Hôm nay,  

Thế Giới Thơ Nhìn Về Miến Điện

14/05/202100:00:00(Xem: 2235)
 
myanmar
Hình trên trái: Nhà thơ Khet Thi. Hình trên phải: Nhà thơ nữ Myint Myint Zin và cánh tay sơn màu henna.
Hình dưới: Hình ảnh chân trần của người Rohingya vào thơ
Miến Điện đang khởi đầu của cuộc nội chiến. Các nhà thơ, bản chất là yêu thương hòa bình, đang cùng toàn dân Miến Điện bị lịch sử xô vào một trận giông bão mới. Giấy mực thi ca đôi khi là những gì cực kỳ xa rời hiện thực lịch sử, nhưng đồng thời nơi một góc nhìn khác, cũng đang hiển lộ những ẩn khuất khó tìm trong lòng người. Nhà thơ có khi là nạn nhân lịch sử, và cũng có khi là nhân chứng, nơi chữ của họ sẽ được lưu giữ thành một tài sản riêng cho đời sau.

Và có khi, nhà thơ phải trả giá bằng sinh mạng cho những gì họ đã viết. Bản tin Reuters hôm 10/5/2021 cho biết rằng nhà thơ Miến Điện Khet Thi, người đã viết những dòng thơ chống lại các tướng lãnh đã thực hiện cuộc đảo chánh ngày 1/2/2021, đã chết sau khi bị an ninh giam giữ, và xác của ông được trả về cho gia đình mai táng với nội tạng đã bị lấy đi. Một phát ngôn nhân của chính phủ quân sự không trả lời câu hỏi từ phóng viên hỏi về cái chết của Khet Thi, người đã viết lên dòng thơ:

Họ bắn vào đầu [người dân]

nhưng họ không biết rằng cách mạng nằm ở tim.

1-Poet-Khet-Thi_Phan-Tan-Hai
Nhà thơ Khet Thi
Thi sĩ Khet Thi chỉ mới 45 tuổi, dựa theo thông tin từ trang Facebook của ông. Vợ của Khet Thi nói rằng cả hai vợ chồng bị phỏng vấn hôm Thứ Bảy 8/5/2021 bởi cảnh sát và quân đội tại thị trấn Shwebo, trong khu vực Sagaing – trung tâm của cuộc kháng chiến chống lại cuộc đảo chánh quân sự mà trong đó lãnh tụ dân cử Aung San Suu Kyi bị bắt.

Chaw Su, vợ của nhà thơ Khet Thi, nói trong tiếng khóc với BBC chương trình tiếng Miến Điện từ Monywa, rằng hai vợ chồng cùng bị thẩm vấn, “Họ nói chồng tôi ở trung tâm thẩm vấn. Nhưng anh không trở về, chỉ có xác của anh. Họ gọi tôi vào buối sáng và bảo tôi lên đón chồng tôi ở bệnh viện tại Monywa. Tôi nghĩ có thể là gãy tay hay gì đó… Nhưng khi tôi tới, anh nằm ở nhà xác, nội tạng bị lấy đi rồi.”

Tổ chức có tên là Assistance Association for Political Prisoners nói rằnh nhà thơ Khet Thi chết ở bệnh viện sau khi bị tra tấn ở trung tâm thẩm vấn, và nói rằng số người dân bị giết từ khi đảo chánh xảy ra là 780 người.

Khet Thi là nhà thơ thứ ba chết trong các cuộc biểu tình và phản kháng đã lan truyền khắp Miến Điện từ khi cuộc đảo chánh xảy ra. Khet Thi là bạn của K Za Win, 39 tuổi, một nhà thơ bị bắn chết trong một cuộc biểu tình ở Monywa hồi đầu tháng 3/2021. Khet Thi là một kỹ sư trước khi bỏ nghề hồi năm 2012 để tập trung vào làm thơ, từ đó tự mưu sinh bằng cách làm và bán bánh và cà-rem.

