Hôm nay,  

Phỉnh

02/01/202500:00:00(Xem: 678)

Phỉnh
Truyện vừa, Khánh Trường.
 
LTS: Lục lại những email cuối, Khánh Trường viết: “Nina, chú đã hoàn chỉnh, cháu “save” vào 1 file riêng để mai mốt xong sẽ nhờ người layout rồi gửi in.”  Email kế tiếp là hình hai bìa khác nhau. KT viết: “Một bìa chú sẽ post lên facebook để “phỉnh”, bìa sau cháu giữ trong máy. Sẽ in. Sẽ chuyển dần cho cháu dò chánh tã.” (Những người biết KT, biết chữ “tã” của KT dấu “ngã”.)

Sách “Phỉnh” không biết đã được bao nhiêu đoạn trong máy computer, nhưng đây là phần I của cuốn tiểu thuyết cuối cùng Khánh Trường đang viết dở... với hình bìa sau đã hoàn chỉnh...  Riêng bìa trước xin chờ xem khi/nếu sách được in trong tương lai. (Nina HB Lê)
 
*

KHÁNH TRƯỜNG
Tặng cháu của chú, Nina Hòa Bình Lê

*
 
là khi trái tim phỉnh cái đầu
mở ra bầu trời
mời gọi giấc mơ
là khi chênh vênh trên miệng vực
ảo tưởng một bàn tay
chìa ra hy vọng                  
(Nina Hòa Bình Lê)

phỉnh-bìa-sau
Bìa sau sách Phỉnh
  
Phần I
 
Khu Nursing Home gồm bốn dãy nhà quây thành hình vuông. Mỗi dãy có tám phòng, cửa mở ra chái hiên rộng, lát gạch hoa có tam cấp dẫn vào mảnh vườn trồng nhiều cây trái nhiệt đới: mít, xoài, nhãn lồng, xen kẽ những loại cây và hoa đậm chất đông phương: tùng, liễu, mẫu đơn, phật quả, thiết mộc lan và hồ rộng, thiết kế mỹ thuật. Những con thác từ các mỏm đá cao đổ xuống tung bọt trắng xóa, đàn cá koi nhởn nhơ quanh các bụi thủy trúc, rải rác nhiều khóm liễu vươn ra từ bờ, sà thấp chạm mặt nước. Mùa hè, sáng, chiều, luôn có các lão niên ngồi trên những băng ghế đá, dưới các gốc cây phủ kín bóng mát bởi những tàn lá rộng, hóng gió, tán gẫu hoặc bày trò vui.

Chủ nhân cơ ngơi này là một người Mỹ gốc Á, đứng tuổi, nên không lạ khi mảnh vườn có khí vị tựa các mảnh vườn thường được mô tả trong các cổ thư Trung Hoa, trầm mặc, sâu lắng.

Tháng mười, lạnh. Buổi chiều thường có những cơn mưa, tiếng mưa rì rào trên mái, nhịp đều. Ông già lăn xe sát khung kính nhìn ra hồ nước lấp lánh vô số hạt thủy tinh phát sinh bởi ánh sáng từ những bóng đèn cách quãng trên bốn chái hiên bao quanh. Không khí tịch mịch. Mọi tiếng động đã bị bức tường cao quanh khu Nursing Home ngăn lại, tách lìa hẳn thế giới phồn hoa và phức tạp, bên ngoài.

Ông già vào đây đã gần ba tháng. Sau ngày vợ bị ung thư phổi qua đời, cậu con trai ở tiểu bang miền đông muốn ông già sang với gia đình hắn nhưng ông bảo,

“Người già rất sợ lạnh, ở đây nắng ấm hợp với ba hơn.”

“Ở đây ai lo cho ba?”, đứa con hỏi.

“Nghe nói có Nursing Home của người Á, hy vọng có nhiều đồng hương bầu bạn. Mày thử hỏi xem, ba muốn vào đó.”

“Không được đâu, người ta đồn, hàng ngày, ở trỏng buồn, bệnh trầm cảm sẽ đưa ba đi sớm.”

