Bao giờ có hôn nhân đồng giới? Nếu có như thế, có phải là tôn trọng
nhân quyền hay không? Và các luật liên hệ về đời sống và tài sản gia
đình sẽ sửả đổi thế nào? Có cần ra luật hôn nhân đồng giới bây giờ
không, hay là nên chờ tới khi xã hội có đồng thuận ở mức độ đa số
cho hợp lý hơn?
Bản tin báo Tuổi Trẻ có tưạ đề “Cần có lộ trình thừa nhận hôn nhân
đồng giới” đã nói rằng vấn đề đang bàn thảo trên Quốc hội:
“Sáng nay (26-11), Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật hôn nhân và gia đình. Nhiều đại biểu đã bàn
về quy định đối với việc chung sống như vợ chồng giữa những người
cùng giới tính.
Theo dự luật, quy định cấm việc kết hôn giữa những người đồng giới
trong luật hiện hành đã được hủy bỏ, thay vào đó là quy định nhà
nước không thừa nhận việc hôn nhân giữa những người đồng giới. Quy
định mới này được hiểu là việc chung sống như vợ chồng giữa những
người cùng giới tính không còn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật,
tuy nhiên họ không có quyền đăng ký kết hôn như các cặp vợ chồng bình
thường khác.
Ủng hộ quy định của dự luật, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa -
Vũng Tàu) cho rằng việc chung sống giữa những người cùng giới tính
là vấn đề thực tế ở VN. Cộng đồng người đồng giới cũng mong muốn
nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng của họ. Trên thực
tế, có những trường hợp gia đình đã tổ chức đám cưới cho người
đồng giới.
“Trong điều kiện nước ta, quy định không thừa nhận hôn nhân cùng giới
tính nhưng nhà nước không can thiệp và thừa nhận việc chung sống đồng
giới của họ là phù hợp. Hiện nay có 16 nước trên thế giới thừa
nhận kết hôn đồng giới. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy họ đều
có lộ trình để thừa nhận việc chung sống này” – ông Tuyết cho hay.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nói thêm: Về hôn nhân đồng giới,
các quốc gia khác cũng đều có lộ trình, ví dụ như Đan Mạch là 22
năm, từ việc không cấm hôn nhân đồng giới đến thừa nhận và cho phép
đăng ký kết hôn.
Bà Thủy đề nghị dự luật phải quy định rất cụ thể, chặt chẽ các
hậu quả do việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới
tính phát sinh. “Ví dụ, họ xin con nuôi thì ai là bố, ai là mẹ, hay
cả hai cùng là bố hoặc cả hai cùng là mẹ?” - bà Thủy nêu vấn đề.
Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị quy định việc giải
quyết vấn đề tài sản của những người đồng giới không thể như những
cặp vợ chồng bình thường mà phải tuân theo Bộ luật Dân sự...”(ngưng
trích)
Như thế, có vẻ như dư luận đang thuận lợi cho hôn nhân đồng giới.
Nhưng, điều thắc mắc, là tại sao chính phủ có vẻ nâng tầm mức cho
vấn đề hôn nhân đồng giới, trong khi có những vấn đề cực kỳ khẩn
thiết hơn nhiều?
Thí dụ, vấn đề nợ xấu. Rất nhiều người tin rằng nợ xấu ở các ngân
hàng và doanh nghiệp Việt Nam thực sự không phảỉ là nợ xấu, mà chỉ
là bày trò để các sếp đục khoét tiền chính phủ. Mỗi lần sếp ngân
hàng cho vay, là doanh nghiệp phiả có tiền phong bì cho sếp, để hồ sơ
trên nguyên tắc không vay được mà vẫn phù phép cho vay được. Thêm nữa,
các sếp còn cho bà con mở công ty sân sau, tuồn vốn ngân hàng ra cho
gia đình kinh doanh, hễ thua là thành nợ xấu. Chuyện này khẩn cấp hơn
hôn nhân đồng giới nhiều.
Thí dụ, quyền sở hữu đất. Dân oan kêu khóc vang trời. Tại sao không
bàn chuyện này cho cạn lẽ? Có phải vì cứ giữ đất làm sở hữu quốc
dân là để cho các quan chức, trong đó có các đaị biểu quốc hội,
hưởng lợi? Không lẽ chuyện này cứ ém hoài, còn chuyện hôn nhân đồng
giới lại mở ra?
Thí dụ, nông dân trồng lúa liên tục bị ép giá. Nói hoài, chẳng ai
nghe, cũng vì nhà nước nuôi dưỡng độc quyền. Tại sao đạị biểu Quốc
hội bịt tai chuyện lớn, mà lại to mồm chuyện nhỏ?
Ai biết nổi.