Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

17/09/200700:00:00(Xem: 2775)

(Tiếp theo...)

Gã thuế vụ huyện rút thêm một cuốn sổ tay nhỏ giả vờ lật ra xem, tỏ vẻ chăm chú vào công việc, nhưng tình thực thì hắn đã thuộc từng con số như biết hai bàn tay có mười ngón vậy. Hai muốn đánh một đòn tâm lý tạo sự lo lắng, thậm chí khủng khoảng trong lòng cô gái trông có vẻ rất dễ bị uy hiếp này, lòng thầm tính thế nào hắn cũng bỏ túi được kha khá tiền. Nghĩ đến tiền đã chắc chắn nằm trong tay đến chín mươi phần trăm, lòng dạt dào một niềm vui, Hai ngước lên nhìn Hằng, cố tạo một vẻ thân thiện, nhẹ nhàng bảo nàng:
-Cách thứ nhứt, nếu chị vẫn muốn mở lớp dạy, thì chị chịu đóng phạt hành chánh là... là..., chặc, hai triệu đồng và đóng thuế lớp tháng này một trăm năm mươi ngàn đồng...
Gã thuế vụ chưa kịp nói đến phần thứ hai, thì Hằng đã tái mặt kêu lên, đôi môi tái nhợt, run run:
-Ôi trời, sao mà nhiều quá vậy anh, làm sao em có thể...
Hai khoát tay:
-Chị cứ bình tĩnh đã, tôi chưa nói hết mà. Có gì thì từ từ... thương lượng với nhau cũng được, chị đừng có hoảng hốt như thế.
Hằng buồn bã gục đầu nhìn những ngón tay bối rối của nàng đan vào nhau nằm tê cứng trên mặt bàn, không còn muốn nghe những gì Hai nói nữa.
-Cách thứ hai, theo tôi nghĩ thì có lợi cho chị nhất, thôi thì chuyện dạy học khó khăn như vậy thì chị nghỉ quách, tôi có thể giảm tiền phạt hành chánh cho chị còn, e hèm... một triệu rưỡi và thu tiền thuế tháng này một trăm ngàn thôi, chị nghĩ thế nào.
Tuyệt vọng và tủi nhục, Hằng bật khóc:
-Anh làm ơn thương tình... tôi không biết kiếm đâu ra ngần ấy tiền để đóng cho anh, thôi thì...
Hằng úp mặt vào lòng bàn tay thổn thức. Trời ơi, sao cuộc đời tôi chỉ toàn là những chuỗi bất hạnh như thế này. Hơn mười năm dài, Hằng nào có lấy được một ngày tạm gọi là sung sướng, bởi cuộc sống của một người công nhân nghèo với đồng lương chết đói như nàng, hiện tại bấp bênh, tương lai mờ mịt, thì còn có cái gì để được sung sướng nữa chứ. Mỗi hai tuần lãnh lương một lần, trong tay chỉ vỏn vẹn có một vài tờ giấy bạc vô giá trị, xoay qua xoay lại được mấy ngày chúng đã nhanh chóng biến mất vào những khoản chi tiêu. Bọn công nhân nữ như Hằng lại ngong ngóng đếm từng ngày mong đến kỳ lương khác. Mà nào có chi tiêu nhiều nhặn gì cho cam. Chỉ một vài lít gạo, một ít dầu hôi, thịt cá thì Hằng nào dám mơ tưởng đến, quanh năm chỉ toàn ăn rau độn với cơm. Thỉnh thoảng lắm mới dám mua một ít thịt dăm, thứ thịt nạc chằng chịt những sợi gân, mà tha hồ Hằng ninh đến bao lâu, chúng vẫn cứ dai nhách như những sợi dây cao su. Hay một nhúm cá lòng tong bé tí tẹo, mà Hằng kho thật kẹo với nước mắm, lấy cái chất mặn làm hương vị đưa cơm vào và đánh lừa dạ dày. Một nồi canh nho nhỏ nấu từ mấy bó rau muống héo người ta bán rẻ trong buổi chợ chiều, hay chút đọt rau lang luộc mà Hàng trồng được một vài luống nhỏ bên sàn nước sau nhà.
