Theo báo cáo hàng năm lần thứ chín của hệ thống truyền thông kinh tế Economist Intelligence Unit thì Chỉ số Dân chủ năm 2106 của 167 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới đã sút giảm. Đáng chú ý trong phúc trình có uy tín này là khu vực Á Châu đầy thành tích kinh tế từ mấy thập niên đã đạt nhiều tiến bộ về dân chủ hóa trong 10 năm qua nhưng thật ra lại vẫn thua các khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ và cả Mỹ Châu La Tinh. Mục Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vì sao Á Châu lại chậm có dân chủ….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hàng năm, hệ thống thông tin kinh tế của tạp chí The Economist và The Economist Intelligence Unit của Anh Quốc vẫn có một báo cáo về Chỉ số Dân chủ, gọi là Democracy Index. Năm nay, công trình nghiên cứu của họ về tình hình dân chủ trên thế giới đề cập đến sự nổi loạn của quần chúng chống lại thành phần chính trị ưu tú vì tách rời khỏi thực tế và chẳng quan tâm đến quyền lợi của người dân bình thường. Trên diễn đàn này, từ nhiều năm qua, ông nói đến khủng hoảng niềm tin vào lãnh đạo là hiện tượng khá phổ biến tại nhiều nước trước những khó khăn kinh tế dồn dập cho nên người ta hiểu được tình trạng nổi loạn được báo cáo về Chỉ số Dân chủ năm 2016 nhấn mạnh. Nhưng xuyên qua báo cáo này, ta còn thấy ra một hiện tượng khác, là khu vực Á Châu được thế giới ngợi khen về thành tích kinh tế thật ra lại hiếm có dân chủ. Vì sao lại như vậy, tiết mục chuyên đề về kinh tế của chúng ta nên tìm hiểu cho quý thính giả. Ông nghĩ sao về hiện tượng khá bất thường này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một thắc mắc chính đáng vì người ta cứ lầm tưởng rằng khi kinh tế phát triển thì mức sống khả quan hơn của nhiều người trong một quốc gia sẽ khiến xã hội thay đổi dần và sự hình thành của một tầng lớp trung lưu sẽ dẫn tới dân chủ như một diễn biến bình thường. Vì lầm tưởng như vậy, người ta có thể ngạc nhiên khi thấy các nền kinh tế rồng cọp của Á Châu từ nhiều thập niên vừa qua lại chưa dẫn tới dân chủ.
- Nói về bối cảnh thì phúc trình về dân chủ của hệ thống The Economist Intelligence Unit được công bố từ năm 2006, và bản phúc trình thứ chín vừa xuất hiện đã xếp loại 167 quốc gia hay lãnh thổ, tức là gần như toàn thể nhân loại, theo bốn nhóm, là 1/ dân chủ trọn vẹn; 2/ dân chủ bất toàn; 3/ chế độ lai tạp; 4/ chế độ độc tài. Họ khảo sát và xếp loại căn cứ trên năm tiêu chuẩn là 1/ thể thức bầu cử và đa nguyên; 2/ dân quyền; 3/ sự vận hành của chính quyền; 4/ việc tham gia chính trị; và 5/ văn hóa chính trị. Theo các tiêu chuẩn ấy thì không quốc gia Á Châu nào được ở trong nhóm của 19 nước có dân chủ trọn vẹn, có 13 nước thuộc nhóm “dân chủ bất toàn”, tám nước trong loại “chế độ lai tạp” chưa dân chủ và năm nước thuộc loại “độc tài”, là Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Afghanistan và Bắc Hàn. Thật ra Việt Nam nằm ở cuối sổ, hạng 131, nếu có hơn Trung Quốc hàng 136 thì vẫn thua Cam Bốt hay Miến Điện, là điều đáng buồn.
