Hôm nay,  

Nguyễn Lương Vỵ. Những Viên Cuội Thời Gian

03/11/202014:02:00(Xem: 2581)
Vâng. Tôi đã nhìn thấy chúng qua gương một dòng trong. Những viên cuội lấp lánh nắng mai. Những viên cuội lung linh trăng rằm. Phản chiếu mầu sắc tĩnh và động. Những viên cuội lắng vào thẳm sâu giấc mơ của dòng -dòng chữ long lanh- ánh lên những gửi gắm của thời gian. Ta có thể nghe được gì từ nơi không nguồn cội và lồng lộng hư vô huyền nhiệm?

Có một ngày buồn trong khí đông phai, tôi về bên dòng ấy, nhìn những viên cuội Lục Huyền vang âm trong dòng chảy Tám Câu, tung hứng qua vần điệu, ngữ nghĩa, của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) -nhà thơ luôn gây cho tôi bất ngờ qua mỗi thi phẩm của ông-. Tám Câu Lục Huyền Âm, ký tặng tôi vào tháng 3. 2013. Trời Calif. đã dợm sang xuân, có trong tay một tập thơ, một không gian riêng, hẳn nhiên là tôi có đủ ba lý do để hưởng cái thú vui đã thuộc cổ xưa này. Và thơ ấy kéo tôi về không khí Đường Thi. Mái nhà thơ Đường càng ngày càng ít kẻ, gần như bằng không, tìm về đụt nắng che mưa chữ nghĩa. Thế mà NLV đã ghé vào cung kính ngả nón chào, và kiểu như là, “thưa các tiền bối, giờ xin thưởng lãm một kiểu thơ Đường-Việt.” (Thật ra dùng chữ Đường-Việt ở đây chỉ là cách nói để tạm phân biệt thôi)

Trên bước về cố xứ, NLV ra mắt các Thi Ông Thi Bá tiền bối bằng bài thơ:
 
DỐC TRĂNG CỐ XỨ
 
Nhớ quá dốc trăng cố xứ
Hít một hơi ứ thiên cao
Ruột gan tim phổi ngất ngứ
Hồn phách trí não phập phào
Đất trào huyết hoa bức tử
Gió vuốt máu đá vụt trào
Nếp trán vết hằn tâm sự
Dốc trăng khuyết đĩa dầu hao
 