Cuộc sống của Hằng đạm bạc quá, đến nỗi không còn gì có thể thanh bần hơn được nữa, nếu có thì cũng chỉ hơn được mấy chú bác ăn xin tàn tật sống chui rúc dật dờ trong cái nghĩa trang rộng mênh mông nhưng buồn thê thiết này. Hằng đã trải qua mười năm dài trong một cuộc sống hết sức vô nghĩa và phi lý như thế, nhưng không tìm một con đường nào để thoát khỏi cái định mệnh tàn nhẫn và sự bất hạnh. Nàng có nghe chúng bạn rủ rê những chuyện xin làm vợ người Đài Loan, Đại Hàn hay xin đi làm con ở cho người ta. Chỉ nghe thôi mà Hằng đã hãi lắm, nói gì đến việc nộp đơn xin được xuống những cõi địa ngục đó. Nàng rùng mình tưởng tượng đến những cái thân thể trần truồng của hàng trăm cô gái phơi bày trước những cặp mắt ngầu đục dâm dục của những người đàn ông đi mua vợ, những con người ấy tha hồ, tự do bóp nắn một cách thỏa thích từng phân vuông da thịt trên thân thể những cô gái nghèo bất hạnh đó, điều mà những người thanh niên niên Việt Nam không bao giờ có thể dám mơ ước đến. Sờ soạng chán chê rồi, dẫu không muốn mua vợ nữa hay không chọn được cô nào, thì cũng chẳng có ai nguyền rủa họ về cái tội xúc phạm nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam một cách tồi bại như thế. Không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Hằng thích đọc sách lắm. Hằng liên tưởng cái cảnh phụ nữ Việt Nam bán mình trong những phiên chợ mua vợ của lũ đàn ông ngoại quốc với những phiên chợ mua bán nô lệ thời Trung Cổ mà nàng đọc thấy trong sách vở. Dù nghèo đói cùng khổ đến mấy đi nữa, Hằng cũng tự biết nàng còn có chút danh dự và nhân phẩm của một con người, nàng không thể bị đem bán như một con vật thời man rợ được. Cái trinh tiết quý báu nhất của nàng, Hằng chỉ dành cho người chồng, dù vẫn còn là một hình bóng hư ảo trong mộng, mà nàng nguyện yêu thương và tôn thờ đến trọn đời
Hằng xót xa nhìn đời con gái của nàng lặng lẽ trôi và chết dần theo thời gian, như một người bệnh nặng biết mình đang hấp hối. Mỗi buổi sáng thức dậy rửa mặt, soi gương chải tóc để chuẩn bị đi làm, nhiều lúc Hằng đã thảng thốt đưa tay lên môi ghìm tiếng kêu nấc nghẹn. Trời ơi, một gương mặt tàn tạ, héo úa với đôi mắt sâu thẳm, được tô điểm bằng hai cái quầng mờ nhạt dưới khóe, hiện ra nhìn nàng. Hằng không còn nhận ra được chính mình nữa. Một cô thiếu nữ xinh tươi tràn trề mạch sống của ngày nào, lúc còn kẽo kẹt quang gánh trên những cánh đồng muối trắng mênh mông bên những dãi cát nhìn ra biển khơi xanh thẩm, giờ đây chỉ còn là một cô gái già đang đếm những ngày nhan sắc tàn phai trong một nỗi sầu muộn tái tê.
Có một lúc nào đó, vài cô bạn công nhân của Hằng hớn hở đến khoe với nàng:
-Hằng ơi, tao mới tìm được một anh chồng sống chung, anh ấy tốt lắm...
Hằng ngạc nhiên mở to mắt nhìn bạn tỏ vẻ phiền:
-Ông bà cưới nhau lúc nào mà nhanh thế, không mời cả mình để cho mình đến mừng ông bà.
Cô bạn cười hăng hắc:
-Ôi dào, cưới xin gì. Hằng không hiểu gì hết, bồ có nghe nói tới chuyện vợ chồng sống tạm với nhau cho đỡ... buồn, đỡ cô đơn chưa" Hằng muốn thì mình dẫn đến cho mấy ông, thiếu gì, chỉ sợ đẩy ra không hết.
Hằng ngơ ngác không hiểu bạn nói gì:
-Vợ chồng cưới nhau thì sống hẳn với nhau, chứ còn tạm gì nữa, bộ còn muốn bỏ nhau à"
Cô bạn gái phát tay lên vai Hằng cười rũ rượi:
-Chứ còn sao nữa, vui thì ở, chán thì chia tay, ai nghĩ sao chứ mình thích lắm, có một ông chồng hờ trong nhà sai vặt và ấp ủ nhau mỗi đêm, mình cảm thấy hạnh phúc ghê đi. Để mình nói cho bồ nghe, đời sống tình cảm của bọn công nhân như chúng mình khô khan và hiếm hoi lắm. Không phải trái tim của chúng mình không biết yêu, mà chỉ bởi không có thời gian và cơ hội thôi. Thế thì tại sao mình không tự tìm lấy cơ hội vơ lấy một ông chồng chứ. Mà bên phía các cụ nam công nhân cùng hãng cũng thích tìm những cô vợ tạm như bọn mình lắm, mình nói như thế Hằng đã hiểu chưa"
Hằng rùng vai: "Chưa!"
-Trời ơi, mình nói khô cả lưỡi mà Hằng vẫn không hiểu gì hết, khù khờ hết sức. Những tâm hồn cô đơn không tìm thấy được tình yêu thì họ sẽ tìm đến với nhau, chẳng cần cưới hỏi gì hết, sống với nhau được ngày nào hay ngày đó, khi nào thấy chán nhau thì chia tay, rồi sau đó mình lại tìm một ông chồng khác nhởn nhơ với nhau, và cứ thế... đến suốt cuộc đời còn lại của bọn mình...
Cô bạn chợt im lặng, vầng trán nàng nhăn tít, đôi môi mím lại trong một trạng thái phiền muộn. Hằng đăm đăm nhìn vào đôi mắt sầu não của bạn, để hiểu nỗi lòng của những cô gái không tìm thấy được tình yêu như bạn nàng. Họ chỉ tự bịt mắt dối lòng trong một ảo ảnh giả tạo của một thứ hạnh phúc tạm bợ, mà phần thiệt thòi vẫn luôn nghiệt ngã rơi lên thân xác và tâm hồn của người con gái. Hằng không thể tưởng tượng được rằng tấm thân của nàng có thể rơi vào vòng tay của nhiều người đàn ông, mà bạn nàng gọi là những ông chồng tạm, không khác mấy những cô gái bán thân cho khách qua đường, thì làm sao có được hạnh phúc được chứ. Thôi, Hằng thà ở vậy, thà mỗi đêm nằm ôm chiếc gối nhỏ vào ngực gặm nhấm nỗi cô đơn, ấp ủ trong tim một bóng hình tình quân, dù chỉ là ảo ảnh, nhưng đối với nàng, cái tình một chiều và vô vọng ấy hãy còn đem đến cho Hằng được chút hạnh phúc thực sự, hơn là trao thân cho những người đàn ông mà nàng không yêu...

*

Hằng ngước mắt nhìn người thuế vụ, đôi môi run rẩy theo từng tiếng nấc:
-Thôi thì anh Hai định làm gì thì cứ tùy ý, tôi không biết xoay sở làm sao có được số tiền đó...
Con tim chai đá trước những giọt nước mắt rơi lả chả của cô giáo, bởi đã từng thấy nhiều tiếng khóc khác còn thống thiết hơn từ những nạn nhân khác của hắn, Hai gằn giọng:
-Hai mươi mấy đứa học trò chị để đâu, theo phòng thuế tính, thì tiền học phí mỗi đứa ít nhất cũng năm mươi ngàn, vị chi chị thâu vào là trên một triệu đồng mỗi tháng, chị nói không có tiền là thế nào"
Hằng lắc đầu:
-Tôi chưa nhận tiền của các em, mà tôi cũng không có ý định thu tiền học phí. Các em ở đây nghèo lắm, làm gì có đến năm mươi ngàn mỗi đứa hở anh.
Hai đập bàn:
-Tôi không cần biết, chị dám mở lớp học là chị phải nghĩ đến ngày hôm nay rồi...
