Hôm nay,  

Họ nói gì về mình, về cõi riêng của mình?

03/06/202200:00:00(Xem: 4085)
Nguyễn Thị Khánh Minh giới thiệu bốn nhà thơ nữ: Đinh Thị Như Thúy, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thùy Song Thanh & Vũ Quỳnh Hương
  
Một cõi mênh mông các cảnh giới. Cũng là một chiếc kén bé nhỏ gói bí ẩn về giấc mơ một ngày kia sẽ tung ra muôn trùng tơ quấn quít hiện thực. Một khung cửa khép với chờ đợi, với cô lẻ số phận. Một bầu trời cao rộng với những đường bay mạnh mẽ hoan lạc của cánh chim tự do. Một mặt biển bị xao động bởi những con sóng ngầm làm ngạc nhiên thinh lặng của vực sâu. Là cánh cửa được mở tung bởi ngôn ngữ như những tiếng gõ dồn dập. Là bức tường bức phá bởi sức mạnh của ý tưởng. Là con đường hiểm hóc hay mượt cỏ, những bước chân vẫn đi tới đi tới.
 
Ở đó bạn nghe được khát vọng tìm hạnh phúc chân thực như trở về cội nguồn tâm sâu thẳm. Ở đó bạn sẽ thấy cảm xúc mình bung ra như sắc mầu của chiếc kính vạn hoa. Ở đó, những con chữ như nam châm hút cảm xúc người đọc. Ở đó, từ trường say đắm thơ mộng của Đinh Thị Như Thúy, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thùy Song Thanh, Vũ Quỳnh Hương.
 
 

ĐINH THỊ NHƯ THÚY

 
nhu thuy

 

Người đàn bà không giấc ngủ

 

Người đàn bà trong tôi có giấc ngủ muộn phiền
bị cắt ra bởi ngàn lời đay nghiến
Đêm vẫn bình thản trôi
Đêm cuối cùng mùa hạ
Người đàn bà trong tôi
Có cái nhìn dửng dưng của đôi mắt đá
Ngày cứ bình thản qua
Chuỗi ngọc quí nằm sâu đáy nước

 

Mỗi ban mai

Những ám ảnh của giấc mơ đêm đè nặng

Như chiếc đòn gánh trên vai thiếu phụ

chân đất đầu trần

Gánh đậu hủ qua cầu Bạch Hổ ban trưa

Hai tà áo gió cuốn về hai phía

 

Tôi cố dỗ dành người đàn bà

Bằng lời ca của hòn cuội trắng 

Bằng những bông hoa dại ven đường                       

Bằng vũ điệu của bầy cá loi choi

búng lên từ mặt hồ sương sớm

Rằng yên rằng quên rằng nguôi

Dẫu giấc ngủ sẽ thôi không về nữa

Mỗi ban mai vẫn vàng rực mặt trời


Và, trở về tĩnh lặng

 

Anh lại choán đầy tâm trí em
Như giòng suối mùa mưa bị choán đầy bởi thác ngàn lũ núi
Ơi anh
Mặt trời hoang dã đến nao lòng

Hãy lãng quên và cho em những ngày quên lãng
Em cần tĩnh lặng
Để thu xếp những ý nghĩ ngổn ngang
Như người đi xa trở về
thu xếp đồ đạc trong căn nhà bừa bộn

Em ngắm nhìn những chùm quả xám nặng đung đưa
Và nhớ về màu hoa tím cũ
Và mái tóc em đang ngày một ngắn lại
Vì không đủ sức đợi chờ
Và cả vị trí khuất lấp ấy trong cuộc đời
Dường như cũng không có thực
Và anh

Dẫu đang ở rất gần
Hãy lãng quên và cho em những ngày quên lãng
Em xin sự tĩnh lặng này
Để lẩn vào góc tối
Đắm mình trong nỗi sợ những ngày xa

 

Đinh Thị Như Thúy

 

*

 

PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

 
ngoc lien

 

Đến đường hoa mười giờ lúc mười giờ


Run rẩy giữa mênh mông xanh rồi chết lặng

tan như hạt bụi nhỏ nhoi

phía sau là thành phố

 

