Theo các chuyên viên về môi trường,trên địa bàn thành phố Sài Gòn, hàng loạt kênh rạch đang lần lượt "tắt thở" vì nước thải dơ từ các nhà máy, nhưng chưa có doanh nghiệp nào bị đóng cửa và bồi thường thiệt hại. Tại nhiều khu vực, dòng nước lúc đen ngòm, lúc đỏ quạch, lúc tím than, lúc lại chuyển sang xanh nhờ nhờ... Báo Người Lao Động ghi nhận thảm họa này qua đoạn ký sự như sau.
Tại thành phố Sài Gòn, chỉ cần một ngày đứng ở cây xăng góc ngã tư Bình Thái (xa lộ Sài Gòn, quận 9) là có thể chứng kiến đầy đủ những hình ảnh trên. Bao năm nay, ngày nào rạch Bình Thái cũng oằn mình trong ô nhiễm nhưng những dòng nước độc hại kia vẫn chưa được ngăn chặn.
"Tôi sống ở đây từ nhỏ, lúc đó rạch Bình Thái còn trong xanh. Từ ngày có mấy cái nhà máy dệt ở bên kia đường (quận 9) thải nước dơ, hôi thối không chịu nổi thì con rạch này cũng bắt đầu... chết!", ông Trần Văn Lực, 63 tuổi, nhà ở đường số 4, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, ngao ngán nhìn dòng kênh đen ngòm, chép miệng. Ông Lực cho biết cách đây khoảng 10 năm, khi nước dơ làm chết nhiều ruộng lúa, một số người dân cũng được bồi thường một ít tiền thiệt hại rồi thôi.
Ngược con rạch, đi đến khu vực thuộc phường Phước Long A, quận 9, dòng nước đột ngột chuyển sang màu xanh nhờ nhờ. Thấy phóng viên lội xuống, anh Nguyễn Định, nhà ở số 462, rầu rĩ: "Bây giờ là mùa mưa nên nước bớt ô nhiễm chứ mùa nắng hôi không ai chịu nổi". Rồi anh chỉ tay xuống mép nước, than: "Anh thấy không, đến đất hai bên bờ rạch cũng bị ngấm chuyển thành màu xanh đủ biết tình trạng ô nhiễm đến cỡ nào. Từ năm 2000 đến nay, người dân ở đây cũng đã phản ánh rất nhiều lần nhưng chẳng có ai giải quyết".
Tiếp tục ngược dòng, sang địa bàn phường Phước Long B, thấy hai bên con rạch nhiều mái tôn, cửa sắt, hàng rào sắt nhà dân bị hoen gỉ, mục nát. Lúc này, dòng nước đã chuyển sang màu tím than, hôi nồng nặc. Bà Lê Kim Huệ (ở số 29/11) nói như mếu: "Mỗi lần mưa lớn, nước dơ tràn vào nhà là đồ đạc mục nát hết. Nhiều đêm nước xả ra hôi kinh khủng, ngửi muốn phát nôn."
Bạn,
Cũng theo báo Người Lao Động, rạch Bình Thái bắt nguồn từ phường Hưng Phú và Tăng Nhơn Phú B, chảy qua phường Phước Long B đến phường Phước Long A (quận 9) rồi qua phường Trường Thọ (quận Thủ Đức), sau đó đổ thẳng ra sông Sài Gòn. Trên địa bàn phường Hiệp Phú và phường Tăng Nhơn Phú B có nhiều cơ sở sản xuất lớn đã thải ra lượng nước thải vượt quá quy chuẩn về môi trường.