Hôm nay,  

Đất Cãi, Kẻ Sĩ và Nhà Chính Trị

10/12/202422:59:00(Xem: 1460)

cãi
"Hay cãi" trong chuyện nước non thế sự, người Quảng thể hiện những thiên hướng chính trị và đất Quảng là đất của những người say mê chính trị. Tuy vậy, hiếm có người Quảng nào thành công thật chói chang về chính trị. Ảnh: Minh họa được tạo bằng công cụ DALL·E của OpenAI."

 

 

Từng được xem là người Quảng Nam xôm tụ nhất về chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc bây giờ lặng lẽ, hẩm hiu và có lúc, thậm chí, cứ thấp thỏm thân cá phơi ngang mặt thớt theo những tin đồn, ngay giữa một “siêu cường quốc tin đồn”. [1] Ông ta, nói không ngoa, trông chẳng khác một tô mì Quảng chẳng ai buồn động đũa bởi sự dở dang, chưa là phở mà cũng đã hết là mì, lại bốc cả mùi.

 

Nhưng sao lại mang mì ra so cựu chủ tịch? Tôi xin bắt sang chuyện khác, của ông Phan Lạc Phúc, nguyên là Chủ bút tờ Tiền Tuyến của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), được nghe kể cách đây gần một phần tư thế kỷ, ngay lần đầu gặp mặt. Cùng là khách mời, nghe chủ tiệc giới thiệu rồi nghe giọng Quảng Nam của tôi, ông vồn vã bắt chuyện, kể vanh vách một loạt bạnxứ Quảng như nhà thơ Tường Linh, vốn là thuộc cấp v.v. nhưng, gây ấn tượng mạnh nhất, lại là người mà ông chỉ nghe… cãi một lần, ông Lê Đình Duyên.

 

Ông Duyên là con trai Bác sĩ Lê Đình Thám, một trong những nhân vật hàng đầu của Phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1940, cũng là em trai nhà cách mạng Lê Đình Dương. Thời thế đẩy đưa, Bác sĩ Thám tập kết ra Bắc nhưng ông Duyên ở lại, trở thành một nhân vật chủ chốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) ở Quảng Nam, sau trở thành Thượng nghị sĩ Quốc hội VNCH.

 

Chuyện diễn ra vào giữa thập niên 1950 khi VNQDĐ Quảng Nam, vì bất mãn với chính phủ Ngô Đình Diệm, lên núi lập chiến khu để rồi, sau một thời gian, bắt tay hòa giải và ông Phúc là sĩ quan trong đơn vị giám sát cuộc trở về của nhóm ly khai do ông Duyên cầm đầu tại La Tháp. Khi nguyên tỉnh trưởng Hồ Ngận tuyên bố tiếp nhận lực lượng VNQDĐ “trở về quy thuận với chính phủ”, ông Duyên sang sảng cắt ngang, lớn giọng đòi hỏi ông Ngận rút lời: “Chúng tôi trở về để hợp tác với chính phủ, nếu chính phủ xem chúng tôi là những thành phần quy thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục lên núi chiến đấu.”

 

Phản ứng gay gắt đó đã khiến viên tỉnh trưởng xin lỗi và, khi kể lại chuyện này, ông Phúc tỏ ý thán phục “tiết tháo” của ông Duyên, tấm tắc là “lẫm liệt lắm, anh hùng lắm”. Mà không chỉ một lần. Kể từ đó, trong vòng hơn hai mươi năm, tôi có dịp gặp ông mấy lần nữa và, lần nào cũng vậy, cứ nghe giọng nói của tôi sau mấy phép tắc xã giao là ông nhắc lại chuyện cũ mà quên là đã kể qua rồi.

