớ tên từng con đường, nhớ từng hàng chè bên vỉa hè, nhớ từng khu phố nhỏ khi em tan trường về, con lộ băng ngang nhà ai, gốc hè với xe nước mía, bụi cây, hàng hiên cổng kín cao tường, nhớ từng mái ngói phủ rêu xanh, xám xịt, tường quét vôi vàng đậm của Đình Phương Câu, và nhớ… nhớ rất nhiều Nha Trang quê mình.

Nhiều đêm tôi vẫn nguyện cầu cho Cao Nguyên Tình Xanh có biển, có Xóm Cồn, Xóm Bóng, với dân cư hiền hòa để mình bớt nhớ, bớt thương về quê mình.

Giờ đây tim tôi òa vỡ với những rung động bùi ngùi.

Đang ở Tacoma mà sao tôi thấy nhớ Nha Trang quay quắt. Nhớ Nha Trang của tuổi học trò, khi tan trường, theo ai về xóm nhỏ. .. Nhớ Nha Trang của những ngày Chủ Nhật, ghé Chiều Tím nhâm nhi ly cà phê đá, ngồi nghe Thanh Thúy hát, nhìn thiên hạ thản nhiên bách bộ, phố xá lúc nào cũng thân quen, những vết loang lỗ trên tường vàng đục, của nhà thầy Vĩnh Cang còn nguyên vẹn, khó phai…

Nhiều đêm lang thang trên hè phố Tacoma, ngửa cổ nuốt từng dòng dĩ vãng, tưởng mình đang đi trong khu phố Nha Trang, con đường Phan bội Châu, rạp hát Bác Ái, tiệm vàng Mỹ Kim, vòng qua con dường Trần Quí Cáp. Tôi khóc òa lên, khi nhận ra khu phố về đêm sao có nhiều xe cộ của người ngoại quốc, rồi ngờ ngợ trong giây lát mới vỡ lẽ ra là mình đang lạc bước phiêu lưu.

