Để có sức khỏe tốt và sống thọ hơn, chúng ta không chỉ cần phải tập thể dục và ăn uống lành mạnh, mà còn cần tập giữ dáng điệu cơ thể phù hợp với các hoạt động. Dáng điệu phù hợp có thể giúp chúng ta tránh được nhiều vấn đề như đau cổ và lưng, các vấn đề về hệ hô hấp và hệ tiêu hóa, chơi thể thao không tốt, các bắp thịt dễ bị nhức mỏi và sự cân bằng hormone trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Nếu không được điều chỉnh, những vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Praveen Mummaneni, bác sĩ phẫu thuật cột sống đang làm việc tại Đại học California, San Francisco, cho biết: “Trong suốt cuộc đời chúng ta, từ khi còn trẻ cho đến khi già đi, các khớp và dây chằng sẽ mất dần sức đàn hồi nên ngày càng khó thích nghi với các dáng điệu xấu, khiến cho các dây thần kinh hoặc tủy sống bị chèn ép. Chúng ta sẽ dễ bị mệt mỏi hoặc đau đớn khi vận động, và nếu tình trạng này kéo dài, sẽ gây ra các chứng đau mãn tính.”
Tập giữ dáng điệu tốt đắn và cân bằng sẽ không chỉ giúp quý vị tránh những vấn đề này, mà còn giúp cải thiện khả năng phối hợp của cơ thể, giữ thăng bằng tốt hơn, có nhiều sức lực hơn, dễ tập trung hơn, tỉnh táo hơn và tự tin hơn.
Laura Deon, chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế Đại học RUSH ở Chicago, cho biết: “Khi đi đứng thẳng người, trọng lượng cơ thể sẽ được phân bổ đồng đều, hệ thống cơ xương cũng được căn chỉnh phù hợp – cho phép cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, giảm bớt áp lực lên các khớp và xương và đỡ bị hao mòn hơn.”
Vậy làm sao để giữ dáng điệu tốt, và hiệu quả sẽ thế nào?
Dáng điệu tốt là gì?
Dáng điệu tốt không có nghĩa là cái lưng phải thẳng băng, dù quý vị đã từng nghe qua rất nhiều lời nhắc đại loại như “ngồi thẳng lưng lên” hay “đứng thẳng lưng lên.” Theo Brook Martin, giáo sư nghiên cứu về chấn thương chỉnh hình tại Trường Y khoa Đại học Utah, cột sống vốn có độ cong tự nhiên.
Bác sĩ Mummaneni giải thích cột sống của chúng ta không phải là một đường thẳng tuyệt đối: “Khi nhìn từ bên cạnh, quý vị sẽ thấy đoạn cột sống ở phần thắt lưng cong về phía sau, đoạn cột sống ở phần lưng trên (phía trước là ngực) cong về phía trước, và đoạn cột sống cong ở phần cổ lại cong về phía sau. Những đường cong này giúp giữ cho đầu ở đúng vị trí chính giữa so với cổ, thân ở đúng vị trí chính giữa so với hông.” Đây là những vị trí lý tưởng để có dáng điệu tốt.
Để giữ dáng điệu tốt khi ngồi, nên để phần lòng bàn chân chạm hẳn xuống sàn, và giữ góc giữa đầu gối và hông lớn hơn 90 độ. Drew Schwartz, chuyên gia phòng ngừa dịch bệnh và là bác sĩ nắn chữa xương (chiropractor) tại Cleveland Clinic ở Ohio, cho biết: “Cẳng tay cần được đỡ bởi bàn hoặc tay vịn ghế. Thả lỏng vai, phần xương bả vai hơi hạ xuống và hướng vào trong. Giữ đầu thẳng tự nhiên, sao cho tai và vai thẳng hàng với nhau.”
Khi đứng, cần giữ hai chân rộng bằng vai, đầu gối thả lỏng, hông và đầu gối thẳng hàng. Vai hơi hạ xuống và ngả ra sau, còn tai nên ở vị trí thẳng hàng với vai. Ngoài ra, trọng lượng cơ thể nên được phân bổ đều lên cả hai chân.
