Sau cuộc bầu cử tổng thống, FBI và cảnh sát ở nhiều bang trên khắp Hoa Kỳ đang ráo riết điều tra một làn sóng tin nhắn và email đầy thù ghét nhằm vào các nhóm thiểu số. Những tin nhắn này được gửi ẩn danh với số lượng có thể lên tới 500,000 tin, mang nội dung đa dạng nhưng đều chứa thông điệp đe dọa đáng sợ. Một số tin nhắn gọi người nhận là “được chọn làm nô lệ” và ra lệnh cho họ đến đồn điền hái bông. Những tin khác đe dọa rằng họ sẽ bị bắt đưa đi trục xuất hoặc chuyển đến các trại cải tạo.
Các tin nhắn này không nêu rõ chi tiết về thời gian, địa điểm, hay cách thức thực hiện lời đe dọa. Một số tin nhắn gọi đích danh người nhận, trong khi nhiều tin khác lại không chứa bất kỳ thông tin cá nhân nào của người nhận. Nhìn chung, các nhóm có vẻ bị nhắm tới là người gốc da đen, di dân nhập cư, và cộng đồng LGBTQ. Tuy nhiên, cũng có thể những tin nhắn này được gửi ngẫu nhiên đến mọi người.
Các chuyên gia công nghệ thông tin tin rằng thủ phạm sẽ sớm bị lôi ra ánh sáng, nhưng vấn đề cần quan tâm hơn là liệu những kẻ này có thể bị truy tố hay không. Theo Daniel Hall, giáo sư Khoa học Chính trị, Tư pháp và Nghiên cứu Cộng đồng, từ Đại học Miami, việc truy tố những kẻ này không hề dễ dàng. Tu chính án Thứ nhất (First Amendment) của Hiến pháp Hoa Kỳ thường bảo vệ quyền tự do ngôn luận, kể cả khi đó là những lời lẽ cay nghiệt, độc mồm độc miệng.
Sức mạnh của tự do ngôn luận
Tối Cao Pháp Viện (TCPV) đã nhiều lần khẳng định rằng ngôn luận không thể bị trừng phạt chỉ vì nó gây khó chịu hoặc được cho là mang tính xúc phạm. Trong vụ kiện Texas v. Johnson năm 1989, liên quan đến việc đốt quốc kỳ Hoa Kỳ, các thẩm phán phán quyết rằng: “Nếu lấy một nguyên tắc làm nền tảng cho Tu chính án Thứ nhất, thì đó chính là việc chính phủ không được phép cấm đoán việc thể hiện một ý tưởng chỉ vì xã hội không đồng tình hoặc cảm thấy ý tưởng đó xúc phạm.”
Phán quyết này được củng cố thêm trong vụ kiện Snyder v. Phelps năm 2010, khi những người biểu tình chống LGBTQ cầm biểu ngữ sặc mùi sân hận tại tang lễ của những quân nhân đã hy sinh. Dù vậy, tòa án vẫn bảo vệ quyền tự do ngôn luận và nhấn mạnh rằng: “Lời nói có sức mạnh, có thể thúc đẩy hành động, mang đến niềm vui hoặc gieo rắc đau buồn. Nhưng dù có gây tổn thương thế nào, như trong trường hợp này, chúng ta không thể phản ứng với nỗi đau đó bằng cách trừng phạt người nói. Bởi vì Hoa Kỳ, quốc gia của chúng ta, đã chọn con đường khác với điều đó – bảo vệ tự do ngôn luận, dù đó là những lời nói gây tổn thương.”
Ranh giới của tự do ngôn luận
TCPV luôn thận trọng khi xác định những ngoại lệ cho quyền tự do ngôn luận, vì quyền này có ý nghĩa sống còn đối với nền dân chủ và quyền tự do cá nhân. Dù vậy, trong một số tình huống, một số loại ngôn luận có thể bị coi là bất hợp pháp.
Một trong những ngoại lệ này là khái niệm “mối đe dọa thực sự”. Trong vụ kiện Counterman v. Colorado năm 2023, TCPV phán quyết rằng một lời nói có thể được coi là “mối đe dọa thực sự” nếu người nói vừa có biểu hiện muốn thực hiện hành vi bạo lực, vừa cố tình phớt lờ “nguy cơ rằng thông điệp của họ sẽ bị coi là đe dọa bạo lực.”
Thí dụ, trong vụ kiện Counterman v. Colorado, một người liên tục gửi các tin nhắn đe dọa sẽ giết hoặc làm hại người yêu cũ. Đây được xem là một mối đe dọa thực sự bởi người gửi không chỉ thể hiện ý định bạo lực mà còn cố tình phớt lờ hậu quả mà các tin nhắn của mình có thể gây ra.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn này còn mới và chưa được áp dụng rộng rãi, nên rất khó dự đoán cách các tòa án sẽ giải quyết những trường hợp tương tự. Chẳng hạn như một tin nhắn nói rằng người nhận “được chọn làm nô lệ” có thể không phù hợp tiêu chuẩn từ vụ Counterman. Tình trạng “nô lệ” đã không còn tồn tại hơn 150 năm, khiến lời đe dọa lao động cưỡng bức thiếu tính khả thi. Thêm vào đó, sự ẩn danh của người gửi càng làm giảm đi tính nghiêm trọng của mối đe dọa. Vì được gửi hàng loạt và không có thông tin cá nhân hóa, các tin nhắn có thể sẽ được xem như thư rác hoặc trò trêu ghẹo thay vì một mối đe dọa nghiêm trọng.
