Hôm nay,  

García Márquez và 30 000 điếu thuốc

07/10/202200:00:00(Xem: 3725)

Marquez
 
Trong quyển tiểu sử Gabriel García Márquez: A Life, Gerald Martin kể rằng García Márquez viết Trăm năm cô đơn chỉ trong vòng một năm, từ tháng 7 năm 1965 cho đến tháng 7 năm 1966, dù ông luôn nói rằng ông mất đến 18 tháng, hoặc có khi là 18 năm. “Trong một tia cảm hứng chớp nhoáng, ông đã nhận ra rằng thay vì viết một cuốn sách về thời thơ ấu của mình, ông nên viết một quyển sách về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Thay vì một cuốn sách về hiện thực, nó nên là một cuốn sách về sự biểu thị của hiện thực […] Thay vì một cuốn sách về Aracataca và con người ở đó, nó sẽ là một quyển sách được thuật lại qua thế giới quan của họ.”….

Khi chỉ mới viết được 10 trang, ông đã mơ hồ cảm thấy điều kỳ diệu sẽ không dừng lại ở đây, và quyển tiểu thuyết ông sắp viết sẽ là một tiểu thuyết lớn. (2)

Trước đây thay vì ông chỉ viết một ngày một đoạn, bấy giờ ông viết một ngày một vài trang. Khoảng hơn một tháng sau García Márquez sớm phát hiện ra rằng ông cần một sự cam kết hoàn toàn và quyết định bỏ hết những việc khác, kể cả công việc của một nhân viên quèn trong một công ty quảng cáo. Đây là một canh bạc phi thường đối với một người đàn ông có gia đình như García Márquez.

Sau này ông nhớ lại, ngay từ những giây phút đầu, rất lâu trước khi quyển sách được xuất bản, cuốn sách đã tạo ra một ma lực đối với tất cả những ai tiếp xúc với nó theo một cách nào đó: bạn bè, thư ký, v.v., thậm chí những người như người bán thịt hoặc chủ nhà của ông, những người đang đợi ông viết xong để ông có thể trả nợ cho họ. Ông kể: “Chúng tôi nợ chủ nhà tám tháng tiền thuê nhà. Khi chúng tôi chỉ còn nợ ba tháng, Mercedes [vợ ông ] gọi cho chủ nhà và nói, ‘Này, chúng tôi sẽ không trả cho cô trong ba tháng này, kể cả sáu tháng tới.’ Đầu tiên, cô ấy hỏi tôi: ‘Vậy ông nghĩ khi nào thì ông sẽ viết xong? ‘và tôi nói khoảng năm tháng nữa. ‘được rồi, tôi sẽ đợi đến tháng 9.’ Đến tháng 9, ông đã trả hết nợ.”

Một trong nhiều người chờ đợi García Márquez viết xong là Pera ”(Esperanza) Araiza, một nhân viên đánh máy và cũng là người đã đánh máy cho những tiểu thuyết của Carlos Fuentes. Cứ vài ngày, García Márquez lại đưa cho Pera một đoạn khác của cuốn tiểu thuyết, do ông đánh máy nhưng được sửa lại rất nhiều bằng tay, và Pera sẽ sửa lại cho rõ ràng. Mãi sau này, Pera mới thú nhận rằng cứ mỗi cuối tuần cô lại mời bạn bè của mình đến để đọc cho họ nghe chương mới nhất.

Ngoài ra, ông còn có những những người bạn thân thiết ủng hộ ông như Alvaro Mutis và Carmen, Jomí García Ascot và María Luisa; trong suốt một năm họ đã trở thành những nhân chứng đặc biệt và đã theo dõi việc xây dựng một trong những công trình vĩ đại của văn học phương Tây. Đáng kể nhất là María Luisa, người bạn tâm giao thân thiết nhất của ông. Sau này, ông thú nhận là nhiều lần bị choáng váng bởi cái nhìn sâu sắc của cô và đã dùng một số nhận định của cô trong cuốn sách. Ông gọi cho cô bất cứ lúc nào trong ngày để đọc chương mới nhất vừa viết xong.

Nửa năm sau (1966), quyển sách ngày càng dày lên, nhưng tiền dành dụm đã hết, García Márquez bắt đầu cầm chiếc xe Opel trắng duy nhất của mình. Ông còn định cầm luôn cái điện thoại, không chỉ để có tiền mà còn để khỏi mất thời giờ buôn chuyện với bạn bè. Khi tiền cầm xe cũng hết, vợ ông cầm luôn cả Tivi, tủ lạnh, radio, nữ trang, kể cả máy sấy tóc… Nhưng ông vẫn giữ lại chiếc máy hát đĩa. Ông không thể viết mà không có nhạc bên tai và cũng không thế sống thiếu âm nhạc. Bartók, những bài Preludes của Debussy và Hard Day’s Night của Beatles là những bài ông thường nghe khi viết ở thời điểm ấy.


Đoạn khiến tôi cảm động nhất khi đọc chương này là: ngày tồi tệ nhất của García Márquez trong toàn bộ thời gian viết quyển tiểu thuyết là sau khi ông viết chương 13, về cái chết của đại tá Aureliano Buendía, có thể xem là nhân vật thú vị và quan trọng nhất trong Trăm năm cô đơn. “Như nhiều tiểu thuyết gia khác, trải nghiệm việc mất đi nhân vật chính của mình cũng giống như một sự mất mát cá nhân, thậm chí có thể là một vụ giết người. Câu chuyện về cái chết được đầu tư bằng những ký ức tuổi thơ cay đắng nhất của García Márquez và mặc dù các nhà phê bình không nhận ra điều đó, nhưng ông đã đặt mình vào nhân vật có vẻ như lãnh đạm này hơn bất kỳ nhân vật nào khác trong tiểu thuyết của ông […] Hai giờ sáng, sau khi “hành động xong”, ông đi vào phòng ngủ, nơi Mercedes đang ngủ say, nằm xuống và khóc suốt hai tiếng đồng hồ. […] Khi giết đi nhân vật trung tâm của mình, ông phải đối diện không chỉ cái chết của chính mình và phần kết thúc của cuốn tiểu thuyết này mà còn là phần kết thúc của một trải nghiệm hưng phấn độc nhất – đúng hơn, là kết thúc của cả một thời đại của cuộc đời ông và của con người ông đã từng là, và kết thúc của một mối quan hệ không thể diễn tả được với người quan trọng nhất trong cuộc đời mình: ông ngoại của ông (giờ đã mất đi vĩnh viễn vì văn học đã không thể hồi sinh được) ”

García Márquez viết xong 1300 trang bản thảo và cuối cũng gửi 490 trang cho Porrúa, nhà biên tập của nhà xuất bản Editorial Sudamericana ở Buenos Aires: “Tôi đã có một cuốn tiểu thuyết hoặc chỉ là một kí lô giấy, tôi vẫn chưa biết chắc nó là cái gì”, ông nhớ lại. Ông ra bưu điện cùng với vợ. Nhân viên bưu điện cho giá: 82 peso. Ông nhìn vợ lục tìm tiền trong túi, họ chỉ có 50 peso và chỉ có thể gửi được một nửa quyển sách. “García Márquez bắt người đàn ông đứng sau quầy lấy từng tờ bản thảo ra như từng lát thịt xông khói cho đến khi đủ 50 peso […] Về nhà, họ cầm máy sưởi, máy sấy tóc và máy làm thức ăn lỏng cho trẻ em, quay lại bưu điện và gửi đợt thứ hai. Khi ra khỏi bưu điện, Mercedes dừng lại và quay sang chồng: “Này, Gabo, tất cả những gì chúng ta cần bây giờ là cuốn sách không hay ho gì cả.”

Câu nói vừa dí dỏm vừa có chút gì đó ngậm ngùi kết thúc chương viết về Trăm Năm Cô Đơn trong quyển sách của Martin. Thế mới thấy, sự thành công của một nhà văn, đôi lúc không chỉ nằm ở tài năng, sự may mắn, mà còn ở niềm tin mãnh liệt vào bản thân, và rất nhiều khi, sự tin tưởng và hy sinh của người thân và bạn bè bên cạnh.
 
Phan Quỳnh Trâm tổng hợp, lược dịch và chú thích, từ Martin, Gerald, Gabriel García Márquez: A Life, Vintage, 2010.
 
(1) Trong sách, có một đoạn là García Marquez viết 1300 trang sách, nợ 120 000 peso (ông lo là sẽ không bao giờ trả hết nợ) và hút hết 30 000 điếu thuốc. Tôi thấy chi tiết này thú vị nên dùng nó làm nhan đề; nó có thể vừa không, vừa có liên quan cách nào đó đến nội dung bài viết.

(2) Ngay từ thời thơ ấu, García Marquez đã có khả năng thấu thị, như nhân vật Aureliano Buendía trong Trăm năm cô đơn.

(3) Trong sách, Martin dùng thành ngữ “the deed was done”, tham chiếu đến lời nói của Macbeth với vợ, sau khi giết Duncan: “I have done the deed. Didst thou not her a noise?
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch...
Người viết chơi với Phạm Thiên Thư từ những năm học trung học đệ nhất cấp khoảng 58-59. Thư đến nhà tôi ở ấp Cả Trắc, khu Ông Tạ và chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ đi vào ấp. Trong những lần uống cà phê, Thư nói sôi nổi về việc lập học hội Hồ Quý Ly, để thực hiện việc nghiên cứu, viết văn, làm thơ. Mục đích là tiến tới làm một tập san văn nghệ...
Chúng tôi vẫn biết Hoàng Cầm là người cùng quê và là bạn với một ông anh họ từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không ngờ nhà thơ lại theo xe ra đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài. Hôm đó Hoàng Cầm mặc một cái màu đỏ xậm trông rất hào hoa dù Hà Nội năm đó vẫn còn rất nghèo...
Mở đầu cho sê-ri bài viết về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm thập niên 50 tại Bắc Việt Nam, là một tư liệu hiếm quý về/của nhà thơ Phùng Quán. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Nước Mỹ thế kỷ XX cống hiến cho nhân loại sự phong phú và đa dạng của các trào lưu, chủ đề và tiếng nói trong văn học. Một số tác giả và tác phẩm kinh điển đã xuất hiện trong thời kỳ này, góp phần phát triển truyền thống văn học có từ những thế kỷ trước. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, văn học hiện đại, thịnh hành vào đầu thế kỷ XX ở Châu Âu với kỹ thuật “dòng ý thức” trong tiểu thuyết của James Joyce và Virginia Woolf, lan rộng sang Mỹ, tìm cách tách rời các hình thức truyền thống thế kỷ XIX để cách tân và hình thành một dòng văn học mới với phong cách độc đáo, táo bạo và mở ra những cánh cửa thú vị bất ngờ cho người đọc đi vào ngôi nhà nghệ thuật. Kỷ nguyên văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX và, không thể nghi ngờ, Mỹ là quốc gia có những đóng góp to tát. Các tiểu thuyết gia lớn trong thời kỳ này, ta có thể nhắc đến F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và William Faulkner.
Bước đi như vậy rõ ràng là không cần lưu dấu; nhưng chính là bước đi siêu tuyệt của bậc đại nhân, đại sĩ: không dấu tích mà lại tràn đầy công đức, lợi ích cho dân tộc, đạo pháp và nhân loại nhiều thế kỷ sau.
Một chương trong tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ của nhà văn Trịnh Y Thư...
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ộng có địa vi cao cả trên thì văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá...
Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư...