Năm 1988, tại Nam Cali có cuộc bầu cử ban chấp hành lâm thời của Văn bút Việt nam Hải ngoại, nhà văn Nhật Tiến làm chủ tịch. Sau đó có các ban ngành này kia truyền thông, báo chí gì đó và tôi được chỉ định làm việc với Khánh Trường. Đó là lần đầu tôi gặp anh, 1 người điệu đà, mặc đồ trắng và quần có giây lưng, tuy dáng dấp khoan thai nhưng có cái gì đó dục giã giấu bên trong và nét bất bình loáng thoáng ở hàng râu mép.
Anh là 1 người dễ tính nhưng có những nổi giận không nhân nhượng. Đây là đức tính tôi ấn tượng nhất ở nơi anh. Thế giới của Khánh Trường có 2 loại, là con người và “bọn súc vật”. Khi nào rất là giận, anh nói thêm cho rõ rằng “bọn đó là súc vật chứ không phải con người”! Đây không chỉ cá nhân nào mà là một nhận định và 1 lựa chọn, ta không ở phía bọn súc vật được mà đành phải ở phía con người.
Đức tính này kèm theo sự ngang tàng đã khiến anh đeo đuổi và thành công với tạp chí “Hợp Lưu” vào 1 thời điểm khó khăn về đủ mặt, từ vật chất đến an ninh cá nhân. Cái can đảm không phải là trước vũ lực, (gần như ) ai cũng có thể banh ngực ra 1 phút nào đó trước họng súng chẳng hạn. Tôi nghĩ là nó phải âm ủ và nuôi dưỡng, bảo vệ nó từng ngày, đối ngay với người thân, đối ngay với bạn bè, đối ngay với đồng đội cũ. Đó mới là khó khăn, mỗi ngày 1 cái can đảm nhỏ, 1 nỗ lực vô danh nuôi bằng cách biết gìn giữ sự bất bình. Không biết bất bình, phi hảo hán.
Tôi nhớ 1 bận đi vào Phước Lộc Thọ (là trung tâm của phố Việt ở quận Cam), vào dạo lúc đầu thập niên 90. Ngày đó còn có các tổ chức hung hăng trong cộng đồng và chiều ngày hôm đó họ chặn cửa để quyên góp, bán báo bán cờ dưới dạng đe dọa ít nhiều hay áp đảo. Họ là trai tráng mặc đồng phục, vài mươi mạng và tôi theo Khánh Trường với Cao Xuân Huy vào đó là để đi ăn bánh cuốn phía bên trong thôi. Nếu đưa tôi tờ báo thì tôi sẽ cầm lấy, nếu bắt tôi góp tiền thì tôi sẽ trả lại và nói năng nhỏ nhẹ “Tôi không có tiền”. Đằng này họ đưa cho Khánh Trường và tôi thấy anh mặt mày tức giận, anh cầm vất luôn xuống đất. Anh Huy thì nhăn nhở cười theo cái kiểu của anh thường lệ, và tôi nghĩ là xô xát đánh nhau rồi và đánh nhau thì đành đánh nhau thôi chứ biết sao đây. Nhưng có lẽ 2 bạn đưa tờ báo đó nghĩ sao mà chỉ nhìn chúng tôi đi qua không nói năng chi.
Khánh Trường bắt đầu bạo bệnh từ 20 năm nay rồi chứ không phải mới. Có lúc nghĩ là anh sắp đi và bàn giao Hợp Lưu sang cho Phùng Nguyễn. Anh Phùng thì ở xa, đâu đó tuốt phía sa mạc và hôm đó tôi hẹn anh đến bệnh viện thăm Khánh Trường. Phùng Nguyễn còn mang theo trong xe 3 cái máy vi tính tôi nhớ là IBM Thinkpad. Khi hỏi thì anh nói là máy mới dọn dẹp sạch sẽ, mang đi bán để giúp Khánh Trường lúc bệnh hoạn. Khánh Trường ở trong phòng nằm buồn so, dưới gối có cuốn Hợp Lưu chót lấy ra cầm lật lật. Nằm viện thì ai vui, tôi biết nói gì, tôi nói “Nhảy dù, cố gắng!” và Khánh Trường cười buồn.
Cái khoan thai trong dáng của Khánh Trường cũng là ở trước cái chết. Anh ra đi từ từ trong 20 năm qua và Phùng Nguyễn lại còn đi trước anh. Giờ này anh vẫn còn đu đưa và vật lộn. Tôi nghĩ anh ở lại là vì đời này còn súc vật làm anh giận chứ qua sông Mê thì chỉ còn con người và chuyện đó dễ rồi. Tôi lại nói “Nhảy dù, cố gắng!”.
Gửi ý kiến của bạn