Đập bàn, giả vờ sừng sộ là một trong những tuyệt chiêu của Hai. Nếu nạn nhân thông minh một tí, họ có thể điều đình với Hai xin gia giảm. Bằng cách nào. Với một bà bán rau cải ngoài cái chợ ngồi xổm bên lề xa lộ, bà chịu trả cho Hai một trăm ngàn mỗi tháng, thay vì một trăm rưỡi. Hai sẽ nộp cho huyện chừng sáu bảy mươi ngàn, số thặng dư dĩ nhiên sung sướng chạy vào túi hắn. Có bao nhiêu bà bán rau cải, bác bán thịt lợn, bao nhiêu bà dì bán cá, và vô số những con người cùng khổ đổ mồ hôi và máu mắt trong những cái chợ tồi tàn chạy gạo từng bữa là nạn nhân của Hai và những gã thuế vụ đeo những cái xắc da trên vai như hắn. Những gã công an gác đường cũng có những tuyệt chiêu riêng. Những người chạy phạm luật, chở ba chở bốn, hay thậm chí không phạm luật, một tiếng còi thổi là xong, là tiền căng đầy túi. Những con người khốn khổ và kém may mắn ấy chỉ cần nộp tươi cho gã đầy tớ dân vài mươi ngàn, không cần lấy biên nhận, thay vì một trăm ngàn nếu muốn có được mảnh giấy chó má ấy. Bọn công an cũng chỉ cần có thế. Viết biên nhận phiền toái lắm, mà chúng không bỏ túi được đồng xu nào, vì phải vào sổ kế toán.
Hai hy vọng Hằng sẽ cuống quít lên, van vỉ nài xin chịu đóng tiền tươi, bao nhiêu hắn cũng vồ hết, rồi cho cái vụ lớp học chìm vào lớp bụi của quên lãng. Bởi trên huyện nào đâu biết đến sự hiện hữu của cái lớp học tồi tàn nhỏ bé nằm nép mình trong cái nghĩa trang này. Các "anh", các "chú" đang rất bận rộn với những cú làm ăn lớn bằng trời, chứ bé như cái móng tay này, thì chỉ để dành cho bọn hạ tầng tép riu như Hai mà thôi. Nhưng khốn nỗi, Hằng chưa từng bao giờ có kinh nghiệm làm việc với chính quyền trong những trường hợp gay cấn và đầy cạm bẫy như thế này, làm sao nàng biết được những cái ngóc ngách bí ẩn để vượt thoát chứ, nên Hằng cứ khư khư từ chối:
-Anh không thương thì tôi đành chịu, chứ trong nhà... nói anh thương, tôi chỉ còn có hai mươi ngàn đồng, thất nghiệp đã hơn tháng nay, ngày mai tôi không biết là mình sẽ sống như thế nào nữa, hay là... anh cầm tạm mười ngàn...
Hai cố nén tiếng thở dài ngao ngán. Mười ngàn thì được cái nước mẹ gì, chỉ được một tô phở, chẳng đủ nhét kẻ răng. Tuy vậy, kinh nghiệm thu thuế luôn bảo cho Hai biết rằng, cứ kiên nhẫn bám cho dai vào, thế nào cũng được chuyện. Hai giận dữ đứng dậy đập bàn một lần nữa, tiếng động chát chúa đến nỗi bác Lắm và bọn thằng Lực đang áp tai nghe lén sau tấm vách giấy cũng phải giật mình, hoặc vả Hai cố ý làm thế cho hàng xóm cùng biết để cùng tính toán mà cứu cô giáo của họ. Lực kéo anh em Hiền ra xa thì thầm bàn tính:
-Em rửa bát cho chị Năm tháng nay để dành cũng được gần trăm ngàn, em định đưa số tiền này cho chị Hằng, anh Hiền với chị Lành nghĩ thế nào"
Hiền nhíu mày suy nghĩ, bàn tay nó sờ vào cái túi quần căng phồng xấp tiền giao thuốc của dượng Tư chia cho, hẳn cũng phải vài ba trăm ngàn, con Lành nắm tay thằng anh:
-Em cũng để dành được mấy chục ngàn, mình đem qua giúp cho chị Hằng đi anh, tội nghiệp chị quá...
Hiền ngần ngừ không quyết định được, bởi đồng tiền kiếm được thật quá sức nguy hiểm, phải trả bằng một cái giá quá đắt mà suýt chút nữa nó đã bị công an tóm cho vào trại trừng hóa thiếu nhi rồi, nên thằng nhỏ tiếc lắm, nó không thể để cho số tiền này rơi vào tay người khác, dù đó là một việc thiện rất đáng phải làm. Chú Lắm cũng đã nghe từ đầu cuộc hoạnh họe của gã thuế vụ huyện, chú bảo con gái là Liên và bọn nhỏ:


-Tụi bây ở đây nghe tiếp để tao sang nhà mấy bác xem coi có cách nào giúp cô Hằng. Nên nhớ kỹ, nếu xảy ra chuyện gì cấp bách thì con Liên phải chạy qua nhà bác Tám hay bác Phước báo cho bố hay ngay nghe.
Bọn nhỏ lại rón rén áp tai vào vách nghe tiếp.
-Chị nói vậy mà nghe được à, chị muốn vào tù ngồi phải không" Được, nghĩ tình chị mới lần đầu phạm luật chưa biết để chuẩn bị, tôi cho chị một ngày để lo liệu, ngày mốt tôi đến thu tiền, nếu chị không có thì chúng tôi buộc phải truy tố chị ra tòa án...
Mặt hầm hầm đỏ như gấc chín, Hai xoay người xốc cái xắc da lên vai:
-Chị còn gì để nói... à... thương... lượng nữa không"
Hằng co rúm người trước cơn thịnh nộ của người đại diện chính quyền:
-Tôi... tôi... không... biết...
Chợt Hằng nắm lấy tay áo Hai khóc nức nở:
-Anh làm ơn thương tình tha cho tôi lần này, ngày mai tôi sẽ bảo các em đừng đến lớp nữa, tôi sẽ thôi không dạy học nữa...
-Không, cô Hằng cứ tiếp tục dạy học cho tôi!
Một giọng nói trầm ấm vọng vào từ bên khung cửa, thật êm ái thật dịu dàng mà Hằng tưởng chừng như tiếng sấm rền, nàng đứng dậy lảo đảo trông ra. Trong màn nước mắt nhòe nhoẹt, trời ơi, Hằng có nhìn lầm không, cái dáng cao to thân thương ấy, chính là chàng chứ còn ai nữa. Không ghìm được cơn xúc động đang trào dâng cuồn cuộn trong lòng, cổ họng đau xé như bị một bàn tay thít chặt, Hằng ngã khuỵu xuống không nói được nên lời. Con người lạ từ bên ngoài hốt hoảng phóng vào như một cơn gió lốc, anh hất vai vào gã thuế vụ đẩy hắn ngã chúi qua một bên, để vừa kịp đỡ lấy cái thân thể gầy còm nhẹ tênh của Hằng, cuống cuồng gọi:
-Hằng, Hằng... cô làm sao rồi!
Đôi mắt Hằng mờ đục ngước nhìn người đàn ông, hơi thở ấm áp của anh phả vào mặt nàng như một luồng gió hồi sinh, đôi môi tái của Hằng cố mĩm cười, bởi trong trái tim nàng đang rộn rã một niềm vui, lắp bắp những lời vô nghĩa:
-Anh... anh... Lãm phải không…... Em... em... tệ quá... tha lỗi cho em...
Lãm xót xa nhìn vào khuôn mặt tiều tụy của cô gái, trong lòng rối bời một nỗi xốn xang lẫn thương cảm:
-Hằng... cô... tôi đưa cô vào nằm nghỉ, chuyện lớp học để tôi giải quyết, cô an tâm...
Mấy ngón tay run rẩy của Hằng mơn man lọn tóc đen nhánh xỏa xuống trán của Lãm:
-Anh tốt lắm, nhưng mà em... không dám làm phiền đến anh nữa đâu... em không đáng thế...
Lãm bế Hằng đứng dậy:
-Chẳng có phiền tí gì đâu, chuyện nhỏ thôi, cô cứ nằm nghỉ cho tôi.
Lãm nhẹ nhàng đặt tấm thân mỏng manh của cô gái lên chiếc giường nhỏ ở góc phòng, chàng kéo tấm chăn mỏng lên tận ngực nàng, bàn tay chàng chạm nhẹ vào bờ vai Hằng, dịu dàng an ủi:
-Cô nằm nghỉ, đừng suy tư lo lắng gì.
Lãm quay người tránh ánh mắt thiết tha của cô gái, mà chàng biết nó mang ý nghĩa gì. Lãm cũng tự nhận biết con tim chàng đang đập nhịp hỗn loạn theo cùng với một nỗi bối rối xốn xang mà chàng không biết, hay không dám dịnh nghĩa rõ rệt là gì. Một nỗi cảm xúc dìu dịu quấn quít lấy từng sớ thịt, len lỏi trong từng mạch máu, như một con suối mát chảy về tim, rồi tỏa ra thành những sợi tơ nhỏ quấn chặt lấy. Lãm có một chút hối tiếc là đã đến đây khá muộn, nhưng đồng thời cũng cảm thấy vui vì đã đến đúng lúc, giữa khi Hằng đang chao đảo trong một tình cảnh nguy ngặt nhất.
Lẽ ra Lãm có thể đến sớm hơn, nhưng chị em Như Loan, Như Thủy cứ nằng nặc, nhì nhằng đòi chàng với Tần phải đưa chị em về gặp cha mẹ. Như Thủy nũng nịu nép người vào Lãm, đôi mắt ướt rượt như sóng hồ thu:
-Ba mẹ muốn gặp anh đấy, anh liệu sao thì liệu, nhưng em không để anh tìm cách thoái thác nữa đâu. Hôm nay anh về nhà chào ba mẹ em nha anh. Hai đứa mình quen nhau lâu rồi, ba mẹ mắng em là con gái... hư, có bạn trai thì phải giới thiệu với ba mẹ chứ.
Lãm khổ sở gãi đầu:
-Chỉ quen như là bạn với nhau thôi, chứ anh và em đâu đã có những mối liên hệ ràng buộc nào, anh ra mắt ba mẹ em cũng đâu có được việc gì.
Như Thủy dậm chân hờn dỗi:
-Anh có thể tàn nhẫn nói với em những lời như thế sao"
Cô gái sụt sịt, khóe mắt đã ngấn nước, nhưng nàng không rút khăn trong chiếc xách tay da thời trang màu xanh lá mạ ra, bởi hy vọng Lãm sẽ trao cho nàng cái của chàng. Như Thủy đã đoán đúng, Lãm thở dài rút chiếc khăn tay trong túi quần đưa ra:
-Em lau nước mắt đi, chưa gì mà đã sụt sùi như thế kia, nay mai ông nào làm chồng em thì chỉ có nước sắm hàng tá khăn...
Như Thủy ngước lên vừa chậm mắt vừa cười khì:
-Nếu người đó là anh thì em sẽ không khóc nhiều đâu, vì em biết anh sẽ luôn làm cho em vui em cười như thế này...
Lãm chưa kịp chống chế hay phản ứng như thế nào, thì Như Thủy đã lại ôm lấy cánh tay chàng, ánh mắt van nài thiết tha:
-Anh chìu em tí đi, cứ về chào ba mẹ em, có chết ai đâu, nha anh"
-Nhưng mà em thấy có cần thiết lắm không, chứ với anh thì còn sớm lắm, chúng mình cần có thêm nhiều thời gian để tìm hiểu, bây giờ mình nên xem nhau là bạn trước cái đã.
Như Thủy ngã đầu tựa vào vai Lãm, hương tóc ngào ngạt, quấn quít quyện cùng hơi thở của chàng:
-Trời ơi, em sợ thời gian và sự xa cách lắm, buông anh ra là tụi bạn em nó cướp mất anh của em liền...
Lãm không biết phải tìm cách chối từ như thế nào, thì chàng thấy Tần đang dìu Như Loan bước đến, trông cử chỉ nhũn nhặn, hẳn là đã bị cô nàng ngọt dịu thuyết phục mất rồi. Tần vỗ vai Lãm:
-Sao, thằng em mày, có chịu đi ra mắt ông bà nhạc tương lai chưa"
Như Thủy ném cho Lãm một cái nhìn tình tứ :
-Đấy, anh thấy không, anh Tần cũng nghĩ như bọn em đấy.
Lãm cố giấu nỗi bực dọc:
-Mày... thật là... nhanh quá, mày đã suy nghĩ kỹ chưa"
Tần nhún vai:
-Kỹ với không kỹ, mày với cô em ra sao tao không rõ, chứ tao với cô chị thì không còn trở ngại gì nữa hết, chúng tao quyết định trình diện ông bà cụ của nàng.
Như Loan hớn hở nắm lấy bàn tay người tình miết chặt giữa những ngón tay mềm mại của nàng:
-Anh yêu em đến thế sao"
Những ngón tay của Tần lướt nhẹ trên chiếc má mịn hồng thơm nức mùi phấn của cô gái:
-Anh đã yêu em ngay từ cái vẫy tay đầu tiên của em!