 

Ấn tượng tạo ra phải cực kỳ mạnh nên ông Phúc mới thán phục suốt cả phần đời còn lại, cứ gặp một người Quảng là tấm tắc “lẫm liệt lắm, anh hùng lắm” về người Quảng mà ông chỉ mới nghe cãi một lần, cái tính cách mà, trước đây, tôi đã từng bàn đến trong “Mì Quảng không biết cãi”:

 

"Hay cãi" trong chuyện nước non thế sự, người Quảng thể hiện những thiên hướng chính trị và đất Quảng là đất của những người say mê chính trị. Tuy vậy, hiếm có người Quảng nào thành công thật chói chang về chính trị. Có thành công, cái sự thành công hiểu ở những dấu ấn hay di sản để lại trong lịch sử, họ cũng chỉ thành công như những nhà cách mạng, những chiến sĩ đấu tranh, những kẻ nhập cuộc chỉ để "thành nhân". Trong vai trò của những nhà chính trị chuyên nghiệp, nếu không thất bại thì, thường, họ cũng lâm vào cái cảnh lấn cấn, dở dang.

 

Thực vậy. Nếu cách mạng ngụ ý một vận động thay đổi tận gốc rễ thì chính trị lại ngụ ý một trò chơi thoả hiệp. Như những kẻ đi làm cách mạng, những người thẳng thắn đứng lên để chất vấn, để "cãi" cho đến rốt ráo tận cùng về những giá trị gốc rễ của nền tảng chính trị đương thời, ít ra họ cũng để lại những dấu ấn đậm nét nào đó trong lịch sử. Như những thế hệ đã đấu tranh để "duy tân", "duy tân" từ đầu tóc, vạt áo cho đến những vần chữ mới, chẳng hạn. Như một Phan Châu Trinh với những ý tưởng về dân quyền, một ý niệm hoàn toàn mới trong một xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, chẳng hạn. Nhưng khi băng mình vào một trò chơi chính trị thì kẻ nhập cuộc nào cũng đã một khế ước thoả hiệp với những giá trị nền tảng của thể chế chính trị đương thời, có đấu tranh để thay đổi, họ chỉ hướng tới những thay đổi lông bông tiểu tiết ở cấu trúc thượng tầng thế thôi.” [2]

 

Đâu đó, ông Duyên còn được nhắc tên trong tài liệu “tố cáo tội ác” mà tôi không có điều kiện kiểm chứng nhưng vấn đề chính ở đây là ấn tượng tạo ra từ một lần cãi. Nếu thỏa hiệp thì, giữa lúc đang mệt nhọc rút quân từ trên núi về, ông ta đã không làm ầm lên với chuyện chữ nghĩa nhưng có vậy thì ông Phúc mới thán phục đến hết đời người. Mà, xem lại những người Quảng thì, càng tiến xa trong chính trị, họ càng ít cãi và, do đó, càng khiến chúng ta kiệm ước câu “lẫm liệt, anh hùng” hơn.

 

Như ông Võ Chí Công, người Quảng Nam đầu tiên làm chủ tịch nước. Trong góc độ lịch sử thì thành công của một nhà chính trị không nhất thiết là quyền lực đạt đến mà, quan trọng hơn, là những cải cách đã tiến hành, những khác biệt đã tạo ra, những cảm hứng đã gợi nên, những niềm tin đã xây dựng và những di sản để lại mà, trên khía cạnh này, ông ta là người… vô sản. Không tự đưa ra một chính sách nào, ông ta, theo một nhà quan sát nước ngoài, chỉ là một “nhân vật nhạt nhòa” bởi cả cuộc đời chỉ biết cắm đầu “thực hiện chính sách do người khác định đoạt.” [3]. Ông, thậm chí -- trong vai trò Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nông nghiệp kiêm Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam từ năm 1976 -- còn trực tiếp gây ra tình trạng đói nghèo cho cả dân tộc, một thời. Ông Công này, do đó, đã không… Quảng Nam bằng đảng viên dưới cơ ở miền Nam, những người đã dám… cãi, dám trì hoãn cái đường lối mang lại đói nghèo để tạo ra sự khác biệt.

