Hôm nay,  

Tưởng mộ MILAN KUNDERA [1929-2023]: Đối thoại về nghệ thuật tiểu thuyết

14/07/202319:26:00(Xem: 2858)
Kun Photo 1
Nhà văn Milan Kundera [1929-2023].


Bài phỏng vấn dưới đây do Christian Salmon thực hiện, đăng trên quý san văn học
The Paris Review năm 1983 và sau đó xuất hiện trong tập văn luận “Milan Kundera Nghệ thuật tiểu thuyết” xuất bản năm 1986.

 

***

 

Christian Salmon (CS): Tôi muốn thảo luận về khía cạnh mỹ học trong tiểu thuyết của ông. Nhưng chúng ta bắt đầu từ đâu đây?
 
Milan Kundera (MK): Với khẳng định sau: tiểu thuyết của tôi không phải là tiểu thuyết tâm lý. Chính xác hơn: Chúng nằm ngoài khái niệm mỹ học trong tiểu thuyết thường được gọi là tâm lý.
 
CS: Nhưng phải chăng tất cả tiểu thuyết đều nhất thiết phải là tiểu thuyết tâm lý? Nghĩa là liên quan đến cái ẩn mật của nội tâm?
 
MK: Hãy nói một cách chính xác hơn: Tất cả tiểu thuyết, ở mỗi thời đại, đều liên quan đến cái ẩn mật của bản ngã. Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu ngay câu hỏi: Bản ngã là gì? Làm sao thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết. Qua nhiều cách trả lời, nếu bạn muốn, bạn có thể phân định thành nhiều xu hướng khác nhau, và có lẽ nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử tiểu thuyết. Những người viết truyện đầu tiên ở châu Âu không hề biết đến thủ pháp tâm lý.    Boccaccio giản dị kể cho chúng ta nghe những hành động, những cuộc phiêu lưu. Tuy vậy, đằng sau những câu chuyện thú vị đó, chúng ta có thể xác lập quan niệm sau: qua hành động con người bước ra ngoài thế giới quẩn quanh hằng ngày nơi người nào cũng giống người nào; chính qua hành động hắn phân biệt hắn với kẻ khác và trở nên một cá thể. Dante cũng nói như vậy: “Ở bất luận hành động nào, chủ ý chính của kẻ hành động là phơi bày hình ảnh của chính kẻ đó.” Ở buổi khởi đầu, hành động do đó được nhìn như  bức tự hoạ của kẻ hành động. Bốn thế kỷ sau Baccaccio, Diderot nghi hoặc hơn: nhân vật Jacques le Fataliste của ông dụ dỗ người yêu của bạn, hắn vui sướng say sưa, bị người cha nện cho một trận đòn nhừ tử, một đoàn lính trận hành quân ngang đấy, trong tủi hận hắn đi đầu quân và lãnh viên đạn vào đầu gối ngay trong trận đánh đầu tiên, từ đó cho đến ngày xuống mồ hắn đi đứng khập khiễng. Hắn ngỡ hắn đang đi vào một cuộc phiêu lưu tình ái, nhưng thay vào đó hắn chuẩn bị cho cuộc đời thương phế. Hắn chẳng bao giờ nhận thức được chính hắn qua hành vi. Hố thẳm mở ra giữa hành vi và tự thân hắn. Con người hy vọng phơi bày hình ảnh mình qua hành động, nhưng hình ảnh đó không giống con người thật. Bản chất nghịch lý của hành động là một trong những khám phá lớn nhất của tiểu thuyết. Nhưng nếu qua hành động chúng ta không thấu triệt nổi bản ngã, nơi đâu và làm thế nào chúng ta hiểu được nó? Vì thế có lúc tiểu thuyết, trong cuộc truy tìm bản ngã, buộc phải từ bỏ thế giới hữu hình của hành động và thay vào đó là suy nghiệm đời sống nội tâm vô hình. Giữa thế kỷ thứ muời tám, Richardson khai phá hình thức tiểu thuyết “thể thư” trong đó các nhân vật thú nhận ý nghĩ và cảm xúc của mình.
 
CS: Thế là tiểu thuyết tâm lý ra đời?
 
MK: Dĩ nhiên danh hiệu đó thiếu chuẩn xác và chỉ gần đúng. Chúng ta hãy tránh nó và dùng cách nói quanh: Richardson mở đường cho thể loại tiểu thuyết dò thám đời sống nội tâm con người. Chúng ta biết về những nhà văn lớn đi sau: Goethe của Werther, Laclos, Constant, rồi Stendhal và những nhà văn khác sống cùng thế kỷ với ông. Đỉnh cao của cuộc tiến hoá đó, với tôi, dường như kết tụ nơi Proust và Joyce. Điều Joyce phân tích chúng ta vẫn không thấu triệt nổi nếu đem so với “thời đánh mất” của Proust: đó là thời hiện tại. Hình như không có gì hiển nhiên, xác thực và dễ cảm nhận hơn thời hiện tại. Vậy mà nó hoàn toàn vuột khỏi chúng ta. Tất cả những phiền não của đời sống nằm trong sự kiện đó. Trong tích tắc, giác quan chúng ta về hình ảnh, âm thanh, mùi vị, ghi nhận (hữu ý hay không) không biết cơ man nào biến cố, một loạt những cảm xúc và ý tưởng nối đuôi nhau xuyên qua đầu óc chúng ta. Mỗi thời điểm tượng trưng cho một vũ trụ nho nhỏ, và ngay tức khắc bị bôi xóa ở thời điểm kế tiếp. Ống kính hiển vi kỳ diệu của Joyce xoay xở tìm cách chận đứng, chụp bắt cái thời khắc phù du đó và giúp chúng ta nhìn ra nó. Nhưng cuộc truy tìm bản ngã chấm dứt, một lần nữa trong nghịch lý: ống kính hiển vi quan sát bản ngã càng lớn mạnh, bản ngã cùng tính độc nhất vô nhị của nó càng vuột thoát chúng ta; bên dưới ống kính hiển vi kỳ diệu của Joyce, tâm hồn bị nghiền nát ra thành nguyên tử, chúng ta ai nấy như nhau. Nhưng nếu không thấu triệt được bản ngã cùng tính duy nhất của nó bên trong đời sống nội tâm con người, vậy nơi đâu và cách nào chúng ta thấu triệt được nó?
 
CS: Liệu thấu triệt được chút nào không?
 
MK: Dĩ nhiên là không. Cuộc truy tìm bản ngã đã và sẽ luôn luôn chấm dứt trong bất mãn nghịch lý. Tôi không nói thất bại. Bởi tiểu thuyết chẳng thể nào vi phạm giới hạn những khả hữu của chính nó, và đem ra ánh sáng những giới hạn đó đã là khám phá ghê gớm lắm rồi, một thắng lợi to tát của tri thức. Tuy nhiên, sau khi đạt tới độ sâu liên quan đến cuộc dò thám chi li đời sống nội tâm của bản ngã, những tiểu thuyết gia lớn bắt đầu, ý thức hay vô thức, kiếm tìm một khảo hướng mới. Chúng ta thường nghe nói về tam ngôi của nền tiểu thuyết hiện đại: Proust, Joyce, Kafka. Dưới mắt nhìn của tôi, tam ngôi đó không hiện hữu. Dựa trên tiến trình lịch sử tiểu thuyết của riêng cá nhân tôi, chính Kafka mới là người cung ứng khảo hướng mới này: một khảo hướng hậu-Proust. Hoàn toàn không ai tiên liệu cách thế ông nhận thức bản ngã. Cái gì định nghĩa K. là hiện hữu duy nhất? Không phải nhân dáng bên ngoài (chúng ta không biết chút gì về điều đó), không phải tiểu sử (chúng ta không biết), không phải tên tuổi (hắn vô danh), cũng không phải hồi ức, ý thích, mặc cảm hắn. Hành vi hắn? Phạm vi hành động của hắn bị giới hạn đến thảm thương. Ý nghĩ trong đầu hắn? Vâng, Kafka không ngớt truy xét dòng suy tưởng của K., nhưng những điều này quy chiếu cả thảy vào hoàn cảnh hiện tại: Nên làm gì lúc đó, nơi đó, trong những cảnh ngộ tức thời? Đến trình diện cuộc thẩm tra hay bỏ trốn? Tuân giữ lời gọi của vị linh mục hay không? Toàn bộ đời sống nội tâm của K. thẩm thấu vào tình huống như cái bẫy giam cầm hắn bên trong, và ngoài những điều nhắc đến tại tình huống đó chúng ta không hay biết gì thêm (như hồi ức của K., những suy tưởng siêu hình của hắn, hắn nghĩ gì về người khác.) Với Proust, thế giới nội tâm của con người chứa đựng phép lạ, một vô hạn chúng ta không bao giờ hết thấy thú vị. Nhưng điều đó không làm Kafka thú vị. Ông không đặt câu hỏi động lực nội tại nào xác định hành vi con người. Câu hỏi của ông hoàn toàn khác biệt: những khả hữu nào tồn lưu cho con người sống trong thế giới nơi những yếu tố quyết định ngoại tại trở nên quá khốc liệt đến nỗi những xung lực nội tại chẳng còn mang chút trọng lượng nào? Thật vậy, giả như K. là người đồng tính luyến ái hoặc để lại sau lưng mối tình không vui, định mệnh và thái độ hắn sẽ thay đổi ra sao? Không đời nào có chuyện đó.
 
CS: Đó là điều ông nói đến trong cuốn Đời nhẹ khôn kham: “Tiểu thuyết không phải là lời tự thú của tác giả; nó là cuộc chiêm nghiệm đời sống con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành.” Nhưng ý nghĩa của “cái bẫy” là gì?
 
MK: Đời sống là cái bẫy chúng ta vẫn luôn biết: chúng ta sinh ra đời không phải vì chúng ta yêu cầu, bị nhốt trong thân xác không phải do chúng ta chọn lựa, và cuối cùng chết. Mặt khác, bề rộng của thế giới thuở xưa luôn cho phép những cơ hội trốn thoát. Anh lính có thể đào ngũ và trốn sang sinh sống bên quốc gia láng giềng. Đột nhiên, vào thế kỷ của chúng ta, thế giới thu hẹp lại. Biến cố định đoạt biến thể thế giới thành cái bẫy chắc phải là cuộc chiến 1914, thường được gọi (lần đầu tiên trong lịch sử) là một cuộc thế chiến. “Thế “ [chiến] là sai. Cuộc chiến chỉ liên quan đến châu Âu và không phải toàn bộ châu Âu. Nhưng tính từ “thế” [giới] diễn tả hùng hồn hơn nhiều cảm giác kinh hãi trước sự kiện, từ đây trở đi, không chuyện gì xảy ra trên hành tinh này đơn thuần là vấn đề cục bộ nữa, mọi thảm hoạ liên quan toàn thế giới, và kết cuộc đời sống chúng ta càng lúc càng bị chi phối bởi những điều kiện ngoại tại, những cảnh ngộ không ai tháo vuột nổi và khiến chúng ta càng lúc càng giống nhau.
    Nhưng hãy hiểu cho tôi: Nếu tôi tự đặt bên ngoài cái-gọi-là tiểu thuyết tâm lý, điều đó không có nghĩa tôi muốn tước bỏ đời sống nội tâm ra khỏi nhân vật của tôi. Tôi chỉ muốn nói rằng có những ẩn mật khác, những câu hỏi khác tiểu thuyết tôi chủ yếu truy tìm. Cũng không có nghĩa tôi phản đối loại tiểu thuyết mê hoặc với tâm lý. Thật ra, tình huống đổi thay từ thời Proust khiến tôi chạnh lòng hoài cựu. Với Proust, cái đẹp to tát bắt đầu dần dà vuột khỏi tầm tay chúng ta. Muôn đời và vô phương cứu vãn. Gombrowicz có một ý tưởng vừa khôi hài vừa tài tình: ông nói, trọng lượng của bản ngã chúng ta tùy thuộc nhân số trên quả đất. Do đó Democritus đại biểu cho một phần bốn trăm triệu nhân loại; Brahms một phần tỉ; chính Gombrowicz một phần hai tỉ. Bằng cách tính đó, trọng lượng của vô hạn Proust – trọng lượng của bản ngã, của đời sống nội tâm bản ngã – trở nên càng lúc càng nhẹ. Và trong cuộc chạy đua về cõi khinh phù đó, chúng ta đã vượt qua lằn ranh biên cương tất định.
 
CS: Khởi đi từ những dòng chữ đầu tiên, ông bị cái “nhẹ khôn kham” của bản ngã ám ảnh. Tôi đang nghĩ đến cuốn Những mối tình buồn cười – ví dụ, truyện “Edward và Thượng đế.” Sau đêm đầu tiên yêu cô gái trẻ Alice, Edward bị nỗi phiền muộn lạ kỳ chế ngự, một cảm giác hắn thấy rõ lắm: Anh vừa nhìn cô gái vừa nghĩ ngợi “niềm xác tín nơi cô thật ra chỉ là cái gì ngoại tại định mệnh đời cô, và định mệnh đời cô chỉ là cái gì ngoại tại thân xác cô. Anh nhìn cô như kết tụ tình cờ giữa thể xác, ý tưởng và dòng sống đời nguời; một kết tụ vô cơ, ngẫu nhiên và bất ổn.” Và lần nữa trong truyện khác, Trò chơi xin quá giang, ở những dòng chữ cuối, cô gái quá khổ sở với sự bất định cứ bám lên lai lịch cô đến nỗi cô bật lên khóc tức tưởi, “Tôi là tôi, tôi là tôi, tôi là tôi...”
 