“Ối dào, đồn nhảm. Bệnh nhân nặng có khu riêng, chăm sóc đặc biệt, cách ly với người cao niên hoặc bệnh nhẹ. Ba có người bạn ở đó hai năm rồi, ông ta nói rất đầy đủ, từ ăn uống, tắm giặt, khám bệnh, thuốc men và cả vật lý trị liệu, nếu cần. Nói tóm, mọi thứ đã có y công, y tá, y sĩ lo. Cuối tuần thường có các nhóm thiện nguyện đến phát quà, văn nghệ, múa hát, biểu diễn ảo thuật. Lại nữa, có bầu bạn cùng trang lứa trò chuyện, bày nhiều thú vui, cờ tướng, cá ngựa, domino. Qua bển, vợ chồng mày đi làm, các cháu đi học, ba ở nhà một mình, lạnh và cô quạnh, có mà chết sớm thì có.”

Cậu con trai đành chiều ý bố, lên mạng tìm một Nursing Home hội đủ tiên chuẩn như ông già muốn, rồi làm thủ tục đưa ông già vào.

Phòng sáng và thoáng nhờ cửa kính lớn, màn mở toàn phần ban ngày, cộng hai hộp đèn dài turn-on suốt đêm. Mỗi bên ba giường, kê đầu sát tường, phía trên mỗi đầu giường trang bị đầy đủ, ống thở oxy, máy đo áp huyết, máy đo điện tâm đồ. Lối đi ở giữa rộng, thoải mái cho y tá mỗi sáng, chiều đẩy xe đến từng giường, kiểm tra sức khỏe, cho uống thuốc, vui vẻ thăm hỏi, giải thích hoặc đáp ứng mọi yêu cầu của bệnh nhân nếu có thể.

Giường cạnh ông già là một trung niên. Anh ta khoe trước ngày vào đây là một người thích các hoạt động thể dục thể thao, trong một lần đi câu, bị con cá mập mắc câu lôi xuống nước, sau mươi phút chiến đấu một mất một còn, anh ta hạ được con cá bằng nhiều nhát dao nhưng cũng bị nó cắn nát chân phải. Vì thân nhân ở tiểu bang khác nên phải vào đây nghỉ dưỡng. Gã trung niên người Việt, vui tính, hiếu động, trêu chọc đôi lúc khá thô bạo các y tá, thường ba hoa (nhiều phần cường điệu) những cuộc đi câu dài ngày, một mình giữa trời biển mênh mông, có khi sóng êm bể lặng, có lúc bất ngờ bão to gió lớn, có lần phải vật lộn hàng giờ sống chết với những loại cá to hung tợn.

“Bác biết không, toi mạng như chơi nhưng thú lắm”, anh ta nói kèm nụ cười tự mãn.

Giường bên trái là một ông già tóc bạc trắng, ốm, da đồi mồi, giọng nói ngọng. Ông già là chủ một Liquor, nghiện rượu, lúc chưa bị tai biến, ngày nào cũng phải ít nhất hai phần ba chai cô-nhắc. Nửa phần bên trái của ông ta bất khiển dụng, nên dù chưa ngồi xe lăn, song bước chân đi kiểu chấm phẩy. Tuy phát âm khó khăn, ông già vẫn ham nói, người nghe phải chú ý và đoán mới hiểu.

“Bọn homeless thường xuyên vào xin thuốc lá, bịch chip, cái donut, hoặc lon nước ngọt, khúc sandwich kẹp hotdog. Không cho không được, đêm chúng trây trét phân lên cửa kính, cách trả thù thầm lặng mà thâm.”

Ông già tặc lưỡi,

“Thà mất chút đỉnh còn hơn phải lau chùi, vừa tốn thì giờ vừa tởm.”

Giường đối diện là một bà Mỹ trắng, dễ chừng đã trên dưới tám mươi nhưng vẫn chăm chỉ phấn son hàng ngày. Bà không chồng, có cô con gái hình như cùng nghề với mẹ, cũng body bốc lửa, hai trái vú như hai quả dừa xiêm, muốn nhảy chồm khỏi cổ áo pull. Trung bình hai tuần một lần vào thăm mẹ, qua quýt vài lời hỏi han lấy lệ rồi dông. Bà ta bảo, hồi còn trẻ, bà là vũ công múa cột xuất sắc của một Night Club.