Nguyên Lam: Sau phần bối cảnh, trước khi chúng ta đi vào việc giải thích nguyên nhân, Nguyên Lam xin hỏi rằng Nhật Bản hay Nam Hàn và Đài Loan vẫn chưa được coi là dân chù hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta có thể rộng lượng cho là trong 26 nước Á Châu có 21 nước ít nhiều có dân chủ, chứ sự thật thì Nhật Bản và Nam Hàn đã từ hạng có dân chủ trọn vẹn tuột xuống hạng dân chủ bất toàn từ năm 2015 và năm ngoái còn nằm dưới đó, bên cạnh Ấn Độ và Đài Loan. Trong khu vực này thì chỉ có Úc và New Zealand được coi là có dân chủ trọn vẹn, ngang hàng nhiều nước Tây Âu tiên tiến và đấy là nét đáng chú ý. Còn nhìn theo khuôn khổ thời gian thì từ mươi năm nay, Á Châu đã dân chủ hóa khá nhiều với chỉ số bình quân tăng từ 5,44 lên 5,74 nhưng thật ra vẫn còn thua Tây Âu, Bắc Mỹ và thậm chí cả Mỹ Châu La Tinh.
Nguyên Lam: Bây giờ ta bước qua phần phân tích, thưa ông, tại sao các nước Á Châu nói chung đã đạt nhiều thành tựu kinh tế từ mấy chục năm qua mà vẫn chậm có dân chủ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không nói về những thăng trầm ngắn hạn khiến tình hình dân chủ trong một nước có thể sa sút nên bị tuột hạng, như trường hợp Nhật Bản hay Nam Hàn từ hai năm qua hay cả trường hợp Hoa Kỳ cũng bị rơi vào loại “dân chủ có vấn đề” vì cuộc bầu cử năm ngoái, là điều chưa chắc mình đã đồng ý. Nhìn trong viễn cảnh dài thì câu hỏi nêu lên rất đáng được chúng ta suy ngẫm để quy vào hoàn cảnh của Việt Nam.
- Lấy hình tượng của thảo mộc học thì dân chủ là cái cây chứ không là nhánh cỏ, chóng mọc chóng tàn. Cây dân chủ tại Á Châu có rễ quá nông, trồng trên đất hiểm và gốc lại bị đánh nên khó trở thành loại cổ thụ đã thấy trong các khu vực Âu-Mỹ. Nhiều người duy ý chí cứ tưởng thành tựu kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ và viện dẫn trường hợp Nam Hàn hay Đài Loan đã tự chuyển hóa từ chế độ quân phiệt hay độc tài sang chế độ dân chủ. Điều ấy không đúng vì khi kinh tế mới chỉ khởi phát chứ chưa lên tới trình độ thịnh vượng thì lãnh đạo hai xứ này đã chủ động tiến hành dân chủ hóa, chấp nhận đa đảng và đối lập, rồi có khi còn thất cử. Tức là cải tổ chính trị phải đi trước cải cách kinh tế. Đã thế, sau khi có dân chủ thì cái gốc dân chủ lại bị vùi dập vì tình trạng cấu kết và tham nhũng, là trường hợp đáng tiếc ngày nay của Nam Hàn. Nói lại cho gọn thì kinh tế có thể làm đất đai thêm phì nhiêu nhưng chẳng vì vậy mà dân chủ sẽ tự nhiên đâm chồi nẩy lộc. Còn lại, các chế độ dân chủ giả hiệu chỉ trồng cỏ trên mảnh đất độc tài để lừa gạt quốc tế nhẹ dạ, là trường hợp Trung Quốc nay đang lui về thời Mao.
