Khoảng thời gian bắt đầu vào đại học, ngoài những lúc phải học những bài sinh hóa khô khan, tôi tìm đến văn chương tiếng Việt qua các tạp chí như Văn Học, Văn, và Hợp Lưu. Khác với Văn và Văn Học vốn mang không khí “cổ điển”, Hợp Lưu, với chủ biên sáng lập là nhà văn Khánh Trường, bung mở một cánh cửa đón nhiều cây bút mang phong cách táo bạo, thể nghiệm, trong cả hai lãnh vực thơ và văn, đến từ trong và ngoài Việt Nam. Gặp nhiều chống đối vào những năm đầu vì có sự góp mặt của những nhà văn trong nước, nhưng Khánh Trường vẫn bất chấp, tiếp tục xây dựng Hợp Lưu thành một diễn đàn văn chương mở rộng vì “các thể chế chính trị rồi sẽ qua đi, nhưng văn học nghệ thuật sẽ còn tồn tại dài lâu, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là phải tìm cách bảo tồn, xiển dương những giá trị kia, không phân biệt phe phái, chính kiến.” (trả lời phỏng vấn của Đỗ Lê Anh Đào trên damau.org, ngày 22 tháng 9, 2006).
Nhớ về chú Khánh Trường là nhớ lần đầu dự triển lãm tranh của chú. Tôi không nhớ chính xác địa điểm mà chỉ nhớ rất nhiều tranh khổ lớn treo đặc kín phòng, đụng cả trần! Hầu hết là tranh khoả thân. Một số bức sau này lên bìa của Hợp Lưu. Sau đó nhiều năm, chú bị tai biến và ung thư cuống họng. Bạn bè nhiều người nghĩ chú sắp “giã từ”, nhưng chưa! Người nghệ sĩ vẫn là con tằm tiếp tục nhả tơ. Chú tiếp tục xuất bản sách, tái bản, rồi tiếp tục vẽ, dù đánh máy và cầm cọ khó khăn hơn trước rất nhiều. Năm 2006, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức một cuộc triển lãm solo tranh Khánh Trường mang chủ đề “Phục Sinh,” nên tôi có dịp làm việc với chú, đến nhà ăn cơm cùng cô chú và xem tranh. Tranh của Khánh Trường lần này khổ nhỏ hơn và nghiêng về trừu tượng. Lúc đó chú đã phải ngồi xe lăn và đi lọc máu mỗi tuần. Rất mệt, nhưng chú không chịu về nhà nghỉ mà chỉ muốn ở lại phòng tranh suốt ngày, và nụ cười luôn nở trên môi. Trong những năm sau này, cho dù bệnh ngày càng nặng, và có những lần tưởng không qua khỏi, chú vẫn cho ra đời đều đặn những truyển tập truyện ngắn, tạp bút, tiểu thuyết, và thơ. Một sự đam mê chữ nghĩa và sức sáng tác mãnh liệt, bền bỉ!
Những thế hệ mai sau khi tìm về hành trình văn hóa của người Việt di dân, chắc chắn sẽ bắt gặp dấu ấn độc đáo của Khánh Trường – một người nghệ sĩ không chỉ sáng tạo, mà còn sống để thách thức mọi giới hạn.
Lê Đình Y-Sa
Gửi ý kiến của bạn