Hôm nay,  

Ngày Lễ Tình Yêu, Bình Luận Ca Dao Về Tình Yêu Và Gia Đình

14/02/202109:14:00(Xem: 2664)
HINH CHO BAI CUA NGUYEN LE
Cà Mau ngày Tết. (hình Nguyễn Lễ)

Số là tôi có cái may từ nhỏ đã được nghe rất nhiều câu ca dao trong lời hát ru từ những người xung quanh từ dưới quê cho tới thị thành. Nghe riết rồi thuộc, rồi thấm hồi nào không hay, rồi lâu lâu lôi ra nghiền ngẫm: ‘sao ông bà mình hồi xưa hay vậy ta? Nói câu nào trúng câu đó!’ Sẵn sắp đến ngày lễ Tình Yêu tự dưng trong đầu tôi ào ạt tuôn ra mấy câu ca dao về tình yêu-hôn nhân-gia đình, tôi xin ghi lại ra đây để biết thêm về tâm lý, suy nghĩ, tình cảm của ông bà ta thuở trước và nhất là để học hỏi từ một ‘tàng thư về hôn nhân-gia đình’ mà người xưa đã đúc kết.

 

Thể loại này bao la mà tôi chỉ biết một tí một tẹo nên quý vị nào một bồ một bụng thấy sai sót thì xin chỉ bảo thêm.

 

                     Ví dầu nhà dột cột xiêu

            Muốn đi lấy vợ sợ nhiều miệng ăn 

 

Ko phải lấy vợ về sợ hao cơm tốn gạo mà chỉ vì nhà nghèo quá lấy về sợ vợ khổ  —> chân tình!

 

                Thương nhau xa cũng nên gần

         Đừng nên tham phú phụ bần khó coi

 

Nhắn ai đó đừng ngó chỗ giàu sang mà bỏ chốn bần hàn, quên tình tấm mẳn để sau này hối không kịp.

 

               Thương nhau duyên phận thì thôi

                Của thì như nước hồ vơi lại đầy

 

Phải duyên phận thì mới ăn đời ở kiếp,  còn của nả thì lúc vầy lúc khác, quan trọng là nhìn người chứ đừng nhìn của vì người tạo ra của.

 

                   Thò tay mà bứt cọng ngò 

            Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ

 

Anh nào mà làm bộ ngó lơ thì chắc là thương đứt ruột rồi, nhưng quan trọng là phải biết là lơ thiệt hay lơ giả đò. 

 

                Dây tơ hồng chửa se đã mắc

        Rượu quỳnh tương chưa nhấp đã say

 

Rượu chưa nhấp mà đã say, này là tình cảm say sưa đắm đuối, sinh ra để dành cho nhau, đã mắc vào thì gỡ mấy cũng không ra. 

 

                    Sông dài cá lội biệt tăm

     Phải duyên chồng vợ, ngàn năm vẫn chờ 

 

Đời người được mấy chục năm mà đợi đến ngàn năm? Thế mới biết hai chữ nhân duyên có sức dời sông lấp bể như thế nào.

 

               Chàng đi cho thiếp theo cùng 

      Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam

 

Một khi đã thương thì một lòng một dạ đi theo, chỉ cần được ở bên cạnh thì cực khổ gì cũng chẳng sá, nguy hiểm chi cũng chẳng màng. 

 

                Trắng da vì bởi phấn dồi

          Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa

 

Phấn dồi mưa cái trôi hết nhưng có ngồi chợ trưa thì mới ‘nuôi đủ năm con với một chồng’ như Tú Xương trải từng tấc lòng ‘thương vợ.’

 

                Trai khôn tìm vợ chợ đông 

       Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân 

 

Bí kíp này thời nay hơi trật nhịp vì mấy nàng đi chợ thì ít mà đi siêu thị thì nhiều, còn mấy chàng còn ai xông pha lằn tên mũi đạn nữa? 

 

             Tay bưng dĩa muối chấm gừng 

     Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

 

Vợ chồng ăn ở với nhau cái tình cái nghĩa sâu nặng ghê lắm, như dĩa muối mặn chát với củ gừng thiệt cay vậy mới thấm, mới nhớ đời.

 

               Râu tôm nấu với ruột bầu 

    Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

 

Món ăn ‘huyền thoại’ thời nay mấy người được nếm? Mạnh bạo đề xuất các đôi mới cưới nấu món này ăn thử để xem có ngon thiệt không?

 

               Chim quyên ăn trái nhãn lồng 

      Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi 

 

Cha mẹ không quen hơi con cái, con cái lớn lên không còn hơi cha mẹ, anh chị em ko ai biết hơi ai, chỉ có vợ chồng mới quen hơi - ông bà ta thiệt tâm lý!

 

                Sông sâu sào vắn khó dò

       Muốn qua thăm bậu sợ đò không đưa

 

Đâu phải cuộc tình nào cũng tròn vẹn. Có những người thương nhau mà không đến được với nhau vì ràng buộc, trách nhiệm và định kiến.

