Hôm nay,  

Liệu Chúng Ta Có Thường Xuyên Nói Dối? Những Yếu Tố Nào Ảnh Hưởng Đến Việc Nói Dối?

10/11/202300:00:00(Xem: 3117)

noi doi

Thực tế thì mọi người hiếm khi nói dối, ngoại trừ trường hợp một số ít người nói dối khá thường xuyên. (Nguồn: pixabay.com)

 
Những vụ tai tiếng liên quan đến dối trá xuất hiện nhan nhản trên các trang tin tức dạo gần đây. Hunter Biden bị buộc tội khai man khi mua súng. Dân biểu Đảng Cộng Hòa George Santos bị cáo buộc đã dối trá đủ điều, bao gồm cả việc lừa các nhà tài trợ thông qua bên thứ ba, để lạm dụng số tiền quyên góp được. Rapper Offset thừa nhận đã ‘xạo sự’ trên Instagram về việc vợ mình, Cardi B, không chung thủy.
 
Có một số yếu tố để phân biệt những trường hợp này, một là đối tượng:  như quan chức chính quyền, một số nhà tài trợ cụ thể, và hàng triệu người theo dõi trực tuyến. Yếu tố khác là phương tiện được sử dụng để truyền tải lời nói dối: đơn từ, tờ khai, hay thông qua trung gian và qua mạng xã hội.
 
Những khác biệt đó đặt ra một số câu hỏi: yếu tố nào ảnh hưởng đến việc nói dối? Mối quan hệ cá nhân có làm tăng hay giảm khả năng nói đúng sự thật không? Những lời nói dối qua tin nhắn hay email có phổ biến hơn trên điện thoại hay gặp mặt trực tiếp không?
 
Một nghiên cứu mới sẽ trả lời những câu hỏi này với một số phát hiện khá bất ngờ. Chúng cũng chứa đựng những bài học – về những lĩnh vực trong cuộc sống mà người ta có khuynh hướng nói dối nhiều hơn, cũng như về những lĩnh vực cần thận trọng khi tin tưởng vào những gì người khác nói.
 
Tìm hiểu về tần suất nói dối
 
Hầu hết các nghiên cứu về việc nói dối đều yêu cầu người tham gia tự báo cáo hành vi nói dối của mình, chẳng hạn như trong ngày hoặc trong tuần qua. (Liệu ta có thể tin tưởng những kẻ nói dối khai thật về việc nói dối hay không lại là một câu hỏi khác.)
 
Nghiên cứu điển hình về tần suất nói dối được thực hiện bởi nhà tâm lý học Bella DePaulo vào giữa những năm 1990, tập trung vào các tương tác trực tiếp (mặt đối mặt), được thực hiện trên một nhóm sinh viên và một nhóm tình nguyện viên từ cộng đồng xung quanh trường đại học University of Virginia. Các thành viên trong nhóm tình nguyện cho biết họ nói dối trung bình một lần mỗi ngày, còn các sinh viên nói rằng họ nói dối trung bình hai lần mỗi ngày. Kết quả này đã trở thành phát hiện chuẩn mực trong lĩnh vực nghiên cứu về tính trung thực, và giúp nhiều nhà nghiên cứu đi đến giả định rằng nói dối là chuyện bình thường.
 
Nhưng con số trung bình này không có nghĩa là cá nhân nào cũng nói dối. Có thể là mỗi người trong nhóm nói dối một hoặc hai lần mỗi ngày. Nhưng cũng có thể là một số người thì nói dối rất nhiều, còn một số khác lại rất hiếm khi nói dối.
 
Trong một nghiên cứu năm 2010, nhà nghiên cứu truyền thông Kim Serota và các đồng nghiệp tại Michigan State University đã nhận ra rằng trường hợp thứ hai kể trên là đúng. Trong số 1,000 người tham gia, 59.9% khẳng định họ không hề nói dối trong 24 giờ qua. Trong số những người thừa nhận đã nói dối, hầu hết đều nói rằng họ nói dối rất ít. Tính tổng cộng, những người tham gia đã nói dối 1,646 lần, nhưng một nửa trong số đó đến từ chỉ 5.3% số người tham gia.
 
Mẫu chung này đã được lặp lại qua nhiều nghiên cứu khác, cho thấy rằng con người ta có khuynh hướng hiếm khi nói dối, ngoại trừ trường hợp một số ít người thường xuyên nói dối.
 
Phương tiện truyền đạt có tạo nên sự khác biệt không?
 
Việc nói dối liệu có trở nên thường xuyên hơn trong những điều kiện khác nhau? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta không chỉ xem xét các tương tác trực tiếp mặt đối mặt, mà còn xét tới những cách giao tiếp khác qua tin nhắn, email hoặc điện thoại?
 
Nghiên cứu trước đây cho thấy phương tiện truyền đạt không quan trọng lắm. Thí dụ, một nghiên cứu năm 2014 của nhà nghiên cứu Madeline Smith và các đồng nghiệp từ Northwestern University đã yêu cầu những người tham gia xem lại 30 tin nhắn gần đây nhất của họ, 23% cho biết không có tin nhắn nào có chứa lời nói dối. Đối với số người còn lại, đại đa số nói rằng số tin nhắn có chứa lời nói dối là khoảng 10% hoặc ít hơn.
 
Vậy những lời nói dối có phổ biến hơn qua tin nhắn, điện thoại hay email? Theo nghiên cứu gần đây của David Markowitz tại University of Oregon, được thực hiện trên 205 người tham gia khảo sát, trung bình mọi người nói 1.08 lời nói dối mỗi ngày; nhưng một lần nữa, sự phân bổ lời nói dối lại không đồng đều, bởi có một số người thường xuyên nói dối hơn những người khác.
 
Không chỉ tỷ lệ khá thấp, mà sự khác biệt giữa tần suất nói dối qua các phương tiện truyền thông khác nhau cũng không lớn. Dù vậy, nói dối qua video chat phổ biến hơn là qua nói chuyện trực tiếp mặt đối mặt, và tỷ lệ nói dối qua email là thấp nhất.
 
Một số yếu tố có thể đóng vai trò nào đó. Có vẻ như khả năng ghi lại, lưu lại giúp hạn chế những lời nói dối – biết rằng các nội dung trò chuyện được lưu lại sẽ khiến người ta lo lắng bị phát hiện về sau và ít nói dối hơn. Sự đồng nhịp về thời điểm cũng có phần quan trọng. Nhiều lời nói dối xảy ra trong khoảnh khắc nóng vội, cho nên cũng hợp lý khi người ta ít nói dối hơn trong các giao tiếp có sự chậm trễ, chẳng hạn như qua email.
 
Đối tượng được truyền đạt có ảnh hưởng đến việc nói dối?
 
Ngoài phương tiện, liệu đối tượng được truyền đạt có tạo nên sự khác biệt nào không?
 
Thoạt đầu, quý vị có thể nghĩ rằng mọi người sẽ có khuynh hướng nói dối với người lạ hơn là với bạn bè và gia đình. Nhưng thực tế thì vấn đề phức tạp hơn một chút.
 
Trong nghiên cứu của mình, DePaulo phát hiện ra rằng mọi người có khuynh hướng thường nói “lời nói dối thường nhật” với người lạ hơn là với các thành viên trong gia đình. Thí dụ, đó là những lời nói dối vặt vãnh như “khen ai đó rằng bánh họ làm là ngon nhất từ trước đến nay” và “cường điệu lời xin lỗi khi đến muộn.” Những người tham gia cho biết họ nói dối ít hơn một lần trong khoảng 10 lần khi liên quan tới vợ chồng, con cái.
 
Tuy nhiên, khi nói đến những lời nói dối nghiêm trọng về những vấn đề lớn như ngoại tình hoặc thương tích, mô hình đã bị đảo ngược. Trong nghiên cứu, các thành viên trong nhóm tình nguyện cho biết 53% những lời nói dối nghiêm trọng là dành cho những người thân thiết của họ; còn ở nhóm sinh viên, tỷ lệ này đã tăng lên 72.7%. Có lẽ không có gì ngạc nhiên, vì trong những tình huống này, mọi người có thể coi trọng việc không làm tổn hại đến mối quan hệ của họ hơn là sự thật. Các dữ liệu khác cũng cho thấy người ta nói dối với bạn bè và thành viên gia đình nhiều hơn là với người lạ.
 
Đâu là sự thật về việc nói dối?
 
Cần nhấn mạnh rằng đây đều là những phát hiện ban đầu. Sẽ cần nghiên cứu nhiều hơn và mở rộng đối tượng nghiên cứu ra nhiều nền văn hóa khác hơn. Ngoài ra, cũng cần xem xét tới nhiều biến số khác, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, tôn giáo và đảng phái chính trị.
 
Nhưng khi nói đến sự trung thực, kết quả nói chung là khá hứa hẹn. Nhiều người hiếm khi nói dối, dù là với người lạ hay thậm chí qua mạng xã hội và tin nhắn. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần đặc biệt sáng suốt là xác định – và tránh xa – số ít những kẻ nói dối như cơm bữa ngoài kia. Nếu ai đó thường hay nói dối, thì thật ra họ chỉ thuộc về số ít mà thôi. Không phải ai cũng như vậy.
 
Nguồn: “How often do you lie? Deception researchers investigate how the recipient and the medium affect telling the truth” của Christian B. Miller, được đăng trên trang TheConversation.com.
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thuốc diệt siêu vi (Antiviral drugs) thường được coi là một phát minh của thế kỷ 20. Nhưng một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một điều bất ngờ trong hệ thống miễn dịch của chúng ta: Nó có thể tự mình tổng hợp các phân tử diệt siêu vi (antiviral) để phản ứng chống lại sự lây nhiễm của vi rút. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu về một loại protein tạo ra các phân tử diệt siêu vi tự nhiên. Khác xa với phát minh hiện đại của nhân loại, tự nhiên đã tiến hóa các tế bào tiến hóa để tạo ra “loại thuốc” của riêng chúng – biện pháp phòng vệ xa xưa nhất để chống lại virus.
Hàng năm, trên khắp thế giới sẽ có hàng triệu người quyết tâm không động tới các loại đồ uống có cồn trong một tháng – truyền thống này bắt đầu từ Tháng Giêng Khô Ráo (Dry January) và sau này mở rộng thành nhiều nỗ lực tương tự, chẳng hạn như Tháng Mười Tỉnh Táo (Sober October). Cho dù đó là cả một chiến dịch đông đảo người tham gia, hay chỉ đơn giản là nỗ lực của một cá nhân để bớt ‘say xỉn’ lại, số lượng người tham gia ‘tháng kiêng rượu’ có vẻ như ngày càng nhiều.
Thường thì ai cũng sẽ nghĩ rằng tế bào sống tốt hơn tế bào chết. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng: các tế bào thường hy sinh bản thân để giữ cho chúng ta khỏe mạnh. Chúng là những ‘anh hùng thầm lặng’ chẳng màng sinh-tử để bảo vệ chúng ta. Mặc dù cái chết có vẻ thụ động – là một kết thúc đáng tiếc xảy ra theo kiểu “muốn tránh cũng không được” – nhưng cái chết của các tế bào thường có chủ đích và mang tính chiến lược. Tại sao tế bào chết và chết như thế nào là chuyện khá phức tạp và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Thời gian là tất cả. Dù là người dậy sớm hay thức khuya, việc lắng nghe đồng hồ sinh học bên trong cơ thể có thể là chìa khóa thành công. Từ học hành cho đến công việc và hơn thế nữa, chúng ta sẽ thực hiện tốt các công việc khó vào những thời điểm trong ngày phù hợp với nhịp sinh học của mình.
Trong những tuần gần đây, tin tức về việc vận động viên thể dục dụng cụ Mary Lou Retton phải vào bệnh viện vì một loại viêm phổi (pneumonia) hiếm gặp đã khiến nhiều người quan tâm và tò mò về căn bệnh này.
Cuối thế kỷ 19, những tờ rơi và mẫu quảng cáo Southern California và Florida tràn ngập hình ảnh những vườn cam và các khách sạn mang hơi hướng Tây Ban Nha với vườn cọ xanh mướt, hứa hẹn rằng mùa đông sẽ không còn băng giá. Viễn cảnh về một “nước Ý kiểu Mỹ” đã khiến người người người nuôi mộng tưởng và yêu thích không thôi. Florida và California vẽ ra một khung cảnh đầy ánh nắng thơ mộng, một cuộc sống viên mãn, với khí hậu đẹp như mơ.
Vào năm 2020, tác giả Michael Rosen đã vào bệnh viện vì bị dính Covid-19 và đã ở trong đó 40 ngày trong tình trạng bị hôn mê. Sau đó, ông có một giấc mơ kỳ lạ và sống động: ông ở Land’s End tại Cornwall ngay bờ vực của vách đá nguy hiểm. Ông cố gắng chui qua cái lỗ trên vách để được an toàn nhưng bị mắc kẹt. “Ngay sau giấc mơ, tôi có thể nhớ cảm giác đầu tiên rằng nó rất thật, rằng tôi đã ‘ở đó’ trên vách đá với vợ của tôi, Emma, đã giúp tôi. Tôi thật sự cảm thấy giống như điều đó đã xảy ra,” theo Rosen kể lại. “Điều này ở mãi với tôi. Đôi khi tôi bắt gặp chính mình suy nghĩ rằng thực sự có lúc tôi đã bị mắc kẹt trên đỉnh vách đá phía bên trái của bức tường đá khô cách mặt biển cả trăm feet ở dưới, và rằng có một cái lỗ thông qua mà tôi có thể chui qua và Emma đã đẩy tôi qua.”
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới để nghiên cứu cách các gen có thể gây ra bệnh tự kỷ và các bệnh rối loạn về phát triển não bộ (neurodevelopmental disorders) khác: phát triển các cấu trúc nhỏ tương tự như bộ não trong phòng thí nghiệm và điều chỉnh DNA của chúng.
Vitamin D là chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sức khỏe. Nó giúp xây dựng và duy trì xương chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ chức năng cơ bắp và miễn dịch. Nhưng hầu hết mọi người trên thế giới đều bị thiếu vitamin D, khiến cho nó trở thành loại supplement phổ biến nhất trên thị trường
Ngày 30 tháng 5 năm 2023 đã ghi nhận một kỷ lục mới khi cùng lúc có 17 người bay lên trên quỹ đạo quanh Trái Đất. NASA và các cơ quan hàng không vũ trụ khác đang lên kế hoạch cho nhiều sứ mệnh có chở theo người hơn. Các công ty thương mại cũng đang ấp ủ nhiều dự án đưa con người lên vũ trụ. Cơ hội du hành vũ trụ của nhân loại đang rộng mở.