MK: Trong cuốn Đời nhẹ khôn kham, Tereza nhìn cô trong gương. Cô tự hỏi chuyện gì xảy ra nếu mũi cô mỗi ngày cao thêm một mi-li mét. Trong bao lâu khuôn mặt cô không còn như cũ, không ai nhận ra? Và nếu khuôn mặt cô không giống Tereza nữa, liệu Tereza vẫn còn là Tereza? Bản ngã bắt đầu và chấm dứt nơi đâu? Ông thấy không: đừng tự vấn về cái vô hạn không sao đo lường được của tâm hồn; thay vào đấy, hãy tự vấn về bản chất bất định của bản ngã và lai lịch nó.
 
CS: Tiểu thuyết ông hoàn toàn thiếu vắng độc thoại nội tâm.
 
MK: Joyce gắn máy vi âm trong đầu Bloom. Nhờ vào tính dò thám kỳ diệu của độc thoại nội tâm, chúng ta học hỏi thật nhiều về chính chúng ta. Nhưng, riêng tôi, tôi không thể sử dụng cái máy vi âm đó được.
 
CS: Trong Ulysses, độc thoại nội tâm tràn lan cùng khắp tác phẩm; nó là nền móng cho cấu trúc cuốn sách, một tiến trình trọng yếu. Trong tác phẩm của ông, chúng ta có thể nói suy nghiệm triết học nắm giữ vai trò đó không?
 
MK: Tôi thấy từ “triết” không thích hợp. Triết học triển khai tư tưởng bên lãnh vực trừu tượng, không nhân vật, không tình huống.
 
CS: Ông dẫn nhập cuốn Đời nhẹ khôn kham với ý niệm trở về vĩnh cửu của Nietzsche. Đó là gì nếu không phải là ý tưởng triết học khai triển một cách trừu tượng, không nhân vật, không tình huống?
 
MK: Hoàn toàn không đúng! Suy niệm đó dẫn nhập trực tiếp, ngay từ những dòng chữ đầu của cuốn sách, tình huống cơ bản của một nhân vật – Tomas; nó vạch ra cho thấy vấn đề anh đang đối phó: cái khinh phù của hiện hữu trong thế giới nơi không có sự trở về vĩnh cửu. Ông thấy không, rốt cuộc chúng ta lại quay về câu hỏi: Cái gì nằm bên kia cái-gọi-là tiểu thuyết tâm lý? Hoặc, nói cách khác: Phương cách phi-tâm-lý dùng để thấu hiểu bản ngã là gì? Thấu hiểu bản ngã trong tiểu thuyết tôi có nghĩa là thấu triệt cái cốt lõi của hệ toán hiện sinh. Thấu triệt cái mã số hiện sinh. Trong lúc viết Đời nhẹ khôn kham, tôi nhận ra cái mã số của nhân vật này hay nhân vật nọ được tạo dựng từ những từ nào đó. Với Tereza: thể xác, tâm hồn, sợ hãi độ cao, yếu đuối, điền viên tĩnh mặc, Thiên đường. Với Tomas: nhẹ, nặng. Trong phần “Những từ ngữ bị hiểu sai,” tôi truy xét những mã số hiện sinh của Franz và Sabina bằng cách phân tích một số từ: đàn bà, chung thủy, bội phản, âm nhạc, bóng tối, ánh sáng, diễn hành, cái đẹp, quê hương, nghĩa trang, sức mạnh. Trong bộ mã số hiện sinh của người khác, mỗi từ này đều hàm chứa một ý nghĩa khác. Dĩ nhiên, tôi không truy xét mã số hiện sinh một cách trừu tượng mông lung; nó tuần tự phơi bày qua hành động, qua tình huống. Thí dụ, trong cuốn Đời sống ở nơi khác, phần ba: nhân vật chính của chúng ta, anh chàng Jaromil là người có tính hay rụt rè và vẫn còn trai tân. Một hôm, anh ra ngoài đi tản bộ với cô bạn gái, cô đột nhiên ngả đầu lên vai anh. Anh thấy nỗi vui sướng tràn ngập, ngay cả lòng ham muốn trong anh cũng dâng lên. Tôi ngưng lại tại biến cố nho nhỏ đó và chú thích: “Cho đến thời điểm này trong đời sống, tuyệt đỉnh vui sướng Jaromil từng trải qua là được cô gái ngả đầu lên vai.” Và từ đó tôi cố nắm bắt ý nghĩa bản chất dục tính trong con người Jaromil: “Với anh, cái đầu cô gái có ý nghĩa hơn thân xác cô.” Tuy nhiên, tôi nói rõ, điều này không có nghĩa anh dửng dưng với thân xác cô, “anh không thèm khát thân thể trần truồng của cô gái; anh thèm khát khuôn mặt rực sáng do thân thể trần truồng của cô giọi vào. Anh không thèm khát được sở hữu thân xác cô; thèm khát nơi anh là được sở hữu khuôn mặt cô gái và cô sẽ hiến dâng thân xác cô cho anh như chứng tích của tình yêu.” Tôi cố tìm cách đặt tên cho thái độ đó. Tôi chọn từ “âu yếm.” Và tôi truy xét nó: Âu yếm là gì? Tôi đi đến nhiều câu trả lời tuần tự khác nhau: “Âu yếm hiện ra tại thời điểm khi đời sống thúc đẩy con người đến ngưỡng cửa trưởng thành. Hắn xốn xang nhận ra tất cả những ưu thế của tuổi ấu thơ hắn chẳng hề biết quý lúc còn là đứa bé.” Và rồi: “Âu yếm là hãi sợ do trưởng thành tiêm nhiễm vào.” Rồi một định nghĩa khác nữa: Âu yếm là sáng tạo của “khoảng không gian nhân tạo bé tí trong đó chúng ta cùng đồng ý đối xử với nhau như trẻ nít.” Ông thấy không, tôi không cho ông thấy cái gì xảy ra bên trong đầu óc Jaromil; đúng hơn, tôi cho thấy cái gì xảy ra bên trong đầu óc tôi: tôi quan sát nhân vật Jaromil của tôi một lúc lâu, đoạn tôi cố gắng, từng bước một, tiến đến tâm điểm thái độ của anh để hiểu nó, đặt cho nó cái tên, và thấu triệt nó.
    Trong cuốn Đời nhẹ khôn kham, Tereza sống với Tomas, nhưng tình yêu của cô đòi hỏi cô phải động viên tất cả sức mạnh trong người cô, và đột nhiên cô bỏ cuộc, cô muốn tụt xuống “bên dưới”, quay về chốn cũ của cô trước đây. Và tôi tự hỏi: Cái gì đang xảy ra cho cô? Và đây là câu trả lời tôi tìm ra: Cô bị chế ngự bởi chứng bệnh sợ độ cao. Nhưng bệnh sợ độ cao là gì? Tôi tìm kiếm định nghĩa và tôi nói: “Một cảm giác mãnh liệt không sao ngăn trở nổi, cảm giác mong muốn buông mình rơi xuống.” Nhưng lập tức tôi tự chỉnh, đưa ra định nghĩa hoàn bị sâu sắc hơn: Bệnh sợ độ cao là “sự say đắm của kẻ yếu. Biết mình yếu đuối, hắn rắp tâm đầu hàng chứ không đương đầu với cảnh ngộ. Yếu đuối làm hắn say sưa, hắn còn mong yếu đuối hơn nữa, muốn rơi ngã ngay giữa quảng trường trước mặt mọi người, hắn muốn tụt xuống bên dưới, thấp hơn cả tận cùng bên dưới.” Bệnh sợ độ cao là một trong những chìa khóa để thấu hiểu con người Tereza. Nó không phải chìa khóa để thấu hiểu ông và tôi. Tuy vậy, cả ông lẫn tôi đều biết thứ bệnh sợ độ cao đó, chí ít, như là một khả hữu cho chúng ta, một trong những khả hữu của hiện sinh. Tôi phải sáng tạo ra Tereza, một “bản ngã thử nghiệm,” hầu thấu hiểu khả hữu đó, thấu hiểu bệnh sợ độ cao.
    Nhưng không phải chỉ những tình huống đặc trưng mới được tra vấn như vậy; toàn bộ cuốn tiểu thuyết không khác một cuộc tra vấn dài. Tra vấn suy nghiệm (hay suy nghiệm tra vấn) là cơ bản xây dựng cho tất cả những tác phẩm tiểu thuyết của tôi. Hãy nhìn vào cuốn Đời sống ở nơi khác. Nhan đề cuốn sách nguyên thủy là Tuổi trữ tình. Phút chót tôi thay đổi do áp lực từ bạn bè, họ bảo cái nhan đề cũ nghe tẻ nhạt và không mấy cao nhã. Tôi thật ngu ngốc nghe lời khuyên của bạn. Tôi nghĩ đặt tên tựa sách dựa trên phạm trù chính yếu của cuốn sách mới chính là cái gì tốt đẹp. Chuyện đùa. Tập sách cái cười và sự lãng quên. Đời nhẹ khôn kham. Ngay cả Những mối tình buồn cười. Đừng thấy nhan đề cuốn sách như vậy rồi nghĩ đó là những “chuyện tình thú vị.” Ý niệm về tình yêu bao giờ cũng dính dáng đến sự trầm trọng. Nhưng phạm trù “tình yêu buồn cười” là tình yêu lột đi tính trầm trọng. Một ý niệm bức thiết cho con người hiện đại. Nhưng hãy quay về cuốn Đời sống ở nơi khác. Cuốn tiểu thuyết đó dựa trên một số câu hỏi: Thái độ trữ tình là gì? Tuổi trẻ như thế nào là tuổi trữ tình? Ý nghĩa của bộ ba: trữ tình/cách mạng/tuổi trẻ là gì? Và cái gì làm nên thi sĩ? Tôi nhớ giả thiết tôi đặt ra lúc khởi viết cuốn sách, định nghĩa tôi biên xuống sổ tay: “Thi sĩ là chàng trai trẻ được bà mẹ hướng dẫn phơi bày chính mình cho thế giới xem, và thế giới đó chàng ta không có lối vào.” Ông thấy không, định nghĩa đó không nằm trong xã hội học hoặc mỹ học, cũng chẳng phải tâm lý học.
 
CS: Nó nằm trong hiện tượng học.
 
MK: Gọi vậy nghe không tệ lắm, nhưng tôi tự đặt ra quy luật không đụng chạm đến từ đó. Tôi sợ lắm các ông giáo sư phê phán nghệ thuật chỉ là cái gì rút ra từ các trào lưu triết học và lý thuyết. Tiểu thuyết đụng đến vô thức trước khi có Freud, giai cấp đấu tranh trước khi có Marx, nó thực hành hiện tượng học (khảo sát bản thể những tình huống con người) trước khi những nhà hiện tượng học ra đời. “Những miêu tả hiện tượng” trong tiểu thuyết của Proust thật cao tuyệt! Ông nào biết hiện tượng học là gì!
 
CS: Chúng ta hãy tóm lược. Có nhiều cách thấu triệt bản ngã. Cách thứ nhất qua hành động. Kế đó, qua đời sống nội tâm. Với ông, ông tuyên bố: Bản ngã được quy định do yếu tính của hệ toán hiện sinh. Quan niệm này dẫn dắt đến một số những hệ quả trong tác phẩm ông. Thí dụ, vì đặt nặng yêu cầu thấu hiểu yếu tính của tình huống, dường như ông không sử dụng thủ pháp miêu tả. Gần như chẳng bao giờ ông cho biết diện mạo nhân dáng các nhân vật ông ra sao. Và bởi ông chú trọng phân giải tình huống nhiều hơn là suy xét động cơ tâm lý, ông cũng rất hà tiện nói về quá khứ các nhân vật. Tính cách quá trừu tượng trong trần thuật có khiến các nhân vật ông trở nên kém sinh động không?
 
MK: Hãy thử đặt cũng câu hỏi đó về Kafka và Musil. Thật ra, đã có người hỏi như thế về Musil. Ngay đôi ba đầu óc uyên áo còn than phiền ông không phải là tiểu thuyết gia thực thụ. Walter Benjamin thán phục trí tuệ ông chứ không phải nghệ thuật ông. Edouard Roditi nhận xét nhân vật ông không sinh động và đề nghị ông nên mô phỏng Proust: Madame Verdurin linh động và thật biết bao, so với Diotima! Đúng thế, hai thế kỷ của hiện thực tâm lý nảy sinh một số tiêu chuẩn gần như bất khả vi phạm: (1) Người viết phải đưa ra số lượng dữ kiện tối đa về nhân vật: nhân dáng hắn, cung cách hắn ăn nói, ứng xử; (2) người viết phải cho người đọc biết về quá khứ của nhân vật, vì đó là nơi chứa đựng tất cả những động cơ cho thái độ hiện tại của hắn; và (3) nhân vật phải hoàn toàn độc lập; có nghĩa là, tác giả cùng những suy nghĩ riêng phải biến mất để khỏi phiền nhiễu người đọc, bởi người đọc muốn bước vào không gian ảo biến hư cấu ra sự thật. Thế rồi Musil xé bỏ khế ước đó giữa tiểu thuyết và người đọc. Và những nhà văn khác làm theo ông. Chúng ta biết gì về nhân dáng của Esch, nhân vật lớn nhất của Broch? Hoàn toàn không. Ngoại trừ sự kiện răng hắn to. Chúng ta biết gì về ấu thời của K. hay Schweik? Và cả Musil lẫn Broch lẫn Gombrowicz đều không thấy không thoải mái dàn trải ý tưởng mình trong tác phẩm. Nhân vật không phải là cái gì giả cách từ hiện hữu sống thật ngoài đời. Nó là một hiện hữu tưởng tượng. Một bản ngã thử nghiệm. Qua cách đó, tiểu thuyết tái lập liên hệ với thời kỳ khai phá. Không thể nào xem Don Quixote là một hiện hữu có thật. Vậy mà bới móc từ trí nhớ, chúng ta có tìm được nhân vật nào sống động hơn không? Xin hiểu giùm tôi, không phải tôi có ý xem thường độc giả, không phải tôi khinh khi thị hiếu người đọc, vốn vừa ngây thơ vừa chính đáng, bị thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết lôi kéo và thỉnh thoảng nhầm lẫn nó với hiện thực. Nhưng tôi cũng không thấy sự thiết yếu của thủ pháp hiện thực tâm lý cho điều đó. Tôi đọc Toà lâu đài [Franz Kafka] lần đầu năm tôi mười bốn tuổi. Cũng khoảng thời gian đó, tôi hâm mộ một anh cầu thủ khúc côn cầu sinh sống gần nhà. Tôi tưởng tượng K. giống anh cầu thủ nọ. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy vậy. Điều tôi muốn nói là trí tưởng tượng của người đọc sẽ tự động hoàn tất trí tưởng tượng của người viết. Tomas đen hay trắng? Cha anh giàu hay nghèo? Hãy tự chọn cho mình!
 
CS: Nhưng không phải lúc nào ông cũng tuân giữ quy luật đó: trong Đời nhẹ khôn kham, Tomas gần như hoàn toàn không có quá khứ, nhưng với Tereza, ông không những nói đến thuở ấu thơ của riêng cô mà cả bà mẹ nữa!
 
MK: Trong cuốn tiểu thuyết, ông sẽ tìm thấy câu này: “Cả cuộc đời cô chỉ là đoạn nối dài phần đời mẹ cô, giống như đường banh trái bi-da là phần nối dài cánh tay người chơi banh vươn ra.” Nếu tôi nói về bà mẹ, điều đó không có nghĩa tôi ghi chép dữ kiện về Tereza, nhưng bởi người mẹ là chủ đề chính của Tereza, bởi cô là “đoạn nối dài phần đời mẹ cô” và cô khổ sở vì nó. Chúng ta cũng biết ngực cô nhỏ, quầng vú cô là “những vòng tròn thật lớn, thật đen đậm chung quanh núm vú cô,” như thể do “tay thợ vẽ tranh khiêu dâm hạng tồi nào đó vẽ cho dân nhà nghèo xem”; chi tiết đó không thể thiếu bởi thể xác là một trong những chủ đề chính của Tereza. Ngược lại, khi nhắc đến Tomas, chồng Tereza, tôi không hề nói gì về ấu thời của anh, cũng không chi tiết nào về cha, mẹ, gia đình. Và thân xác anh cũng như khuôn mặt anh, chúng ta hoàn toàn không biết bởi yếu tính hệ toán hiện sinh của anh có căn nguyên từ những chủ đề khác. Thiếu sót dữ kiện không làm anh kém “sống động.” Làm cho nhân vật “sống động” có nghĩa là: đi vào tận đáy hệ toán hiện sinh của nhân vật. Từ đó có nghĩa là: đi vào tận đáy vài ba tình huống, vài ba mô-típ, ngay cả vài ba từ vẽ nên nhân vật đó. Vậy thôi.
 
CS: Do đó quan niệm của ông về tiểu thuyết có thể được định nghĩa là một suy nghiệm thi vị về hiện hữu. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu tiểu thuyết ông như vậy. Tác phẩm của ông ghi lại nhiều biến cố chính trị, từ đó nảy sinh những lý giải xã hội, lịch sử hay ý thức hệ. Làm cách nào ông hòa giải được va chạm một mặt ông vẫn chú tâm đến lịch sử xã hội và mặt khác ông tin tưởng chủ yếu của tiểu thuyết là tìm kiếm cái ẩn mật của hiện hữu?
 
MK: Heidegger định nghĩa hiện hữu bằng công thức rất nhiều người biết: in-der-Welt-sein, hiện-hữu-trong-thế-giới. Con người liên kết với thế giới không như chủ thể với khách thể, không như con mắt với hội hoạ, không như người diễn viên với sân khấu. Con người và thế giới thắt buộc vào nhau như con ốc sên đeo dính cái vỏ của nó: thế giới là một phần, là chiều kích của con người, thế giới biến đổi, hiện hữu (in-der-Welt-sein) cũng biến đổi theo. Từ thời Balzac, thế giới chúng ta đang hiện hữu có bản chất lịch sử, và đời sống các nhân vật mở ra theo chiều thời gian đánh dấu bằng ngày tháng. Tiểu thuyết sẽ không bao giờ xóa bỏ được ảnh hưởng đó của Balzac. Ngay cả Gombrowicz, người tưởng tượng những câu chuyện thần kỳ, hoang tưởng, người vi phạm tất cả mọi quy luật dựng truyện sao cho như thật, cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Bối cảnh thời gian trong tiểu thuyết ông có ngày tháng và biến cố lịch sử hẳn hoi. Nhưng chớ nên lẫn lộn hai điều: một mặt tiểu thuyết suy xét chiều kích lịch sử của hiện hữu, mặt khác tiểu thuyết là bản minh họa hoàn cảnh lịch sử, lời miêu tả xã hội ở thời điểm nào đó, một công trình biên chép lịch sử được tiểu thuyết hóa. Ông quen thuộc với những cuốn tiểu thuyết nói về Cách mạng Pháp, về Marie Antoinette, hay về năm 1914, về cuộc tập thể hoá bên Liên bang Xô viết (theo hoặc chống) hay về năm 1984; tất cả đều là những công trình phổ biến nhằm hoán chuyển kiến thức phi-tiểu-thuyết sang ngôn ngữ của tiểu thuyết. Tôi không bao giờ biết mệt nói đi nói lại câu nói: Lý do tồn tại duy nhất của tiểu thuyết là nói lên cái gì chỉ tiểu thuyết nói được.
 
CS: Nhưng tiểu thuyết nói được điều đặc trưng gì về lịch sử? Hay nói cách khác, đường lối khai thác lịch sử của ông như thế nào?
 
MK: Sau đây là vài ba nguyên tắc của chính tôi. Thứ nhất: Tất cả những biến cố lịch sử, tôi khai thác một cách hết sức dè sẻn. Với lịch sử, tôi như người thiết kế sân khấu dựng bức phông trừu tượng từ đôi ba món vật không thể thiếu cho tiết kịch.
    Nguyên tắc thứ hai: Từ biến cố lịch sử, tôi chỉ ghi giữ lại những gì kết sinh tình huống hiện hữu cho các nhân vật của tôi. Thí dụ: trong cuốn Chuyện đùa, Ludvik nhìn thấy tất cả bạn bè, đồng nghiệp anh thật dễ dàng đồng loạt giơ tay biểu quyết đuổi anh khỏi trường đại học và cuộc đời anh từ đó đảo lộn. Anh đoan chắc nếu cần họ cũng sẽ biểu quyết một cách dễ dàng như thế ra lệnh treo cổ anh. Từ đó định nghĩa của anh về con người: một hiện thể có khả năng xô đẩy người láng giềng vào cái chết trong bất cứ tình huống nào. Do đó, kinh nghiệm nhân chủng cơ bản của Ludvik có căn nguyên lịch sử, nhưng tôi không chú tâm đến phần mô tả của chính lịch sử (vai trò của Đảng, những nền móng chính trị cho việc khủng bố, tổ chức cơ cấu xã hội, vân vân) và ông sẽ không tìm thấy những thứ đó trong cuốn tiểu thuyết.
    Nguyên tắc thứ ba: Công việc viết sử, biên chép lịch sử là của xã hội chứ không phải con người. Đó là lý do vì sao những biến cố lịch sử đề cập trong tiểu thuyết tôi thường bị những nhà viết sử bỏ quên. Thí dụ: Những năm sau 1968, sau khi Tiệp Khắc bị Nga xâm chiếm, trước khi có cuộc khủng bố dân chúng, nhà nước ra lệnh tàn sát chó. Một hồi đoạn hoàn toàn bị quên lãng và không chút quan trọng đối với các sử gia hay nhà chính trị học, nhưng thật trọng đại ở mặt nhân chủng! Với hồi đoạn độc nhất này tôi gợi lại không khí lịch sử trong cuốn Bữa tiệc giã từ. Thí dụ khác: tại thời điểm định đoạt trong Đời sống ở nơi khác, Lịch sử can thiệp dưới hình thức cái quần đùi xấu xí nhàu nhĩ; lúc đó không còn cái quần đùi tươm tất nào và đối diện với cơ hội yêu đương thơ mộng nhất đời, Jaromil không dám cởi quần áo và đành lủi trốn vì anh sợ cái quần đùi khiến anh trông hết sức khó coi. Xấu xí! Một cảnh ngộ lịch sử khác bị lãng quên, nhưng điều đó trọng đại xiết bao đối với người sinh sống dưới chế độ Cộng sản.
    Nhưng nguyên tắc thứ tư mới là nguyên tắc đi xa nhất: Tình huống lịch sử không những phải tạo dựng một tình hưống hiện sinh mới cho nhân vật trong tiểu thuyết, mà ngay chính Lịch sử cũng phải được hiểu và phân tích như một tình huống hiện hữu. Thí dụ: Trong cuốn Đời nhẹ khôn kham, Alexander Dubcek trở về Praha sau khi bị quân đội Nga bắt cóc, giam giữ, đe doạ, ép buộc phải thương lượng với Brezhnev. Trở về, ông nói chuyện với quốc dân trên làn sóng điện, nhưng ông nói không ra hơi, ông thở hào hển, giữa những câu nói ông cứ phải ngưng lại thật lâu, nghe thật khổ sở. Hồi đoạn lịch sử này bật ra cho tôi thấy yếu đuối là gì (nhân tiện cho ông hay hồi đoạn này hoàn toàn bị bỏ quên, bởi vì, chỉ hai giờ đồng hồ sau đó, họ bắt các chuyên viên kỹ thuật trong đài cắt bỏ những đoạn im lặng không có tiếng nói đầy đau đớn trong bài diễn từ của ông.) Yếu đuối là phạm trù hiện hữu rất tổng quát: “Bất cứ ai phải đối đầu với sức mạnh cương cường hơn đều cảm thấy yếu đuối dù người đó có thân hình lực sĩ như Dubcek.” Tereza không chịu nổi cảnh phơi bày sự yếu đuối như thế, nó đẩy cô thối lui và cô cảm thấy như bị xúc phạm, cô chọn con đường di cư ra nước ngoài. Nhưng đối đầu với lòng dạ không chung thủy của Tomas, cô như Dubcek đối đầu với Brezhnev: không tự vệ nổi và yếu đuối. Và ông biết căn bệnh sợ độ cao là gì rồi: Say đắm với cái yếu của chính mình, cảm giác khao khát không chế ngự nổi muốn rơi ngã. Tereza đột nhiên hiểu ra “cô là người đứng trong hàng ngũ những kẻ yếu đuối, trong xứ sở những người yếu đuối, cô phải chung thủy với họ chính vì họ là những người yếu đuối, hơi thở hào hển giữa những câu nói ngập ngừng, đứt quãng.” Và, say đắm với sự yếu đuối, cô từ bỏ Tomas quay về Praha, quay về “thành phố  của kẻ yếu.” Ở đây tình huống lịch sử không là bối cảnh, không là cái phông sân khấu trên đó những tình huống con người mở ra; chính nó là tình huống con người, một tình huống hiện hữu mỗi lúc mỗi tăng trưởng thêm.
    Tương tự như vậy, Mùa Xuân Praha trong tác phẩm Tập sách cái cười và sự lãng quên không được miêu thuật dưới khía cạnh chính-trị-lịch-sử-xã hội mà như một tình huống hiện hữu cơ bản: người (một thế hệ người) hành động (làm cách mạng), nhưng hành động hắn vuột khỏi tầm kiểm soát của hắn, không vâng lời hắn nữa (cách mạng điên cuồng, chém giết, tàn hủy); thế rồi hắn cố hết sức thu hồi và đè nén hành động bất tuân lệnh kia (thế hệ mới thành lập khối đối lập, phong trào cải tổ), nhưng trong vô vọng. Chẳng bao giờ thu hồi được hành động một khi nó vuột khỏi tầm tay.
 
CS: Điều đó nhắc lại tình huống của Jacques le Fataliste ông thảo luận ở phần đầu.
 
MK: Nhưng lần này, nó là vấn đề của tình huống tập thể, lịch sử.
 
CS: Để hiểu tiểu thuyết ông, có cần phải hiểu biết lịch sử Tiệp Khắc không?
 
MK: Không. Chính cuốn tiểu thuyết nói hết những gì cần biết.
 
CS: Đọc tiểu thuyết không cần đến kiến thức về lịch sử sao?
 
MK: Chúng ta có lịch sử châu Âu. Từ năm 1000 cho đến thời của chúng ta là một kinh nghiệm chung duy nhất. Chúng ta có phần trong đó, và mỗi hành động của chúng ta, dù ở bình diện cá nhân hay quốc gia, chỉ cho thấy ý nghĩa chủ yếu khi đặt trong ngữ cảnh đó. Tôi có thể hiểu Don Quixote mà không cần biết đến lịch sử Tây Ban Nha. Nhưng tôi sẽ không hiểu cuốn sách nếu tôi không có đôi ba ý tưởng, dù rất tổng quát, về lịch sử châu Âu, về thời đại hiệp sĩ, về những mối tình quý phái, về sự chuyển mình từ Thời đại Trung cổ sang Kỷ nguyên Hiện đại.
 
CS: Trong cuốn Đời sống ở nơi khác, mỗi giai đoạn trong cuộc đời của Jaromil được nhìn bằng những mảnh đời từ tiểu sử của Rimbaud, Keats, Lermontov, vân vân. Buổi diễn hành mùng Một tháng Năm ở Praha hòa nhập vào cuộc biểu tình của sinh viên Paris năm1968. Như vậy nghĩa là ông tạo dựng cho nhân vật chính diện bối cảnh to rộng bao trùm toàn thể châu Âu. Tuy thế, diễn biến cuốn tiểu thuyết xảy ra ở Praha. Cao điểm là cuộc đảo chính của Cộng sản năm 1948.
 
MK: Với tôi, nó là cuốn tiểu thuyết nói về cách mạng châu Âu dưới dạng thể thu nhỏ.
 
CS: Cách mạng châu Âu? Cuộc đảo chính đó – đồ nhập từ Moskva – là cách mạng châu Âu ư?
 
MK: Dù không chấp nhận, cuộc đảo chính vẫn được xem là một cuộc cách mạng. Với tất cả những biện thuyết, ảo tưởng, suy luận, hành vi, tội ác của nó, ngày nay tôi nhìn nó như một mô phỏng truyền thống cách mạng Âu châu thu nhỏ. Như sự nối tiếp và nỗ lực khôi hài hoàn tất thời đại cách mạng Âu châu. Giống như nhân vật chính trong truyện, Jaromil – “nối tiếp” của Victor Hugo và Rimbaud – là nỗ lực khôi hài hoàn tất thi ca Âu châu. Jaroslav, trong cuốn Chuyện đùa, tiếp tục lịch sử cũ kỹ muôn đời của nghệ thuật quần chúng trong khi nghệ thuật đó đang tan biến. Bác sĩ Havel, trong Những mối tình buồn cười, là một Don Juan sống trong thời đại chủ nghĩa Don Juan không thể nào xảy ra. Franz, trong Đời nhẹ khôn kham, là tiếng dội thê lương của cuộc Diễn hành Vĩ đại của cánh tả Âu châu. Và Tereza, tại ngôi làng hẻo lánh vùng Bohemia, bước ra không riêng gì mọi sinh hoạt trên đất nước cô mà cả “con đường trên đó nhân loại, ‘chủ nhân ông và nghiệp chủ của thiên nhiên,’ đang tiến bước.” Tất cả những nhân vật này hoàn tất chẳng những lịch sử cá nhân họ mà cả lịch sử siêu-cá-nhân của Âu châu.
 
CS: Điều đó có nghĩa tiểu thuyết ông diễn ra trong màn cuối của Kỷ nguyên Hiện đại mà ông gọi là “thời kỳ của những nghịch lý chung cuộc.”
 
MK: Nếu ông muốn gọi như thế. Nhưng chúng ta hãy tránh mọi hiểu lầm. Lúc viết câu chuyện của Havel trong cuốn Những mối tình buồn cười, tôi không hề có ý định miêu thuật một Don Juan trong thời đại phiêu lưu kiểu Don Juan không còn tồn tại. Tôi thuật một câu chuyện tôi thấy khôi hài. Vậy thôi. Tất cả suy luận về những nghịch lý chung cuộc, vân vân, không phải là cái gì tiểu thuyết tôi tiên nghiệm. Chúng từ tiểu thuyết tôi đi ra. Trong lúc viết Đời nhẹ khôn kham – do hứng khởi từ những nhân vật qua nhiều cách thế rút ra khỏi thế giới – tôi liên tưởng đến số mệnh công thức nổi tiếng của Descartes: con người là “chủ nhân ông và nghiệp chủ của thiên nhiên.” Sau khi đem lại những phép lạ trong khoa học và kỹ thuật, “chủ nhân ông và nghiệp chủ” này đột nhiên nhận thức hắn không sở hữu gì cả và cũng chẳng phải là chủ nhân của thiên nhiên (thiên nhiên đang dần đà biến mất khỏi quả đất), chẳng phải Lịch sử (lịch sử vuột khỏi hắn), chẳng phải chính hắn (dẫn dắt hắn là những động lực phi lý của tâm hồn.) Nhưng nếu Thượng đế biến mất và con người không còn là chủ nhân ông nữa, ai là chủ nhân ông? Quả đất đang di chuyển qua khoảng không không có chủ nhân ông nào. Đó, đó chính là cái khinh phù khôn kham của hiện hữu.
 
CS: Tuy vậy, phải chăng đó chỉ là cái ảo ảnh duy ngã nhìn ngắm hiện tại như thời điểm đặc trưng, thời điểm trọng đại nhất – tức là, thời tận cùng? Đã bao lần Âu châu tin tưởng rằng đang sống những ngày cuối, đang tận thế như nói trong sách Khải huyền!
 
MK: Giữa tất cả những nghịch lý chung cuộc đó, còn một nghịch lý thuộc về chính cái tận cùng. Khi một hiện tượng được tuyên bố trước nó đang sắp sửa biến mất, nhiều người trong chúng ta nghe tin và có lẽ nuối tiếc. Nhưng khi sự thể đớn đau tiến đến gần, chúng ta đã quay sang hướng khác mất rồi. Cái chết trở nên vô hình. Đã lâu trong trí óc con người chúng ta không còn hình ảnh dòng sông, con chim hoạ mi, con đường đất xuyên qua cánh đồng nữa. Hiện tại không ai cần đến những thứ đó. Ngày mai khi thiên nhiên biến mất khỏi mặt hành tinh này, ai là người chú ý? Ai là người kế hậu Octavio Paz, René Char? Những nhà thơ lớn đâu hết rồi? Họ biến mất hay tiếng nói họ không còn ai lắng nghe? Dù sao chăng nữa, đây là biến đổi cực kỳ sâu xa tại châu Âu của chúng ta, một châu Âu không thi sĩ mà cho đến nay vẫn không sao tưởng tượng nổi. Nhưng nếu con người không còn nhu cầu cho thi ca nữa, liệu hắn sẽ chú ý khi thi ca biến mất? Tận cùng không hẳn phải là cái gì nổ bùng tận thế. Có lẽ chẳng có gì lặng ngắt như sự tận cùng.
 
CS: Đồng ý. Nhưng nếu có cái đang đi đến chỗ tận cùng, chúng ta có thể giả thiết có cái gì khác đang khởi đầu.
 
MK: Chắc chắn rồi.
 
CS: Nhưng cái đang khởi đầu đó là gì? Cái không có trong tiểu thuyết của ông. Và do đó có nghi hoặc: Phải chăng ông chỉ nhìn ngắm một nửa tình huống lịch sử?
 