Hai tuần sau cuộc đảo chánh, Khet Thi viết:

Tôi không muốn là anh hùng
tôi không muốn là tử sĩ
tôi khôg muốn là tên hèn
tôi không muốn là kẻ ngu
tôi không muốn tiếp tay bất công
nếu tôi chỉ còn một phút để sống
tôi muốn lương tâm mình trong sạch giây phút đó.

Gần đây hơn, Khet Thi viết rằng anh là một người chơi đàn guitar, một người nấu bánh và là một nhà thơ – không phải là người có thể nổ súng được. Nhưng có lẽ thái độ anh cũng thay đổi, khi anh viết:

Dân tôi đang bị bắn
tôi chỉ có thể ném thơ ra để chống trả
nhưng khi bạn không chắc rằng
lời của bạn chưa là đủ
rồi bạn cần chọn cho kỹ một khẩu súng
Tôi sẽ bắn.
.

Đã có hai nhà thơ bị bắn chết trước đó vài tuần lễ trong những cuộc biểu tình trong tuần lễ thứ nhì của tháng 3/2021. Bản tin Reuters ngày 10/3/2021 kể rằng trong các đợt quân đội bố ráp và đàn áp biểut ình, đã có 9 nhà thơ bị bắt và 2 nhà thơ bị bắn chết. Salil Tripathi, chủ tịch Ủy ban Nhà Văn Trong Tù của tổ chức PEN International, khi loan tin hai nhà thơ Myint Myint Zin và K Za Win bị quân đội Miến Điện bắn chết đã nói: “Các nhà thơ có chữ; chính quyền có súng. Các nhà thơ đã làm những gì họ có thể với những gì họ có --- viết, bày tỏ, nói. Chính quyền làm điều duy nhất họ biết với thứ mà họ có. Lính đã nổ súng.”

2-Myint-Myint-Zin-canh-tay-son-mau-henna_Phan-Tan-Hai
 Nhà thơ nữ Myint Myint Zin và cánh tay sơn màu henna.
Từ khi hai nhà thơ Myint Myint Zin và K Za Win bị bắn chết, có 9 nhà thơ khác đã bị bắt và còn trong tù, dự kiến sẽ bị kêu án nhiều năm tù. Hàng chục nghệ sĩ khác, nhạc sĩ, họa sĩ và nhà văn cũng đã bị giam từ khi những cuộc biểu tình bùng nổ khắp nước.

Tripathi nói rằng việc chính phủ quân sự Miến Điện bắt giam các nhà thơ đã được mô tả trong thi tập The Satanic Verses (Những Vần Thơ Của Quỷ) của Salman Rushdie, người viết rằng mục đích của thơ là:

Để gọi tên cái bất khả gọi tên
để chỉ ra bọn gian tà
để chọn phe
khởi đầu tranh biện
làm biến đổi thế giới
và không cho ngủ yên.

Một ngày trước khi nhà thơ Myint Myint Zin bị bắn chết, cô phóng lên mạng mấy dòng chữ mời gọi biểu tình cả sáng, trưa, chiều, tối. Vào buổi sáng của cuộc biểu tình, cô phóng lên mạng tấm hình cánh tay cô sơn màu kiểu henna. Và rồi tấm hình cánh tay sơn màu henna này được các học trò và bạn thơ của cô chọn làm biểu tượng tưởng nhớ.
.

Đất nước Miến Điện đầy những đau khổ trong nhiều thập niên qua. Các nhà thơ từ nhiều nơi trên thế giới đã nhìn về Miến Điện, nơi đau khổ chồng chất trong thời đại dịch. Cuộc đảo chánh của các tướng lãnh đã làm bước tiến dân chủ lùi lại vài chục năm.

Nhà thơ Sergiodib viết trên mạng Hello Poetry của Hoa Kỳ, ngày 18/4/2021 bài thơ nhan đề Mask (Mặt Nạ) hướng về Miến Điện, trong này, chữ “mask” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là khẩu trang, mặt nạ. Trích bài thơ như sau:

---- Thơ của Sergiodib

MẶT NẠ
Hãy mang một mặt nạ
để chúng ta có thể che giấu nỗi buồn hay niềm vui.
Hãy mang một mặt nạ
để chúng ta có thể che giấu dị biệt của chúng ta
để những con rùa sẽ ăn chúng dưới biển
Hãy mang một mặt nạ
để chúng ta có thể bỏ quên
thêm một cú đảo chánh ở Miến Điện
Hãy mang một mặt nạ
để chúng ta có thể mua và bán cổ phiếu Pfizer…

(ngưng trích).
.

