Tại một buổi trình diễn xiếc mới đây ở Đồng Nai, hàng trăm khán giả đã được thưởng thức một tiết mục thú vị “uốn dẽo đế thang trên không” do một thanh niên khoảng 30 tuổi và một cậu bé nghệ sĩ 9 tuổi. Cậu bé này đã mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, lại mắc chứng bẩm sinh câm và điếc, nhưng cậu may mắn có được một bàn tay che chở nên lớn lên khỏe mạnh, vô tư như bao đứa trẻ khác, dẫu rằng ánh mắt lúc nào cũng đượm nét buồn man mác thường thấy ở những đứa trẻ thiếu mẹ thiếu cha. Người có công nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo cậu bé là người thanh niên nói trên.
Thanh niên này tên là Hoàng Long, trưởng đoàn gánh xiếc có 16 diễn viên nhí. Các em trong đoàn gọi anh là cậu Mười. Tiếp xúc với phóng viên báo Tuổi Trẻ, trưởng đoàn Hoàng Long cho biết mỗi diễn viên nhí của anh có một cảnh đời riêng, nhưng những khổ đau bất hạnh thì gần như nhau. Anh kể tên một số em: Hoàng Tuấn mồ côi và khuyết tật. Các em khác tuy may mắn có cơ thể lành lặn nhưng hoàn cảnh cũng hết sức đáng thương. Tấn Tài, 14 tuổi, cha mẹ chia tay, mỗi người có gia đình riêng, từ nhỏ đã phải chăn bò để kiếm sống. Hoàng Bửu, 18 tuổi, mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác, bán vé số kiếm sống và nuôi bà cô già yếu. Tuấn Anh, 9 tuổi, mồ côi cha mẹ, sống lang thang. Ảo thuật gia Minh Huệ mồ côi cha, mẹ lấy chồng khác.
Cũng theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, 16 diễn viên, kể cả trưởng đoàn Hoàng Long, ngày này qua ngày khác ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu, diễn cùng sàn, sướng khổ có nhau và coi cậu Hoàng Long như người cha chung đáng kính. Vốn là con nhà nòi, cộng với niềm đam mê, cậu Mười Hoàng Long đã sớm được truyền lại những ngón nghề cơ bản và bí truyền của nghề xiếc. Anh đã tham gia biểu diễn cho đoàn ca múa kịch Đồng Nai, đoàn xiếc thiếu nhi. Từ khi còn đi làm công, anh ao ước sẽ lập đoàn xiếc cho riêng mình. Vào năm 1993, đoàn xiếc Hoàng Long đã ra lò với 12 thành viên. Điều lạ là đa số các thành viên trong đoàn đều là trẻ khuyết tật, mồ côi, lang thang cơ nhỡ mà trước đó ít lâu Long đã đứng ra nhận giáo dục dưới các hình thức trò chơi vận động, sinh hoạt tập thể và tập võ tại quê nhà ở xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa.
Đó chỉ là một gánh xiếc nhỏ. Bước đầu Long cho các em rèn luyện thể lực và tập các động tác, tiết mục đơn giản như nhào lộn, tung hứng tập thể và tham gia các lớp học xóa mù chữ ở địa phương. Cố gắng chạy sô, chạy vạy và chi tiêu dè sẻn dữ lắm, cuối cùng đoàn cũng có được những phương tiện tập luyện, biểu diễn tối thiểu của một đoàn xiếc nghiệp dư. Nhờ tay nghề của cậu Mười Hoàng Long khá vững, các em ngày càng tiến bộ, đủ khả năng biểu diễn các tiết mục phức tạp hơn như chồng ghế, đế kiếm, bay qua vòng lửa. Được như vậy có lúc trưởng đoàn Hoàng Long phải chạy xe ôm kiếm tiền thêm, còn các diễn viên cũng đã từng đi cấy thuê, quăng mạ mướn.
Bạn,
Chăm sóc, giáo dục các em đủ mọi thành phần như vậy, chẳng ai dám cho là dễ. Lo cái ăn, cái mặc đã đủ đuối sức, đằng nay lo cả học văn hóa lẫn chuyên môn, lo khi trái gió trở trời, lo sô ế ẩm, mệt mỏi bởi tính hiếu động của trẻ con. Nhắc lại những gian khó của đoàn, Hoàng Long kể: Có lúc mình hết tiền, đuối sức nhưng thấy các em đói khổ chịu không nổi lại cố, lúc khó khăn thầy trò ăn cháo loãng là chuyện thường!