Bạn,
Theo báo Sài Gòn, cách đây gần 8 tháng, tại tỉnh Đồng Nai, cư dân ở ở ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu mất ăn mất ngủ vì bị voi về phá hại hoa màu, nhà cửa... Đến đầu năm 2008 cho đến nay, đến lượt người dân ở ấp 2 của xã Phú Lý lại khốn khổ vì bị voi về phá hoa màu, cây trái... Người dân ở đây lo âu trước nạn voi rừng về làng. Báo Đồng Nai ghi nhận về thảm họa này như sau.
Theo lời một viên chức Phú Lý cho biết, vào cuối tháng tư vừa qua, trong các đêm về khu dân cư ấp 2, voi thường vào lục lọi các gian bếp của nhà dân để ăn bắp, lúa hoặc ra vườn ăn cây trái. Qua quan sát các nhà dân bị voi "ghé thăm", người ta thấy đối với các nhà tường xây thì "ông Bồ" không ủi phá mà chỉ dùng vòi kéo bung khung cửa sổ để tìm thức ăn bên trong. Đối với các căn nhà gỗ thì có lẽ do quen mùi gỗ nên voi sẵn sàng kéo, ủi sập các cột gỗ, vách ván. Do vậy, đối với dân nghèo thì thiệt hại khi bị voi ghé về thường nặng nề hơn.
Vào đêm 13-5 vừa rồi, có 3 con voi về vườn nhà ông Nguyễn Đình Lân hái trụi trái trên mấy cây mít, sau đó voi ăn hàng chục cây chuối rồi quật ngã mấy cây dừa để ăn đọt non và trái. Tiếp đến, voi vào nhà ông Võ Văn Trí ở gần đó ăn hết một bao lúa, vào nhà ông Phạm Hữu Trí ăn hết một bao bắp hạt và "tráng miệng" bằng hàng chục cây chuối ngoài vườn. Các khổ chủ trên đều ở nhà tường xây nên chỉ bị voi gây hại về hoa màu, cây trái.
Cư dân Võ Văn Sơn làm vườn rẫy ở đây từ năm 1982 cho biết, có lúc voi về vườn nhà anh ngay từ 7 giờ tối. Voi quật phá mấy cây dừa và không hiểu bằng cách nào lại ăn được sạch trơn cơm dừa trong trái. Nhưng có lẽ đau khổ nhất là các chủ vườn xoài ở giáp bìa rừng. Cư dân Đỗ Văn Cường có vườn xoài rộng khoảng 1.3 hécta đã ăn trái được 3 mùa. Trong đêm 28-4, voi đã về vườn xoài của anh Cường nhổ trốc gốc trên 50 cây, phá hư hại gần 150 cây khác và ăn hết vài tấn trái đang chờ thu hoạch. Anh Cường ước chừng bị thiệt hại khoảng 20 triệu đồng do mất thu hoạch và chưa tính được thiệt hại do số cây xoài bị chết. Nhưng điều làm anh âu lo nhất là, nếu bỏ tiền ra đầu tư chăm sóc lại vườn cây rồi lại bị "ông Bồ" bất ngờ về phá hoại thì không biết sẽ sống ra sao.
Bạn,
Cũng theo báo Đồng Nai, trưởng ấp 2 Đặng Văn Nhơn cho biết, trước đây voi chỉ về khu dân cư vào mùa khô, có lẽ vì trong rừng thiếu thức ăn. Thế nhưng gần đây voi lại về vườn rẫy của dân vào mùa thu hoạch trái cây. Chỉ khi nào trời mưa nhiều, mặt đất trở nên lầy lội thì voi mới không về làng. Khi nào trời nắng nhiều, mặt đất khô ráo thì voi lại xuất hiện. Voi lại thường về làng vào buổi tối cho đến gần sáng mới bỏ đi, do vậy người dân phải di tản con cái đi nơi khác làm ảnh hưởng không ít đến chuyện sinh hoạt, học hành của trẻ con. Ủy ban xã Phú Lý cho biết, người dân ở xã rất hoang mang về tình trạng voi về làng thường xuyên hơn. Thế nhưng cấp xã không thể có biện pháp gì trước thảm họa này.