Chợt nhớ đêm qua giấc mơ thổn thức nặng trĩu

chợt nhớ đuôi mắt nhăn nhiều hơn khi cười

chợt nhớ anh đã lâu không gặp

em đi tìm hoa như tìm một hạnh phúc bé xíu

để tựa vào

 

Giữa mênh mông xanh như tâm hồn người đàn bà đang yêu

bàn chân trần thảnh thơi rón rén

em hồng hào rồi đỏ thắm rồi vàng mơ rồi tím biếc

như hoa mười giờ rực rỡ nở hàng triệu đôi môi thoa son

vào lúc nắng trên cao tít tắp

hoa nở như thể tận hiến tình yêu tận hiến cuộc sống

dẫu có thể ngày mai mưa

 

Gặp hoa như gặp anh sau nhiều ngày xa vắng

trái tim một chút xôn xao một chút ngậm ngùi

anh biết không

vì sao hoa mười giờ chỉ nở lúc mười giờ

vì sao em đỏ thắm ngay cả lúc thiếu anh?

 

Dẫu có thể ngày mai mưa

dẫu thành phố khi em quay về vẫn ngập ngụa khẩu trang và nước sát khuẩn

dẫu anh ở đâu đó trong hàng người bị cách ly em không thể gặp

em cũng sẽ cười như hôm nay nở như hôm nay

dưới nắng

 

Đến đường hoa mười giờ lúc mười giờ

em giống như cánh hoa kia

mỗi ngày đều tận hiến...

 

(Tiền Giang, 18-8-2020)

 

Tự ca của những Eva cô quạnh

 

Em nằm trong danh sách của những người đàn bà
Không có đàn ông
Dầu vẫn có trái tim nóng hổi
(Trái tim thèm một điều tội lỗi
Được yêu và phản bội chính mình !)
Ôi những Eva đôi mắt quầng xanh
Đêm thao thức những nỗi buồn trong ngực
Những vết rạn đầu đời tấm tức
Như con chim che mặt trước cành cong
Khi tình yêu sủi bọt phía sau cùng
Lời tuyên hứa một mình
Đã nổi

Những Eva bối rối
Trái tim khôn ngoan, khờ khạo, ngu đần
Bàng hoàng sau câu nói vĩ nhân
(Vĩ nhân đúng là vĩ nhân khi thốt thành lời nói)
Ôi trái tim em thèm một điều tội lỗi


Được yêu và phản bội chính mình

 

Liên đêm

Liên đêm
con bướm bay vào giấc ngủ
em tha thiết vẫy những mộng mị hoang đường
ngực góa phụ êm như nhung
phơi mở

Khuôn mặt ai rất mờ
thêu dệt từng lời ngọt dịu
tự hỏi mình có thể yêu ai nữa không
những tình yêu cào xé

Hỡi anh
đôi môi ngàn đêm nứt nẻ
ngàn đêm mộng mị thức tỉnh
em đã hôn anh không kể ngậm ngùi
cùng niềm hoan lạc
ngày mai biết đi đâu về đâu
hun hút một hành lang mệt mỏi...

 

Phạm Thị Ngọc Liên

 

*

 

NGUYỄN THÙY SONG THANH

 

song thanh
(Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Đô)

 

Cõi ước

 

Cơn mưa bão suốt một mùa người đã tan hoang

Nước về nguồn tịch mạc

Gió chìm cõi vô vi

Sấm sét chui sâu hang cực lặng

Người ta trả chàng vào lòng đất

Tôi thả theo một bông hoa đẹp nhất

Nụ hôn của Đất và Trời

Và một nắm đất

Nắm đất đã chảy máu thơ chàng thời chiến tranh

Vẫn chưa ngưng thời hòa bình

Và thả thêm sợi tóc run rẩy sinh linh

Từ mái đầu sương bứt xuống

Sẽ dẫn đường liêu trai

Vượt lũy âm dương

Đưa chàng về bên tôi

Và thả cuối cùng ngọn bút với trang giấy thinh không

Để chàng mở cửa niết bàn cực lạc

Mở cửa âm phủ lụy đọa nát tan

Mở cửa thiên đàng cõi sống vĩnh cửu hạnh phúc

Mở cửa trần gian phiêu hốt

Mở hết

Mở hết

Rao truyền sứ điệp chúng ta sẽ thuộc về nơi khác

Tất cả chỉ còn là một Cõi Yên Vui

Hằng hằng duy nhất

 

