Ngày 15/11/2007 Tân hoa xã, cơ quan thông tấn của đảng Cộng sản Trung quốc cho ban hành một Bạch thư bằng Anh ngữ nhan đề “Chinas Political Party System” (Hệ thống chính trị đa đảng của Trung quốc) http://english.people.com.cn/90001/90776/90785/6303123.html
Ngoài phần mở đầu (preface), tài liệu gồm 7 chương:
Chương I: Một sự lựa chọn không tránh được của sự phát triển xã hội Trung quốc.
Chương II: Hệ thống chính trị căn bản của Trung quốc
Chương III: Các mặt nổi bật của nền Dân chủ Xã hội (Socialist Democracy)
Chương IV: Tham khảo chính trị trong một hệ thống chính trị đa đảng
Chương V: Hệ thống chính trị đa đảng và sư xây dựng quyền lực Nhà nước
Chương VI: Hệ thống chính trị đa đảng và Hội nghị tư vấn chính trị của nhân dân Trung quốc
Chương VII: Hệ thống đa đảng hợp tác nhau và sự canh tân đất nước
Để kết thúc Bạch thư giới thiệu các đảng chính trị đang hoạt động tại Trung quốc và các nhân vật chính trị không thuộc đảng phái nào.
Những nhà nghiên cứu hiểu rõ chế độ chính trị của Trung quốc không khỏi ngạc nhiên trước bức tranh đa đảng hài hòa dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc do Bạch thư giới thiệu. Trên thực tế từ khi Mao Trạch Đông chiếm toàn lục địa Trung quốc, thiết lập chế độ cộng sản, đảng Cộng sản Trung quốc đã thẳng tay tiêu diệt các tổ chức chính trị độc lập không tùng phục đảng mà vì nhu cầu chống Nhật, sau đó chống Tưởng Giới Thạch, Mao đã tạm liên kết trước kia. Ngay cả những công thần trung kiên của đảng có ý bất phục Mao sau “bước nhảy vọt” (từ năm 1958 đến 1961) thất bại đều bị Mao thẳng tay trừng trị qua cuộc “cách mạng văn hóa” (1966-1976) với bàn tay của Vệ binh đỏ, thì làm gì có đa đảng theo nghĩa của Bạch thư, ngoại trừ đó là những ngoại vi do đảng Cộng sản Trung quốc thành lập.
Trong phần mở đầu Bạch thư viện dẫn một điều khoản của Hiến pháp hiện nay của Trung quốc viết rằng: “chế độ đa đảng hợp tác và tham khảo chính trị lẫn nhau dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc sẽ tiếp tục và phát huy cao độ trong tương lai” ("the multi-party cooperation and political consultation system under the leadership of the Communist Party of China shall continue to exist and develop for a long time to come." Và long trọng cam kết rằng đảng Cộng sản Trung quốc và các đảng dân chủ khác sẽ thi hành đúng đắn tinh thần của Hiến pháp, có nghĩa là tự nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc.
Các đảng dân chủ khác gồm 8 đảng được liệt kê trang phần mở đầu gồm: Ủy ban Cách mạng Trung quốc Dân Đảng (Revolutionay Committee of the Chinese Kuomintang), Liên minh Dân chủ Trung quốc (China Democratic League), Hiệp hội Quốc gia Xây dựng Dân chủ Trung quốc (China National Democratic Construction Association), Hiệp hội Xiễn dương Dân chủ Trung quốc (China Association for Promoting Democracy), Đảng Công Nông Dân chủ Trung quốc (Chinese Peasants and Workers Democratic Party), đảng Zhi Gong Trung quốc (China Zhi Gong Dang), Hội Jia San (Jiu San Society) và Liên minh Tự trị Dân chủ Đài Loan (Taiwan Democratic Self-Government League).