Duy Xuyên

Tacoma

25/12/18

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nelson Mandela (1918-2013), quán quân Giải Nobel Hòa Bình năm 1993, nhà hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc bị tù 27 năm, và là vị tổng thống người da đen đầu tiên được bầu trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của nước Nam Phi vào năm 1994, đã từng nói rằng, “Giáo dục là vũ khí có sức mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới.” Hơn ai hết, Nelson Mandela là người không những hiểu rõ giá trị thực sự của nền giáo dục mà còn áp dụng kiến thức đó trong việc làm thay đổi đất nước và dân tộc Nam Phi của ông. Ông đã dẫn dắt Nam Phi từ một quốc gia ngập chìm trong bóng tối của thù hận, phân hóa và lạc hậu để vươn mình lên trong ánh sáng của đoàn kết, hòa bình và phát triển.
Hoa Kỳ đã tấn công Iran. Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng có thể trì hoãn bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ trong nhiều tuần, ông tuyên bố vào ngày 21/6 rằng máy bay Mỹ đã tấn công ba địa điểm hạt nhân của Iran, bao gồm cả cơ sở bị chôn sâu ở Fordow. Các quan chức Iran xác nhận rằng các cuộc không kích đã diễn ra. Mặc dù ông Trump khẳng định rằng các địa điểm này đã bị "xóa sổ", nhưng vẫn chưa rõ các cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại gì.
Jena, Louisiana – một thị trấn 4.000 dân lọt thỏm giữa rừng thông – nơi bảng hiệu đầu làng ca ngợi đội bóng nữ vô địch của bang, nhưng cách đó chỉ ba dặm, sau hàng rào kẽm gai và lời Kinh Thánh treo lủng lẳng, là Trại Giam ICE đồ sộ - do GEO Group điều hành. Nơi đây hiện giam giữ hơn 1000 người – phần lớn chưa từng bị kết tội hình sự, nhiều người chỉ là dân đang xin tị nạn hợp pháp, số còn lại chưa kịp hiểu vì sao mình bị bắt...
Tại sao Trump lại vội vàng ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp và chính sách mới như vậy?AI: Có hai lý do.Đầu tiên, tổng thống vội vàng vì nếu có bất kỳ điều gì sai trái xảy ra vào đầu nhiệm kỳ, ông có thể đổ lỗi cho chính quyền trước và nhà nước (những người làm việc cho ông). Nếu để lâu, những điều sai trái sẽ là trách nhiệm của ông, và Trump không thích chịu trách nhiệm.Thứ hai, ông biết trong hai năm nữa, đảng Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội và ông sẽ trở thành què quặt. Ông cần phải hoàn thành mọi việc ngay bây giờ. Ông muốn tập trung vào các doanh nghiệp của mình trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống,
Bao dung – một từ nghe thật thanh thoát. Âm tiết của nó cũng thật bình dị, thốt ra từ thanh quản nhẹ nhàng không cần uốn nắn, như cỏ mọc từ đất, như mưa từ trời. Vậy mà ngày nay, trong một xã hội đứng đầu thế giới về tự do, về quyền con người, hai từ “bao dung” bỗng dưng khó tìm. Chính trong tháng Sáu này, tháng gọi là Pride Month, những câu chuyện thương tâm về cộng đồng LGBTQ+ bị chìm trong bóng tối. Có lẽ trong sáu tháng qua, nước Mỹ có quá nhiều những phát ngôn, biến cố, thay đổi mà đối với truyền thông, đó là điều cần phải nói, và nói mỗi ngày. Hoặc cũng có lẽ, trong một chính quyền đang nỗ lực bác bỏ DEI, đóng chặt cửa với di dân, thì truyền thông cũng không dám đào sâu về những gì thuộc về cộng đồng yếu thế. Cho dù, đó là một án mạng lấy đi cuộc sống một con người, hoặc chấm dứt những nguyên tắc vốn đã được nhìn nhận hàng thập kỷ.
“Nơi nào người ta bắt đầu đốt sách, nơi đó người ta rồi cũng sẽ thiêu người.”— Heinrich Heine. Câu nói nổi tiếng từ thế kỷ XIX của thi sĩ Heinrich Heine, tưởng chỉ là tiếng vọng u ám của bóng ma lịch sử nhưng hôm nay, giữa thế kỷ XXI, lời cảnh báo ấy lại trở nên rúng động – ngay trên đất nước từng được xem là ngọn hải đăng của tự do học thuật. Oái oăm thay, những dấu hiệu đầu tiên của bóng tối không phát xuất từ một chế độ độc tài phương Đông, mà từ chính nước Mỹ – xứ sở từng được xem là ngọn hải đăng của giáo dục tự do.
Donald Trump không đội vương miện, nhưng ông đã luyện được cách bắt cả một đảng chính trị quỳ gối. Và cũng như các ông vua cổ đại, ông không cần luật – ông chính là luật. Nếu Toà Tối cao chống đối, ông sẽ gọi đó là “phản quốc.” Nếu truyền thông phản biện, ông gọi đó là “tin giả.” Nếu có cuộc bầu cử mà ông thua, ông sẽ bảo đó là “gian lận.” Và nếu có ai dám nói điều gì khác, ông sẽ gửi quân đội tới – như ông đã làm ở Los Angeles, để dạy cho đám biểu tình “hỗn xược” ấy một bài học về dân chủ... bằng đạn cao su và lựu đạn cay.
Ryanne Mena là một nhà báo đưa tin về tội phạm và an toàn công cộng cho Southern California News Group. Thứ Sáu, 6/6, ngày đầu tiên diễn ra cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump, chống lại các cuộc bố ráp của Cảnh Sát Di Trú (ICE), Mena đã có mặt ngay trên đường phố Los Angeles, bên ngoài Trung tâm giam giữ Metropolitan,L.A. Tại đây, cô bị trúng đạn hơi cay ở đùi bên trái Ngày kế tiếp, nữ phóng viên này bị trúng đạn cao su của các đặc vụ liên bang bắn vào đầu, bên phải, cách tai của cô chỉ khoảng 1 inch. Những tấm ảnh Mena và các đồng nghiệp khác bị thương lan tỏa khắp Instagram, Twitter.
Giữa lúc Tòa Bạch Ốc đang tìm mọi cách cứu vớt mối quan hệ Trump-Musk thì các cựu quan chức an ninh y tế cho biết chính quyền Trump hủy bỏ $766 triệu trong các hợp đồng nghiên cứu phát triển vaccine mRNA để chống lại các loại đại dịch cúm. Với họ, đây là đòn giáng mới nhất vào quốc phòng quốc gia. Họ cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể phải nhờ đến lòng trắc ẩn của các quốc gia khác trong đại dịch tiếp theo. ABC News dẫn lời Beth Cameron, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đại dịch thuộc Brown University Pandemic Center, và là cựu giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, cho biết: “Các hành động của chính quyền đang làm suy yếu khả năng phòng ngừa của chúng ta đối với các mối đe dọa sinh học. Việc hủy bỏ khoản đầu tư này là một tín hiệu cho thấy chúng ta đang thay đổi lập trường về công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Và điều đó không tốt cho người dân Mỹ.”
Ăn mặc đẹp là nói về thời trang. Lịch sử “thời trang cao cấp” thuộc về truyền thống của Pháp: Haute couture từ thế kỷ 17. Đến thế kỷ 19, ngành thời trang cao cấp đã phát triển thành một phương tiện kích thích tăng trưởng trong nền kinh tế Pháp. Trong thời gian này, các nhà tạo mốt như Dior, Chanel và Balenciaga đã được thành lập. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, ngành thời trang cao cấp ở Pháp đã mất đi phần lớn sự huyền bí của mình và phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thị trường quốc tế khác, đặc biệt là ở Ý và Hoa Kỳ. Sự thành công của bối cảnh thời trang quốc tế và tiềm năng lợi nhuận đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn hàng xa xỉ, được tiên phong bởi ông trùm kinh doanh người Pháp và người sáng lập LVMH Bernard Arnault vào năm 1987. Ngày nay, các tập đoàn này vẫn tiếp tục duy trì hoạt động lịch sử của các nhà thời trang xa xỉ thông qua việc bổ nhiệm các giám đốc sáng tạo, những người diễn giải và chỉ đạo triết lý thiết kế của thương hiệu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.