Ngoài ra, TCPV cũng công nhận một số ngoại lệ khác như: những lời lẽ xúi giục người khác phạm tội hoặc “những lời lẽ khiêu khích, gây hấn” (fighting words), kiếm chuyện trực tiếp. Tuy nhiên, những tin nhắn tháng 11 không thuộc bất kỳ ngoại lệ nào. Chúng không có mục đích kêu gọi hành động bạo lực, không chứa những từ ngữ có thể gây ra phản ứng bạo lực. Ngoài ra, chúng cũng không phải là “ngôn từ gây hấn, kiếm chuyện” vì không được nói trong tình huống giao tiếp trực tiếp.
Câu hỏi đặt ra là: những tin nhắn này có vi phạm pháp luật không, và nếu có thì cụ thể là luật nào?
Nhiều viên chức thực thi pháp luật đã bày tỏ sự phẫn nộ và cam kết sẽ điều tra, nhưng chưa chỉ rõ là luật nào bị vi phạm. Chỉ có Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Ohio Dave Yost trực tiếp đề cập đến việc các tin nhắn thù ghét có thể bị xem là phạm pháp. Yost đã lên tiếng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào ngày 7 tháng 11, khi ông bắt đầu mở cuộc điều tra về các tin nhắn thù ghét mà một số người dân Ohio đã nhận được. Ông khẳng định: “Không ai có quyền Tu chính án thứ nhất đối với điện thoại của người khác, và tự do ngôn luận không bảo vệ hành vi quấy rối qua điện thoại.”
Yost có thể đang nói đến một luật của Ohio được ban hành năm 2011, trong đó quy định các hành vi sử dụng công nghệ viễn thông để gửi những nội dung mang tính “hăm he, đe nẹt, dọa dẫm, cưỡng ép hoặc tục tĩu với ý đồ lạm dụng, hăm dọa hay quấy rối người nhận.”
Tuy nhiên, giữa luật quấy rối qua điện thoại và Tu chính án Thứ nhất vẫn chưa được phân biệt, xác định rõ ràng. Luật pháp thay đổi tùy theo từng bang, nhưng quấy rối hoặc rình mò (stalking) bất hợp pháp thường liên quan đến các hành động cụ thể như như việc liên tục đến nhà hoặc nơi làm việc của ai đó mà họ không muốn. Hoặc nếu ai đó liên tục rình mò, theo dõi người khác với mục đích khiến họ sợ hãi hoặc bị tổn thương tinh thần, đó cũng được xem là quấy rối.
Vậy liệu việc gửi tin nhắn hoặc email có thể được coi là “hành vi” thay vì “ngôn luận” hay không? Vấn đề pháp lý này chưa có phương thức giải quyết rõ ràng. Và khi luật pháp còn mơ hồ, các chiến lược pháp lý mới có thể sẽ tạo ra tiền lệ pháp lý mới.
Nếu tòa án quyết định rằng việc gửi những tin nhắn thù hận trong tháng 11 là “hành vi” quấy rối, chứ không phải “ngôn luận” được bảo vệ theo Tu chính án Thứ nhất, thì các luật chống quấy rối có thể được sử dụng để truy tố thủ phạm.
Tự hành động
Không dùng đến luật hình sự thì người dân cũng sẽ không phải “bó tay” trước những thông điệp xấu xa như vậy. Các hãng viễn thông có quyền chặn tin nhắn hoặc cuộc gọi, cả trước khi khách hàng nhận được lẫn sau khi khách hàng yêu cầu. Sau làn sóng tin nhắn thù ghét vào tháng 11, nhiều công ty đã chặn tài khoản của những người gửi các tin nhắn này.
Nếu đã bị chặn rồi mà vẫn tiếp tục gửi những tin nhắn tương tự, hành vi đó có thể được xem là quấy rối. Trong trường hợp này, tòa án có thể quyết định đây là hành vi không được bảo vệ bởi Tu chính án Thứ nhất.
Tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ được bảo vệ rất rộng, là để giúp người dân có thể thoải mái, cởi mở khi nói về chính trị, pháp luật và các vấn đề xã hội, kể cả khi những cuộc thảo luận này có thể gây tranh cãi. Các tin nhắn thù ghét sau bầu cử có thể chưa vượt qua giới hạn của quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng đã ở gần sát ranh giới đó.
Nhà văn H.L. Mencken từng nói: “Cái khó của việc đấu tranh bảo vệ quyền tự do là ta thường phải bảo vệ luôn những kẻ vô lại. Bởi lẽ, mục tiêu đầu tiên mà các luật lệ hà khắc, áp bức nhắm đến chính là những kẻ vô lại; nhưng nếu muốn ngăn chặn sự áp bức, thì cần phải ngăn chặn ngay từ đầu.”
Khánh Ân biên dịch
Nguồn: “Threatening texts targeting minorities after election were vile − but they might not be illegal” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn