Tại các vùng duyên hải ở Việt Nam, dân gian thường truyền nhau là cá voi đã cứu rất nhiều ngư dân khi gặp hoạn nạn, bão tố trên biển. Chính vì vậy mà cá voi được rất nhiều ngư dân gọi là ông, là ngài, được xem như một vị thần may mắn và độ lượng, khi cá ông chết thì được chôn cất với đầy đủ nghi lễ long trọng linh đình hơn cả con người. Từ sự tôn kính đó, trên khắp các làng dọc bờ biển miền Trung, ngư dân đều thờ cá ông (cá voi) nhưng chỉ ở làng Thuận Hòa tỉnh Quảng Nam có riêng nghĩa địa đã qua nhiều đời, với trên 300 mồ cá voi. Đây là nghĩa địa cá voi lớn nhất Việt Nam.
Theo tài liệu của báo Người Lao Động, đó là làng Thuận Hòa, nay là thôn 1, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, có tục thờ cúng cá ông rất đặc biệt. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng này một bãi biển tuyệt đẹp, đó là bãi Bấc. Một cư dân tên là Văn, 46 tuổi, ở thôn 1, kể lại: Có lẽ do bãi Bấc có vịnh nước yên tĩnh nên cá ông khi gặp nạn ngoài biển thường tấp vào đây trú ngụ. Những năm trước, năm nào cũng có ít nhất, một, hai ông “lỵ”. “Lỵ” là tiếng địa phương dùng để chỉ cá ông không còn sức lực và sắp chết. Tận mặt cư dân này chứng kiến vào năm 1973, một cá ông tượng to vài chục tấn, hai ngư dân cao lớn đứng bên mình cá ông này nhìn sang không thấy mặt nhau. Vì cá ông quá lớn nên dân làng dùng tre cắm thành một bờ rào xung quanh cá ông, chờ đến 6 tháng sau thịt cá ông rửa ra hết ngư dân mới khiêng bộ xương đi làm lễ chôn cất.
Tất cả các làng chài từ cửa Đại (Hội An) cho đến Quảng Ngãi ngày xưa khi nghe cá ông lỵ ở đâu là ngư dân nườm nượp kéo về, mang thep lễ vật cúng bái rất linh đình. Ai nhìn thấy cá ông lỵ đầu tiên, người ấy xem như cực kỳ may mắn. Trong tang lễ của ông, người này được chít khăn điều, tất cả dân làng còn lại đều chít khăn trắng. Có một điều trùng hợp rất lạ là bao giờ có cá ông lỵ thì y như là lúc ấy trời mưa. Điều này đã được ngư dân Tam Hải đúc rút lại sau hàng trăm ông lỵ vào bãi Bấc, cũng như khi các cá ông ly vào bờ thường có một đàn cá nhỏ, số lượng rất lớn chạy theo để tiễn đưa.
Nằm giữa một vùng phi lao rập rạp, xung quanh có nhiều bụi dứa dại um tùm, có một khoảng đất rộng vài mẫu tây. Từ đây, có một con đường rất ngắn chạy thẳng ra bãi Bấc. Nơi ấy là nghĩa địa dành cho cá ông. Ông Trần Lượng, 78 tuổi, hiện là chủ bái của xóm bãi Bấc, cho biết nghĩa địa này có từ rất lâu đời. Cá ông lỵ mới nhất được chôn cất ở đây là vào năm 1997. Vì vùng này là vùng cát cho nên các nấm mộ đắp lên bị gió bay đi nhiều, chỉ còn lại những nấm nhỏ thấp. Mỗi cá ông khi được mai táng, người ta dựng một tấm bia bằng đá ông, chiều ngang khoảng 20 cm. Theo thống kê sơ bộ của phóng viên, ở trên nghĩa trang này có trên 300 bia đá. Hàng năm cứ vào 20 tháng Giêng âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng cá ông linh đình. Lễ kèm theo hội kéo dài nhiều khi đến ba, bốn ngày. Trước ngày diễn ra lễ, dân làng đi tảo mộ cho cá ông.
Bạn,
Cũng theo báo Người Lao Động, những năm nào cá ông lỵ vào làng, ngư dân tin tưởng sẽ mang lại điềm lành. Đối với những cá ông lỵ vào bờ mà còn sống, được dân làng tổ chức chăm sóc rất chu đáo và đưa “ông” về với biển khơi. Trước khi đưa ra, mỗi nhà mang đến một miếng vải nhỏ tẩm nước miếng của ông để đem về giữ trong nhà như báu vật. Khi chôn cất cá ông, dân làng cũng làm quan tài và khâm liệm. Chủ bái là vị cao niên, có uy tín trong làng, đọc điếu văn bi ai, nhiều làng khác cũng đến tiễn đưa xem như đám tang chung. Trở lại với câu chuyện về nghĩa địa cá voi ở xã Tam Hòa, theo lời kể của các ngư dân, thì tất cả các thuyền đánh cá khi đi ngang qua nghĩa địa cá voi này đều quay đầu vào bờ và kính cẩn làm lễ bái với tất cả lòng thành tôn kính.