Bạn,
Theo báo Người Lao Động, hiện nay trên địa bàn Thành phố Sài Gòn có 45 bến đò được cấp phép hoạt động, nhưng nhiều bến đò không bảo đảm an toàn như: ghe nhỏ, không có cầu dẫn, lưu thông cắt ngang luồng hàng hải, áo phao hư hỏng... gây nguy hiểm cho hành khách. Tại nhiều bến đò, khách không khỏi lo ngại vì cầu dẫn, bến đỗ quá tạm bợ, còn đò thì đa số chở quá tải. Báo Người Lao Động ghi nhận thực trạng này qua đoạn ký sự như sau.
Tại bến đò An Lợi Đông, quận 2, dù các đò có trang bị áo phao nhưng các áo phao đều bị "nhốt" trong bao ni lông, bên ngoài còn trùm kín và bị cột chặt lại bằng dây thừng. Khi phóng viên muốn mặc áo phao, chủ đò nói thản nhiên: "Đâu có được, khi có tai nạn thì mới mặc, áo của người ta đâu phải muốn mặc là mặc". Phóng viên không khỏi giật mình khi nghĩ, nếu lỡ xảy ra sự cố, đợi chủ đò tháo dây và mấy thứ trùm kín kia để lấy áo phao thì mọi người chắc đã chết chìm. Con đò này quá nhỏ lại chạy trong khu vực có nhiều tàu bè nên cứ tròng trành khi có tàu lớn chạy qua. Theo quy định, bến đò này chỉ được phép chở người và xe đạp. Thế nhưng phóng viên thấy nhiều chuyến chở luôn xe máy.
Đến bến đò Phước Khánh (từ Nhà Bè đi Nhơn Trạch - Đồng Nai) thuộc quyền quản lý của Hợp tác xã Thanh Hòa, phóng viên lại thót tim khi thấy đường xuống đò chỉ là một miếng ván rộng khoảng 70 cm, dài 1.5 m, lại chênh vênh. Lên đò lại càng run hơn khi thấy dù quy định chỉ được phép chở 40 người nhưng trên đò có đến 52 người và 21 xe máy. Giữa đò là một lồng sắt đựng những chiếc áo phao bị xổ tung, đen xỉn.
Qua đò ngang tại bến đò Rạch Lá (đoạn kênh Bà Tổng trên sông Tắc An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ), phóng viên lại tiếp tục run khi thấy 6 cái áo phao rách bươm. Người dân ở đây phản ánh, do không có cầu dẫn xuống đò, nên mỗi khi khi mưa xuống nước sông tràn gây xói lở nên rất nguy hiểm cho những người xuống đò, nhất là trẻ em. Ở bến đò Phú Xuân, huyện Nhà Bè, đường dẫn cũng chỉ là chiếc cầu gỗ ọp ẹp rộng khoảng 1m, nên phóng viên lại vừa đi vừa phập phồng.
Bạn,
Cũng theo báo Người Lao Động, cơ quản quản lý giao thông đường sông Sài Gòn cho biết việc mặc áo phao chỉ dừng lại ở "mức độ khuyến khích, vận động. Riêng bến đò An Lợi Đông, Sở Giao thông công chánh cho biết đang đề nghị Ủy ban TPSG ban hành quy định tạm thời về việc bắt buộc hành khách đi đò mặc áo phao. Về việc kiểm tra, theo lời cư dân địa phương, công an giao thông đường thủy và các cơ quan chức năng thường chỉ kiểm tra định kỳ nên qua đợt kiểm tra thì "đâu lại vào đấy".