Bạn,
Theo báo Sài Gòn, tại VN, chưa bao giờ cơn lốc hàng giả tấn công thị trường dữ dội như hiện nay. Nhiều sản phẩm trong nước làm nhái của nhau, rồi hàng nhái từ nước ngoài cũng nhan nhản trên thị trường. Hiện trên thị trường đang có hai loại hình hàng giả: từ nước ngoài đưa vào và trong nước tự làm nhái của nhau; dân làm hàng giả tổ chức sản xuất với quy mô lớn từ nước ngoài rồi tìm cách đưa vào Việt Nam, chính yếu qua đường biên giới. Báo Pháp Luật TPSG ghi nhận thực trạng này như sau.
Trong bốn tháng đầu năm 2008, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận và xử lý 30 đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với sản phẩm của các hãng Honda, Nokia, Gucci, Abbott, Nike, Chanel..., bắt giữ và xử lý 13 vụ với số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng... Thế nhưng, con số này vẫn chỉ là số nhỏ các nạn nhân lên tiếng. Theo ông Lê Quốc Chí, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ chống hàng giả, trước đây phải tám tháng thì dân làm hàng giả mới làm nhái được sản phẩm, nhưng gần đây một sản phẩm có thương hiệu chỉ cần khoảng ba ngày đã bị làm giả. Các trường hợp làm giả ngày càng tinh vi và công phu khiến cho việc phát giác hết sức khó khăn.
Cách đây hơn nửa năm, thương hiệu Tiến Đạt phải một phen lao đao vì hàng giả. Khi ấy, hàng loạt sản phẩm của doanh nghiệp này xuất hiện trên thị trường và bị phát giác là dỏm. Điều đặc biệt là kẻ làm hàng giả rất công phu, sang tận biên giới Trung Quốc để đặt làm hàng và vận chuyển ngược lại trong nước. Mới đây, Công ty Amp Netconnect, có tập đoàn chính là hãng Tyco Electronics, trụ sở tại Mỹ, là thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam về cáp mạng máy điện toán, cũng bị làm nhái sản phẩm. Năm 2007, sản phẩm của Amp Netconnect chiếm gần 70% thị phần về dây cáp. Dù công ty đã đăng bạ sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới nhưng nhiều công ty trong nước đã nhập cáp giả Amp Netconnect từ Trung Quốc về bán tại Việt Nam. Cuối tháng 3, thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ và Cảnh sát PC15 đã tiêu hủy số cáp giả lên đến 125 ngàn mét và hàng nghìn linh kiện khác giả thương hiệu Amp Netconnect tại Công ty Tường An (Hà Nội). Nhưng sau đó, tình hình cáp giả vẫn xuất hiện tràn lan làm doanh nghiệp chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Đáng lo ngại nhất là các sản phẩm giả làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như bia, rượu, mỹ phẩm chăm sóc da... Riêng với bia, rượu, họ dùng vỏ thật đổ bia giả vào nên rất khó phát giác.
Bạn,
Báo Pháp Luật TPSG ghi nhận rằng theo đánh giá của các chuyên viên công nghệ, do lượng hàng giả hiện nay quá nhiều và tràn lan.Theo một số doanh nghiệp, ngoài các biện pháp kỹ thuật thì cũng cần có luật xử phạt nặng hơn với những đơn vị làm hàng giả, hàng nhái. Thực tế mức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm ở nước ngoài là rất nặng, thậm chí có doanh nghiệp bị xử phạt bồi thường đến sạt nghiệp. Trong khi đó, các vi phạm tại VN phần lớn chỉ bị xử phạt hành chính với mức "khung" chỉ vài triệu đồng.