Dáng điệu tốt còn có nghĩa là thường di chuyển, cử động. Schwartz giải thích: “Khi nghe đến dáng điệu tốt, đa số mọi người thường nghĩ về việc giữ yên một dáng điệu cố định, không rục rịch cử động gì hết. Nhưng mà thật ra, dáng điệu tốt nhất là phải đi kèm với cử động linh hoạt và thường xuyên thay đổi.”
Dáng điệu ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Tập giữ dáng điệu tốt mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ chấn thương khi tập thể dục thể thao, giảm áp lực và căng thẳng cho bắp thịt, xương và khớp, đi đứng vững vàng hơn và có nhiều năng lượng hơn.
Dáng điệu tốt sẽ giúp tất cả các bắp thịt bớt bị căng thẳng vì không phải làm việc quá sức. Hệ thống cơ xương (musculoskeletal system) khỏe mạnh và được cân bằng cũng có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, vì các dây thần kinh không bị chèn ép, không bị gián đoạn các đường truyền tín hiệu thần kinh, và cũng không gặp phải các vấn đề về hormone hay các bịnh như tê bàn tay carpal tunnel syndrome (dây thần kinh chỗ cổ tay bị áp lực mạnh vì tay hoạt động quá độ, ngày nay thì thường là do gõ bàn phím vi tính quá nhiều) và chứng tennis elbow (đau nhức ở phía bên ngoài khuỷu tay).
Khi hệ thống cơ xương được căn chỉnh tốt và không bị lệch, quý vị còn có thể đỡ gặp phải các vấn đề như thoát vị đĩa đệm (disc herniation), đỡ bị đau nhức những chỗ như lưng, tay, chân, cổ do dây thần kinh bị chèn ép.
Martin nói: “Nhiều nghiên cứu sinh cơ học (biomechanical) và nghiên cứu theo nhóm trong thời gian dài (cohort) đã chỉ ra rằng nếu dáng điệu của cơ thể bị lệch, áp lực lên các đĩa đệm giữa các đốt xương sống sẽ tăng cao và không phân bổ đồng đều, góp phần khiến chúng ta bị đau lưng.”
Theo Kevin Weaver, giảng sư về vật lý trị liệu tại Đại học New York, ngược lại thì các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cải thiện dáng điệu có thể giúp giảm đau vai và lưng, cải thiện sức mạnh của bắp thịt. Dáng điệu tốt cũng sẽ giúp cơ thể di chuyển một cách hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hơn. Quý vị giữ thăng bằng tốt hơn và ít bị té ngã hơn, thì sẽ giảm bớt nguy cơ phải phẫu thuật thay khớp khi về già. Ngoài ra, những người có dáng điệu tốt thường hiếm khi bị trĩ hoặc gặp các vấn đề về lưu thông máu trong cơ thể như nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức người.
Tướng đi đứng nằm ngồi cũng có ảnh hưởng đến chuyện hít thở. Nhiều khi quý vị thấy khó thở là do dáng điệu xấu, bị lệch. Thí dụ như khi khòm lưng, việc hít thở thường chỉ loanh quanh ở phần ngực trên (hơi thở ngắn). Còn khi đứng hoặc ngồi đúng dáng điệu, quý vị sẽ dễ dàng hít thở sâu bằng cơ hoành (thở bằng bụng dưới, thở sâu), giúp cơ thể thấy thư giãn, thoải mái hơn.
Còn với hệ tiêu hóa, dáng điệu tốt cũng sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ bị ợ nóng, táo bón và lượng đường trong máu cao.
