Hồi đó chúng tôi học triết lớp 12C, chúng tôi học với cô Chu Kim Long và có tuần với thầy Vĩnh Để. Cả hai giáo sư của chúng tôi chia giờ ra giảng dậy về tâm lý học rồi phân tâm học về vô thức của triết gia Simon Freud. Phần lý luận học và đạo đức học thì dễ dàng hơn. Riêng phần tâm lý học, nhất là tâm lý học ngôi thứ ba khúc mắc, ở phần dằng co giữa ý thức và vô thức… thành ra bài học bài giảng làm chúng tôi điên đầu và cô, thầy chúng tôi cũng khô cổ họng.
Cô, thầy chúng tôi giảng rất tận tâm, cô Kim Long có lần khan tiếng, thầy Vĩnh Để đi lên, đi xuống, đi ngang qua, ngang lại rất nhiều lần trước bảng đen, thầy cứ lập lại rất nhiều lần trước bảng đen, thầy cứ lập lại “các sự kiện tâm lý chỉ là những yếu tố sinh lý thể hiện ra bên ngoài, quan điểm này các nhà robot học có lúc chấp nhận rất mơ hồ về vô thức, và họ cho rằng ý thức là kết quả tích tụ lâu dài của các phản xạ vô thức.“
… Dù thầy, cô rất cố gắng, chúng tôi chỉ gạo bài như con vẹt… hiểu thì gọi là rất lơ mơ, vậy mà không hiểu sao rồi cũng có đủ 10 điểm triết để đậu tú tài II?
Thời gian vùn vụt qua đi, phân tâm học, hay Simon Freud rơi rớt đi đâu rồi không biết! Hình ảnh còn đọng lại trong trí não, một chút xíu kỷ niệm là trong những giờ chúng tôi làm bài kiểm tra, thường là kéo dài 2 giờ liền, thì cô và thầy tôi ra hành lang, đứng cong người chống khuỷu tay lên cằm, tựa trên hàng ba để cùng nhau nói chuyện vãn, tâm sự nỉ non về học trò, về tâm lý học ngôi thứ ba hóc búa? Vì hai lớp 12C1 và 12C2 nằm cạnh nhau.
Ngoài sân cỏ rộng thênh thang thì hoàn toàn vắng lặng, những bông hoa loa kèn vàng óng phất phơ đu đưa theo gió nhẹ… vài con chim se sẻ vụt lên vụt xuống trong khoảng sân bao la, sân trường Gia Long yên tĩnh lạ lùng trong giờ học.
Chúng tôi vẫn chăm chú làm bài kiểm, có đứa suy nghĩ, có đứa dở nguyên sách ra quay cóp. Lâu lâu lại có một đứa rắn mắt chạy xẹt ra ngó trộm xem bên ngoài, thấy và cô còn đứng cạnh nhau, còn tâm sự vụn hay không? Có đứa lập cập, đi rình trộm, vô ý vấp ngạch cửa, té cái bịch, làm trò cười cho mấy bàn đầu… nhưng mà bịt miệng, đố có dám cười ra tiếng! … Tâm lý học ngôi thứ ba thật là phức tạp vì nó cần có để bù đắp vào chỗ thiếu sót của các tâm lý học ở trước nó.
Kỷ niệm qua đi cái vèo!
Nay đã già nua, có triệu phú thời gian, chúng ta ngẫm lại tìm hiểu xem tại sao gọi là vô thức? Đây là chỗ khó hiểu, khó biết của tâm.
Theo sách lý giải phật giáo, tâm là cội nguồn của sự nhận thức về ngã (về ta, chính là ta) và cũng là cội nguồn của nhận thức về pháp (về muôn sự, muôn vật ở xung quanh ta).
Tâm như vậy cho ra ý thức.
Ngoài ý thức, tâm còn có một phần kín đáo, ẩn ngoài ý thức không biết hoặc là biết rất ít. Phần sâu thẳm kín đáo, ẩn sâu mà ý thức không biết hoặc là biết rất ít. Phần sâu thẳm kín đáo đó, Freud gọi là vô thức vậy tâm có cả ý thức và vô thức.
Con người chúng ta được làm thành bởi 2 phần:
Một là phần tri giác thuộc về ý thức.
Một phần nữa là thân xác, vốn vô tri giác.
Nhưng theo phật pháp, ta chấp nhận sáu thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thì cũng coi như chấp nhận thân xác có phần nào tri giác.
Ta đặt câu hỏi ý thức từ đâu mà có?
Nếu nói rằng từ thân xác thì tại sao nơi thân xác của một người đã chết, không có sự xuất hiện trở lại của ý thức?
Thêm nữa, nếu bảo là thân xác vốn vô tri giác thì nó không thể là căn cứ địa cho ý thức.
Câu trả lời hợp lý nhất trong lúc này là = Ý thức xuất hiện từ trong một nền sâu thẳm của tính tri giác. Phần tri giác sâu thẳm này gọi là biết, cũng là ý nghĩa của thức cái thức này không bầy hàng nên mặt nổi của nhận xét bên ngoài. Mà nó âm thầm hoạt động mạnh mẽ kín đáo bên trong tâm ý, đây chính là vô thức, mà Freud Simon đã trình bầy.
Chính cái phần vô thức này hoạt động tiềm tàng, mà nó giúp cho các thân xác của người bị bất tỉnh, bị gây mê, kể cả những người có đời sống thực vật lâu ngày không bị tan rã, không bị phân hủy như xác những người chết thiệt sự. Hay nói rõ hơn, nơi người đã hoàn toàn chết thiệt, không hề có sự vận hành của vô thức. Đó là vô thức mà Freud đã giảng. Vậy mà khi xưa, cô đã giảng hoài, mà học trò hiểu lơ mơ, học thuộc lòng bài chỉ để trả bài.
Vậy con người sống, đang sống là (một tổng hợp, bao gồm thực tại tâm chúng ta có phần vô thức và có phần ý thức, và có nhất định là phần vật lý hiện hữu (thân xác) là nơi chứa đựng tâm.
Con người và một phần vật lý có một điểm chung là một khối vật chất, sờ đụng thấy được.
Nhưng có điểm khác biệt là con người có khả năng biết, còn sự vật vật lý thì không biết.
Thí dụ: con mắt chúng ta có khả năng nhìn, ghi hình và biết cảm nhận vui, buồn, yêu, ghét về cái hình ấy. Cái máy chụp ảnh thì không hề có một cảm nhận nào.
Hiện nay con người đã chế tạo nhiều robots có khả năng có được một số tương tác với con người, cả với các sự vật xung quanh, TD: robot-caire săn sóc các người già ở Nhật Bản. Robot militaire ra trận chiến ở Ukraine v.v…
Nhưng những robots ấy hoàn toàn không biết về các tương tác mà nó đã thực hiện.
Con người khác hẳn, con người đều biết nhận thức về cái ta (ngã = moi). Ta khác với tha nhân, ta khác với các sự vật trong thế giới bao la này. Vì khác, nên khi giao tiếp, có nhận biết ra là có lúc thuận, có lúc nghịch. Do từ sự thuận, nghịch đó mà phát sinh ra vui, buồn, giận, tham, sân, si mong, cầu, hy vọng, ước mơ… những điều này thì không một robot nào có được.
Người ta cũng cho là dù khoa học công nghệ có tiến bộ vượt bực tới đâu đi nữa, cũng không bao giờ tạo được một robot hữu ngã… họ chỉ có thể làm ra được những robots vô ngã, những robots kỹ nghệ biết làm việc, chăm chỉ làm việc, cho ra kết quả hiệu năng vô cùng tốt. Những robots vô ngã này không biết đau khổ, không biết khoái lạc hay mộng mơ vì chúng chỉ là một sự vật vật lý. Chỉ có con người mới là những robot hữu ngã toàn hảo của thượng đế.
Thưa, tác giả tôi không phải là người của khoa học, cũng rất mù mờ về mọi thứ « puissance » phát minh sáng tạo hiện đại.
Tự thân chỉ đi mò mẫm tìm hiểu trong tiền ngũ thức và ý thức về phật pháp để tự trấn an phần nào trước cơn bão lốc AI của thời đại.
Mùa Vu Lan 2024
Chúc Thanh
Gửi ý kiến của bạn