Sài Gòn có những khu phố đặc biệt mà chỉ cần nhắc đến tên là người dân ai cũng biết, nhưng có 1 khu xem ra còn khá lạ với nhiều người, nhất là những người không phải trong nghề... Đó là khu phố làm kéo trên đường Triệu Quang Phục quận 5, hội tụ nhiều thợ trẻ gắn với nghề. Những người thợ làm kéo không có mùa "cao điểm", cứ làm việc quanh năm, không có ngày nghỉ . Bất kỳ lúc nào một sản phẩm mới được làm ra là đưa vào giới thiệu với khách hàng ngay, không cần phải chờ đợi hoặc chọn lựa thời điểm thích hợp như nhiều ngành nghề khác. Báo Thanh Niên ghi nhận về khu phố này qua đoạn ký sự như sau.
Sáng chủ nhật, phố kéo nhộn nhịp kẻ ra người vào: khách hàng từ một công ty may đến đặt kéo, bà nội trợ đến nhờ mài giùm một chiếc kéo, cậu học sinh trường trung học dạy nghề đi tìm cho mình chiếc kéo cắt tóc vừa ý... Bạn Văn Hoàng (quận 9, TPSG) cho biết: "Mình đang theo học nghề hớt tóc. Nghe bạn bè giới thiệu khu này có bán nhiều loại kéo phù hợp với nhiều ngành nghề, giá lại rẻ nên mình đã tìm đến đây". Hầu hết những tiệm kéo khu này đều là xưởng sản xuất gia đình, vừa sản xuất vừa kiêm dịch vụ (mài, sửa kéo) và bán hàng.
Nhắc đến kéo, người ta thường nghĩ đến dụng cụ của anh thợ cắt tóc, chị thợ may...Nhưng khi đến với phố kéo mới biết, có tới hàng trăm loại kéo dù thoạt trông bề ngoài không khác nhau mấy. Theo anh Lượng (30 tuổi), một người có thâm niên với nghề kéo, kéo không chỉ gắn liền với nghề may, nghề cắt tóc mà nó còn gắn liền với công việc hằng ngày của các bà nội trợ, từ chị bán cá ở chợ đến những tiệm bán hoa, cái lưỡi dao trong máy quay sinh tố, đồ cắt móng tay, những chiếc kềm... "Chỉ khác chất liệu, kích thước, thay đổi một chút thao tác làm là sẽ có một loại kéo khác ngay", anh Lượng nói. Vì thế, khách hàng bước vào khu phố kéo dễ dàng bị choáng ngợp bởi hàng trăm loại kéo được trưng bày. Ngoài những loại kéo do chính cửa tiệm làm ra thì hầu hết các tiệm ở đây đều trưng bày cả những loại kéo do nước ngoài sản xuất như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... Lợi thế của những cây kéo này là mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Trong khi kéo sản xuất tại tiệm chỉ vài ngàn, vài chục, cao lắm là hơn một trăm thì kéo ngoại đôi khi lên đến giá bạc triệu, vẫn được khách hàng chọn mua nhưng không nhiều do giá quá cao, đôi khi chất lượng không phù hợp.
Bạn,
Cũng theo báo TN, để làm nên một cây kéo phải trải qua nhiều giai đoạn, từ chọn chất liệu, phải là loại thép chịu lực tốt, đến quy trình nung lên cho nóng chảy rồi vừa rèn vừa quai, tạo thành hình lưỡi kéo, sau đó mài bằng máy, mài bằng tay sao cho lưỡi kéo bén ngọt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, lau chùi và cuối cùng là ráp lại, tra quai, tra dầu, gắn ốc để tạo thành cây kéo. Tất cả những quy trình đều làm bằng tay, nếu không có những người thợ tài hoa thì một sản phẩm mới không thể hoàn thành được.