Lãm xoay mặt cố nén một tiếng thở dài. Cái thằng chúa láo, lần nào tán gái nó chẳng nói thế, để rồi sau đó lại tung cánh bay đi, để lại nỗi khổ đau sầu não cho người con gái. Lãm hy vọng lần này Tần nói thật, cũng đã đến lúc hắn phải lập gia đình, đến lúc xếp cánh chịu giam thân vào cái lồng hôn nhân êm ái. Nhưng Tần thì không thể hiểu được Lãm. Như Thủy kiều diễm, duyên dáng là thế mà hắn còn muốn tìm kiếm ở những đâu nữa. Hai chị em người ta là con nhà cán bộ giàu có và danh giá, hiền hậu và hết mực chìu chuộng bọn chàng như những nữ nô lệ, Lãm còn muốn đòi hỏi gì nữa. Nhiều lần, Tần đề cập chuyện hôn nhân với chị em Như Loan, Lãm đều gạt ra:
-Còn sớm mày ơi, biết người ta có yêu mày thực sự, hay chỉ yêu cái mác Việt kiều của mày"
Tần tức tối gằn giọng:
-Mày là thằng chúa gàn, gàn vừa vừa chứ, vợ đẹp giàu như thế mà chê à"
-Không phải là chê, Như Thủy đẹp và quyến rũ lắm chứ, nhưng mà... tao thấy làm sao ấy. Tao chỉ cần tình yêu đích thực, chứ tao không cần tiền bạc như... như...
Tần quát lớn:
-Như thằng Tần bạn mày phải không"
Lãm nhún vai tìm cách làm hòa:
-Mày làm gì hùng hổ như muốn giết tao không bằng vậy"
-Ừ, ông muốn giết mày đấy, mày làm gì tao nào.
-Thôi thì ông để cho con được thư thả tí, ông muốn vợ thì ông cứ phần ông ông lấy, còn con thì chưa.
-Nhưng mày không chịu đi ra mắt ông bà già nhạc của tao, làm sao tao đi một mình ên được, con em Như Thủy nó đâu có để yên cho tao với Như Loan"
Lãm ôm bụng cười hích hích:
-Trời ơi, mày nói chêm vào cả tiếng Nam Sài Gòn nữa à"
Tần vênh mặt lên:
-Ừ, rồi sao, tao nói tiếng khắp cả mọi miền... Bắc, Trung, Nam ông chơi được tuốt luốt hết... Cứ cho là các cô yêu mày vì mày là Việt kiều, thì đã sao nào. Giữa một cô nghèo xấu như ma với một cô giàu đẹp mày chọn cô nào"
Tần nói đúng và có cái lý của hắn, Lãm chỉ biết thở dài:
-Có thể là mày đã có tình yêu với Như Loan thực sự, nhưng với Như Thủy thì tao không có được thứ tình cảm ấy. Hôn nhân đâu phải chuyện ngày một ngày hai như mày thay áo. Mặc vào là dính luôn đó nghe con, cởi không ra đâu, lúc ấy có hối thì cũng đã muộn.
Thoái thác mãi, đến đêm nay thì Lãm không còn tránh vào đâu được nữa trong vòng vây thắt ngặt của Tần, bạn chàng, và hai chị em Như Thủy, Lãm đành phó mặc cho định mệnh muốn đưa chàng đến đâu thì đưa. Lãm định chở thêm một thùng sách và dụng cụ học cho cái lớp học nghèo nàn của Hằng, giờ đây chàng buộc phải dời chuyến đi vào đêm mai. Lãm bâng khuâng tự hỏi với lòng, biết có còn đêm mai nào nữa không. Tình yêu của Như Thủy như một cái mạng nhện phủ xuống đời chàng, càng vùng vẫy thì càng bị cuốn chặc không lối thoát. Lãm băn khoăn không biết mình còn có thể chống cự được với sắc đẹp và tình yêu cuồng nhiệt của Như Thủy đến bao lâu nữa, nhưng vạn nhất có xảy ra chuyện chung thân với nàng, thì Lãm biết là chàng sẽ hối tiếc lắm, bởi cuộc hôn nhân được kết hợp bằng thứ tình cảm miễn cưỡng, như một thứ trái chín non, cái vỏ bên ngoài có màu sắc rực rỡ đấy, nhưng bên trong thì chua loét. Lãm phải thừa nhận rằng, chàng đã bị lóa mắt trước sắc đẹp quyến rũ của chị em Như Thủy, mà chàng chắc Tần cũng thế. Lãm đến với Như Thủy vì mê đắm cái thân thể hừng hực lửa nhục tình của nàng hơn là vì tình yêu chân chính, như những con thiêu thân bị ánh lửa mê hoặc. Rồi cũng có lúc nhan sắc của người đàn bà phai tàn theo thời gian, cái phần tinh tủy còn lại kết nối hai cuộc đời là tình yêu, thì Lãm không mấy tin tưởng nó thực sự hiện hữu trong trái tim của chị em Như Thủy. Nghĩ là nghĩ như thế, nhưng Lãm tự biết bản thân chàng yếu đuối lắm, nụ cười, ánh mắt tha thiết cùng những lời tình ái ngọt ngào của Như Thủy như một thứ bùa ngải ma quái cuốn hút lấy linh hồn chàng vào một cái vực sâu thăm thẳm.
