Hôm nay,  

Trần Dạ Từ-Trần Thy Nhã Ca và những bài thơ tình đầu

09/06/202212:53:00(Xem: 2815)

trandatu nhaca



1966

 

Thời văn học miền Nam trước năm 1975 đã chứng kiến mối lương duyên thơ văn thành đôi phối ngẫu Trần Dạ Từ-Trần Thy Nhã Ca bền chặt cho đến nay đã trên 60 năm. Đôi tình nhân hình như đến với nhau với thi ca (và báo-chí) xe duyên và cả hai đã có những bài thơ tình đi vào văn học sử. Nhà thơ Nhã Ca sau này kể lại chuyện lần đầu gặp nhằm ngày Mùng Một Tết năm 1958 trong “Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng (Thương Yêu, 1991):

"Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh? Anh vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát”. Gặp người thật sau những trao đổi thư từ: “Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ngồi đó ốm nhom…”. Hôm sau, khi đến gặp từ giã anh ở khách sạn đã thấy trên bàn có bài thơ “Thủa Làm Thơ Yêu Em”, ký tên Trần Dạ Từ - bài sẽ đăng trên Sáng Tạo số Xuân Kỷ Hợi 1959:

 “thủa làm thơ yêu em / giời mưa chưa ướt áo

hoa cúc vàng chân thềm / gió may lưng bờ dậu

chiều sương dầy bốn phía / lòng anh mấy cách xa

tiếng đời đi rất nhẹ  / nhịp sầu lên thiết tha .

    thủa làm thơ yêu em / cgiòng sông thương nhớ

cả vai cầu tay nghiêng / tương tư trời thành phố

anh đi rồi lại đến / bài thơ không hết lời

bao nhiêu lần hò hẹn / sớm chiều sao xa xôi

mười bảy năm chợt thức / bây giờ là bao giờ

bàn tay trên mái tóc / nghìn sau còn bâng quơ

(Sáng Tạo số 28-29, Xuân Kỷ Hợi 1959, tr. 81-82)

Thơ nói đến “mười bảy năm chợt thức” vì tác giả mới 18 tuổi ngoài và “chàng” đã đi bước đầu những bản thơ tình. Thơ Cũ Của Nàng được Trần Dạ Từ sáng tác cùng năm 1958 và đăng cùng số Sáng Tạo với tựa “Và Tên Một Người Riêng” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng “Người Đi Qua Đời Tôi”:

người đi qua đời tôi / nghe những chiều đông sầu

mưa mù lên mấy vai / mây mù lên mấy giời

gió mù lên mấy biển

người đi qua đời tôi / hồn lưng miền rét mướt

đường bay đầy lá mùa / vàng xưa đầy dưới chân

lòng vắng như ngày chờ / xa dần như lãng quên

lời ca giờ chưa cất / người ngàn khơi không về

chiều ầm vang tiếng sóng / mây trời như ngày đi

mắt trông dài gió cát / muôn trùng ai nói gì

lời ca giờ chưa cất / bàn tay đầy khói sương

người đi qua đời tôi / nghe những lời linh hồn

phi lao dài tiếng reo / lên những ḷời âm thầm

trên lối về nghĩa trang / trong mộ phần tối đen

người đi qua đời tôi / không nhớ gì sao người

em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em”.

(Sáng Tạo, số 28-29, tr. 83-84)

Người nữ tên thật Trần Thị Thu Vân, sinh ngày 20-10-1939 tại Huế, ký Nhã Ca khi viết văn và Trần Thy Nhã Ca khi làm thơ vào thời mới xuất hiện trên văn đàn miền Nam: thơ đăng đầu tiên trên tạp-chí Hiện Đại số ra mắt tháng 4-1960 và sau đó trên các tạp-chí văn-nghệ khác và tập thơ Nhã Ca Mới (Ngôn Ngữ, 1965) được giải thưởng Văn-học Toàn quốc năm 1965 – năm 1972, nhà Thương Yêu tái bản với tựa Thơ Nhã Ca gồm thi tập Nhã Ca Mới và những bài thơ mới viết thêm.

Người nam tên thật Lê Hà Vĩnh, sinh năm 1940, Hải Dương, sau bút hiệu Hoài Nam đã ký Trần Dạ Từ trên tạp chí Sáng Tạo năm 1958 rồi Thế Kỷ Hai Mươi - số ra mắt cũng năm 1960, và đã xuất-bản Tỏ Tình Trong Đêm (Tiếng Nói, 1965) và Thủa Làm Thơ Yêu Em (Thương Yêu, 1970, Giải Văn học nghệ thuật toàn quốc, bộ môn thơ, năm 1971). Bài này thử ngược đường thi ca trở về với nguyên gốc những thi-bản tình đầu tiên của Trần Thy Nhã Ca và Trần Dạ Từ.

Họ vào Sài-Gòn sinh sống và năm 1960, Trần Thy Nhã Ca xuất hiện lần đầu trên Hiện Đại số 1 (4-1960) với ba bài Thanh Xuân, Ngày Tháng Trôi Đi và Bài Nhã Ca Thứ Nhất – được chủ báo Nguyên Sa giới thiệu: “Sự hiện diện của tờ báo báo văn nghệ có thể bao hàm nhiều ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa phong phú nhất là sự dâng hiến một phần đất đai cho sự xuất hiện của những tài năng mới. Phần đất dành cho sự việc này của Hiện Đại số 1 được gửi vào Trần Thy Nhã Ca. Người con gái Huế xây ngôi nhà đầu tiên của thành phố tương lai ấy tên là Vân. Hãy nghe những bài nhã ca buồn và nhẹ khởi đầu” (tr. 39).

"Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây

Người đi chưa bạt dấu chân bầy

Bàn tay nằm đó không ngày tháng

Tình ái xin về với cỏ may (...)

Đời sống ôi buồn như cỏ khô

Này anh, em cũng tợ sương mù

Khi về tay nhỏ che trời rét

Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ"

(Thanh Xuân, Hiện Đại, số 1, tr. 39-40)

"Tôi làm con gái / Buồn như lá cây

Chút hồn thơ dại / Xanh xao tháng ngày.

Tôi làm con gái / Một lần qua đây

Rồi không trở lại / Ôi mùa xuân này.

Tôi làm con gái / Đời như heo may

Tình bằng cỏ dại / Giận hờn không khuây (...)"

(Bài Nhã Ca Thứ Nhất, Hiện Đại, số 1, tr. 40)

Cả ba đã là những bài thơ tình, rất tình và lụy tình, như chỉ có tình-yêu là thứ trân quý nhất. Người thiếu nữ nhưng đem những tứ thơ nhuốm không gian của thời hồng hoang nhân loại, đưa vào mối tình đam mê vừa ngây thơ vừa đã chín, trong một khung cảnh tĩnh lặng, cổ kính của đất Thần-kinh. Không đơn sơ vào nẻo tình, vì lại là tình lụy, tình sâu và phải rời bỏ sông Hương nứi Ngự theo tình về phía Nam:

(...) Thôi trả cho giòng sông tối đen

Trả cho người đó nỗi ưu phiền

Còn đây chút tủi hờn thơ dại

Rồi cũng xa vời trong lãng quên

Mắt dõi theo vừa ngút bóng cây

Đường chia năm bảy dấu chân bầy

Tôi, hồn vẫn đứng yên như tượng

Trông tháng ngày đi trên cánh tay”

(Ngày Tháng Trôi Đi, Hiện Đại, số 1, tr. 39)

“Thân làm con gái” lỡ tin người tuy vậy vẫn có những lúc than thở, xét mình:

"Với thân nhỏ chín muồi trăm tội lỗi
Tôi trở về mang tủi nhục trên vai

Giữa ngã ba đường tay hờ gối mỏi
Tôi cầu xin đời ban phép lạ tương lai

Người cũng vậy, lòng muôn nghìn dối trá
Vờ thương yêu
, vờ đắm đuối, ân tình
Tôi
cũng dại, tin lời, trao tất cả
Đâu biết người mang nửa dạ yêu tinh

(...) Tôi đã biết tội thân làm con gái
Đời không thương tất cả héo khô dần
Không hiểu về đâu để cầu sám hối
Tôi đốt lỡ lầm theo với tuổi thanh xuân

Tên người hay, đã trở về bóng tối
Tôi đã vô tri giữa tháng năm dài
Và mộ
t bận, có một người nhắc lại
Tôi cố tìm nhưng chẳng nhớ tên ai”

(Bải Tháng Sáu, Hiện Đại, số 7, 10-1960, tr. 64)

Đã là chuyện tình, làm sao không tránh được những lúc xa nhau hoặc giận hờn, khiến “nàng” đã phải thốt lên dỗi Lời Xin:

“Khi phố lên đèn cây đứng im

Đường khuya gió chạy lá trông tìm

Thở dài mặt nhựa cau mày khóc

Mình cũng như vừa bị lãng quên

Từng phút nghe thời gian tủi thân

Mùa đi còn lại chút âm thầm

Cúi đầu nghe nhạc đời tan rụng

Tôi lỡ đem hoài phí tuổi xuân

Thôi đêm, đừng kể chuyện tương lai

Tình ái này đây trả lại người

Với nụ cười xin hồn nhỏ lại

Sầu xưa giờ cũng sắp ngang vai” (Hiện Đại, số 5, 8-1960, tr. 91)

Bài sau đây thì thêm yếu tố thời đại tuổi trẻ khi điệu buồn vẫn không rời:

“ (...) Tôi trở về làm con gái hai mươi

Hai mươi tuổi cộng thêm ngày sắp tới

Nỗi buồn tan biến như buổi chiều

Mùa hạ đơn sơ một loài hoa rụng đỏ

Nhỏ xuống linh hồn từng giọt Tango Bleu

Ngày qua đi trong biển xám mây mù (...)”

(Nhã Ca Mùa Hạ, Hiện Đại, 9, 12-1960, tr. 63)

Bài Đêm Xuân khi tái bản Thơ Nhã Ca được ghi trong phần 1 “Thơ viết thời con gái”:

"Những nàng tiên đến tuổi giã thiên đường

Và cỏ cây đời đến tuổi xanh non

Mắt cao rộng vừa trong trời ngọc bích

Ai về đó mà thơm hồn lụa bạch

Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng

(…) Hơi thở mùi hương nụ cười bóng lá

Đêm bao dung đêm hiền hòa mới lạ

Đêm ngửa bàn tay đêm động làn môi

Đêm dịu dàng đêm ngọt giấc mơ tôi

Đêm trên núi cao đêm trong hồn nhỏ

Đêm thơm nồng nàn mùi hương trí nhớ

Khi những nàng tiên từ bỏ trần gian

Em là nàng tiên ở lại yêu anh… ” (Nhã Ca Mới, tr. 38, 39)

Từ “quan điểm về tình như vậy, nhà thơ nữ xứ Huế khám phá ra rằng từ cổ thời, cả những vì vua chúa, cũng đã mê mẩn tình, cũng đã lụy tình - tình-yêu là chân lý, là một lối đường vào nước Chúa, muốn hưởng hạnh-phúc trọn vẹn hình như phải đi qua đó. Phải chăng đó là lý do nhà thơ chọn Nhã Ca làm bút hiệu và Trần Thy Nhã Ca là một định nghĩa về nguồn gốc, thân phận, khi cần (lúc đầu đời làm thơ). Từ đó mới hiểu tuyển tập thơ được lấy tựa là Nhã Ca Mới, cùng bút hiệu, đều lấy hứng từ Cựu Ước – khởi đầu với bài thơ Nhã Ca ca tụng tình yêu của vua Salomon. Nhà thơ đem những tứ thơ nhuốm không gian của thời hồng hoang nhân loại, tình đam mê ngây thơ trong một khung cảnh thật vô tư:



"Tôi làm con gái / Buồn như lá cây

Chút hồn thơ dại / Xanh xao tháng ngày..."

(Bài Nhã Ca Thứ Nhất)

Trần Thy Nhã Ca không nhất thiết là tín hữu Công-giáo, đã nhận hứng cảm từ Kinh Thánh (Cựu Ước) khi sáng-tác đa số thi-bản trong tập thơ Nhã Ca Mới (1965) và sử-dụng bút hiệu Nhã Ca, Trần Thy Nhã Ca, cũng lấy hứng từ Cựu Ước. Theo thiển ý, nhà văn nhà thơ có thể chịu ảnh-hưởng, thuộc về một hoặc nhiều trường phái, khuynh-hướng. Tập thơ khởi đầu với bài thơ Nhã Ca ca tụng tình yêu của vua Salomon (công khai, với xuất xứ) - bắt đầu bằng một tia rạng đông:

Chớ nhìn tôi, bởi vì tôi đen

Mặt trời đã nạm cháy tôi

(…) Hãy để tôi như một cái ấn trong lòng chàng

như một cái ấn trên tay chàng

vì ái tình mạnh mẽ như sự chết

vì lòng ghen tàn bạo như địa ngục

vì đó là sức nóng của lửa

và vì ngọn lửa đó của đức Giê hô Va”

(Nhã Ca, 1, 4, 8. Salomon, Cựu Ước, tr. 23)

 

và kết thúc thi tập cũng bằng một tia lửa khác, trong 'vườn ăn năn':

“Buồn buổi sớm đầy trong ngăn kín

Vườn ăn năn cây cối vừa xanh

Sáng chủ nhật mặt trời đỏ chín

Đầy tuổi con rồi đó nghe anh

(…) Sáng chủ nhật cùng khắp mọi người

Con nói đi, mặt trời đang mọc

Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi

Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc”.

Bài Thơ Sớm Mai này đánh dấu sự chào đời của Sớm Mai, cô con gái đầu lòng.

*

Trần Dạ Từ với tập Thủa Làm Thơ Yêu Em (1971) là thi ca dâng tặng người tình, thơ của thuở mới yêu, như lời Trần Dạ Từ trong Tựa Nhỏ mở đầu thi tập:

“Đây là những bài thơ được viết khi tác giả còn mười bảy tuổi.
Mười bảy tuổi, mười bảy năm trước...
Đó là tuổi của những cơn điên dại đầu đời, những thành phố xa lạ, những ngày tháng vô danh, những dừng chân không hẹn trước.
Tuổi bắt đầu thấy bọt bèo trên sông
Thấy cuồng nộ trên biển
Thấy mơ ước trên trời
Thấy thèm muốn điên dại trên cỏ cây

Tuổi bắt đầu / biết yêu em làm thơ
và làm thơ yêu em

Đây là những bài thơ của một phần đời từng ngủ quên
Mười bảy tuổi, mười lăm tuổi
Em yêu, hãy nhắm mắt cùng anh em sẽ thấy

Thơ ta đó sao
Không, chỉ là tiếng thét gọi đầu tiên
Những toa tàu bật sáng trong đêm
Những tàn lửa vùng vẫy

Hỡi chàng trai hăm hở bên đường
Đây chuyến tàu tôi đang giục giã
Lên tàu đi, chàng trai, chúng ta sẽ băng qua những đêm sầu vô cớ
Thơ ta đó sao?
Không, chỉ là những sợi khói ngu ngơ bốc lên từ mồi thuốc đầu đời trong bàn tay vụng dại

Hỡi cô nhỏ long lanh như ánh sáng
Đấy chuyến tàu tôi vẫn đợi chờ
Lên tàu đi, cô nhỏ, chúng ta sẽ cùng đến những vườn xuân rực rỡ
Thơ ta đó sao?
Không, đúng hơn, chùm hoa dại bên đường, cô hãy hái cho kịp giờ hoa nở

Ôi thủa yêu em làm thơ và làm thơ yêu em
Hơi thở một thời đang sống lại
Thơ ta đó sao, hơi thở ta đó sao?
Không, đúng hơn, chỉ là chút hương thơm một bàn tay vẫy mãi...

10.1971 - TỪ

Tặng em và Huế, quê hương tình yêu ta”.

Trần Dạ Từ cho biết họ quen nhau khi nàng ở tuổi 16:

“Cho tôi xin nửa bóng trăng ngoài
Với nửa mùa thu trong mắt ai
Lá rụng bao nhiêu hè phố cũ
Sao nghe lòng rưng rưng nhớ người
Đêm biếc cành soan, thơm giấc mơ
Đầu hiên hoa trắng nở bao giờ
Em mười sáu tuổi trăng mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa
Tôi dối lòng tôi đêm sắp tàn
Đêm tàn để lạnh giấc mơ em
Để bàn tay gối sầu trên ngực
Và gió thu đầy trong mắt trăng
Tôi dối lòng tôi trăng sắp mờ
Trăng mờ em sẽ thấy bơ vơ
Sẽ thương cho những con đường cũ
Và nhớ bao nhiêu lối hẹn hò
Nhưng hẳn là em không nhớ đâu
Giấc mơ còn mát ánh trăng sầu
Hoa còn thơm tuổi đời trên má
Mùi áo còn say muôn kiếp sau
Lòng nhớ lòng thương lòng ngại ngùng
Bây giờ tôi cách núi xa sông
Bài thơ từ thủa trăng mười sáu
Mười sáu trăng chờ em biết không
Tôi dối lòng tôi bao nhiêu lần
Bao nhiêu lần trăng vẫn là trăng
Lòng nhớ lòng thương lòng sắp khóc
Đêm chưa tàn đâu đừng nói năng”
(Khi Em Mười Sáu)

Chàng đã ghi lại cảm giác nụ hôn đầu giữa thiên nhiên cây cỏ:
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông.
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày ấy miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa
(Nụ Hôn Đầu)

Hãy tưởng tượng cảnh ru tình trong Bài Ru - không triết lý xa xăm như Huy Cận, ở đây là không gian êm đềm của Huế và một cuộc tình, một người nữ được người nam chiều chuộng, theo đuổi:

“mi sầu thôi khép đi em
hồn anh rộng đã trăm miền không gian
ngày vơi, cửa trống, thu tàn
lá thưa cành nặng cây dàn quạnh hiu
lối đi vừa chớm tiêu điều
mùa nghiêng bóng nhỏ ngày xiêu cột dài
phố chiều gió vọng bàn tay
ru anh về với đôi ngày lãng quên”
 (Thế Kỷ Hai Mươi, số 1, tr. 43)

Trần Dạ Từ cũng có bài cùng tựa Bài Tháng Sáu nhưng đăng trên Thế Kỷ Hai Mươi trong số ra mắt tháng 7-1960 – sau đổi thành Lục Bát Tháng Sáu:

“ngày mưa lũ giọng sông hồ
lòng nghiêng mái giọt màn thưa mặt người
cây buồn nặng lá chia phôi
hồn đưa tiễn cũng vừa thôi nghẹn ngào
ngồi coi đời sắp thương đau
anh nghe tóc nhỏ mang sầu tương lai”

tiếp ngay sau Bài Tháng Tư:

“cây ngùi, bóng sẻ đôi hiên
chiều vơ ngõ lụi, tay phiền giấc trưa
lòng đi bước sẻ đôi mùa
tóc thơ dại đã xanh vừa nhớ thương
một xa mắt sẻ đôi tường
hồn lưu lạc muốn về nương náu người
”.

Cũng trên Thế Kỷ Hai Mươi, số 3, tháng 9-1960, Trần Dạ Từ đưa người thưởng thức thơ đi tiếp vào những tâm tình thiết tha của Dạ Khúc Một, rồi, Và Một Chút Đời Sống:

Khi buổi chiều rụng xuống, lũ cột đèn đứng lên
Con phố này nỗi đau buồn bật sáng.
Làm sao anh không thể nhớ em ngày tóc chẻ đôi
Mùa đông dài, chiếc guốc nhỏ, khua mãi vào vô thức
Làm sao anh không thể nhớ em, dù chỉ một lần
Đã đi qua đây, không nhìn ai, và gọi tên anh.
Đêm rũ rượi bài hát buồn, cánh tay, rồi nước mắt
”.

Một mảnh khăn ướt đắp lên mặt nàng
Trên đó những mùa đông xám phẳng
Một tấm mền đen đắp lên thân thể nàng
Với cỏ dại lút đầu, cùng khắp mình dỹ vãng.
Tôi mở mắt, quờ tay, nhưng chẳng còn ai
Duy bài hát mang tên người xa vắng.
Và sự vô cùng ấy trùm lên linh hồn nầy
Rồi trong đó, biển cao dần tiếng vọng
” (TKHM, số 3, 9-1960, tr. 70)

Và những khi xa vắng người tình, “chàng” sẽ làm thơ và làm thơ gửi Nhã - thơ năm chữ với tựa là tên “nàng”, Nhã Ca:

“bây giờ ngày đã hết / ban đêm đương bắt đầu

chỉ còn lại mình anh / và trái đất cằn khô.

bây giờ tháng đã hết / mùa đông đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh / và tiếng nói hư vô.

bây giờ năm đã hết / thời gian đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh / và nốt nhạc cô đơn.

bây giờ thôi đã hết / lãng quên đương bắt đầu

chỉ còn lại mình anh / và nỗi nhớ nhung đen” (TKHM, số 4, 10-1960, tr. 33)

Sau này, tình yêu với một người trở nên ‘vị tha’ vào thời chiến, như Yêu Em, Yêu Loài Người (Vấn Đề, 17, 12-1968, sau chia thành 5 bài thơ khi xuất bản TLTYE):

Tôi sẽ viết một bài thơ dài
Bằng cả đời tôi
Để yêu em, yêu loài người
Và tri ân sự sống
Một bài thơ / mở đầu và chấm dứt
bằng lời ngợi ca”
(Ngợi Ca)

Bài III ghi “tặng Vân, 1968”:

“Em yêu, hãy thức giấc
Vì mùa xuân đã trở lại

Mùa xuân đã trở lại
Bên hàng cây rêu mốc thủa tình tự
Trên ngã tư bơ vơ thời hẹn hò
Trong thành phố mênh mông
Ngày đôi ta mới lớn

Mùa xuân đã trở lại
Vẫn mùa xuân cũ kỹ
Như đời ta / Như chân tay ta, mặt mũi ta
Như giường chiếu, mùng mền / Như tất cả

Nhưng em yêu, đừng quên
Đừng quên bầy chim trốn rét
Hàng năm vẫn bay về
Đàn chim cũ bầu trời cũ
Nhưng mỗi cánh bé bỏng trong bầy chim
Đều hoàn toàn mới lạ
Con chim nhỏ tan bầy
Đang bình yên rỉa cánh

Và em yêu, đừng ngủ
Hãy vì ta đợi chờ / Hãy vì ta
Đêm xuân nào cũng là đêm thứ nhất”
(Đêm Thứ Nhất)

*

Thơ tình ở Trần Dạ Từ và Trần Thy Nhã Ca ngay ở giai đoạn dấn bước vào đời thơ, vào đời văn chương, nói chung không “lãng mạn” và “siêu thực” như người đồng thời, mà tỏ ra chín mùi đời, dấn thân, biết việc mình làm, ở cuộc đời mới. Cả hai sẽ rời xa cõi tình nồng nàn “đã thành” và hạnh phúc đã tự tạo, đã có, họ sẽ đi xa hơn, dấn thân hơn, ở những năm tháng sau đó và sẽ “trở thành” một Nhã Ca và Trần Dạ Từ khác, đầy kinh qua, sau những đày đọa khổ nhục và tan tác khác trong cuộc đổi đời như bao người dân Việt khác ở phía Nam.

Nguyễn Vy Khanh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư...
Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ. Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau.
Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023. Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928. Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.
Kỷ vật, không trừu tượng, là một thứ gì bằng vật chất ghi lại, cưu mang, hoặc ẩn tượng một kỷ niệm nào đó. Loại kỷ niệm có động lực gợi lại những vui buồn, thương tiếc, nhớ nhung; có khả năng làm nhếch một nụ cười hoặc làm mờ khóe mắt. Có những kỷ vật dù đã mất nhưng không quên. Mỗi đời người càng sống lâu, càng có nhiều kỷ vật. Điều này cất vào kho tàng quá khứ, có hay không, nhiều hạnh phúc đã qua mà mùi hương không bao giờ xao lãng.
Có một tương đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Đó là đôi khi họ làm thơ. Nhưng dị biệt lớn giữa hai nhà thơ tài tử này chính là chủ đề, là nguồn cảm hứng để làm thơ. Nguyễn Phú Trọng làm thơ ca ngợi ông Hồ Chí Minh và những chủ đề tương tự, thí dụ, một lần ông Trọng làm ca ngợi khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Nhưng Tổng Thống Biden chỉ làm thơ tình, và chỉ tặng vợ thôi. Chúng ta không nói rằng thơ hay, hay dở, chỉ muốn nói rằng trong tâm hồn của Biden là hình ảnh thướt tha của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Và trong tâm hồn của ông Trọng là những khối xi măng có hình Lăng Ông Hồ, và rồi hình khách sạn Mường Thanh. Không hề gì. Thơ vẫn là thơ (giả định như thế). Bây giờ thì hai nhà thơ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng đã gặp nhau.
Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu, phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván ‒ cũng như đã từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm, nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn...
Sau tháng Tư năm 1975, tất cả những tác phẩm truyện ngắn truyện dài của các tác giả Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975] đều bị chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa cấm in ấn, phổ biến, lưu trữ. Tên tuổi tác giả, tác phẩm được công bố rõ ràng. Việc tưởng xong, là quá khứ. Bỗng dưng 32 năm sau năm, 2007, từ Hà Nội một nhà văn có chức quyền, có Đảng tịch, ông Phạm Xuân Nguyên, vận động, hô hào sẽ in lại một số tác phẩm Miền Nam, đang bị cấm. Trước tiên là 4 [bốn] tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Đó là các tác phẩm Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Khi sách được phát hành có ngay phản ứng. Rất nhiều bài báo lần lượt xuất hiện liên tiếp trên các báo tại Sàigòn “đánh/ đập” ra trò. Hóa ra, những người vận động in lại sách là các cán bộ văn hóa từ Hà Nội. Hung hăng đánh phá là những cây bút… Sàigòn. Trong đó có Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng, người trước kia bị chế độ Miền Nam bắt giam tù, Dương Nghiễm Mậu là một trong số các nhà văn, ký đơn xin ân xá cho Vũ Hạnh.
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
Bài phỏng vấn dưới đây do Christian Salmon thực hiện, đăng trên quý san văn học The Paris Review năm 1983 và sau đó xuất hiện trong tập văn luận “Milan Kundera Nghệ thuật tiểu thuyết” xuất bản năm 1986...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.