“Có phải các Night Club đường H.?”

“Yes, what do you know?”

Ông già không đánh cũng khai,

“Thuở xưa tôi thường đến.”

Tuy các Night Club này chỉ khỏa thân năm mươi phần trăm thôi, nhưng vẫn rất hấp dẫn, vũ công sở hữu một thân thể, rất mời gọi chiếu chăn.

Thường, sau mỗi lần ra khỏi cửa, thể nào ông già cũng mò đến động quen cách hộp đêm chừng hai dặm, cùng con đường, do người Việt Nam làm chủ, để tìm chút “tươi mát”, dù ngày đó vợ ông già còn trẻ, nhan sắc chưa tàn phai. Bọn đàn ông hầu hết đều thế, phở ngon hơn cơm!

Hai người nữa. Một ông Ấn Độ, chủ nhân một Motel loại tầm tầm, ở địa phận nổi tiếng nhiều băng đảng và gái ăn sương. Ông ta bảo, tuy dữ dằn thế vẫn khá tốt, vì nhờ bọn đầu trộm đuôi cướp bảo kê, tốn kém nhưng so ra vẫn còn lời chán. Bọn gái ăn sương thuê phòng không dám dở trò quỵt tiền, hơn thế, nếu bắt được những con mồi sộp, các em thường “lại quả” hào phóng.

Việt Nam có câu “sang như đĩ”, quả không sai.

Bà còn lại, gốc Phi, thiếu thước và tròn quay như bao gạo trăm ký, đi đứng lạch bạch, luôn miệng nhóp nhép các loại chip, khoai tây, lúa mạch, bắp, và lãng tai trầm trọng, mỗi lần muốn trò chuyện phải nói như hét. Bà ta có anh con trai rất hiếu thảo, mỗi chiều luôn vào thăm, không quên mang food to go và các thức ăn vặt theo yêu cầu của mẹ, vì she không ăn được món Mỹ. Anh ta than không thể để mẹ ở nhà vì còn độc thân, lại phải đi làm.

“Lúc còn khỏe my mom chu toàn mọi thứ, chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp cửa nhà. Từ ngày she bị tai biến me phải tự lo thân, cơm hàng cháo chợ, ngán tận cổ, đành chịu.” Anh con trai thở dài cám cảnh.
 
Khu Nursing Home này được nhà nước bao cấp. Hầu hết thuộc thành phần lao động, thu nhập dưới trung bình, thường ăn trợ cấp hoặc như ông già, bảo hiểm thấp. Tuy vậy, nhìn chung, ông già cảm thấy vui, nghĩ chắc chắn sẽ hơn nhiều, nếu phải sang ở với vợ chồng thằng con trai, cơm nước có thể hợp khẩu vị, nhưng tuổi già, ẩm thực không quan trọng, cái quan trọng là không phải vò võ cô quạnh.
 
Mưa vẫn rơi tuy không lớn nhưng dai dẳng chẳng khác mùa đông ở quê nhà, hiện tượng bất thường so với thời gian trước. Vài năm gần đây, theo các nhà khí tượng học do tác động khí thải nhà kính, trái đất nóng lên, hành tinh của chúng ta nói chung, California nói riêng, nạn động đất, thời tiết thay đổi khó lường. Lúc thì hạn hán, cháy rừng, khi thì mưa dầm sùi sụt, lũ lụt, đất chuồi. Nếu không sớm tìm giải pháp khắc phục, nguy cơ động đất, sóng thần sẽ xảy ra khắp nơi, và có thể nhiều quốc gia ven biển, Việt Nam chẳng hạn, sẽ đối diện với nạn mất đất hoặc đất nhiễm mặn không thể canh tác, vì khí hậu nóng lên, băng tan ở bắc cực khiến nước biển dâng cao. Thảm trạng đói kém do thiên tai hoặc con người gây nên (chiến tranh hạt nhân, ví dụ), sẽ đẩy nhân loại vào cảnh khốn cùng, diệt vong. Ông già nghĩ, bốn tỷ rưỡi năm trôi qua, từ lúc trái đất khai sinh, đã có vô số biến thiên, thậm chí, nhiều nền văn minh bị xóa sạch, định luật vô thường tái đi tái lại không biết bao nhiêu lần, sá gì vài ba kiếp người cỏn con!

