Chính phủ Mỹ của Tổng Thống Bush đã cảnh cáo thế đối đầu về vụ phi cơ do thám Mỹ có thể gây hại đến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, các nước Á châu đã tính trước cái giá họ phải trả nếu sự căng thẳng leo thang. Nhiều nước hô hào Washington và Bắc Kinh nên giải quyết vụ này mau lẹ trước khi xung đột vuợt ra ngoài tầm kiểm soát.
Phát ngôn nhân của Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori nói: “Chúng tôi không muốn có sự leo thang. Chúng tôi rất mong vụ này sẽ được giải quyết một cách thích hợp và...có thể chấp nhận được”.
Căng thẳng đã leo lên một nấc khi Tổng Thống Bush cảnh cáo Trung Quốc chớ gây hai đến quan hệ hai nước. Sáng thứ tư 4-4 Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân chính thức đòi Mỹ xin lỗi.
Chính quyền các nước trong khu vực đang theo dõi thế đôi co này. Họ có lý do: Á châu vốn là nơi có một loạt khá dài về tranh chấp lãnh thổ, những cuộc thương lượng có tầm quan trọng cao và là một mảng lớn của nền kinh tế thế giới.
Một sự đổ vỡ nghiêm trọng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ làm lung lay vấn đề quan hệ rất tế nhị với Đài Loan, nơi Trung Quốc vẫn coi là một tỉnh tiền tiêu của Hoa lục. Với tư cách là đồng minh duy nhất của Bắc Hàn, Trung Quốc cũng giữ vai trò then chốt trong cuộc vận động khuyến dụ Bình Nhưỡng từ bỏ thế cô lập kéo dài từ 50 năm qua.
Vùng Nam Hải, nơi chiếc phi cơ do thám EP-3 của Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc đụng vào nhau, là nơi có nhiều vụ tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân. Và từ hơn 10 năm nay các công ty lớn của Mỹ, Âu Châu và Nhật Bản đã bành trướng sự hiện diện của họ ở Trung Quốc.
Nhật Bản đặc biệt lo lắng, mong sớm giải quyết vụ đôi co. Nhật Bản có gần 50,000 quân Mỹ đóng trên lãnh thổ và sự tiếp tế xăng dầu cho Nhật Bản tùy thuộc ở những tuyến đường hàng hải băng qua Nam Hải.
Tại Thái Lan, nhật báo The Nation báo động trong bài Xã luận rằng an ninh trong khu vực sẽ lâm nguy nếu khủng hoảng kéo dài. Báo viết hôm thứ tư 4-4: “Các nước đồng minh của Mỹ, trong đó có Thái Lan, sẽ bị lôi cuốn vào cơn lốc nếu thế đôi co kéo dài”.
Nhưng các giới chức và các nhà phân tích trong khu vực ngày 4-4 nói vụ đôi co chưa gây chấn động - và có lẽ sẽ không có chấn động nếu không có sự leo thang căng thẳng lớn lao. Có lẽ thước đo căng thẳng chính xác nhất là tình hình quân sự ở eo biển Đài Loan. Trong quá khứ, mỗi lần có căng thẳng là chiến đấu cơ Trung Quốc thực hiện những phi xuất hăm dọa, vượt qua lằn biên “trung độ” tưởng tượng trên biển giữa Hoa Lục và Đài Loan. Nhưng cho đến thứ tư, tình hình có vẻ yên lặng. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết không có vận động quân sự bất thường nào của Hoa Lục từ lúc xẩy ra vụ phi cơ do thám Mỹ phải hạ xuống Hải Nam.
Trên bán đảo Triều Tiên, người ta thấy rõ hơn sự rắc rối. Nhiều nước Á châu mong có tiến bộ mau lẹ trong tiến trình hòa giải giữa Công sản Bắc Hàn và Tư bản Nam Hàn, nay họ thấy cự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ làm cho tiến trình đó khó khăn thêm. Kim Sung-han, một nhà nghiên cứu của Viện Đối Ngoại và An ninh tại Seoul nói vụ đôi co có thể làm hư kế hoạch của Seoul về cuộc hòa đàm bốn chiều giữa Nam và Bắc Hàn, Trung Quốc và Mỹ. Kim nói: “Nếu tình hình Mỹ-Trung tồi tệ thêm, ngay cả việc xây dựng lại đường dây liên lạc để thảo luận hòa bình cũng khó”.
Trong khi đó giới kinh doanh Á châu đang phập phồng theo dõi các chỉ số chứng khoán để tiên liệu những chao đảo có thể xẩy ra theo tình thế. Vụ chứng khoán thụt dốc ở New York hôm thứ ba bị coi như một phần là do vụ phi cơ thám sát Mỹ. Bởi vậy sáng thứ tư chưa biết chứng khoán Á châu bị ảnh hưởng vì thị trường New York hay vì thế căng thẳng Mỹ-Trung.