Vấn đề người Chăm đòi đất đai
Từ công Nhượng
(LTS: Bài viết sau của nhà văn Từ Công Nhượng, TTK/Hội IOC-Champa, nhằm trả lời một điểm thắc mắc của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, sẽ làm sáng tỏ thêm một vấn đề nóng bỏng và để rộng đường dư luận.)
Gần đây có những bài viết đăng trên mạng đưa ra vấn đề người Chăm đòi lại đất đai, điển hình như bài của ông Phan Cao Sơn mang tựa đề “Người Chàm đòi đất đai” được đăng trên “tinparis.net” vào ngày 9 tháng 2 năm 2009 và một bài nữa của ông Tiến sĩ Mai Thanh Truyết báo động về nguy cơ Trung Cộng đang tiến hành chiến lược xâm lăng lãnh thổ Việt Nam trong “Chiến Lược TQ Nhằm Biến Tây Nguyên Việt Nam Thành Tây Tạng 2 – tình hình thập phần nguy hiểm”, đăng trên mạng Việt Báo, Thứ Ba ngày 24 tháng 3 năm 2009 vừa qua.
Để trả lời cho bài viết của ông Phan Cao Sơn, ông Musa Porome, chủ tịch của Hội IOC-Champa viết một kháng nghị thư đăng trên mạng “champaka.org” vào ngày 17 tháng 2 năm 2009 nhằm giải tỏa cho những nghi vấn liên quan đến vấn đề người Chăm đòi đất đai hay đòi quyền tự trị.
Riêng về bài của Ts Mai Thanh Truyết phân tích và báo động về lộ trình thôn tính Việt Nam của TQ, trong đó nói về vấn đề khai thác quặng Bauxite tại Đak Nông vùng Cao Nguyên Việt Nam, và đặt vấn đề với người Chăm phối hợp với TQ để dành lại chủ quyền của vương quốc Champa. Đó là vấn đề mà chúng tôi muốn trình bày ở đây.
Xin mạn phép trích đoạn văn của Ts Mai Thanh Truyết:
“… Hiện tại, TQ đã phối hợp một cách gián tiếp với người Chăm ở cao nguyên Bolloven bên Lào, bên Cambodia, và “nhập nhằng” tóm gọn hai dân tộc Chăm và Thượng làm một, dưới danh nghĩa Fulro/Chăm để khích động nhu cầu dành lại chủ quyền của vương quốc Champa do một nhóm người Chăm bên Pháp dưới quyền lãnh đạo của một tiến sĩ người Chăm cổ suý. Nhóm nầy cũng được sự hỗ trợ của thực dân Pháp vốn đã có quyền lợi tại vùng cao nguyên nầy hồi thời thuộc địa. Cũng cần nên biết thêm, người Thượng ở vùng Cao nguyên hiện tại đã được các hội thiện nguyện Hoa Kỳ yểm trợ dưới danh nghĩa DEGA. Theo tin tức được loan tải trên mạng, họ đã hình thành tổ chức The Cham National Federation of Cambodia (CNFC) và đã được Liên hiệp Quốc công nhận qua Department Of Economic and Social Affairs (DESA) dưới quy chế Tham Mưu (consultative status) kể từ năm 2009 nầy. Một tổ chức thứ hai là The Overseas Cham Unity Organization (OCUO) cũng đang xúc tiến hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc và Thuỵ Điển để ghi danh xin thành lập Chính phủ Lưu vong Chăm (Cham’s Government In Exile). Chính phủ nầy sẽ ở ngoài lãnh thổ truyền thống của Champa là miền Trung Việt Nam, mục đích nhằm duy trì sự hiện hữu của chính phủ hoàng gia Champa trước đây. Theo như dự định, chính phủ nầy sẽ phác thảo bản hiến pháp và triệu tập Đại hội để bầu ra Thủ tướng và các Bộ trưởng vào nội các chính phủ. Qua các tin tức trên, chúng ta thấy rõ ràng là phải có bàn tay “lông lá” của TC mới có thể thực hiện được những dự tính thành lập chính phủ lưu vong của người Chăm. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, chính phủ lưu vong ban đầu dự định đặt trụ sở tại đảo Hải Nam (TQ), nơi có một cộng đồng thiểu số Chăm nay gọi là Utsat cư ngụ. Cộng đồng người Chăm nầy theo sử liệu đã sang định cư tị nạn tại đây để chạy loạn vào thời Lưu Kỳ Tông, một ông vua tiếm ngôi không phải gốc Chăm đã có một thời áp dụng chính sách cai trị hà khắc với dân chúng Chăm năm 988 (theo Georges Maspero trong quyển sách Le Royaume de Champa). Nhưng sau đó, để tránh sự phản kháng của các thành viên LHQ khác, trụ sở dự định mới sẽ là Thuỵ Điển, nơi có một tiến sĩ người Chăm định cư để tạo danh nghĩa nhằm gây áp lực với Việt Nam cộng sản khi cần thiết. Câu hỏi được đặt ra là TQ giúp người Chăm hải ngoại nhằm mục đích gì"”
Tác giả kết luận rằng vấn đề Việt Nam cho phép TQ hợp tác khai thác quặng Bauxite tại Đak Nông ở Cao Nguyên và người Chăm đòi lại đất đai đều nằm trong “những mắc xích tiến chiếm Việt Nam của TQ”.
Người Chăm đòi lại đất đai – chuyện thật hay ảo"
Bài “Chiến Lược TQ Nhằm Biến Tây Nguyên Việt Nam Thành Tây Tạng 2 – tình hình thập phần nguy hiểm” của Ts Mai Thanh Truyết làm gợi lại cuộc sống tại Mỹ vào năm 2003 trong lúc tổng thống Bush đệ nhị (ông Bush con) và nội các của ông đang tìm cách tấn công nước Iraq. Tôi còn nhớ lúc ấy hầu như ngày nào báo chí Mỹ cũng đăng các nguồn tin tức theo dư luận, bới lông tìm vết để tìm vũ khí giết người hàng loạt (Weapon of Mass Destruction) của ông Sađam Husên. Trong nội các của ông Bush thì dư luận có thể sẽ không tin ông Dick Cheney, vị phó tổng thống hay ông Donald Rumsfeld, bộ trưởng của Ngũ Giác Đài vì hai ông này vốn đậm về phe Diều Hâu nhưng người ta có thể tin ông Colin Powell, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao vì tính tình điềm đạm và tài mưu lược của ông. Bởi vậy mặc dù tòa Bạch Ốc và báo chí đã sản xuất ra hàng loạt những nguồn tin tức đáng tin cậy nhưng không mấy ai tin cho đến khi ông Colin Powell lên trình bày với Liên Hiệp Quốc để xin thẩm quyền tấn công Iraq. Chuyện của ông Colin Powell lên Liên Hiệp Quốc đã trở thành một vết nhơ trong cuộc đời phục vụ vì dân vì nước và ông đã thường xuyên hối hận về sau.