 

                Má ơi đừng gả con xa

       Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

 

Câu này thời nay mấy người thấm, nhưng cứ tưởng tượng thời xưa đò ngang cách trở, xe cộ không có, lấy chồng xa là mất luôn đường về.

 

                Lấy vợ thì lấy liền tay

        Chớ để lâu ngày hàng xóm gièm pha

 

Sức mạnh dư luận thời xưa ghê thật? Mà tính dân mình hay nhòm ngó nên đã đi hỏi vợ mà không cưới ngay thì dễ sinh điều dị nghị.

 

                  Ra đi mẹ có dặn dò

         Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân

                  Chớ nghe tiếng ngọt lời ngon 

         Sa chân lỡ bước, bà con chê cười 

 

Lời khuyên dành cho các cô gái mới lớn không bao giờ cũ, kỵ nhất là những lời đường mật rót vào tai, dễ nhắm mắt đưa chân vào nơi sa ngã.

 

              Chiều chiều ra đứng ngõ sau

        Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều 

               Tai nghe bìm bịp kêu chiều

        Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau

 

Ai biểu lấy chồng xa? Cứ nghĩ từ giờ đến khi cha mẹ mất còn mấy lần gặp nữa thì ruột nào mà chẳng đau ko những 9 mà tới 10 chiều?

 

                Chim đa đa đậu nhánh đa đa

         Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa

                 Lỡ mai cha yếu mẹ già

         Chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng?

 

Đúng là lấy chồng xa ngày xưa thảm thật sự. Một bước ra đi xa mẹ xa cha là đi luôn không có ngày về. May là ngày nay không còn cảnh đó nữa. 

 

               Gió đưa bụi chuối sau hè 

              Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ 

 

Khi đã mê nhân tình, quên nhân nghĩa thì một bè con thơ cũng bỏ chứ đừng nói người vợ đầu ấp tay gối. Sức mạnh của tiểu tam là có thật! 

 

               Ví dầu tình bậu muốn thôi

             Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

 

Cái này mới ác nè. Đã muốn bỏ vợ lại còn đi gieo tiếng xấu cho vợ để lấy cớ bỏ nữa. Ăn ở sao mà đoản hậu. Chồng vậy bỏ sói nó tha cho rồi.

 

Trong một hồi tôi “bê” các câu ca dao tả đủ các tình huống từ lúc yêu  nhau, cưới nhau, sống với nhau, và cả trong trường hợp xấu nhất là ... bỏ nhau nữa. Mong là độc giả sẽ thưởng thức được cái đẹp và đa dạng của ca dao miền quê Việt của chúng ta.

 

