Hôm nay,  

Đọc Thơ Cao Tần

27/04/202109:15:00(Xem: 2615)

 

Bỗng dưng bị đặt vào một hoàn cảnh không còn chọn lựa nào khác, họ lên đường, ly hương, bắt đầu đời sống của những kẻ lưu vong. Từ mảnh đất mới, với hai tay trắng, cố gắng gầy dựng nên cơ nghiệp mới. Cơ nghiệp thành tựu lớn lao hay chỉ là những mảnh đời chắp vá thì cũng tùy khả năng, tuổi tác, sự xông xáo hay thụ động, lanh lợi hay chậm chạp, và đôi khi, vận may hay số rủi của mỗi người mà thành khác nhau. Nhưng điểm giống nhau nhất là ai cũng quay quắt, nhớ nước nhớ non, và bỗng thấy yêu vô cùng tiếng mẹ đẻ... Hoài vọng về quê hương, hoài niệm về dĩ vãng, hoài bão một ngày xán lạn cho đất nước... người di tản cảm thấy miền đất mới chỉ là chỗ "tạm dung." Họ vẫn mong đợi một ngày nào đó được trở về cố quốc. Và người di tản, bỗng thấy "buồn". Thơ lưu vong từ đó xuất hiện. Nhiều lắm. Hình như ai biết chữ cũng làm thơ được trong cái cảnh trạng và tâm trạng "nhớ nước đau lòng" ấy. Nhưng trong số những người di tản làm thơ "bất đắc dĩ", Cao Tần lên tiếng sớm nhất, thành công nhất, nổi bật nhất; và không như những nhà thơ khác phải trải qua nhiều năm bị ngắm nghía, coi giò... của văn thi hữu và bạn đọc, ông nghiễm nhiên trở thành một nhà thơ rất nhanh, rất tự nhiên. Là vì không ai vào lúc ấy có thể trải được cái tâm trạng bất đắc chí, hụt hẫng, dở khóc dở cười của mình... một cách thấu đáo, ý nhị, hào hùng, cảm động mà lại lạc quan tếu kiểu như ông. Tửng tửng, tếu, tự biếm, mà thâm sâu làm sao. Đọc thơ ông, người ta vừa cười, vừa khóc. 

 

Mai mốt anh về


Mai mốt anh về có thằng túm hỏi

Mày qua bên Mỹ học được củ gì

Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi

Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

 

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ

Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan

Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió

Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

 

Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động

Thằng nào nói nhiều, thằng ấy tay to

Tiếng mẹ đẻ thường chỉ dùng chửi đổng

Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ

 

Ông học được Mỹ đất trời bát ngát

Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm

Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít

Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm

 

Bài học lớn từ khi đến Mỹ

Là ngày đêm thương nước mênh mang

Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí

Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng

 

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa

Ông anh hùng ông cứu được quê hương

Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo

Lùa cả nước vào học tập yêu thương

 

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp

Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm

Bồ bịch hết không đứa nào là Ngụy

Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng.

(tháng 3, 77)

 

Những nỗi niềm thương non nhớ nước, lo nghĩ về tương lai tiếng mẹ đẻ trên đất người, thao thức về vận hội thanh bình nơi quê xa... là ưu tư chung của người tị nạn xa xứ; nhưng ghi lại thành những câu thơ, những bài thơ để cho ai cũng thấm thía và có thể thuộc lòng thì hầu như chỉ có thơ Cao Tần. 

 

Chốn tạm dung


Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi

Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc

Sau lưng sương ngập cao lưng trời

Trước mặt thông sầu reo đáy vực

 

Bắt đầu ngày bằng một chút vui

Hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch

Bài ca quen bỗng chợt quên lời

Chút kỷ niệm còn lại mất khơi khơi

 

Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo

Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô

Dốc mở như đời ta trước mặt

Sương kín như đời ta hôm xưa

 

Giang hồ một túi bài ca cũ

Hát nhảm cho qua nốt tuổi già

Qua những bình minh còn ngái ngủ

Còn như chưa lạc mất quê ta

 

Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực

Trên đường chênh chếch nắng mênh mang

Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc

Đã chán nhân gian ở cuối đường

 

Chiều về lên dốc thân tơi tả

Một quả hoàng hôn đỏ kín trời

Mình mới ngoi lên ngày đã ngã

Đêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi

 

Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực

Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn

Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc

Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.

(tháng 5, 77)

 

Thi vị hóa đời mình qua đời sống thường nhật, với cái giọng nửa chua xót nửa ngạo nghễ, hiếm thấy bài thơ nào thâm trầm sâu sắc như của ông. Đọc mấy câu thơ đầu bài Chốn Tạm Dung, tôi giật mình ngay:

Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi

Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc

Nội tâm phải thật thâm thúy và sống triền miên trong thơ mới nẩy ra được hai câu với hình ảnh tỉ dụ ví von tuyệt khéo như vậy.

Mặc dù ông cố ý dùng cái giọng cà rửng ở câu đầu, chẳng hạn nói "toòng teng" thay vì "chênh vênh" hay "cheo leo," nhưng đến câu thứ hai, và các câu kế tiếp, ông vẫn không thể giấu được ý và lời đầy ắp chất "thơ." 

Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc

Sau lưng sương ngập cao lưng trời

Trước mặt thông sầu reo đáy vực

 

Nơi ở thì toòng teng, đường đi thì xuống dốc, sau lưng thì mờ mịt sương, trước mặt thì những cây thông reo buồn nơi đáy vực, lên xe thì thấy rỗng tuếch, bài ca quen thuộc thì bỗng quên lời, kỷ niệm đẹp thì tự dưng lạc mất... Diễn tả như thế là đã đẩy ngôn ngữ đến chỗ tận cùng, không còn phải nói gì thêm, về vẻ ngơ ngẩn lạc loài của một linh hồn lưu vong tội nghiệp.

Ông còn chứng tỏ là một người giàu từ tâm, rộng lượng, đầy ắp tình cảm, luôn nhớ nghĩ đến những người khác, dù rằng đời mình cũng xuống dốc, cũng rách nát tan tành. Mà sức tưởng tượng của ông mới thật là tràn trề! Ngồi nhúng chân bên bờ biển này mà thả hồn theo nước về đến bờ bên kia, cách xa vạn dặm; chưa hết, hơi thở dài cũng muốn gửi theo về chốn xưa, khua động cây lá nơi rừng già, an ủi và ca ngợi những tráng sĩ lì lợm còn nuôi mộng quang phục quê hương...

 

Biển chiều


Chiều nay ra biển ngồi ngơ ngẩn

Nhúng hai giò trong nước Thái Bình Dương

Để hơi ta dạt về bờ Ô Cấp

Chạm thân ái vào lưng đất mẹ tang thương

 

Có bạn nào đang rắp tâm vượt thoát

Nhớ rằng ta luôn cầu nguyện cho người

Láng đời chót đã tan trên chiếu bạc

Thì sá gì thêm một chuyến ra khơi

 

Thở thật dài vào thinh không bát ngát

Theo gió về động lá cánh rừng xa

Này thằng lì còn chơi miền gió cát

Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta

 

Có thằng bạn nào tàn đời học tập

Cõng gông xiềng lê lết một thân đau

Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp

Những tiếng đời phiêu bạt khóc thương nhau.

(tháng 6, 77)

 

Có thể nói không ngần ngại, rằng thơ ông xứng đáng là tiếng nói tiêu biểu, ghi lại ý hồn chung của một thời chạy loạn di tản, của những người tị nạn ly hương, đánh dấu một trời kỷ niệm lưu vong bi lệ, hùng tráng.

 

Câu cá


Ta đã vượt muôn dặm dài biển cả

Đường tử sinh lui tới cũng đôi lần

Bỗng bình minh này ngồi thuyền, câu cá

Trôi dật dờ như lá trên hồ xanh

 

Hỡi chú cá rong chơi miền nước biếc

Ta vượt đường muôn dặm chẳng tìm nhau

Bày đặt buông cần mà quên thương tiếc

Cho đời êm, qua được mấy giờ đau

 

Nói nghe coi này cổ thụ ven hồ

Kể từ những trăm năm dài đứng đó

Có gặp khi nào một kẻ xác xơ

Lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ

 

Đời đang bão khi không chìm lặng ngắt

Như cành khô nằm chết đáy sông sâu

Đời đang dậy sóng thần lên bát ngát

Bỗng vùi yên đáy biển một thân tàu

 

Và móc đời lên cần câu vớ vẩn

Đem dìm chơi trong đáy nước rong rêu

Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngơ ngẩn

Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo?

(tháng 11, 77)

 

Phiêu bồng


Cho ta làm lại cuộc đời

Thì ta lại vẫn ra khơi như thường

Vật vờ vượt sóng trùng dương

Kiếm đời di tản nghìn cơn nhục nhằn

Mai này tính sổ trăm năm

May chăng lời được cái thân phiêu bồng.

(tháng 12, 77)

 

Bông giấy


Tưởng ta nhớ chú lắm sao

Này cây bông giấy bên rào năm xưa

Chẳng qua trời đổ cơn mưa

Thì thương cành mọn đong đưa một mình.

(tháng 12, 77)

 

Thơ ông là lịch sử chép gọn. Trang trải tâm tình và ước vọng của người Việt trong một giai đoạn buồn thảm khó quên. Tâm tình ấy, không biết hận thù và trả thù; chỉ biết tự vệ và mơ ước những gì tốt đẹp nhất cho đồng loại của mình. (Có cần phải chứng minh "cụ thể" chăng? Thì đây: dù là một trong những nạn nhân bị trù dập, trả thù, đày ải trong các trại tập trung cải tạo — bởi chính sách không hề mang một chút gì tinh thần nhân ái, độ lượng, vốn là đặc tính của tộc Việt; mà cũng chẳng có chút tinh thần mã thượng, văn hóa hay văn minh gì của con người thời đại — Cao Tần cũng không lên giọng nguyền rủa phía những người "anh em" hành hạ mình bằng lòng thù hận; trái lại, ông ước mơ có cơ hội để trải tâm tình yêu thương đến họ, "lấy tình thương xóa bỏ hận thù":

 

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa

Ông anh hùng ông cứu được quê hương

Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo

Lùa cả nước vào học tập yêu thương...

(Mai mốt anh về)

 

Tâm tình ấy thật đẹp, thật nhân ái và nồng nàn tình tự quê hương, là nét văn minh tinh thần được gieo sâu trong mỗi người để mang theo, khắp những phương trời. Chỉ ngần ấy thôi, thơ ông đã vạch ra biên giới rạch ròi giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Người ta sẽ thấy ngay phần chính nghĩa thuộc về phía nào. Không phải cứ thắng là có chính nghĩa. Cũng không phải lưu vong là mất tất cả. Những người lưu vong như Cao Tần, đã quên dần mọi thứ, nhưng vẫn còn giữ lại một trời quê hương, một trời thơ.

Cám ơn ông đã thay mọi người, nói tất cả.

 

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người...
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới chế độ VNCH, từ miền Nam...
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.