Các vấn đề sức khỏe do dáng điệu bị lệch sẽ không xuất hiện ngay mà có thể phải nhiều năm sau quý vị mới thấy rõ. Vietta Wilson, khoa học gia nghiên cứu về chuyển động của cơ thể (kinesiologist) tại Đại học York ở Toronto, Canada, cho biết: “Đáng tiếc là, thường thì người ta thấy đau mới biết mình bị bịnh, hầu hết mọi người chỉ nhận thấy các triệu chứng của dáng điệu xấu khi đã gặp các vấn đề sức khỏe có liên quan.”
Tâm trạng cũng bị ảnh hưởng
Ngoài những lợi ích về sức khỏe thể chất, dáng điệu tốt còn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và có ảnh hưởng tích cực đến công việc, học tập, và các mối quan hệ xã hội.
Deon nói: “Dáng điệu tốt thực sự có thể giúp quý vị dễ tập trung hơn. Khi đứng hoặc ngồi với dáng điệu phù hợp, quý vị sẽ ít bị mất tập trung hơn so với khi nằm.” Bà cũng cho biết thêm là người có dáng điệu tốt sẽ cảm thấy tinh thần tốt hơn, ít cảm thấy buồn bã hoặc trầm uất hơn. Bởi vì khi dáng điệu bị lệch, cột sống bị cong vẹo, dây thần kinh bị chèn ép, thông tin giữa cơ thể và bộ não không được truyền đi nhanh chóng, suôn sẻ, làm cho cơ thể dễ có cảm giác mệt mỏi, thiếu động lực, làm việc kém hiệu quả.
Richard Petty, nhà nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Bang Ohio, cho biết nghiên cứu của ông chứng minh rằng tập giữ dáng điệu tốt có thể giúp quý vị cảm thấy tự tin hơn so với khi đứng hay ngồi khòm lưng. Ông nói: “Dáng điệu tốt không chỉ làm quý vị cảm thấy tự tin hơn, mà còn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình hơn.”
Sự tương tác và kết nối với người khác cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Deon giải thích: “Những người có tư thế đầu thẳng, không ngẩng quá cao hoặc cúi quá thấp, thường được đánh giá là dễ hợp tác hơn.” Bởi vì dáng điệu đóng vai trò quan trọng trong ngôn ngữ cơ thể, dáng điệu tốt sẽ là những tín hiệu không lời giúp quý vị giao tiếp hiệu quả và suôn sẻ hơn.
Cách cải thiện dáng điệu
Để cải thiện dáng điệu của mình, Martin khuyến nghị quý vị nên chú ý tập ngồi và đứng cho đúng cách, và tập thường xuyên, liên tục đến mức trở thành thói quen. Quý vị cần giữ cho các nhóm cơ đùi, cơ bụng và cơ lưng khỏe mạnh để giúp duy trì độ cong tự nhiên của cột sống và củng cố các khớp đốt sống.
Ngoài ra, Weaver khuyến khích mọi người thường xuyên vận động và tập thể dục, bất kỳ bài tập thể dục nào mà quý vị ưa thích. Quý vị nên sử dụng bàn làm việc có thể điều chỉnh độ cao, giúp quý vị không phải ngồi khòm lưng trước màn hình máy tính quá lâu. Khi ngồi, hãy điều chỉnh màn hình máy tính ngang tầm mắt để cổ đỡ bị căng, mỏi vì phải cúi xuống hoặc ngước lên trong thời gian dài. Khi đứng hoặc đi lại, hãy cố gắng nhìn thẳng về phía trước càng nhiều càng tốt.
Lựa chọn giày, dép cũng rất quan trọng. Deon nhấn mạnh rằng các loại giày bệt và gót thấp sẽ giúp bàn chân được thoải mái, rất tốt cho chân. Còn ghế ngồi thì quý vị nên lựa loại ghế có tựa lưng lớn và tay vịn được thiết kế chắc chắn, thoải mái.
Cuối cùng, dù lựa chọn phương thức nào, thì quý vị cũng cần tập luyện thường xuyên và kiên trì, theo thời gian, dáng điệu tốt sẽ được hình thành như một thói quen tự nhiên.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “How better posture can improve your overall health” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn