Mùa Khô Hạn Ở MiỀn Tây
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, tại miền Tây Nam phần, mùa khô mới bắt đầu nhưng nạn hạn hán và xâm nhập mặn đã bắt đầu lấn sâu vào nội đồng các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình xâm nhập mặn sẽ sâu hơn và độ mặn cao hơn vào những ngày cuối tháng. Trong khi đó, ở vùng bán đảo Cà Mau đất trồng lúa và nuôi tôm đều "khát nước". Báo SGGP ghi nhận toàn cảnh về mùa khô hạn tại miền Tây qua bản tin như sau.
Những cơn mưa trái mùa cuối tuần qua không làm dịu cái nắng chan chát ở miền Tây. Nhiều vùng thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... một số tuyến kinh bị bồi lắng, cạn kiệt đến nỗi người dân có thể đi bộ qua đáy kinh mà không ướt chân! Chuyện khô hạn, thiếu nước tưới là lẽ thường. Nhưng trớ trêu và chồng chéo ở một số vùng, người dân trồng lúa và nuôi tôm đều "khát nước" vì tranh chấp giữa đôi dòng mặn ngọt. Người trồng lúa dẫn nước ngọt sâu vào kinh Quản Lộ Phụng Hiệp thì người nuôi tôm cần nước mặn "méo mặt"! Câu chuyện người dân vùng bán đảo Cà Mau "giận nhau" vì người lấy nước mặn "hại" người trồng lúa và ngược lại đã xảy ra từ năm ngoái đang lặp lại trong mùa khô năm nay.
Sau nhiều năm mực nước lũ xuống thấp và năm rồi miền Tây gần như không có lũ, dự báo mùa khô hạn, mặn năm nay sẽ nghiêm trọng hơn! Khi mực nước sông Mê Kông xuống thấp, "lũ ngọt" nhỏ sẽ tạo điều kiện cho "lũ mặn" tràn sâu vào nội đồng.
Hậu Giang là một điển hình của tình hình xâm nhập mặn tại miền Tây. Năm ngoái, lần đầu tiên nước mặn quay lại (sau hàng chục năm đã được ngọt hóa) và tràn vào hệ thống kinh xáng Xà No, làm tê liệt nhà máy nước, khiến cư dân đô thị Vị Thanh phải "chơi sang đột xuất": xài các loại nước suối. Hậu Giang đã khẩn cấp xây dựng ngay đường ống dẫn nước ngọt từ huyện Châu Thành A (cách Vị Thanh 14km) về để nhà máy nước xử lý, cung cấp cho người dân Vị Thanh. Hiện nay, nước mặn đã "liếm" vào một số vùng sản xuất lúa của Hậu Giang. Năm ngoái, tỉnh này có 12 ngàn hécta lúa bị ảnh hưởng mặn, năm nay dự báo sẽ tăng lên 20 ngàn hécta.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, Chi cục Thủy lợi Hậu Giang cho biết: Theo dự báo, năm 2011 nước mặn có nguy cơ lấn sâu vào các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và tất cả các xã, phường của thành phố Vị Thanh, với độ mặn diễn biến ở mức từ 2-110. Theo quy định của quốc tế và Việt Nam, độ mặn từ 1.5-3.50 đã ảnh hưởng đến lúa, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản. Nếu trên 3.50,chỉ có những loại vật nuôi, cây trồng ở vùng mặn mới có khả năng thích ứng.