MK: Có thể, nhưng điều đó chẳng hệ trọng lắm đâu. Thật ra, thấu hiểu tiểu thuyết là gì mới là điều quan hệ. Từ nhà viết sử ông biết về những biến cố xảy ra. Ngược lại, tội ác của Raskolnikov không bao giờ hiển hiện. Tiểu thuyết suy xét hiện hữu chứ không phải hiện thực. Hiện hữu không phải là cái gì xảy ra, hiện hữu là thế giới của những khả hữu con người, bất cứ cái gì con người có thể trở nên, bất cứ cái gì hắn có khả năng làm. Tiểu thuyết gia là người vẽ bức bản đồ sự hiện hữu bằng cách khai phá khả hữu này hay khả hữu kia của con người. Nhưng một lần nữa, hiện hữu có nghĩa là “hiện-hữu-trong-thế-giới.” Vì thế, nhân vật và thế giới của hắn, phải hiểu cả hai như những khả hữu. Với Kafka, tất cả đều sáng tỏ: thế giới của Kafka không giống bất cứ một hiện thực đã biết nào, nó là một khả hữu quá độ và phi nhận thức của thế giới con người. Đúng, khả hữu này hiện ra lu mờ đằng sau thế giới thật của chúng ta và nó dường như tiên kiến tương lai. Đó là lý do vì sao người ta nói đến chiều kích tiên tri của Kafka. Nhưng ngay cả nếu gạt đi khía cạnh tiên tri, giá trị trong tiểu thuyết ông vẫn không hề mất mát, bởi chúng thấu triệt một khả hữu hiện hữu (khả hữu cho con người và thế giới của hắn) và vì thế khiến chúng ta thấy chúng ta là gì, chúng ta có khả năng làm được gì.
 
CS: Nhưng bối cảnh trong tiểu thuyết ông lại hoàn toàn là thật!
 
MK: Hãy nhớ tác phẩm Những kẻ mộng du, bộ trường thiên ba phần của Broch bao trùm ba mươi năm lịch sử Âu châu. Với Broch, lịch sử đó có định nghĩa rạch ròi là sự tan rã vĩnh viễn của giá trị. Những nhân vật mắc kẹt trong tiến trình này như bị nhốt trong cái cũi và phải tìm cho mình con đường sống sao cho thích hợp trong lúc các giá trị thông thường dần đà biến mất. Dĩ nhiên, Broch tin tưởng ông thẩm định lịch sử đúng – nghĩa là, ông tin  tưởng những gì ông miêu thuật có thể trở thành sự thật. Nhưng chúng ta hãy thử tưởng tượng ông sai lầm và song song với tiến trình tan rã này là một tiến trình khác, tích cực hơn, đồng hành nhưng Broch không nhìn thấy. Liệu điều đó có khiến giá trị tác phẩm Những kẻ mộng du khác đi không? Không. Bởi tiến trình giá trị tan rã là một khả hữu hiển nhiên không thể chối cãi của thế giới con người. Để hiểu con người bị ném vào cơn lốc xoáy của tiến trình đó, thấu hiểu hành vi và thái độ hắn – ngoài ra chẳng có gì khác quan hệ. Broch khai phá một vùng đất mới chưa ai biết của hiện hữu: vùng đất của hiện hữu có nghĩa là: khả hữu của hiện hữu. Khả hữu đó có trở thành hiện thực hay không, chỉ là điều thứ yếu.
 
CS: Vì vậy phải xem thời kỳ của những nghịch lý chung cuộc, bối cảnh trong tiểu thuyết ông, là khả hữu chứ không phải hiện thực. Có đúng thế không?
 
MK: Một khả hữu cho châu Âu. Một viễn ảnh có thể có của châu Âu. Một tình huống có thể có cho con người.
 
CS: Nhưng nếu cái ông cố thấu triệt là khả hữu chứ không phải hiện thực, tại sao ông phải trung thực với ảnh tượng giả dụ như Praha và những biến cố xảy ra nơi đó?
 
MK: Nếu nhà văn xem xét tình huống lịch sử và thấy đó là một khả hữu mới mẻ có khả năng phơi bày thế giới con người, hắn nên miêu thuật y như sự thật. Tuy thế, trung thực với hiện thực lịch sử là điều thứ yếu khi đề cập đến giá trị của tiểu thuyết. Tiểu thuyết gia không phải là sử gia cũng chẳng phải nhà tiên tri: hắn là nhà thám hiểm hiện hữu.

 

– Trịnh Y Thư dịch

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư...
Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ. Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau.
Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023. Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928. Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.
Kỷ vật, không trừu tượng, là một thứ gì bằng vật chất ghi lại, cưu mang, hoặc ẩn tượng một kỷ niệm nào đó. Loại kỷ niệm có động lực gợi lại những vui buồn, thương tiếc, nhớ nhung; có khả năng làm nhếch một nụ cười hoặc làm mờ khóe mắt. Có những kỷ vật dù đã mất nhưng không quên. Mỗi đời người càng sống lâu, càng có nhiều kỷ vật. Điều này cất vào kho tàng quá khứ, có hay không, nhiều hạnh phúc đã qua mà mùi hương không bao giờ xao lãng.
Có một tương đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Đó là đôi khi họ làm thơ. Nhưng dị biệt lớn giữa hai nhà thơ tài tử này chính là chủ đề, là nguồn cảm hứng để làm thơ. Nguyễn Phú Trọng làm thơ ca ngợi ông Hồ Chí Minh và những chủ đề tương tự, thí dụ, một lần ông Trọng làm ca ngợi khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Nhưng Tổng Thống Biden chỉ làm thơ tình, và chỉ tặng vợ thôi. Chúng ta không nói rằng thơ hay, hay dở, chỉ muốn nói rằng trong tâm hồn của Biden là hình ảnh thướt tha của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Và trong tâm hồn của ông Trọng là những khối xi măng có hình Lăng Ông Hồ, và rồi hình khách sạn Mường Thanh. Không hề gì. Thơ vẫn là thơ (giả định như thế). Bây giờ thì hai nhà thơ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng đã gặp nhau.
Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu, phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván ‒ cũng như đã từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm, nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn...
Sau tháng Tư năm 1975, tất cả những tác phẩm truyện ngắn truyện dài của các tác giả Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975] đều bị chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa cấm in ấn, phổ biến, lưu trữ. Tên tuổi tác giả, tác phẩm được công bố rõ ràng. Việc tưởng xong, là quá khứ. Bỗng dưng 32 năm sau năm, 2007, từ Hà Nội một nhà văn có chức quyền, có Đảng tịch, ông Phạm Xuân Nguyên, vận động, hô hào sẽ in lại một số tác phẩm Miền Nam, đang bị cấm. Trước tiên là 4 [bốn] tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Đó là các tác phẩm Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Khi sách được phát hành có ngay phản ứng. Rất nhiều bài báo lần lượt xuất hiện liên tiếp trên các báo tại Sàigòn “đánh/ đập” ra trò. Hóa ra, những người vận động in lại sách là các cán bộ văn hóa từ Hà Nội. Hung hăng đánh phá là những cây bút… Sàigòn. Trong đó có Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng, người trước kia bị chế độ Miền Nam bắt giam tù, Dương Nghiễm Mậu là một trong số các nhà văn, ký đơn xin ân xá cho Vũ Hạnh.
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.