Trong khi đó, nhà thơ Jan Oskar Hansen từ Na Uy, trong bài thơ nhan đề “Miến Điện” (Myanmar) viết vào năm 2017, ghi lại hình ảnh hơn nửa triệu người sắc tộc Rohingya bị đuổi ra khỏi Miến Điện,  toàn văn như sau.

---- Thơ của Jan Oskar Hansen

MIẾN ĐIỆN
Nửa triệu người bị ném ra khỏi quê nhà của họ
sự câm lặng của tội lỗi chúng ta là sức nặng bóng tối
khi chúng ta không được tha thứ để không giúp người.
Để bảo vệ họ với lính LHQ, hay để chuyện đó
cho NATO một vai trò phi chính trị, để ngăn bất công này.
Miến Điện ở xa Châu Âu và người Rohingya
có rất mực sơ khai và họ không có nhà văn nổi tiếng nào.
Chúng ta không biết gì về âm nhạc của họ, sức nặng của sự
câm lặng của chúng ta u tối hơn cả bóng đêm.

(Hết)
.

3-Rohingya-refugees-2017_Phan-Tan-Hai

Hình ảnh chân trần của người Rohingya vào thơ.

Những người sắc tộc Rohingya khi bỏ chạy ra khỏi Miến Điện nhiều người đi chân trần. Hoặc vì làm rơi giày dép khi lội sông, hay rơi trên đường chạy, hoặc vì bị quân đội Miến Điện tấn công quá khẩn cấp, nên không kịp tìm giày dép. Hình ảnh này làm thế giới xúc động. Nhà thơ Hoa Kỳ Ryan O'Leary làm một bài thơ vào tháng 8/2018, ghi hình ảnh chân trần vào thơ.

Bài thơ này nhắc tới cựu đệ nhất phu nhân Phi Luật Tân Imelda Marcos người nổi tiếng vì có tới 3,000 đôi giày. Trong bài thơ, Ryan O'Leary đưa ra con số nhỏ hơn, và đặc biệt là lời trách cứ Aung San Suu Kyi, người từng được Giải Nobel Hòa Bình 1991 về những bất công mà chính phủ Miến Điện đã đối xử với người Rohingya. Bài thơ chỉ có tám dòng, hai đoạn, như sau.
.
---- thơ của Ryan O'Leary, tháng 8/2018

MIẾN ĐIỆN
Imelda Marcos chỉ có ba
trăm và sáu mươi lăm đôi
giày. Cứ mỗi năm nhuận, bốn
năm một lần, bà đi chân trần làm từ thiện.
.
Phụ nữ Hồi Giáo chạy với chân trần tới
Bangladesh từ Miến Điện, bởi vì
Aung San Suu Kyi đã tin, rằng
từ thiện luôn luôn bắt đầu từ nhà.

(Hết)
.

4 cho phien Myanmar Thaye Zay hai ben duong xe lua_Phan Tan Hai

Chợ phiên Thaye Zay hai bên đường xe lửa Miến Điện.

Tuy nhiên, Miến Điện trong nhiều thời gian vẫn là một đất nước của những ngôi chùa tuyệt vời, nơi người dân sống hiền hòa trong giáo lý nhà Phật. Nhà thơ Hoa Kỳ Kaitlyn Lawrence có một bài thơ viết vào tháng 12/2014 về các hình ảnh đẹp nơi Miến Điện. Bài thơ nhan đề “Rondeau” – tức là một thể thơ ba đoạn, với hai âm vận. Trong bài thơ, Miến Điện hiện ra đẹp từ xa tới gần, đẹp cả những chợ phiên cho tới cả những vết sẹo mà đời thường đã để lại. Toàn văn bài thơ như sau.
 