 

Thời trẻ ông làm cách mạng, hết trẻ thì cầm quyền. Mà để thành công trong trò chơi quyền bính thì phải bè đảng, phải thỏa hiệp và, có khi, phải thay trắng thành đen, như có thể thấy trong vụ “Năm Châu - Sáu Sứ”. Đó là âm mưu vu khống Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà tội đảo chính để có cớ hạ bệ, tống giam mà, trong Bên Thắng Cuộc II, Quyền Bính, nhà báo Huy Đức đã kể rất rõ qua câu chuyện của ông Võ Viết Thanh, người đã, trong vai trò Thứ trưởng Nội Vụ, bí mật bắt giam Sáu Sứ và làm rõ trắng đen:


 

‘Theo ông Võ Viết Thanh, ngày 23-6-1991, khi đại biểu đã được triệu tập về Hà Nội: “Trước phiên họp cuối cùng của Hội nghị trù bị, Hồng Hà, Chánh Văn phòng Trung ương đưa tôi miếng giấy, ghi: ‘Đề nghị đồng chí Võ Viết Thanh đến giờ giải lao ra gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư có việc riêng’. Tôi tới phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng chí hai nội dung. Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị: Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khoá VII”.

 

Ông Võ Viết Thanh nói: “Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi thì tôi không còn kiềm chế được. Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khoá, rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố nuốt cơn tức giận”. Cho dù giữ mình để bảo vệ Đại hội, tương lai chính trị của ông Thanh đã coi như khép lại. Ông Võ Viết Thanh nói: “Nếu tôi cứ nghe lời khuyên, kết luận giống như bản báo cáo của Nguyễn Đức Tâm, thì tôi sẽ được thăng chức, đề bạt nhưng rồi tôi lại phải dấn vào bước thứ hai là ra lệnh bắt oan tướng Trà và tướng Giáp. Làm thế, thì lương tâm sẽ giết dần, giết mòn tôi”. [4]

 

Đành rằng chính trị là thủ đoạn nhưng nếu bọn đạo tặc cũng có tiết nghĩa của mình thì, trong câu chuyện này, ông ta cũng hoàn toàn… vô sản. Không vu khống được hai đồng chí ngang ngửa hay trên cơ mình thì trả thù, bằng cách vu cáo cha mẹ của kẻ đàn em phá bĩnh dưới cơ. Sống thế thì, khoan nói đến câu “lẫm liệt, anh hùng”. Chỉ chữ “thành nhân” thôi, cũng thấy sao mà khó!

 

Đến một Nguyễn Xuân Phúc dở dang. Được Nguyễn Tấn Dũng đưa từ Quảng Nam về Hà Nội làm cánh tay mặt cho mình, ông Phúc đã bắt tay với Nguyễn Phú Trọng để lật Dũng. Đồng ý là trong chính trị không có sự trung thành vĩnh viễn nhưng ít ra cũng phải có một một lằn ranh đỏ nào đó cho “đạo đức chính trị” chứ? Tệ hơn, trong những cáo buộc tham nhũng, ông ta còn vượt qua lằn ranh đỏ nhất khi xem tình trạng khẩn cấp của quốc gia, trong đại dịch, như là cơ hội làm tiền, bất chấp ý kiến của giới chuyên môn. Đây thực sự là một tội ác tày trời, không bị nguyền rủa đời đời là may, đừng nói tới câu “lẫm liệt, anh hùng”.

 

Rồi Nguyễn Bá Thanh, viên bí thư inh ỏi của Đà Nẵng, thành phố có vị trí đặc biệt nhất trong lịch sử: có đánh chiếm Việt Nam, Pháp cũng tấn công Đà Nẵng trước mà có đổ quân vào Việt Nam, Mỹ cũng đổ vào Đà Nẵng trước. Vậy mà bao nhiêu vị trí phòng thủ trọng yếu của thành phố, gần như, bị ông ta bán sạch cho Trung Quốc rồi rộng rãi “phóng tài hóa mãi nhân tâm” với những nước bài chính trị dân túy và, từ đó, gần như trở thành một “huyền thoại sống”. Ông ta được Nguyễn Phú Trọng chú ý, đưa ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội Chính nhằm đối phó với Nguyễn Tấn Dũng. Xem như là đầu gà trở thành đuôi trâu thế nhưng, chưa gì, mới sắp thành đuôi trâu thôi, ông ta đã hống hách như đã là... đầu trâu, đe dọa sẽ “hốt hết” và cười cợt những đối thủ là “đang run”. [5]

 

Ông ta, do đó, đã tréo ngoe như thể vai chính của tuồng chèo mà lại sang sảng “Như ta đây là…”. Chèo là của đất Bắc và những tuồng chèo, chủ yếu, xoay quanh chuyện thế thái nhân tình với những mưu toan hãm hại trong bóng tối còn ông ta, mới chuẩn bị băng vào cuộc chiến thâm cung, bao nhiêu ý đồ trong đầu đã tuôn ra hết bấy nhiêu như trên tuồng hát bội. Nhưng hát bội, như là sản phẩm của đất Quảng Nam - Bình Định thời khai phá với bao nhiêu thách thức trước mặt cần phải hợp quần, cần phải xoáy sâu vào đề tài tiết nghĩa - anh hùng để chường mặt ra đối phó, cái kiếu trình diễn mạnh bạo nơi trận tiền này không hề phù hợp với tuồng tích của những âm mưu toan ám hại nhau giữa chốn hậu trường.

 

Nhưng trong trò chơi tham nhũng đó thì ông ta đâu hề vô nhiễm mà đối thủ của ông ta cũng đâu phải là hạng học trò? Nên khán giả không phải chờ lâu. Chỉ mới múa may bộ điệu đâu một tuần thì ông ta bị… phản đòn, với quyết định thanh tra của chính phủ vì đã làm cho ngân sách “thất thu hơn 3400 tỷ đồng”. [6]

 

Làm chính trị mà như quảng cáo gánh hát, bao nhiêu trò hay phô ra hết bấy nhiêu, ông ta có thua trắng trong trò chơi quyền bính cũng là điều dễ hiểu. Ông ta chỉ là nhà chính trị địa phương với cốt cách cường hào chứ chưa hề thể hiện phong thái của một chính khách quốc gia. Cứ xem cái lối ông ta nói chuyện với các đảng viên dưới quyền, qua các video clip phổ biến lan tràn trên internet, có khác nào cốt cách của một viên lý trưởng giữa đình? Mà để cân xứng với chính trị, ông ta còn thể hiện tầm mức trọc phú về văn hóa qua cây “Cầu Rồng” lòe loẹt và đồng bóng ở thành phố lớn nhất miền Trung. [7]

 

Ba nhân vật Quảng Nam từng xôm tụ trên chính trường quốc gia, xem ra, đã bị … hỏng cả ba. Làm chính trị thì phải biết nhượng bộ nhưng không được bán rẻ mình mà ở đây thì họ bán, vì quyền lực, vì tiền, thậm chí là thứ tiền tanh mùi máu. Còn như cứng rắn, không thỏa hiệp, thì chỉ là một thứ “đặc sản” địa phương, hãnh tiến và ngạo mạn, rặt giọng cường hào.

 

 

Nhìn lại lịch sử thì có lóe sáng trên tầm cỡ quốc gia, những con người đất Quảng bao giờ cũng sáng lên như những con người tiết tháo và danh dự mà thế đứng luôn nằm về phía vận nước, lẽ phải và, người yếu thế bị cường quyền chà đạp. Những Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Lê Đình Dương, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Phan Khôi v.v. và, gần với chúng ta hơn cả, là Nguyên Ngọc. Nhà văn này đã chứng tỏ tiết tháo khi nỗ lực vận động đổi mới văn học vào năm 1979 bị thế lực bảo thủ đè bẹp và, suốt một thập niên qua, còn kiên trì đối đầu với những áp lực nặng nề cũng với khát khao đổi mới văn học để, từ đó, đổi mới đất nước và con người, qua Văn Đoàn Độc Lập. [8]

 

Sừng sững trong những cái tên đó là Phan Châu Trinh, nhà cách mạng với một nhân cách vĩ đại mà sự ra đi vào năm 1926, dẫu bị cấm đoán và đàn áp, đã tự động trở thành quốc tang, gây ảnh hưởng cả một thế hệ. Nếu chọn đúng con đường chấn hưng dân khí - dân trí mà ông đã vạch thay vì chém giết nhau bằng khẩu hiệu bạo lực từ nước ngoài, đất nước chúng ta ngày nay đã khác: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.

 

Thì “học” nhưng, thật đau đớn, với thực trạng hiện tại thì để có một sự học tử tế, khả dĩ giúp đất nước khá hơn, còn phải thực hiện một cuộc cách mạng khác, riêng cho giáo dục. Nghĩa là, càng nhìn vào thực trạng đất nước trên mọi mặt, càng thấy cái giá cực kỳ đắt mà dân tộc phải trả cho cái cuộc cách mạng mà Phan Châu Trinh đã cảnh cáo từ đầu.

Nguyễn Hoàng Văn

Tài liệu tham khảo:

 Có một dạo dồn dập tin đồn “Nguyễn Xuân Phúc sắp bị bắt. Về siêu cường quốc tin đồn xem:

https://vanviet.info/van-de-hom-nay/siu-cuong-quoc-tin-don/

 1. https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=491
2. … a colourless figure, who spent his life following policies determined by others.”, The Times, Nov 15th, 2011

https://www.thetimes.com/article/vo-chi-cong-t98ft0pgtbh

 

 

  1. Theo tố cáo thì Võ Nguyên Giáp muốn đảo chính để lên làm chủ tịch nước rồi tổng bí thư, đưa Trần Văn Trà lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Võ Viết Thanh đã bí mật bắt giam Nguyễn Thị Sứ (Sáu Sứ) và bà này đã khai ra hết!

Huy Đức (2012), Bên Thắng Cuộc Tập II. Quyền Bính, nhà xuất bản OSINBOOK, tr. 134-178

  1. https://www.phs.vn/tin-tuc/truong-ban-noi-chinh-tu-tuyen-bo-se-bat-ngay-can-bo-ngan-hang-tu-loi/248120
  2. https://www.nguoiduatin.vn/dieu-tra-vu-that-thu-hon-3400-ty-dong-o-da-nang-20465582.htm
  3. https://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=7
  4. https://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2180&rb=0102

 

và:

 

https://vanviet.info/so-dac-biet/so-dac-biet-10-nam-van-viet-van-viet-phong-van-nh-van-nguyn-ngoc-ve-ban-van-dong-thnh-lap-van-don-doc-lap-viet-nam/

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
19/01/202521:08:00
Khoảng 4:00 giờ chiều, tuyết rơi mịt mù. Cơn mưa trước đó vẫn không làm cho những bông tuyết to rơi với tốc độ nhanh kịp tan vào đất. Giao thông ở trung tâm DC gần như hỗn loạn. Đèn giao thông bất khả dụng ở những ngã tư đường. Thỉnh thoảng, tiếng còi xe công vụ lại hú inh ỏi. Xe cảnh sát, xe quân đội dọc hai bên đường Danh sách các tuyến đường bị chặn có lẽ nhiều nhất trong lịch sử ngày đăng quang tổng thống mới.
19/01/202512:58:00
Peter Brian Hegseth là người dẫn chương trình truyền hình Fox News, tác giả và cựu sĩ quan Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia, một người sùng ái Nazi. Tổng Thống đắc cử Donald Trump tuyên bố vào ngày 12-11-2024 rằng Hegseth sẽ là người được ông đề cử làm bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ trong nội các thứ hai của ông.
17/01/202516:15:00
Vào đầu tuần này, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã cho phổ biến báo cáo của cựu Công Tố Viên Đặc Biệt Jack Smith dài 137 trang về những nỗ lực của Tổng Thống đắc cử Donald Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử 2000. Báo cáo giải thích rằng vì Trump thắng trong cuộc bầu cử 2024, các công tố viên buộc phải bãi bỏ các vụ án liên bang chống lại ông ta. Tuy nhiên báo cáo kết luận rằng công tố viên có đầy đủ bằng chứng để bị kết tội Trump nếu ông bị đưa ra tòa về nỗ lực bám lấy quyền lực thất bại của ông vào năm 2020. Báo cáo của văn phòng công tố viên đặc biệt cũng giải thích tại sao Trump lại thoát hiểm. Có bốn lý do chính.
11/01/202509:59:00
Nhà sư Minh Tuệ đã hành giả trên con đường của riêng ông suốt sáu năm qua từ Nam chí Bắc và ngược lại. Trời đất là nhà. Giác ngộ là sự sống. Trang phục “Tam Y Nhất Bát,” nhục thể gầy gò, đen sạm, đôi chân trần mạnh mẽ, dứt khoát, cách nói chuyện đơn giản, cởi mở với nụ cười trên gương mặt đen sạm, một ngày một bữa,…, ông đã chọn tu học theo hạnh đầu đà. Sáu năm đó, không ai biết đến ông. Rồi “Hiện tượng Minh Tuệ” nổi lên, dù là vô tình hay từ một lý do nào đó được sắp đặt sẵn trong một “cơ đồ Phật Giáo đã mục, có thể sập” (*) , thì cũng là kiếp nạn của ông. Không trách được chúng sinh bởi họ quá khao khát một hình ảnh chân tu, như những cái cây, ngọn cỏ thèm khát ánh nắng để được vươn thẳng sinh tồn. Rồi khi họ gặp được, cả một rừng cây đang oằn mình chết khô bỗng rào rạt trỗi dậy, ngả về hướng của ánh sáng vị lai.
08/01/202512:15:00
Trong buổi họp báo vào ngày 7/1/2025 tại Mar-a-Lago, Tổng Thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ rất cần đảo Greenland vì lý do an ninh, để bảo vệ thế giới tự do. Trump từ chối loại trừ việc sử dụng lực lượng quân sự hoặc kinh tế để chiếm lãnh thổ từ Đan Mạch, một đồng minh của Hoa Kỳ. Ông cũng đe dọa áp đặt thuế quan đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối.
07/01/202509:30:00
Sáng Thứ Hai 6/1/2025, Quốc Hội khóa 119 nhóm họp ngày đầu tiên, chính thức chứng nhận Donald Trump là tổng thống 47 của Hoa Kỳ. Phó Tổng Thống Kamala Harris chủ trì công bố kết quả kiểm phiếu đại cử tri, thực hiện nghi thức tuyên bố Trump là người chính thức, bước cuối cùng của thủ tục chuyển giao quyền lực. Từ khuya Chủ Nhật, bão tuyết đã rơi phủ trắng xóa vùng DMV (Hoa Thịnh Đốn – Maryland – Virginia), kéo dài suốt một ngày sau đó, chôn vùi niềm hy vọng cuối cùng của những người dân còn le lói niềm tin vào một “điều gì đó” sẽ xảy ra vào ngày 6/1/2025. Đó là nhóm người trên trang Reddit, Bluesky tin rằng “They are doing somthing, that we don’t know.” Sáng Thứ Hai, Thượng Nghị Sĩ Adam Schiff (California) viết trên Twitter: “Hôm nay, sẽ không có cảnh sát nào bị những kẻ bạo loạn dùng bình xịt hơi cay hoặc bị giẫm đạp ngay tại cửa ra vào của nơi chốn linh thiêng này, không văn phòng nào bị phá hoại hay cửa sổ nào bị những kẻ nổi loạn đập vỡ..."
02/01/202508:09:00
Bài này sẽ nói về vai trò của người cư sĩ với nhiệm vụ nên học nhiều về Kinh điển, nên hiểu Phật pháp cho thâm sâu, nên tu tinh tấn để làm gương cho người đời thường, và nên sống đơn giản nhằm thích nghi với mọi hoàn cảnh cần để hoằng pháp.
31/12/202414:29:00
Giữa hai lý tưởng đấu tranh, cho “quyền làm người” và cho “quyền làm người tốt”, cái nào cao quý hơn cái nào? Nhân loại hãy còn dang dở với “nhân quyền” vậy mà đất nước chúng ta lại hách lên với “hảo nhân quyền” mà, thoạt nhìn, không rõ là một lý tưởng mới hay chỉ là trò miệng lưỡi do những rắc rối từ việc sử dụng “hiền tài” của Hội Nhà Văn? Trong khi “tài” thì vẫn chưa chắc mà “hiền” lại gây ra bao nhiêu là phản ứng dữ dội, những tiếng kêu cứu thống thiết với những cáo buộc xác đáng và khả tín, người chịu trách nhiệm cao nhất lại gồng mình lên rằng con người, dẫu có... “phản hiền” đến đâu đi nữa, cũng phải được để yên với “quyền làm người tốt.
27/12/202400:00:00
Việt Nam đã né được phát súng đầu tiên khi tổng thống đắc cử Donald Trump chĩa mùi dùi thuế quan vào Trung Quốc, Mexico và Canada. Nhưng chỉ một tuần lễ sau đó Việt Nam lại rơi vào tầm đạn khi Eric Trump – con trai và cận thần của ông Trump - tuyên bố Việt Nam đã “móc túi” (ripped off) nước Mỹ. Tưởng cũng nên nhắc lại tập đoàn Trump Organization ký kết nhiều dự án xây cất khách sạn và sân golf ở Âu Châu, Ấn Độ và Việt Nam (ngay trong tỉnh Hưng Yên của tổng Tô Lâm). Để tránh tai tiếng lợi dụng quyền thế chính trị cho lợi lộc dòng họ nên Eric Trump tuyên bố các nước đừng hòng mua chuộc ông ta để được ưu đãi với chính quyền Trump [2] - tuy nói dậy mà không biết có như dậy hay không phải dậy thật là khó hiểu.
20/12/202400:00:00
Liệu một hành vi độc ác như siết cổ đứa trẻ sơ sinh đến chết có hàm chứa những ý nghĩa cứu độ hay, thậm chí, “Phật tính” nào đó? Tôi thoáng nghĩ đến điều này khi Bashar al-Assad, nhà độc tài hết thời của Syria, đào tẩu đến Nga để làm phiền một Vladimir Putin đang cực kỳ phiền não. “Ốc chẳng mang nổi mình ốc”, kiệt quệ, mỏi mệt, phải dè dặt xử nhũn với Trung Quốc rồi hạ mình cầu cứu cựu đàn em Bắc Hàn mà bây giờ còn gánh thêm Bashar, ông Putin này đang thực sư đưa lưng ra “làm cọc cho rêu”. Mà cả kẻ từng ngồi chồm hổm trên đầu dân tộc Syria. Phải chạy đến bám vào cái lưng khòm rệu rã của ông chủ nhà không biết còn trụ được bao lâu nữa, kẻ hết thời này hẳn rất khổ tâm, rất nhục nhưng ông ta biết làm gì hơn?
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.