Nguyên Lam: Nếu dùng lại ẩn dụ về thảo mộc của ông thì có những động lực gì giúp ích cho cây dân chủ? Chẳng hạn như sự hình thành của một tầng lớp trung lưu có mức sống khá giả hơn trước thì có trở thành phân bón cho cây dân chủ hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi gọi đây là thảm kịch Á Châu. Vốn sống quá lâu trong bần cùng và chinh chiến nên khi kinh tế thăng tiến, giáo dục được nâng cấp và xã hội được đô thị hóa, giới trung lưu thành thị được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì ta có hai loại phản ứng. Thứ nhất là củng cố thành quả bằng cách bảo vệ hiện trạng chứ không muốn thay đổi thêm. Họ củng cố bằng cách thỏa hiệp và cấu kết với chế độ chứ không lưu tâm đến đa số lầm than còn lại. Hậu quả là ai ai cũng chỉ cố ngoi lên một vị trí cao hơn cho bản thân và gia đình mà lại e sợ thay đổi khi dân chủ tất nhiên đảo lộn trật tự cũ. Vì vậy, các nước Á Châu có thể phát đạt hơn xưa nhưng cây dân chủ vẫn chưa bén rễ. Loại phản ứng thứ hai còn nguy hại hơn vậy. Thành phần trung lưu được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì tìm cách sống trong thế giới đó, vì sẽ được tự do, thăng tiến và cống hiến cho các nước đã thịnh vượng trong khi quê nhà vẫn chưa ra khỏi ách bần cùng hay nền dân chủ giả hiệu. Người ta đều thấy sự thành công của di dân gốc Á tại các nước Âu-Mỹ nhưng nên tự hỏi vì sao Á Châu lại chẳng thành công như vậy? Cho nên, giới trung lưu có là đại gia ở nhà hay tiểu tốt ở nước ngoài thì vẫn là “thảm kịch Á Châu”.
Nguyên Lam: Nếu sự hình thành của tầng lớp trung lưu ở thành thị không góp phần cho dân chủ như ông vừa nhận xét một cách bi quan khi cộng đồng quốc tế mà gây áp lực thì liệu rằng có thể giới hạn các thế lực muốn đánh bật cái rễ dân chủ non yếu tại Á Châu hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì đạo lý con người, người ta phải phê phán mọi vi phạm dân chủ, nhưng về thực tế kinh tế, thế giới biết rằng chế độ cộng sản Trung Quốc và cả Việt Nam đều phá hoại dân chủ mà nhiều người vẫn lặng thinh vì truy tìm lợi nhuận ở nơi đó. Nguy hại hơn thế, vì quyền lợi mà nhiều kẻ hướng dẫn dư luận Tây phương còn lý luận là nên thông cảm với nhu cầu ổn định của chế độ và thậm chí ngợi ca tổ chức chính trị của nhiều nước Á Châu là có nền độc tài sáng suốt và cần thiết cho kinh tế. Đã vậy Bắc Kinh còn có thể dùng đòn bẩy kinh tế lũng đoạn chính trường của nhiều nơi khác tại Á Châu, như Hong Kong, Cam Bốt, Lào, Thái, Miến Điện hay Philippines hoặc cả Đài Loan. Doanh gia hay báo chí quốc tế vào những nơi đó đều thấy ra bàn tay của Bắc Kinh mà vẫn nín thinh để còn hành nghề, còn làm ăn. Truyền thông chúng ta rất nên chú ý đến những điều ấy.
- Một thí dụ gần là Bắc Kinh có thể viện dẫn biến động chính trị trong cuộc bầu tử Tổng thống tại Hoa Kỳ để chứng minh rằng chế độ chính trị của họ ổn định và lành mạnh hơn của Mỹ. Một số bình luận gia Âu-Mỹ cũng lập luận như vậy khiến người dân các nước độc tài càng phân vân. Sự thật thì biến động chính trị vừa qua là phản ứng của dân Mỹ chống các phần tử ưu tú chính trị đã chẳng quan tâm gì tới đời sống của họ. Rồi việc dân Mỹ có biểu tình theo phe này phe kia mà cảnh sát không đàn áp là một thể hiện dân chủ không thể có trong các nước độc tài. Dân chủ đòi hỏi trước hết tinh thần cởi mở là không ai được độc quyền chân lý mà sự thật có thể hiện hữu ở cả hai lề trái phải. Nếu có một lề thì không thể nào có con đường, trong khi chế độ độc tài chỉ cho lề phải tồn tại và đưa lề trái vào tù mà chẳng ai dám than!
Nguyên Lam: Nhiều người cũng cho rằng tiến bộ của khoa học kỹ thuật với sự xuất hiện của các phương tiện thông tin hiện đại như mạng Internet có thể cung cấp thông tin về xã hội cởi mở. Thưa ông, điều ấy có lợi cho tinh thần dân chủ tại Á Châu không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hệ thống Internet là thí dụ tiêu biểu của một con dao hai lưỡi. Nó có cung cấp thông tin nhưng vẫn bị chính quyền độc tài kiểm soát qua bức tường lửa, hoặc vận dụng để thanh lọc và điều hướng sự hiểu biết của giới trẻ, vốn là thành phần tiếp cận nhiều nhất với hình thái thông tin mới. Chế độ độc tài dùng Internet để truy tìm lý lịch và đàn áp, để tuyên truyền cho tính ưu việt của họ, để đưa giới trẻ vào những hưởng thụ vô hại cho nhà nước, hoặc nhằm đầu độc trí não của thanh niên về lịch sử gian trá của chế độ. Chúng ta nên tỉnh táo nhìn vào mạng thông tin ấy như một đấu trường giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, chứ đừng tưởng rằng nhờ có Internet mà tuổi trẻ sẽ đương nhiên đấu tranh cho dân chủ. Tai hại hơn vậy, là khi những người sống trong xã hội dân chủ lại dùng thông tin có đãi lọc và định hướng của chế độ độc tài mà phóng ngược về nhà thì họ chỉ gián tiếp xác nhận rằng chế độ có lý.
Nguyên Lam: Như ông vừa phân tích thì quả thật là cái cây dân chủ rất khó mọc trên mảnh đất Á Châu không chỉ vì yếu tố đất đai hay thổ nhưỡng mà còn vì cả khí hậu toàn cầu khi chúng ta chứng kiến những gì đang xảy ra trong các quốc gia Âu-Mỹ được coi là dân chủ nhất. Như vậy thì liệu Châu Á có hy vọng gì không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cứ hay nói ngược nên sẽ tiếp tục nói ngược! Trận đánh tại Hoa Kỳ giữa Tổng thống và báo chí là sự tuyệt vời của nền dân chủ. Hoa Kỳ có Hiến pháp trái ngược với nhiều nước, nhất là với Á Châu, khi thu hẹp quyền hạn của Chính quyền để mở rộng không gian sinh hoạt của người dân. Ngoài việc tam quyền phân lập, Hiến pháp Mỹ còn cho báo chí quyền phê phán chế độ như một nghề kinh doanh, sau này được coi như Đệ tứ quyền. Phê phán đúng sai thì điều ấy ảnh hưởng đến doanh lợi chứ không thể có chế độ nhà nước nuôi báo chí như trong xứ độc tài! Hiện nay, cả Tổng thống Donald Trump lẫn báo chí nói chung đều có mức tin cậy rất thấp của dư luận và hai phe đều hàng ngày tung đòn tấn công nhau để tranh thủ hậu thuẫn của mình, là cử tri hay độc giả khi tiến bộ kỹ thuật và cạnh tranh đang đánh sụt lợi nhuận của loại truyền thông cổ điển. Chính hiện tượng ấy mới làm bật sáng ra sự thật là chính quyền gian manh hay nhà báo nói láo. Có nơi nào trên toàn cõi Á Châu mà người dân được chứng kiến hiện tượng coi thường Tổng thống và Đệ tứ quyền như vậy không? Vì thế, ta nên theo dõi chuyện này với tinh thần cởi mở, là điều chưa có tại quá nhiều nước Á Châu.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
- Từ khóa :
- Việt Nam
- ,
- Trung Quốc
- ,
- Nhật Bản
Gửi ý kiến của bạn