Lãm cùng Tần theo hai chị em Như Loan vào trình diện ông bà cụ thân sinh của các nàng. Cuộc đón tiếp hai chàng rễ tương lai diễn ra trong một bầu không khí trang trọng, tương xứng với cái mác Việt kiều của hai người bạn. Một bữa ăn nhỏ nhưng rất thịnh soạn đang chờ đợi bọn chàng trong cái phòng ăn bài trí rất lộng lẫy, từ vật dụng, bàn ghế cho đến tranh ảnh. Một người đàn ông đã quá tuổi trung niên, cũng phải trên năm mươi, ăn mặc tươm tất, với khuôn mặt hồng hào bự thịt và bóng nhãy, đôi môi dầy, thâm nhưng tươi cười cố tạo vẻ thân thiện, thoạt nhìn cũng đủ biết ông là một con người đang rất thành công trong cuộc đời. Một bà trong chiếc áo dài bằng gấm pha kim tuyến hự hỡ, tóc búi, nhưng khuôn mặt còn tươi trẻ và xinh đẹp lắm, đến nỗi khi Như Thủy sà vào lòng bà, thì Lãm cứ ngỡ là hai chị em, hẳn bà phải nhỏ tuổi hơn ông nhiều. Hai người bạn nhìn thấy những ngón tay thon mịn của người đàn bà đặt nhẹ trên đùi sáng lóa ánh ngũ sắc của những chiếc nhẫn cẩn hột xoàn to tướng như những hạt đậu xanh, dường như có chủ ý muốn phô trương ra cho khách trầm trồ thì phải, hay để báo trước cho hai chàng thanh niên cái hũ nếp thơm phưng phức mà họ sắp rơi vào. Bên cạnh người đàn bà còn có một đôi vợ chồng nữa cũng lộng lẫy và diêm dúa như hai ông bà già nhạc tương lai của bọn Lãm, mà Như Loan giới thiệu là cậu mợ đến cùng dùng bữa cho vui.
Bữa cơm tối được sửa soạn chu đáo, chắc là muốn gây cái ấn tượng đầu tiên thật sâu sắc vào lòng hai chàng trai. Lãm dùng bữa ngon miệng lắm, Như Thủy ngồi bên cứ gắp mãi thức ăn, đến nỗi cái bát của chàng luôn đầy ứ. Thậm chí Như Thủy còn đưa hẳn những miếng thịt cá to và ngon nhất vào miệng chàng. Hai ông bà cụ chủ nhà nói ít, nhưng thái độ tự tin và tự tôn lắm. Chẳng gì thì ông bố cũng là một viên chức cao cấp của chính quyền, mà chị em Như Loan từng hãnh diện khoe với bọn Lãm là tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu của nhà nước. Hai ông bà cậu mợ của chị em Như Loan thì nói nhiều. Dường như chủ nhân mời họ đến để thù tiếp với hai chàng thanh niên giùm cho, làm cái nhịp cầu kết nối. Gặp phải Tần là tay thích tán láo, nên câu chuyện trong bữa ăn hào hứng lắm, rồi nhờ đó mà dần dần đi đến chỗ thân tình. Khi bữa ăn đã tàn, chủ nhân mời mọi người sang phòng khách thưởng thức món bánh trung thu và uống trà. Khi mọi người đã ngồi lên những chiếc ghế bọc da êm ái quanh chiếc bàn, thì chị giúp việc bày lên mặt kính một chiếc khay bạc có mấy chiếc dĩa sứ cổ tuyệt đẹp với những miếng bánh trung thu đã cắt, cùng những tách trà nhỏ và cái ấm sứ bốc mùi thơm hoa nhài sực nức, chưa uống mà đã biết là trà ngon rồi... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.