Chương I: Một sự lựa chọn không tránh được của sự phát triển xã hội Trung quốc. Trong chương này Bạch thư viết rằng Trung quốc ở dưới chế độ phong kiến qua nhiều thế kỷ. Đến năm 1840 khi các thế lực Tây phương xâm chiếm Trung quốc thì Trung quốc biến thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Mãi đến năm 1911 Tôn Dật Tiên mới thành lập Trung Hoa Dân quốc. Tôn Dật Tiên thất bại vì sao chép hệ thống chính trị dân chủ tây phương. Đến Tưởng Giới Thạch vì chủ trương độc tài tiêu diệt mọi đảng phái đối lập nên cũng thất bại và bị lịch sử gạt bỏ. Chỉ cho đến khi đảng Cộng sản Trung quốc ra đời năm 1921 đảng này mới hoàn thành nhiệm vụ lịch sử qua việc thống nhất và mang lại phú cường cho đất nước. Tám đảng chính trị ghi trên được thành lập và cùng đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc trong thời gian kháng Nhật (1937-1945) và chiến tranh chống Tưởng giới Thạch (1945-1949), và vẫn tiếp tục hợp tác với đảng Cộng sản Trung quốc sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc được thành lập (1/10/1949). Bạch thư công nhận thời gian sau “bước nhảy vọt” và nhất là trong thời gian của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, tám đảng tạm thời ngưng hoạt động (trên thực tế là bị Mao tiêu diệt), và sau đó đều được phục hoạt.
Chương II: Hệ thống chính trị căn bản của Trung quốc: Chương II của Bạch thư miêu tả hạt nhân của chế độ chính trị của Trung quốc là Quốc hội Nhân dân, đa đảng hợp tác nhau, có vùng tự trị của các dân tộc thiểu số và dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc. Đảng Cộng sản Trung quốc với công lao thống nhất đất nước, và sau 80 năm chiến đấu xây dựng thành công một đất nước hùng cường đương nhiên giữ vai trò lãnh đạo do sự lựa chọn của nhân dân (chọn cách nào thì Bạch thư không nói tới). Bạch thư miêu tả sự hợp tác của 8 đảng dưới hình thức tham khảo để hình thành chính sách quốc gia và lựa chọn những người lãnh đạo ở các cấp. Bạch thư cho rằng hệ thống chính trị đa đảng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc là một hệ thống chính trị đặc thù của Trung quốc. Đảng Cộng sản Trung quốc lãnh đạo vĩnh viễn theo Hiến pháp, chứ các đảng không thay nhau lãnh đạo như trong các nước dân chủ khác.
Chương III: Các mặt nổi bật của của nền Dân chủ Xã hội (Socialist Democracy). Bạch thư viết rằng hệ thống chính trị đa đảng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc tạo ra sự hợp tác chính trị của toàn dân, nhân dân có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, xã hội trở nên bền chặt, dân chủ trong trật tự, ổn định và hài hòa xã hội.
Chương IV: Tham khảo chính trị trong một hệ thống chính trị đa đảng. Tham khảo chính trị là nét nổi bật nhất trong hệ thống chính trị đa đảng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc qua các hội nghị giữa Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc với Trung ương đảng của 8 đảng chính trị khác để lấy ý kiến, và đảng Cộng sản Trung quốc sẽ cân nhắc để lấy quyết định sau cùng. Bạch thư viết rằng từ năm 1990 cho đến cuối năm 2006 Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc đã tổ chức 230 hội nghị tham khảo như vậy, trong đó ông Tổng Bí thư đảng tham dự 74 lần. Trong thời gian đó 8 đảng đã gởi đến Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc 200 đề nghị bao gồm nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và chính sách đối với Hồng Kông, Macao, Đài loan.
Chương V: Hệ thống chính trị đa đảng và sự xây dưng quyền lực Nhà nước. Với hệ thống chính trị đa đảng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình qua quốc hội nhân dân, nơi đó có đại diện của mọi tầng lớp nhân dân qua đại điện của 8 đảng chính trị và đảng Cộng sản Trung quốc. Đại diện các đảng hiện diện trong mọi cơ cấu của quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Chương VI: Hệ thống chính trị đa đảng Hội nghị tư vấn chính trị của nhân dân Trung quốc. Để giúp hệ thống chính trị đa đảng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, tại Trung quốc có một tổ chức gọi là “Hội nghị tư vấn chính trị của nhân dân Trung quốc” [The Chinese People's Political Consultative Conference (CPPCC)] với sự tham dự của các thành viên 8 đảng. Hội nghị này thảo luận mọi vấn đề của quốc gia và đệ trình đảng Cộng sản Trung quốc những đề nghị của hội nghị. Từ năm 1990 đến năm 2006 Hội nghị này đã đề nghị 2.400 kế hoạch.
Chương VII: Hệ thống đa đảng hợp tác và sự canh tân đất nước. Sau cùng Bạch thư nói về hệ thống chính trị đa đảng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và sự canh tân đất nước để kết luận rằng hệ thống chính trị này đã và đang canh tân đất nước Trung quốc, xóa đói giảm nghèo và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho nhân dân Trung quốc.
Đọc Bạch thư và so chiếu với thực tế Trung quốc, chúng ta thấy đây chỉ là một bản văn tuyên truyền có tầm vóc quốc tế chuẩn bị một bộ mặt sạch sẽ cho Trung quốc trước hết cho hàng trăm ngàn du khách, lực sĩ và báo chí sắp đổ đến Trung quốc xem, tranh tài và tường thuật Thế vận mùa hè 2008, và sau đó để chuẩn bị cho tư thế siêu cường của mình. Thực tế đảng Cộng sản Trung quốc nắm trọn quyền và họ chẳng bao giờ cần ý kiến của bất cứ ai ngoài đảng. Tám đảng nói trên chỉ là những ngoại vi do đảng Cộng sản Trung quốc thành lập cho nhu cầu chống Nhật, chống Tưởng và làm việc đưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản Trung quốc. Bất cứ tổ chức nào đi ngoài luồng đều bị trấn áp.
Bức tranh tại Việt Nam cũng không khác gì bức tranh Trung quốc. Ngày 19/8/1945 đảng Cộng sản Việt Nam cướp chính quyền khỏi tay chính phủ Trần Trọng Kim (được thành lập sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 09/3/1945), và sau khi các chi bộ đảng Cộng sản hoàn tất nắm quyền tại các tỉnh, ngày 02/9 ông Hồ Chí Minh, đảng trưởng đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ mấy ngày sau, chính phủ Hồ Chí Minh do đảng Cộng sản kiểm soát ra lệnh giải tán Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng và đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng. Hai lãnh tụ Trương Tử Anh (Đại Việt Quốc Dân Đảng) và Lý Đông A (Duy Dân) bị cộng sản hạ sát sau đó. Các đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí Hội được tạm thời để yên vì có thành tích công khai chống Pháp. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam đã âm thầm tiêu diệt đảng viên của hai đảng này.
Trong khi đó đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành một chương trình quy mô thiết lập các ngoại vi của đảng. Đảng cho người len lõi vào nắm đảng Dân chủ Việt Nam (một phong trào của sinh viên và trí thức được thành lập tháng 6 năm 1944). Đảng củng cố Mặt trận Việt Minh (viết tắc của Việt Nam Độc lập Đồng minh), một tổ chức do đảng cộng sản thành lập gồm các phong trào Cứu quốc trong nước, và đảng Xã Hội (cũng do đảng cộng sản thành lập năm 1946). Ngoài ra đảng thành lập Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam gọi tắc là Liên Việt để có chỗ tập hợp những đảng phái và thành phần yêu nước không cộng sản trong nước. Cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên năm 1946 tuy có sự tham gia của nhiều thành phần không cộng sản, nhưng hoàn toàn do đảng Cộng sản Việt Nam đạo diễn, và quốc hội hình thành (gồm đa số là đảng viên và cảm tình viên, và 70 nhân vật của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí Hội được mời tham dự) hoàn toàn do đảng cộng sản kiểm soát. Đến thời điểm này đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn tất việc thu tóm mọi quyền hành trong tay và gạt dần ra khỏi bộ máy quyền lực các nhân vật hay các đảng phái không cùng đường lối.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (20/12/1946), vì nhu cầu chiến tranh đảng Cộng sản Việt Nam duy trì đảng Dân chủ Việt Nam và đảng Xã Hội, và biến Liên Việt thành Mặt Trận Tổ Quốc như ba ngoại vi của đảng cộng sản, trong đó Mặt Trận Tổ Quốc là ngoại vi chính.
Đảng Dân chủ Việt Nam và đảng Xã Hội tồn tại trên mặt giấy tờ cho đến năm 1988 thì đảng Cộng sản Việt Nam ra lệnh chính thức giải tán. Thời gian này đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành chính sách đổi mới để sống còn, và đảng Cộng sản sợ đảng Dân chủ và đảng Xã Hội nếu còn sẽ nhân không khí cởi mở đòi lại tư thế của một đảng chính trị độc lập (mặc dù năm 1980 khi tu chính bản Hiến pháp đảng Cộng sản Việt Nam ghi vào đó điều 4 quy định đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo duy nhất). Đảng Dân chủ Việt Nam chính là đảng cụ Hoàng Minh Chính đã cho tái phục hoạt với tên mới là đảng Dân chủ Việt Nam của thế kỷ 21 (đảng Dân chủ Việt Nam XXI). Nhưng lần này đảng Dân chủ XXI công khai đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam nên đảng Dân chủ Việt Nam XXI và bản thân cụ Chính đã bị trù dập.
Trong nhiều năm qua các tổ chức đấu tranh trong và ngoài nước đã đặt vấn đề điều 4 Hiến pháp giao trọn quyền hành cho đảng Cộng sản là nguyên nhân của mọi tệ trạng hiện nay. Trong nội bộ đảng cũng có những bức xúc về điều 4 nên có dấu hiệu đảng Cộng sản Việt Nam đang loay hoay tìm một phương thế để biện minh cho sự cầm quyền độc tôn của đảng mà vẫn có thể bày ra một bộ mặt dân chủ cho thế giới, nhất là sau khi vào WTO hội nhập với thế giới, và được chọn làm một trong 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009) có vai có vế trên trường quốc tế. Họ đã tung tin cho dư luận biết họ có thể “luật hóa điều 4”, họ có thể đổi tên nước để nhân đó tu chính điều 4. Nhưng qua lời ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (nói ngày 27/9/2007) thì “dù ai nói ngã nói nghiêng” bằng cách nào họ cũng không thay đổi nội dung điều 4 rằng đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền.
Bạch thư vừa công bố của đảng Cộng sản Trung quốc với công thức “dda đảng tham khảo lẫn nhau dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc” có thể là một cái mẫu khít khao đảng Cộng sản Việt Nam đang cần để bày bán món hàng dân chủ: “dda đảng tham khảo lẫn nhau dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam”. Nhưng thế giới, nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước, nhất là những nhà đấu tranh dân chủ không bị danh từ đa đảng giả tạo đánh lừa. Đa đảng phải là nhiều đảng độc lập với nhau, đảng cầm quyền là đảng được nhân dân chọn qua bầu tự do trong môi trường tự do ngôn luận và tự do vận động quần chúng. Không có một đảng nào mà sự cầm quyền được ghi vào Hiến pháp. Điều 4 Hiến pháp dù được sửa đổi hay luật hóa như thế nào cũng không giải quyết bế tắc chính trị của Việt Nam nếu vẫn còn quy định đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền.
Cuộc đấu tranh giành dân chủ, nhân quyền cho người Việt Nam, trong đó quan trọng và thiết yếu nhất là quyền tự do ngôn luận để thông qua đó giải phóng tiềm lực quốc gia vẫn sẽ tiếp tục cho đến lúc nào điều 4 Hiến pháp được hủy bỏ hoàn toàn. Chỉ đến lúc đó mới có thể nói đến việc hợp tác tham khảo với nhau để hoạch định tương lai của đất nước.
Trần Bình Nam
Dec. 7, 2007