Bạn,
Theo báo SGGP, thành phố Sài Gòn hiện còn 100 địa điểm bị ngập nước trong mùa mưa, trong đó, có 61 địa điểm trong khu vực nội thành, 39 địa điểm tập trung tại các khu dân cư mới. Để xóa hết 100 địa điểm ngập này, phải chờ đến hết năm 2011 khi 4 dự án chống ngập có nguồn vốn quốc tế hoàn tất . Trong khi các địa điểm ngập cũ chưa xóa xong thì chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa vừa qua, thành phố Sài Gòn lại phát sinh nhiều địa điểm ngập mới, và cư dân nhiều khu vực vô cùng khốn khổ vì nước ngập vào tận nhà. Báo SGGP ghi nhận thực trạng này qua đoạn ký sự như sau.
Cơn mưa vào sáng và chiều ngày 2 tháng Năm vừa qua mặc dù không lớn lắm nhưng cũng đã làm cho nhiều tuyến đường tại TPSG ngập trong nước. Đường Hồng Bàng và các tuyến đường lân cận (quận 5) bị ngập khoảng 20 cm. Đường Minh Phụng, Hàn Hải Nguyên (quận 11), xa lộ (quận Thủ Đức)cũng chìm trong nước và gây không ít khó khăn cho người đi đường. Ngập nặng nhất là khu vực phường Cô Giang (quận 1).
Qua ghi nhận của phóng viên SGGP sáng 2-5, tại nhiều con hẻm đường Cô Giang, nước ngập vào tận nhà dân. Riêng khu vực chợ Cô Giang, mặc dù mưa đã tạnh khá lâu nhưng hàng trăm tiểu thương vẫn phải lội bì bõm dưới dòng nước đen ngòm, tanh hôi để buôn bán. Một viên chức UB phường Cô Giang nhận định: Trước đây, khi mưa xuống khu vực phường này cũng có ngập nhưng chỉ một vài điểm nhỏ lẻ và nước rút rất nhanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây mỗi khi mưa xuống nước bắt đầu ngập trên diện tích rộng và thoát cũng chậm hơn. Ngoài ra, trong cơn mưa đầu mưa trước đó, ngoài các điểm ngập "cố hữu" trên đường 3-2, Lê Hồng Phong (quận 10)... thì nhiều con hẻm dọc tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 7, quận 3) cũng bị ngập sâu với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nặng...
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, sở dĩ đầu mùa mưa này nhiều điểm ngập mới xuất hiện tại TPSG phần lớn do việc thực hiện các dự án làm bít dòng chảy. Cụ thể, tại những khu dân cư trong các hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), ngập gia tăng do các tuyến cống thoát nước mới thi công chưa kết nối được với tuyến hiện hữu nên nước chảy ngược vào nhà dân. Còn ở khu vực phường Cô Giang, ngập nặng là do một đơn vị thực hiện Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố, để thuận lợi cho việc thực hiện công trình, đã dùng biện pháp đắp đập chặn dòng chảy nên khi mưa xuống nước không thoát ra rạch Bến Nghé được.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, điều đáng nói là sau cơn mưa ngày 17-4-2008 làm khu vực này bị ngập nặng, người dân trong khu vực đã báo cáo với UB phường Cô Giang. Ngay trong ngày hôm đó, UB phường Cô Giang đã có văn bản kiến nghị các cơ quan hữu quan sớm khai thông dòng chảy để nước không bị ngập trên diện tích rộng trong những cơn mưa tới, nhưng công ty thầu dự án này vẫn không thực hiện theo yêu cầu của Sở Công chánh.