Nhưng đánh ai và đàm cái gì" Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quốc gia Israel, hôm Thứ Năm 15, Tổng thống George W. Bush đọc một bài diễn văn trước Quốc hội Israel để chào mừng dân Do Thái. Bài diễn văn lập tức được Nghị sĩ Barack Obama khai thác ở nhà cho nhu cầu tranh cử.
Trong bài diễn văn tại Jerusalem, ông Bush nhắc tới kinh nghiệm lịch sử tại Âu châu - khi người ta nhượng bộ chế độ Đức quốc xã của Hitler và gây ra thảm kịch sau đó - để khẳng định rằng không thể đàm phán thương thảo với quân khủng bố hay các chế độ hung đồ. Ông còn nhắc tới lời phát biểu của một Nghị sĩ thời ấy, khi quân phát xít Đức tấn công Ba Lan năm 1939, rằng "Lạy Chúa, phải chi mà tôi được nói chuyện với Hitler thì có lẽ mình đã có thể tránh được những chuyện này!"
Ban tranh cử của Obama bắt lấy lời phát biểu ấy để tri hô rằng ông Bush ám chỉ lập trường thương thảo của Obama. Hôm sau, Nghị sĩ này còn nhấn tới và đả kích cả chính quyền Bush với Nghị sĩ McCain. Chúng ta có thể kết luận rằng Obama tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, bất cứ ai nói gì cũng có thể bị xuyên tạc thành lời đả kích cá nhân ông. Cần thiết trong tranh cử, mà rất non! Ôbama rất vần với Ô Ba Hoa và ô hô ai tai.
Xin đi lại từ đầu trước khi đi vội về sau.
Trong bài diễn văn tại Israel, ông Bush nhắc tới lập trường của một Nghị sĩ Hoa Kỳ. Nếu chịu khó quên mình một chút để tham khảo lịch sử, Obama phải biết Nghị sĩ đó là William Edgar Borah của tiểu bang Idaho. Ông Borah này không là một chính khách Dân Chủ, mà thuộc xu hướng cấp tiến của đảng Cộng Hoà và chủ trương "tự cô lập", tương tự như Dân biểu Ron Paul ngày nay của đảng Cộng Hoà. Borah cho rằng Hoa Kỳ không nên can thiệp vào chuyện thiên hạ mà chỉ nên bảo vệ quyền lợi của mình. Hai chục năm trước, vào năm 1919, ông Borah này là người phá hoại kế hoạch thành lập Hội Quốc liên của Tổng thống Woodrow Wilson. Cũng vì thế mà Liên hiệp quốc xuất hiện trễ mất mấy chục năm. Và thế giới bị thảm cảnh Thế chiến II.
Trước Quốc hội Do Thái, Tổng thống Mỹ không tiện nói đến lập trường thỏa hiệp của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain với chế độ Đức quốc xã - một lập trường mà các sử gia về sau cho rằng dẫn tới hậu quả là khuyến khích tội ác của Hitler. Ông Bush phê phán lập trường của một chính khách Mỹ, và một chính khách trong đảng Cộng Hoà của mình. Ai bảo là tay cao bồi Texas này thiếu tế nhị đâu"
Nhưng, Obama vẫn cố vơ vào để cùng lúc tấn công cả Chính quyền Bush lẫn đối thủ McCain, và tự soi đèn vào mặt để đẩy Hillary Clinton vào bóng tối.
Nếu nhìn sâu xa hơn nữa, ta có thể nghi ngờ khả năng lãnh đạo của Obama, chẳng vì lập trường chủ hòa, phản chiến, hoặc nhu nhược mà vì dường như tay ba hoa này không hiểu gì về một quy luật cơ bản của Hoa Kỳ trong thời chiến. Đó là quy luật đánh và đàm....
Mọi cuộc chiến tranh đều phải kết thúc, và thường kết thúc bằng giải pháp chính trị, một kết quả của tiến trình vừa đánh vừa đàm. Vấn đề là đánh với ai và đàm phán về chuyện gì, hầu đạt mục tiêu chính trị là chấm dứt chiến tranh trong thế mạnh, hoặc ít tệ nhất.Chúng ta trở lại chuyện ngày nay, Iraq... và tiết mục đánh đàm.