Nguyễn Lễ

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trí tuệ và từ bi có phải chỉ riêng nhân loại mới có? Hay là, loài vật cũng có trí tuệ và từ bi, nhưng ở mức sơ khai hơn? Cuộc nghiên cứu mới đây về heo rừng cho thấy những bất ngờ về mức độ cao của không ngoan và tình thương nơi một trường hợp khảo sát. Cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học tại Czech University of Life Sciences Prague cho thấy lần đầu tiên ghi lại đầy đủ hình ảnh về trường hợp được ghi lại trên báo Business Insider hôm 5/9/2021 qua bản tin nhan đề “A family of wild boars organized a cage breakout of 2 piglets, demonstrating high levels of intelligence and empathy” (Một gia đình heo rừng tổ chức phá cũi, cứu 2 heo con, cho thấy mức độ cao của trí tuệ và thương xót). (1) Các hình ảnh ghi lại cho thấy một heo rừng cái đã giúp 2 con heo nhỏ thoát ra khỏi 1 chuồng bẫy. Con heo rừng cái, dựa theo kích thước và tính phái nên được suy đoán là heo mẹ, đã tìm các chiến thuật để đẩy bật các thanh gỗ chốt đang chặn cửa chuồng bẫy.
Lời thơ mộc mạc, giản dị, ngôn từ mang âm hưởng của người dân quê miền Tây Nam Bộ, để diễn tả cảm xúc, tư duy gắn kết với con người, với sinh hoạt xã hội và thiên nhiên, để phát huy cái hay, cái đẹp truyền thống của Việt Nam. Ý thơ mang tính xây dựng, thể hiện gương mẫu đạo đức qua những bài học làm người. Người tốt, theo quan niệm “Trung, hiếu, tiết, nghĩa” của người xưa.
Nếu phân biệt về giới tính, số lượng và tác phẩm của những người viết “Nam” ngoài vòng đai trong Văn chương miền Nam thời chiến (1954-1975) có khá nhiều: Y Uyên, Lê Bá Lăng, Doãn Dân, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Luân Hoán, Vũ Hữu Định, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương... Hầu như không có một người “Nữ” nào viết ngoài vòng đai cả. Có thật vậy không? Phải đợi đến tháng 10/2011, nghĩa là sau 40 năm từ khi sách được phát hành vào tháng 9/1971, khi trang blog Phay Van với cô chủ thật “đặc biệt” và nhóm bạn yêu thích văn chương mà tôi đã ghi lại trong “Hành trình của Cõi Đá Vàng” [1], thì tôi mới biết đến tên nhà văn Nguyễn Thị Thanh Sâm. Trước năm 1975, trong chúng ta hầu như không mấy ai nghe nói tới tác phẩm “Cõi Đá Vàng” của bà, dù cho cuốn sách ấy được nhà An Tiêm, một trong những tên tuổi của miền Nam thời bấy giờ, xuất bản.
Ngày 11 tháng 9 năm nay 2021 đánh dấu 20 năm sau ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử gần hai trăm rưởi năm lập quốc khi tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda dùng máy bay dân sự chở đầy xăng và hành khách làm vũ khí lao vào các mục tiêu tấn công, gồm World Trade Center tại New York, Ngũ Giác Đài tại Thủ Đô Washington và một nơi nào đó nhưng đã bị những hành khách Mỹ yêu nước phản kháng một cách bi hùng trên chuyến bay United Flight 93 bị khủng bố cướp đã cất cánh từ Phi Trường Newark của New Jersey trên đường đến San Francisco đã lao xuống một nơi hoang dã tại Shanksville, Pennsylvania làm gần 3,000 người thiệt mạng. Cảnh tượng tòa tháp đôi World Trade Center tại Thành Phố New York, biểu tượng của trung tâm tài chánh phồn thịnh nhất thế giới, bị hai chiếc máy bay dân dự đâm thẳng vào với ngọn lửa đỏ rực bùng lên giữa nền trời xanh của một ngày cuối hạ, 11 tháng 9, và sau đó sụp đổ hoàn toàn thành bình địa đã trở thành hình ảnh kinh hoàng của thời đại khủng bố.
Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật có di giáo tối hậu cho các chúng đệ tử: “Pháp và Luật mà Ta đã thuyết và qui định, là Đạo Sư của các ngươi sau khi Ta diệt độ.” Phụng hành di giáo của đức Thế Tôn, các vị Trưởng lão A-la-hán đã thực hiện cuộc kiết tập lần thứ nhất tại thành Vương Xá, cùng hòa hiệp phúng tụng tất cả những điều đã được Phật giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm giáo hóa; nền tảng của văn hiến Phật giáo mà về sau được gọi là Tam tạng được thành lập từ đó.
Hiểu được một người, tất yếu phải chí thành với người đó. Một bản dịch hay, người ta nói, vì dịch giả say mê nó, “ăn ngủ với nó.” Người thế gian với nhau, cao thấp có giới hạn, dù cao cho bằng Hy mã lạp sơn, vẫn có người leo lên đỉnh được. Vậy mà trong sự phiên dịch còn đòi hỏi tâm tình chí thành nơi người dịch. Huống hồ, dịch giả kinh Phật, tự đứng trung gian giữa Thánh và phàm, nếu không chí thành với lý tưởng, là sao hiểu được bằng tất cả tâm trí của mình những lời mình muốn dịch?
Giữa năm thứ hai tại Princeton, Fitzgerald về nhà tại St. Paul trong kỳ nghỉ Giáng Sinh. Tại bữa tiệc trượt tuyết mùa đông ở Summit Avenue, cậu Fitzgerald 19 tuổi đã gặp người đẹp 16 tuổi Chicago là Ginevra King và chàng đã yêu nàng say đắm. Đôi trai gái này đã bắt đầu mối quan hệ lãng mạn qua nhiều năm. Tình cảm sâu đậm với Ginevra đã khiến cho Fitzgerald viết vô số lá thư tình say đắm và nói rằng chàng sẽ trao cho cô cuộc đời còn lại của chàng. Cô đã trở thành mô hình văn học cho các nhân vật Isabelle Borgé trong cuốn tiểu thuyết “This Side of Paradise” và Daisy Buchanan trong cuốn “The Great Gatsby” cũng như nhiều nhân vật khác trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông. Vì cách biệt giai cấp giàu nghèo, cuối cùng cuộc tình của hai người đã chấm dứt vào năm 1917, nhưng chàng vẫn giữ đống thư tình mà không chịu đốt. Sau khi ông qua đời vào năm 1940, những lá thư tình này đã được gửi lại cho Ginevra giữ cho đến khi cô mất, theo Renata Stepanov trong bài viết “Family of Fitzgerald's
Tháng Tám chưa qua, hạ chưa hết. Thu còn xa lắc, lá chưa kịp chín vàng, mà ông đã rụng rơi. Nguyễn Mạnh Trinh, nhà thơ, nhà biên khảo và truyền thông đã lên đường, đã thong thả rong chơi về miền phương ngoại. (1949-2021). Xuất thân là một quân nhân thuộc binh chủng Không Quân, văn thơ của ông phản ảnh nhiều suy tư, thao thức về cuộc chiến. Ông yêu thi ca, làm thơ và viết rất nhiều bài nhận định trong những lãnh vực văn học nghệ thuật khác nhau. Ông cộng tác và viết thường xuyên cho các báo nhất là ở Úc, Canada và Hoa Kỳ.