Theo ghi nhận của báo trong nước tính đến nay, 25% công ty quốc doanh CSVN bị thua lỗ nặng, 11% đang trên bờ phá sản dù có công ty chỉ mới thành lập chưa đến một năm. Theo luật phá sản doanh nghiệp của CSVN được ban hành từ năm 1994, một doanh nghiệp phá sản phải chứng minh không còn khả năng hoạt động và phải có khoản tiền tối thiểu để trả cho đơn vị kiểm toán xác nhận tình hình tài chánh. Với quy định này, nhiều công ty lỗ nặng nhưng muốn khai phá sản cũng không phải dễ vì không xoay ra tiền để nộp lập thủ tục.
Bản tin Kinh tế VN cho biết: Theo một thẩm phán tòa Kinh tế, Tòa án tối cao CSVN, cho biết, có trường hợp một doanh nghiệp nhà nước CSVN không có khả năng thanh toán khoản nợ 200 triệu đồng đến hạn, giám đốc nộp đơn ra Tòa Kinh tế yêu cầu tuyên bố phá sản. Đến giai đoạn hoàn thiện hồ sơ mới “té ngửa” ra rằng, để có kết quả kiểm toán theo quy định trong Luật Phá sản, doanh nghiệp phải trả cho đơn vị kiểm toán 70 triệu đồng. Doanh nghiệp đã chết còn lấy đâu ra tiền mà trả. Để gỡ thế bí, Ủy ban hành chánh CSVN của tỉnh (CSVN gọi là Ủy ban nhân dân) quyết định trả thay cho doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như vậy. Theo viên thẩm phán này, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì nhiều nhưng số doanh nghiệp tòa có thể tuyên bố phá sản theo luật lại rất ít.
Theo báo cáo chính thức của Tòa án tối cao CSVN, từ khi có Luật Phá sản doanh nghiệp tháng 7-1994 đến hết năm 1999, trong số 113 đơn gửi đến tòa yêu cầu tuyên bố phá sản mới chỉ tuyên bố phá sản 64 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp nhà nước CSVN, 25 doanh nghiệp tư nhân, khoảng 15 công ty trách nhiệm hữu hạn, các hợp tác xã. Năm 1999, tòa án này thụ lý 22 trường hợp, chỉ có 7 trường hợp được chấp nhận tuyên bố phá sản, trong đó có 2 doanh nghiệp quốc doanh CSVN.
Tài liệu thống kê của bộ Kế hoạch & Đầu tư CSVN cho biết: đến nay cả VN có trên 40,000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước CSVN: hơn 6,000, doanh nghiệp đoàn thể: 377, doanh nghiệp theo Luật Đầu tư nước ngoài: 2,104, công ty trách nhiệm hữu hạn: 10.481, doanh nghiệp tư nhân là 25,169... Tuy nhiên theo tài liệu của ban “Đổi mới quản lý doanh nghiệp trung ương” của CSVN thì chỉ tính riêng các doanh nghiệp nhà nước CSVN hiện có đến 25% đang sản xuất kinh doanh trong tình trạng thua lỗ, 11% thua lỗ triền miên, nợ quá hạn không thanh toán được. Khối các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì tỷ lệ này còn lớn hơn nhiều. Doanh nghiệp ghi danh theo Luật Đầu tư nước ngoài là 2,104 cũng chỉ có 1,050 thực đang hoạt động. Điều đó chứng tỏ số doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản là rất lớn.
Bạn,
Theo báo VN, khoảng hơn 90% trong số 64 doanh nghiệp đã bị tuyên bố phá sản do chủ nợ đệ đơn, song lại có một thực tế: chủ nợ của các doanh nghiệp hiện nay thường không phải là một, lại chủ yếu là các ngân hàng nhà nước CSVN. Chẳng dại gì các ngân hàng này yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Vừa không đòi được nợ do tài sản sẽ được chia đều cho các chủ nợ khác, mà biết đâu trong tiến trình điều tra của tòa án CSVN lại chẳng phát hiện “trách nhiệm” của họ trong những khoản nợ khó đòi đó. Cuối cùng thì các ngân hàng đành làm lơ trong nhiều trường hợp chết non của doanh nghiệp.