Sau khi đảng Cộng Hoà thất cử và mất đa số tại Quốc hội vào cuối năm 2006, Chính quyền Bush lập tức thay đổi chiến lược. Bush đề nghị dồn quân đánh tới. Người ủng hộ quyết định ấy là Nghị sĩ John McCain sau nhiều năm phê phán Chính quyền về cách thức tiến hành cuộc chiến tại Iraq. Đại tướng David H. Petreaus, một viên tướng dày kinh nghiệm về chiến tranh nổi dậy và phá hoại, được giao phó nhiệm vụ thi hành chiến lược mới, trước sự hoài nghi của đại đa số dư luận. Kết quả ngày nay đã rõ ràng là tình hình Iraq có cải thiện, số tổn thất có giảm và chính quyền Iraq đang thoát xác để có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của mình. Giao tranh tại Basrah hay trong khu vực Sadr City của Baghdad càng minh chứng điều ấy, chứ không phải ngược lại, rằng Iraq thêm loạn và không thể ổn định cho Mỹ sớm rút quân như ông Bush đã hứa hẹn và nêu ra từ ngày 10 tháng Giêng năm ngoái khi đề nghị dồn quân đánh tới.
Sự tiến bộ tại Iraq mà một minh diễn của "quy luật đánh-đàm" và 10 năm sau khi đưa quân vào đây, Hoa Kỳ sẽ có thể rút trên thế mạnh, là lý luận của McCain.
Hãy cùng tìm hiểu sự việc đó. Tại Iraq, dân Shia đa số chưa hề có kinh nghiệm hay khả năng lãnh đạo vì xứ này nằm dưới sự thống trị của thiểu số Sunni và đảng Baath của Saddam Hussein. Tình hình trở thành hỗn loạn trong năm 2005 và suy đồi trong năm 2006 vì hai phe Sunni và Shia xung đột với nhau, do đòn khiêu khích của al-Qaeda - khủng bố xưng danh "Thánh chiến" sinh sống trong cộng đồng Sunni - do hoạt động phá hoại của phe Sunni chống Mỹ và do sự xúi giục cộng đồng Shia của Iran.
Khi dồn quân đánh tới từ mùa Xuân năm ngoái, Tướng Petreaus nhắm vào một mục tiêu chính trị: chứng minh với các lãnh tụ Sunni quyết tâm của Mỹ là sẽ không tháo chạy mà truy lùng khủng bố tới cùng. Lồng bên dưới là những hứa hẹn - chính trị - với các lãnh tụ Sunni lẫn đảng viên đảng Baath, rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác với họ để thứ nhất diệt trừ al-Qaeda và thứ hai, đảm bảo cho dân Sunni một vị trí vững mạnh hơn trong tương lai của Iraq.
Chiến dịch dồn quân đánh tới vì vậy là đánh với al-Qaeda để thuyết phục dân Sunni và hợp tác với các lãnh tụ Sunni để nói chuyện phải quấy với cộng đồng Shia và Iran ở đằng sau.Đây là một sự đảo ngược lập trường đáng kể của Hoa Kỳ sau khi vào Baghdad lật đổ chế độ Sunni của Saddam Hussein và giải tán đảng Baath. Nói cho rõ hơn, Mỹ dồn quân đánh tới để đàm phán với đối thủ cũ là các lực lượng Sunni. Không có 15 lữ đoàn tác chiến được tung vào những vùng xôi đậu trong cộng đồng Sunni, việc đàm phán không thành. Chiến lược dồn quân đánh tới đã có kết quả vì việc đàm phán ấy với các lãnh tụ Sunni, và cả đảng viên đảng Baath, nay sẽ được phục hồi tư thế trong một chính quyền của quốc gia Iraq - không cỏn nguy cơ al-Qaeda.
Lập trường chính thức của Chính quyền Bush vẫn là không nói chuyện hay tương nhượng quân khủng bố. Lập trường ấy vẫn có vẻ như không thay đổi vì al-Qaeda bị đánh rát và bị tê liệt dần nhờ thông tin tình báo do cộng đồng Sunni cung cấp, ngày một nhiều hơn và chính xác hơn.
Nhưng, lồng bên dưới chiến lược đó là việc Hoa Kỳ có nói chuyện và tương nhượng với đối thủ cũ là các nhóm dân quân Sunni và tàn dư của lực lượng Baath. Mà sở dĩ đàm phán với họ là để có thế mạnh khi cần nói chuyện lợi hại với cộng đồng Shia và các giáo chủ Tehran. Và đàm phán thành công chính là nhờ dồn quân đánh tới. Cũng nhờ vậy, Iran lập tức dịu giọng từ đầu năm ngoái và bắt đầu mặc cả để đàm phán với Hoa Kỳ. Cuộc đàm phán thứ tư đã bị tạm hoãn - như trong mọi cuộc mặc cả. Nhưng nếu Mỹ không có chiến lược dồn quân đánh tới, không đạt sự hợp tác của các lãnh tụ Sunni và cả sự liên minh của Mỹ với các chế độ Á Rập Sunni trong khu vực, và đề nghị hòa giải giữa Israel với Palestine - mục tiêu của hội nghị quốc tế tại Annapolis vào năm ngoái - các giáo chủ Iran chưa chắc đã muốn nói chuyện. Họ sẽ còn quậy thêm cho nát để Hoa Kỳ sẽ tháo chạy như cánh tả phản chiến của đảng Dân Chủ đang mong muốn.
Khi Jimmy Carter thăm viếng và bênh vực lực lượng khủng bố Hamas của dân Palestine, ông ta chỉ chứng minh mình là... Carter. Muôn đời ngây thơ, ngớ ngẩn và tự yêu mình một cách thái quá mà quên mất kinh nghiệm nhục nhã của ông ta với Iraq. Khi Barack Obama bảy tỏ cảm tình với lực lượng Hamas và còn tuyên bố rằng ông sẵn sàng nói chuyện với các chế độ hung đồ, kể cả Iran, ông ta chỉ chứng minh sự non dại của mình. Nói chuyện gì, để đạt kết quả gì và có cái thế gì làm đối phương phải chấp nhận một giải pháp dung hoà" Không dám dụng binh mà chỉ đòi dụng lễ thì sẽ tiến tới chỗ lễ lạy!
Nếu đừng tự mê tiếng nói và dung nhan, mà cố vùng ra khỏi sự kiềm tỏa của các nhóm phản chiến trong đảng Dân Chủ, Obama phải nhìn thấy rằng Đại tướng Petraeus không là một nhân vật võ biền chỉ biết tới quy luật của hỏa lực. Ông ta đang đàm phán với kẻ thù! Tướng Petraeus hiểu rõ mục tiêu chính trị của phương tiện quân sự . Ông thực tế đàm phán với các lãnh tụ Sunni để đạt kết quả người ta đang thấy. Đó là chuyện ngày nay, sang chuyện ngày mai, ta nên nhìn qua một mặt trận tuyến. Khi được thăng chức lên vị trí Tư lệnh Quân khi Trung ương CENTCOM để chỉ huy cả hai chiến trường Iraq và Afghanistan từ cuối năm nay, Petraeus có thể sẽ lại nói chuyện phải quấy với 1) Chính quyền Pakistan và các tướng lãnh thân Taliban trong tổ chức tình báo ISI của xứ này, 2) các tộc trưởng Hồi giáo đang thực sự kiểm soát khu vực tự trị tại biên giới giữa Pakistan và Afghanistan và 3) cả các lãnh tụ Taliban đang dung chứa khủng bố al-Qaeda. Hãy tưởng tượng đến một trường hợp lịch sử giả tưởng: sau chuyến Hoa du năm 1972, và vụ oanh tạc Hà Nội, nếu Chính quyền Richard Nixon lặng lẽ tiến hành đàm phán với Mặt trận Giải phóng miền Nam và Chính quyền Saigon để tiến tới một giải pháp trái độn làm áp lực với Hà Nội" Lúc đó, Hà Nội sẽ theo đuổi chiến tranh được bao lâu" Giả thuyết ấy không thể xảy ra vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì dư luận phản chiến và đảng Dân chủ nằng nặc kéo áo Hành pháp để bỏ chạy. Y hệt như ngày nay.
Cục diện Afghanistan còn phức tạp hơn Iraq ngày nay và Việt Nam ngày xưa gấp chục lần vì tại đây, Hoa Kỳ và các thành viên của Minh ước NATO không có sức mạnh quân sự đáng kể: chỉ có 47 ngàn quân, bằng một phần ba tại Iraq cho một giải pháp chính trị còn gay go hơn. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại vấn đề này vì trực tiếp liên quan đến những bất an của Pakistan và khả năng cưỡng hành rất yếu của NATO.
Đây mới là nơi mà Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, dù là bất cứ ai, sẽ phải nhức đầu giải quyết. Với tài năng và quan điểm của Barack Obama, người đã từng chủ trương đưa quân vào Pakistan để truy lùng al-Qaeda, chúng ta nên e ngại giả thuyết bi thảm nhất trong cách giải quyết.
Bi hài!