Từ một tay chơi giang hồ khét tiếng, rồi lên núi ẩn tu... nhà sư Thích Minh
Thủy tuy được nhiều người ngưỡng mộ nhưng vẫn xảy ra dư luận rằng quá khứ như
thế tất nhiên không gọi là ‘đắc đạo.” Dư luận này do Báo Đất Việt nêu lên qua
ngay tựa đề bản tin mới đọc đã thấy giựt mình: “‘Chơi’ đã rồi đi tu thì có gọi
là ‘đắc đạo’?”
Thiệt ra tựa đề như thế là dựa theo kiểu thời thượng, kiểu mấy cô bây giờ
(không nhiều, dĩ nhiên, thời xưa còn ít hơn nữa) là cứ lãng mạn tình cảm, cứ xả
láng tối đa... rồi tới lúc cần lấy chồng mới nên tu tỉnh.
Nhưng thiệt ra, kinh nhà Phật có nhiều trường hợp buông dao thành bậc A La
Hán... mà hoàn toàn không phải chuyện “chơi cho đã rồi đi tu.” Chỉ đơn giản, vì
khi chưa biết mới gây tội, khi biết là phảỉ tu thôi.
Để thấy mức độ ẩn tu thế nào, đọc một bản tin ở Infonet ngày 1/7/2012 là thấy:
phóng viên đi bộ 5 giờ đồng hồ băng rừng lên núi, moơi gặp, nghĩa là vị sư này
chỉ còn muoôn nói chuyện với nắng gió mây trời thôi.
Bản tin tựa đề “Đi tìm người tu hành già từng là đàn em Năm Cam” viết:
“Từng vào tù ra tội, nằm dưới trướng của ông trùm Năm Cam, cầm súng đi cướp…
giờ ông sống những ngày cuối đời, mai danh bái Phật ở chốn thâm sơn cùng cốc mà
tôi tốn 5 giờ leo núi mới tới được.
Vị tu hành này là Thích Minh Thủy, đang trụ trì trên đỉnh Thị Vãi (núi Thị Vãi,
xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu)...
...Men theo triền rừng không một bóng người, tôi cố dò dẫm bám theo từng lối
mòn, lối cỏ mọc, tay bám vào vách núi đầy rêu phong, đôi chân mỏi nhừ tìm hướng
dẫn lên cốc, nơi sư thầy Thích Minh Thủy tu hành.
Đường lên núi Thị Vãi uốn lượn thông đến các dãy núi cao và xa hút tầm mắt. Tôi
thở hồng hộc vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng lại gặp cơn
mưa rừng bất chợt, những đàn muỗi vằn chích đốt. Để đến được cốc của sư thầy,
chúng tôi phải mất gần 5 giờ đồng hồ băng rừng. Và nếu như không đủ can cảm,
khó ai có thể khám phá ngọn núi đầy bí ẩn này.”(ngưng trích)
Vào núi sâu như thế, hẳn không phải là chuyện các cô muốn sống thử bụi đời mười
phương rồi chừa một phương để lấy chồng. Không, không phải thế. Bạn thử ngồi
nhìn núi đá trong một tuần thử xem, mấy thấy khó là vậy, nếu không thật tâm tu
hàng.
Báo Đất Việt tuần qua có lời bình của nhà văn Thế Hải về chuyện “Chơi cho đã
rồi đi tu...”, có đoạn nói:
“...Sau những cuộc ăn chơi trác táng khi còn là thanh niên, Phạm Văn Hưởng (tức
Thiền sư Thích Minh Thủy) sinh năm 1952 nhiều lần vào trại ra khám vì tội cướp
bóc, bảo kê, gây nhiễu loạn suốt những năm 70-80. Sa lưới pháp luật sau những
cuộc truy bắt của các cơ quan chức năng, khó ai có thể ngờ được Phạm Văn Hưởng
ngày nay đã trở thành vị một vị thiền sư tu hành khổ hạnh, xem từ thiện là mục
đích sống và thực hiện không ngơi nghỉ cho đến khi chết đi.
Nhiều người đồng ý rằng, tại nước ta hiếm có trường hợp nào lại thực hiện được
công cuộc hướng thiện thành công và đầy kịch tính như thế. Điều này dường như
đang là nguồn cổ vũ rất lớn cho đông đảo nhân dân, những người luôn thấm nhuần
tư tưởng hướng thiện vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc, đặc biệt là những
người đã từng lầm lỡ và có mong muốn làm lại cuộc đời.
Thế nhưng, cũng không ít ý kiến cho rằng, sẽ là điều tốt hơn nếu từ đầu mỗi
chúng ta đều có ý thức sống tốt và Thiền sư Thích Minh Thủy liệu có xứng đáng
được xem là “đắc đạo” không khi ngần ấy thời gian bế quan tu hành có đủ để cứu
chuộc quá khứ lẫy lừng của ông?
Xét sâu xa, quan điểm này không phải là không có lý nhưng xem ra chưa thấu suốt
và am hiểu hết triết lý “quay đầu là bờ” của nhà Phật và truyền thống “đánh kẻ
chạy đi, không ai đánh người chạy lại” của dân tộc.
Ý kiến phản biện này cho rằng, nếu ai cũng lầm lỡ, ai cũng phạm tội rồi ai cũng
được cứu chuộc bởi lòng vị tha thì ai cũng được… “đắc đạo” thì khối kẻ cố tình
phạm tội, gây nên nhiều them những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Như thế
thì phải chăng người người, nhà nhà phạm tội thì đều được đón nhận trở lại?
Có thể thấy, những lỗi lầm mà Phạm Văn Hưởng gây ra tuy có dai dẳng nhưng vẫn
còn có cơ hội quay đầu và hoàn lương. Nếu xã hội còn lắm người được trả tự do
rồi lại tiếp tục quay lại con đường đen tối ngày cũ thì xem ra phản biện trên
về Thiền sư Thích Minh Thủy có phần khắt khe và chưa thấu đáo.
15 năm tu hành khổ hạnh trên đỉnh Thị Vãi, Bà Rịa-Vũng Tàu thật sự là một thử
thách lớn và đầy quyết tâm đối với một giang hồ cướp bóc, quan vẫy vùng như
Phạm Văn Hưởng. Cái “đắc đạo” mà người đời trân trọng dành cho ông chính là
tính lương thiện, ý chí quay về những giá trị nhân bản còn sót lại...”(ngưng
trích)
Đúng vậy, chúng ta thấy rằng, hễ quay đầu là bờ... Có ai trên đời mà ngay ngắn
100% từ thơ ấu?
Thêm nữa, có bao nhiêu người ngồi trên núi ẩn tu 15 năm như Thiền sư Thích Minh
Thủy như thế?
Cuộc đời vốn đã đầy nước mắt. Ngay khi ngồi xuống, ngay khi rời tất cả các thói
xấu trên đời, ngay khi khởi tâm làm thiện... đã là điểm cần tán thán vậy.
Thêm nữa, những lời bàn khen chê của thế gian trên Facebook có bao giờ tới được
chân núi Thị Vải, chứ đừng nói gì tới đỉnh núi, nơi nhà sư ngồi...
Hãy để cho gió bay, cho mây tan, rồi mặt trời sẽ hiện ra.