(3.2015)

 

Bông hồng và những chuyến xe buýt trên đưòng Bolsa

 

Trong dòng luân lưu đại động mạch

hồng cầu nhiễm sắc vàng, đen, nâu

những hạt trân châu

nhộn nhạo cùng sạn cát

xe cộ ùn ùn ngày trơ phiêu dạt

một băng ghế đìu hiu

một bông hồng âm u

làn tóc rối cỏ

lòng quạnh tàn xưa

 

Cô tài xế da đen vừa nhịp chân rầm rập

lên sàn xe vừa bẻ tay lái vừa ca

In that black heaven, we are…

cứ thế khắp phố phường

chúng ta trôi qua

 

Những con đường nằm nghe gian lao

những cây phượng tím khóc đời hư hao

mỗi trạm dừng thả một bước chân xiêu đổ

Cali giàu có và Cali tan vỡ.

 

Ơi xe, đừng dừng. Thôi cứ lăn

còn muốn nghe cô tài xế hát khúc ca đen

trân châu cùng sạn cát

khua rền cõi thiên đường

 

Chiều chưa đi chiều còn nấn ná

bông hồng cao quý ơi chớ vội tàn

e nước mắt không kịp với hồn ta khóc lả

Black heaven

 

Nguyễn Thùy Song Thanh

Cali, 2006)

 

*

 

VŨ QUỲNH HƯƠNG

 

quynh huong

 

Đổi giờ

 

Bóng tối tràn lấp mặt trời
tôi vặn kim đồng hồ
tặng mình thêm một giờ mùa đông
một giờ một giờ đầy đặc bóng tối
buổi chiều năm giờ tan sở buồn như nửa khuya
hơi ấm hệ thống sưởi không ấm đủ ngoài vỉa phố

 

Tôi nâng niu trên tay chiếc bóng
một ngày tàn
thở ra khói
mùa đông không lãng mạn
mùa đông những ngày lễ vang động tiếng rộn ràng
dội ngược thành
những tiếng than

 

Tôi vặn kim đồng hồ
xin thêm một giờ hạnh phúc
một giờ một giây một khoảnh khắc
tôi sống ngon lành như ăn uống
ngấu nghiến

 

Tôi vặn kim đồng hồ
nhận thêm một giờ sầu bi
một giờ một đời một thế kỷ
tôi sống nhọc nhằn thiếu dưỡng khí
tôi già tôi da mồi tóc bạc
tôi chết

 

Tôi vặn kim đồng hồ
thêm bớt trả giá kỳ kèo từng phút từng giờ
trái tim thoi thóp

 

Tôi tiếp tục vặn kim đồng hồ
tiếp tục thở

 

Trăng ở Halfmoon Bay

 

Hãy tới hãy tới hãy tới Halfmoon Bay với anh

Ở một nơi trăng biếc gió xây thành

Đêm và mộng và anh cùng ước hẹn

Ở Halfmoon Bay màu trăng rất xanh

 

Hãy bước khẽ hãy ngồi đây với anh

Đêm nguyệt tận bầy chim bay không về

Em muốn thấy sao khuya làm hôn lễ

Nghiêng lòng xuống và ở đây với anh

 

Hãy nói nhỏ hãy nhìn sâu mắt anh

Đêm thở hơi em nồng nàn cỏ biếc

Đi đi với anh qua cửa trăm năm

Trăng đã rụng và môi em đã chín

 

Môi ngực ủ trầm hương em đến đây

Bờ cõi mộng đã đầy lên phương này

Lòng anh đã trải nguyệt tràn năm cửa

Đêm Halfmoon Bay và anh đã say

 

Trăng Halfmoon Bay làm em nhớ thương

Những bờ sông trải lụa tới thiên đường

Những lòng thuyền neo bến chờ thinh vắng

Áo lụa em vàng hơn xiêm áo trăng

 

Những con trăng ở đậu lúc xuân thì

Đợi em về ngủ mộng giữa đôi mi

Cửa thanh xuân khép nhẹ chờ trăng tới

Trăng mặn nồng cúi hôn niềm phân ly

 

Trăng Halfmoon Bay tình yêu xứ này

Thắp sương mù nhẹ mỏng tà váy bay

Phấn son thơm vây ảo lòng thiếu nữ

Buồn lặng ở bên trời không ai hay

 

Ở Halfmoon Bay mùa trăng đã xa

Lối em qua khói sóng đã phai nhòa

Áo em xưa lạnh nguyệt trong tà mộng

Đêm thở dài nghe sao khuya đổi ngôi

 

Đêm và mộng và anh ngoài cõi gió

Ở một nơi trăng khóc nuối tình duyên

Ở một nơi sầu trổ nhánh ưu phiền

Ở Halfmoon Bay em và trăng đã khóc.

 

Vũ Quỳnh Hương

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có mấy ai trong chúng ta không bị ảnh hưởng bởi cái đẹp của vầng trăng, trong đêm trăng sáng lại nghe văng vẳng tiếng đàn, hòa điệu với tiếng vỗ về của sóng nước, ngập tràn hơi lạnh của sương thu? Vẻ đẹp này được thể hiện trong hai bài hát Hương Xưa và Nguyệt Cầm của cố nhạc sĩ Cung Tiến. Hương Xưa mang cả vầng trăng và tiếng đàn vào bài hát. Nguyệt Cầm là bài hát nói về một bài thơ nói về tiếng đàn và tâm sự của người khảy đàn lẫn người nghe đàn. Nghe câu hát “Kìa thuyền trăng, trăng nhớ Tầm Dương, nhớ nhạc vàng, đêm ấy thuyền neo bến ấy” làm sao không nhớ đến Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị?
Người lớn gọi ông: Sáu Thi. Tên ông gắn liền nhiều lời đồn. Nhà văn viết tác phẩm lớn chưa chắc được ngưỡng mộ như người có nhiều huyền thoại. Số đông không quan tâm Xuân Diệu, Huy Cận... không biết đến Võ Phiến, Mai Thảo... Danh tiếng thổi phồng theo tưởng tượng. Văn chương lớn nhỏ theo tác phẩm. Huyền thoại kề môi thì thầm sát lỗ tai, câu chuyện từ từ hóa máu thấm vào trí nhớ. Toàn cõi Bình Định ai cũng biết Sáu Thi.
Trong hàng đệ tử của Đức Phật, có một vị tăng hình dung xấu xí, lùn thấp, không chút nào hảo tướng, nên người mới gặp tự nhiên khó tôn kính. Đó là Trưởng lão Bhaddiya. Cũng chính vì nhận ra nhiều vị tăng đã khởi tâm bất kính khi thấy nhà sư lùn thấp Bhaddiya, Đức Phật đã nói lên hai bài kệ làm giựt mình đại chúng, rằng chính nhà sư Bhaddiya đã giết cha, giết mẹ, giết vua, giết cả triều đình… Bài này sẽ nhìn về cách Đức Phật nói lên các ẩn dụ như thế. Để rồi dẫn tới ý nghĩa về hạnh sống một mình. Các sai sót có thể có, người viết xin được sám hối.
Bước vào rừng, khách thơ sẽ thấy thân nhiệt hạ xuống ngay lập tức. Cái nóng rát bỏng trên da không còn nữa. Và mùi hương rừng thoang thoảng vây quanh. Rừng có hương thơm sao? Có chứ! Bạn chẳng từng nghe nhà văn Sơn Nam với tập truyện nổi tiếng “Hương Rừng Cà Mau” đó sao. A! Có thể mùi cây tràm cây đước chỉ là mùi hương tượng trưng, nghiêng về tinh thần hơn là vật chất, nhưng ở đây, New Jersey, hương rừng có thể được nhận thức bằng khứu giác.
Thời văn học miền Nam trước năm 1975 đã chứng kiến mối lương duyên thơ văn thành đôi phối ngẫu Trần Dạ Từ-Trần Thy Nhã Ca bền chặt cho đến nay đã trên 60 năm. Đôi tình nhân hình như đến với nhau với thi ca (và báo-chí) xe duyên và cả hai đã có những bài thơ tình đi vào văn học sử. Nhà thơ Nhã Ca sau này kể lại chuyện lần đầu gặp nhằm ngày Mùng Một Tết năm 1958 trong “Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng (Thương Yêu, 1991): "Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh? Anh vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát”. Gặp người thật sau những trao đổi thư từ: “Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ngồi đó ốm nhom…”. Hôm sau, khi đến gặp từ giã anh ở khách sạn đã thấy trên bàn có bài thơ “Thủa Làm Thơ Yêu Em”, ký tên Trần Dạ Từ - bài sẽ đăng trên Sáng Tạo số Xuân Kỷ Hợi 1959.
Có những điều chúng ta chưa biết, chưa chắc chắn ở tương lai và đời sau, nhưng nguyên lý nhân-quả là lẽ tự nhiên, tất định, không thể sai khác; ai cũng có thể suy nghiệm, hiểu biết và tin vào. Vì vậy, khi một người chỉ tâm tâm niệm niệm tránh xa các điều ác, tận tụy làm những điều lành, sẽ nắm chắc hạnh phúc an vui trong hiện tại, trong tương lai gần, tương lai xa, mà không cần phải tìm hiểu cảnh giới nào sẽ chờ đón mình.
Cuộc chiến tranh của Ukraine và Nga gợi trong tôi nhiều suy nghĩ. Khi người Ukraine bị mất đảo Rắn vào tay Nga, tôi nghĩ đến Trường Sa. Tôi lo sợ cho người Ukraine bị một nước láng giềng khổng lồ xâm lăng như tôi lo sợ cho người Việt trước hiểm họa Trung quốc. Cả triệu người Ukraine đi tị nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi cảm thông với họ vì tôi cũng từng là người tị nạn. Tôi xót xa cho họ bị tước đoạt ngôn ngữ vì tôi là người bị mất ngôn ngữ Việt khi lưu lạc ở xứ người. Đi ngược dòng lịch sử, tôi “tìm ra” Gogol là nhà văn Nga gốc Ukraine. Tôi dùng chữ “tìm ra” là để nhấn mạnh sự thiếu sót “ai cũng biết chỉ có mình không biết” của tôi. Nghe tên Gogol đã lâu, tôi biết ông là nhà văn Nga, nổi tiếng với “Dead Souls - Những Linh Hồn Chết” và “The Overcoat – Chiếc Áo Khoác” nhưng tôi chưa đọc và cũng không để ý đến nguồn gốc Ukraine của ông. Như thế nào là người của một quốc gia nhưng có nguồn gốc của một nước khác?
Đỗ Gia- một gia đình thân hữu lâu đời với nhà văn Doãn Quốc Sỹ - đã thực hiện audio book và bắt đầu đưa lên youtube, để người Việt khắp nơi trên thế giới có thể nghe đọc một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn lão thành này.
Đối mặt với viễn cảnh phải điều quân đi tham chiến dưới lòng đất, tổng thống Nga Vladimir Putin đã khá là dè dặt. “Không cần phải chui nhủi trong mấy hầm mộ hoặc lây lất bò xuống lòng đất.” Ông nói với Bộ trưởng Quốc phòng khi ra lệnh hủy bỏ kế hoạch tấn công nhà máy thép ở thành phố cảng Mariupol của Ukraine vào ngày 21 tháng 4 năm 2022. Dù có kế hoạch dự phòng không kém phần tàn bạo là vây nhốt các lực lượng Ukraine và chờ đợi, hoặc cũng có thể tiến hành những cuộc tấn công trên mặt đất trong khu vực, sự do dự của Putin trong việc điều động quân lính tiến vào một mạng lưới rộng lớn của các đường hầm dưới lòng đất cho thấy một điều: Đường hầm có thể là công cụ hiệu quả trong chiến tranh.
Tôi không lo rằng tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị sẽ bị hủy hoại. Các tác phẩm văn học có thể trường tồn một phần là vì chúng đủ sức nặng để được đọc và ngẫm trước những thăng trầm của hiện tại. Lập luận này có thể được đưa ra với bất kỳ tác phẩm vĩ đại nào trong văn học Nga, nhưng với tư cách là học giả chuyên nghiên cứu về các tác phẩm của Leo Tolstoy và Fyodor Dostoevsky, tôi sẽ nói về những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của họ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.