---- Thơ của Kaitlyn Lawrence, tháng 12/2014

THƠ BA ĐOẠN

Tôi yêu em như thế, ngôi sao sáng của tôi
Vì em là em, tới nơi em từng đến
tới người em đã gặp, tới những gì em đã thấy
Ánh sáng chói ngời của em làm em là em.
.
Từ những cánh rừng hiệp sĩ tới Miến Điện
có người chỉ thấy em là điếu xì-gà đã cháy
mặc dù với tôi, em là nữ hoàng chói ngời
Tôi yêu em thế đó.
.
Khi em ở gần hay cả khi ở xa thật xa
tôi theo em tới tất cả các chợ phiên
Nhưng không ai có thể đã thấy
rằng có điều tệ hơn, chính là lệ thường
là những gì em để lại thực sự là các vết sẹo
Tôi yêu em thế đó.

(Hết)
.

Trong khi đó, nhà thơ Mohammad Yamin từ Hoa Kỳ, trong bài thơ năm 2013, nhan đề “Bloodshed in Myanmar” (Tắm Máu Tại Miến Điện) từ hình ảnh người Hồi Giáo Rohingya bị xua đuổi ở Miến Điện đã nêu câu hỏi, rằng có phải máu của người Hồi Giáo loãng hơn. Bài thơ nơi đây, xin trích dịch vài đoạn đầu.
 
---- Thơ của Mohammad Yamin, 2013

TẮM MÁU TẠI MIẾN ĐIỆN

Mặt trời đỏ vì tắm trong máu
lương tâm thế giới văn minh đang ngủ
nhân loại đang bị dẫn dắt về đâu
nơi đây là một xác người, cổ bị đâm thủng sâu
.
Kên kên đang mở tiệc, bầy chó xúm vô ăn
quỷ ma nhảy múa, thiên thần la hoảng
quái vật tiệc tùng, ma quỷ khiêu vũ
súng chỉa tới lui, vũ khí quơ qua lại

Có phải máu Hồi Giáo loãng hơn
Dễ dàng đổ ra không ân hận
Palestine, Afghanistan, Pakistan, Kashmir và bây giờ Miến Điện
và đang là lời nguyền của Al-Qaida, Lashkar-e-Jhangvi và Taliban…

(ngưng trích dịch)
.

5 bia tap tho I am a Rohingya_Phan Tan Hai

Bìa tập thơ “I am a Rohingya.”


Cõi này hiển nhiên là khổ. Nơi nào cũng khổ. Hoặc khổ nhiều, hoặc khổ ít. Thế giới nhìn về Miến Điện như thế. Và một nhà thơ sắc tộc Rohingya, sau khi chạy khỏi Miến Điện, khi nhìn lại cũng bùi ngùi xúc động. Zaki Ovais là một nhà thơ sắc tộc Rohingya, cũng là một nhân viên phát triển cộng đồng trong một trại tỵ nạn nằm giữa Miến Điện và Bangladesh. Người Rohingya liên tục chạy tỵ nạn trong 200 năm qua, khi họ bị quân đội Miến Điện liên tục bố ráp, xua đuổi ra khỏi quê nhà họ ở Rakhine. Vào tháng 12/2017, sau khi bị quân đội Miến Điện tổng tấn công, đốt nhà, hiếp dâm, tra tấn… khoảng 625,000 người Rohingya chạy tỵ nạn từ Rakhine, Miến Điện, sang nước láng giềng Bangladesh. Bài thơ “I am a Rohingya” (Tôi là một người Rohingya) là bài thơ đầu tiên của chàng thanh niên Zaki Ovais, cho thấy anh sợ hãi chính phận người của anh, và tự thấy anh như gà con nép mình dưới cánh gà mẹ. Bản Anh dịch của James Byrne. Bài thơ rất buồn trong cõi người của chúng ta, được dịch toàn văn như sau.
---- Thơ của Zaki Ovais
TÔI LÀ MỘT NGƯỜI ROHINGYA
.
Tôi là một con ruồi trong bếp, vo ve
trên mép bờ của một bức vách che.
.
Tôi là một con gà dưới cánh mẹ
ẩn trong khe hẹp của bờ ức mẹ.
.
Tôi là một chim bồ câu trên đường phố Yangon
bị giam trong chiếc lồng bất nhân.
.
Tôi là dòng nước chảy trong sông Mayu
nhớ tới người bạn thân thương: Khí trời.
.
Tôi là một người trong vũ trụ
bị bác bỏ hầu hết các quyền căn bản.
.
Tôi là một người tự sợ chính mình.

(Hết)

Cõi này như thế đó. Trước những hung bạo của cuộc đời, chúng ta chỉ là con ruồi nép người nơi xó bếp, chỉ là chú gà con núp dưới cánh gà mẹ, chỉ là con chim bồ câu bị giam trong lồng, chỉ là dòng nước chảy bị ngộp thở, và là một người bị tước bỏ hầu hết các quyền căn bản. Thế giới buồn đó đang hiển lộ ở Miến Điện, và ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà thơ đang nói lên những hiện thực của thế giới, không chỉ bằng chữ, mà cả sinh mạng của họ.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư...
Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ. Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau.
Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023. Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928. Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.
Kỷ vật, không trừu tượng, là một thứ gì bằng vật chất ghi lại, cưu mang, hoặc ẩn tượng một kỷ niệm nào đó. Loại kỷ niệm có động lực gợi lại những vui buồn, thương tiếc, nhớ nhung; có khả năng làm nhếch một nụ cười hoặc làm mờ khóe mắt. Có những kỷ vật dù đã mất nhưng không quên. Mỗi đời người càng sống lâu, càng có nhiều kỷ vật. Điều này cất vào kho tàng quá khứ, có hay không, nhiều hạnh phúc đã qua mà mùi hương không bao giờ xao lãng.
Có một tương đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Đó là đôi khi họ làm thơ. Nhưng dị biệt lớn giữa hai nhà thơ tài tử này chính là chủ đề, là nguồn cảm hứng để làm thơ. Nguyễn Phú Trọng làm thơ ca ngợi ông Hồ Chí Minh và những chủ đề tương tự, thí dụ, một lần ông Trọng làm ca ngợi khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Nhưng Tổng Thống Biden chỉ làm thơ tình, và chỉ tặng vợ thôi. Chúng ta không nói rằng thơ hay, hay dở, chỉ muốn nói rằng trong tâm hồn của Biden là hình ảnh thướt tha của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Và trong tâm hồn của ông Trọng là những khối xi măng có hình Lăng Ông Hồ, và rồi hình khách sạn Mường Thanh. Không hề gì. Thơ vẫn là thơ (giả định như thế). Bây giờ thì hai nhà thơ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng đã gặp nhau.
Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu, phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván ‒ cũng như đã từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm, nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn...
Sau tháng Tư năm 1975, tất cả những tác phẩm truyện ngắn truyện dài của các tác giả Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975] đều bị chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa cấm in ấn, phổ biến, lưu trữ. Tên tuổi tác giả, tác phẩm được công bố rõ ràng. Việc tưởng xong, là quá khứ. Bỗng dưng 32 năm sau năm, 2007, từ Hà Nội một nhà văn có chức quyền, có Đảng tịch, ông Phạm Xuân Nguyên, vận động, hô hào sẽ in lại một số tác phẩm Miền Nam, đang bị cấm. Trước tiên là 4 [bốn] tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Đó là các tác phẩm Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Khi sách được phát hành có ngay phản ứng. Rất nhiều bài báo lần lượt xuất hiện liên tiếp trên các báo tại Sàigòn “đánh/ đập” ra trò. Hóa ra, những người vận động in lại sách là các cán bộ văn hóa từ Hà Nội. Hung hăng đánh phá là những cây bút… Sàigòn. Trong đó có Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng, người trước kia bị chế độ Miền Nam bắt giam tù, Dương Nghiễm Mậu là một trong số các nhà văn, ký đơn xin ân xá cho Vũ Hạnh.
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
Bài phỏng vấn dưới đây do Christian Salmon thực hiện, đăng trên quý san văn học The Paris Review năm 1983 và sau đó xuất hiện trong tập văn luận “Milan Kundera Nghệ thuật tiểu thuyết” xuất bản năm 1986...
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người...