TRANH TẾT VIỆT
Bạn,
Theo các nhà nghiên cứu, tranh Tết được coi như một "món ăn tinh thần" truyền thống của Tết Việt Nam. Tranh Tết mang nét đẹp của một thú chơi dân gian, thanh nhã. Chất dân gian trong tranh Tết Việt thể hiện rõ nét nhất ở dòng tranh Đông Hồ. Báo Thanh Niên ghi nhận toàn cảnh về quy trình thực hiện và sáng tạo của dòng tranh này như sau.
Tranh Đông Hồ còn gọi là tranh mộc bản, vì loại tranh này được làm theo phương thức khắc bản gỗ in do dân gian sản xuất. Cách sản xuất tranh Đông Hồ rất đơn giản, nghệ nhân khắc đường nét lên gỗ cứng (thường dùng gỗ cây thị), tiếp đến bôi màu lên bản khắc, rồi in lên giấy. Giấy được hồ sẵn bột phấn trắng chế tạo bởi vỏ sò điệp cho nên gọi là phấn điệp. Chính vì thế tranh có đường nét giản dị, tự do với cách thể hiện mộc mạc dễ cảm.
Tranh Đông Hồ có màu sắc rực rỡ, trong đó chú trọng nhất là đường nét đen chạy viền; bố cục không gò bó, là sự thể hiện và gắn liền với đời sống văn hóa của người dân.Trong kho tàng tranh dân gian ấy có không ít bức vẽ hình ảnh con trâu với nét tươi vui, khoan khoái như: Tranh cưỡi trâu che lá sen, Cưỡi trâu thổi sáo vì trâu vừa là một trong 12 con giáp lại vừa rất thân thiết với người nông dân. Nhưng treo tranh trâu ngày Tết còn có ý nghĩa văn hóa tâm linh khác. Nó xuất phát từ việc ngày xưa người ta có tục cưỡi lên mình trâu đánh cho trâu chạy lồng lên để xua đuổi khí âm lạnh lẽo, đón khí dương ấm áp của mùa xuân trở về.
Sự sáng tạo của nghệ sĩ dân gian Đông Hồ trong cách vẽ tranh trâu làm cho hình ảnh con trâu sống động hơn, gần gũi hơn, thấm đượm sự quý trọng đối với con vật được mệnh danh là "đầu cơ nghiệp" của nhà nông.
Tranh mộc bản màu sắc tươi vui,nét tạo hình mạnh mẽ, mộc mạc thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo của người Việt Nam hiền hòa, chất phác. Chính vì thế mỗi bức tranh Đông Hồ như thêm vào không khí của gia đình một tiếng cười hồn nhiên trong ba ngày Tết.
Bạn,
Báo Thanh Niên ghi nhận rằng con trâu trong hội họa Việt Nam "biến hình" từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng và bán trừu tượng, được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài và nhiều nhất là sơn dầu.