Nói theo triết học đông phương, có sinh ắt có diệt, có thịnh ắt có suy, có thành ắt có bại, chuyện tất nhiên, như thời tiết bốn mùa. Hết mưa đến nắng, hết đông sang xuân, vòng tuần hoàn bất tận từ vô thủy đến vô chung, hơi đâu toan tính sâu xa, khéo lo con bò trắng răng!

Trời đã sáng hẳn, đồng hồ treo tường gõ tám tiếng. Ngày mới bắt đầu với mọi sinh hoạt bất biến. Ông già nghe thấy tiếng động quen thuộc ngoài hành lang, y công đang đi gom rác, thức ăn thừa chứa trong các thùng nhựa lớn đặt trước mỗi phòng, và thay ra, bao gối hay quần áo dơ cho người nào cần giúp. Cũng là giờ y tá đẩy xe thuốc đến từng giường.

Ngày mai chủ nhật, sẽ có nhóm thiện nguyện thuộc đại học cộng đồng thành phố sở tại vào ủy lạo, có cả trình diễn văn nghệ do các sinh viên đảm trách. Bà manager cho biết hồi chiều.
 
(còn tiếp)
Khánh Trường
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phát thanh viên Nhã Lan của kênh truyền hình Hồn Việt TV (Orange County, CA) nói chuyện với nhà văn / nhà thơ Trịnh Y Thư về văn chương và các điều khác...
Lũ con cháu chúng tôi sang thăm cô Nhã chú Từ ở thành phố Malmo, miền Nam Thụy Điển, vào khoảng giữa tháng 10 2024. Có chúng tôi về, cô chú vui lắm và thường cùng chúng tôi ra ngoài dạo phố, ngắm cảnh, ăn uống. Trong một buổi chiều đi uống cà phê, chúng tôi chụp được tấm hình cô chú nắm tay nhau đi dạo trong một công viên thanh bình, khi trời đất vào thu, dưới ánh nắng nghiêng nghiêng của buổi hoàng hôn cuối ngày. Chúng tôi đặt tên tấm hình đó là “Vẫn nắng vàng dù buổi chiều của đời”, là câu đầu tiên trong bài hát Vầng Trăng Xưa, chú Từ sáng tác trong trại giam Hàm Tân vào năm 1985.
Tác phẩm Drei Kameraden (Three Comrades) năm 1936 của văn hào Đức, Erich Maria Remarque (1898-1970) Tâm Nguyễn dịch với tựa đề Chiến Hữu, nhà xuất bản Kinh Thi ấn hành năm 1972, gồm 28 chương dày bảy trăm trang. Đệ Nhất Thế Chiến, Remarque ở tuổi 19, bị động viên vào Quân Đội Hoàng Gia Đức, thuyên chuyển về Mặt Trận Miền Tây (The Western Front), bị thương vì các mảnh đạn bắn vào chân trái, tay phải và vào cổ, nên được tản thương về bệnh viện, điều trị cho đến khi chiến tranh kết thúc rồi được giải ngũ khỏi Quân Đội Đức. Sau khi chiến tranh chấm dứt Remarque bị ám ảnh bởi các cảnh tàn phá của chiến tranh, thân phận con người, người lính trong và sau giai đoạn bi thương của lịch sử.
Nguyễn Du là tác giả của “Truyện Kiều” và nhà văn người Đức Johann Wolfgang von Goethe là tác giả kịch thơ “Faust”. Nguyễn Du được người Việt kính trọng tôn xưng là "Đại thi hào" và được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 2013 cùng 107 danh nhân khác. Nếu người Việt tự hào về Nguyễn Du thì người Đức cũng rất tự hào về nhà văn lớn của họ là Goethe. Theo Viện Nghiên cứu xã hội và phân tích thống kê Đức (Forsa), Geothe được xếp đứng hàng đầu trong danh sách „Những người Đức vĩ đại nhất mọi thời đại“ [1]. Sau đó mới đến vị thủ tướng đầu tiên của Cộng Hòa Liên Bang Đức là Konrad Adenauer (1876-1967) đứng hạng nhì và đứng hạng thứ ba lại là nhà khoa học gia Albert Einstein (1879-1955), cha đẻ của Thuyết tương đối.
Với tài năng hội họa, văn, thơ, và nhất là tấm lòng và ý chí bền bỉ với văn học nghệ thuật, Khánh Trường đã chinh phục một số lượng độc giả và giới thưởng ngoạn nghệ thuật lớn, từ hải ngoại về đến trong nước, từ nhiều thập niên qua, và có lẽ Ông sẽ mãi được nhớ đến trong văn sử Việt là người khai phóng một nền văn học hậu chiến ở hải ngoại và trong nước qua tờ báo văn học Hợp Lưu. Sau ba cơn tai biến Ông đã phải mang nhiều bệnh tật, nhưng sự ra đi của ông vào cuối năm 29 tháng 12, 2024 vừa qua vẫn gây bàng hoàng đối với những người thân yêu và mến mộ ông. Nỗi niềm thương tiếc này được biểu hiện bằng đôi lời chia biệt với ông và gia đình từ khắp nơi. Việt Báo trích đăng lại.
Như anh có lần tâm sự, thủa 13, anh đã bỏ quê nhà Quảng Nam, lên Đà Lạt, sống đời lang bạt, ăn bờ ngủ bụi, thậm chí “biết tình yêu gái điếm” dù còn non choẹt. Rồi anh xuống Sài Gòn, không muốn tiếp tục làm du đãng, anh đăng lính, dù chưa đủ tuổi. Có sao đâu, chiến tranh đang lên cao điểm mà, quân đội cần lính, nhất là lính Dù, những người lỳ lợm, can đảm, tự nguyện. Những năm chiến trận, đúng châm ngôn “Nhẩy Dù cố gắng”, anh sống trọn với đồng đội, với màu cờ sắc áo. Bị thương nhiều lần, anh buộc phải giải ngũ. Đời sống dân sự chưa được bao lâu thì “xẩy đàn tan nghé”, ngày 30 Tháng Tư 75, anh bị “bên thắng cuộc” liệt vào hàng ngũ “bên thua cuộc”. Vì là cấp hạ sĩ quan, anh không chịu chung số phận như hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức, bị đầy đọa nhiều năm tháng trong các trại tù mà chế độ mới gọi bằng mỹ từ “cải tạo”. Nhưng anh vẫn bị nghi kỵ, bị phân biệt đối xử ngay chính trên quê hương mình.
Chúng tôi quen nhau bắt đầu bằng một… thùng sách...
Giữa mình và Khánh Trường có chút tình văn nghệ tuy thỉnh thoảng mới gặp nhau. Nay Khánh Trường vừa ra đi xin đăng lại một bài viết về Trăng Thiền cách đây cũng đã mươi năm nhân Khánh Trường triển lãm một loạt tranh mới chủ đề là Đáo Bỉ Ngạn và có gởi cho Nguyễn hình chụp một số bức để đưa lên Phố Văn. Xin mời bạn đọc theo dõi bài viết.
Thật ra, trước 1975, tôi cũng đã đọc nhiều sách, nhiều tạp san văn học ở Sài Gòn, (hay tỉnh lẻ), tôi chưa đọc đến tên Khánh trường, biết tên Khánh Trường. Tên đó (hay bút danh đó) hoàn toàn xa lạ đối với tôi.
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Trang sách cuối của Hợp Lưu bây giờ đã khép lại. Tay của bạn đã thả rơi ngòi bút và cọ màu. Bạn đã nằm xuống sau một đời lặn lội. Hãy gối đầu lên những kệ sách ký ức. Đã tới lúc bạn hãy buông xả hết, để tự thấy đời mình trôi theo dòng sông chữ nghĩa, nơi đã chép xuống những gì đẹp nhất của thế hệ chúng ta. Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Cuộc đời luôn luôn là những bước ra đi. Bạn không có gì để nuối tiếc trong đời này. Bạn đã tự vắt kiệt máu trong tim ra để làm sơn cho tranh vẽ và để làm mực cho những trang báo. Nơi đó là ước mơ của yêu thương và hòa giải. Nơi đó là sự ngây thơ nghệ sĩ mà chúng ta đã đem tặng cho đời.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.