Thật là một thể thơ mới lạ. 6 chữ 8 câu dưới tên văn chương lãng đãng: Tám Câu Lục Huyền Âm. Có thể nói cho đến nay chưa ai làm kiểu thơ này. Sáu Chữ, mà chẳng phải là Lục Ngôn cổ điển. Tám Câu đấy, có cả những cặp đối, nhưng lại không phải là Thất Ngôn Bát Cú của Đường Thi. Nó là Lục Ngôn Bát Cú của NLV.
Nói về thơ Lục Ngôn, ở thế kỷ 15, có bài thơ Thủ Vỹ Ngâm, một sáng tạo, đột phá của Nguyễn Trãi, được công nhận là thể thơ rất riêng của Việt Nam, thể Lục Ngôn, nhưng không hoàn toàn là 6 chữ suốt 8 câu mà xen vào câu 7 chữ. Những cặp 3, 4 và 5, 6 tuân thủ về đối, vần thì độc vận, bắt với nhau ở những chữ cuối câu 1,2,4,6,8. Và không còn lệ thuộc về Niêm (bằng trắc) nữa. Dù khởi đi từ khí Đường mà Nguyễn Trãi đã tạo thành một thể thơ mới mẻ, nhất là nhạc thơ, khác hẳn Đường thi, chữ dùng lại thuần Việt. Sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có làm lục ngôn, nhưng không nhiều.
Nói về Đường Thi, đỉnh cao của nền thi ca Trung Hoa, mãi cho đến nay vẫn còn truyền tụng những tuyệt phẩm của những thi hào lỗi lạc, Lý Bạch, Đỗ Phủ… Cá nhân tôi, tuy chỉ lõm bõm hiểu nghĩa thôi mà sao khi đọc lên bằng phiên âm của những bài Đường Thi vẫn cảm được tức thì nỗi mênh mang cùng tận của âm chữ. Đó là sức của nhạc thơ chở một thể thơ trôi được ngàn năm và vẫn còn tồn tại một cách linh động đầy thuyết phục.
Tôi xin mở ngoặc một chút riêng tư, hồi tuổi trung học, tôi đã được học về luật tắc thơ Đường từ ba tôi, ông rất khó khi chấm những bài thơ Đường tập tành của tôi, đến nỗi sau vài ba bài, tôi trốn luôn. Ở nhà thường có những buổi họp thơ, và tôi đã được chứng kiến tài thơ của những bậc trưởng thượng, toàn là những thi sĩ cự phách, nghe tên đã xính vính, những là Vũ Hoàng Chương, Đào Vân Khanh, Hà Thượng Nhân, Mộng Tuyết, Vân Nương, Cao Tiêu, Bùi Khánh Đản và… ba mẹ tôi. Tôi đã tản thần không biết làm sao mà Họ có thể làm thơ Đường, xướng họa một cách thần tốc như vậy, dĩ nhiên với tài năng cỡ họ thì không thể nào có bài thơ thất niêm thất luật được, lại “đối nhau chan chát” nữa, và tôi cũng được biết thêm, nếu có phá niêm thì đó lại là tuyệt tác của một tài thơ đã bước qua được luật tắc. Vậy mới kinh chớ. Tôi đi ra đi vào châm nước rót trà dọn bánh trái, tai thì lóng nghe, mắt thì nhìn, mỗi thi sĩ với mỗi phong thái riêng, rất đẹp. Có thể nói lúc ấy tôi có duyên được hít thở không khí Đường Thi. Và, bài thơ Đường hoàn chỉnh đầu tiên tôi viết do mẹ tôi ép, lúc Nữ Sĩ Tuệ Mai mất, (Thi Đàn Quỳnh Dao lúc ấy qui tụ những nữ sĩ nổi tiếng chuyên trị thơ Đường, trẻ nhất là hai nữ sĩ Tuệ Mai, Tôn Nữ Hỷ Khương) Nữ sĩ Mộng Tuyết, tác giả bài thơ xướng tiễn đưa, hàng con cháu như tôi, dù không là thành viên của Thi Đàn, nhưng mẹ muốn tôi có một bài hoạ, chiều mẹ và cũng vì tình riêng với cô Tuệ Mai, tôi cố viết một bài, lại được khen, được thể, sau đó tôi cũng có lác đác, Đường Thi. Nói vậy để tự cho phép xem như mình có chút ít kinh nghiệm để thưa rằng, làm thơ Đường thật chua lắm, nhất là Đối ở hai cặp Thực (3,4) và Luận (5,6), nếu phải tuân thủ niêm luật bằng trắc nữa thì chắc tôi lọ mọ đi nhặt chữ!
Đối, là “khúc xương” khó nhất mà NLV đã gặm từ Đường Thi để đưa vào thể thơ Lục Ngôn Bát Cú rất riêng của ông. NLV cũng đã thoát ra khỏi nghiêm ngặt của Đường là niêm, thiển nghĩ, nếu theo niêm nữa thì Lục Ngôn Bát Cú của NLV đọc lên sẽ na ná giai điệu Đường Thi, nên tôi tán thành cách của ông, nó hợp thời, nhạy bén, và thông minh. Vì nếu dựa vào một cái cũ, không có gì lạ hơn, hiện đại hơn, thì không làm. Thành ra khi đọc những bài này của ông, tôi không ngờ là nó có những cặp đối rất hoàn chỉnh theo luật Đường, vì lời thơ và hình ảnh quá tự nhiên, lại được chuyên chở bằng một tiết tấu rất lạ. Thổi vào Lục Ngôn một khí mới. Như thể cùng một bài nhạc mà bây giờ được một tay nhạc phối khác đi. Cũng bởi thế, thưởng thức những bài 6 chữ 8 câu này không dựa trên thẩm âm của Đường Thi cũ nữa.
NLV đã tâm sự với tôi “tui ráng dùng chữ Việt hết sức có thể.” Tôi trân trọng những cố gắng của người muốn chứng tỏ rằng chữ Việt phong phú đến đâu, và biết rằng điều ấy thật khó vì rất rất nhiều từ Hán Việt đã được Việt hóa từ lâu đời, khó mà tránh nổi. Khi tôi bày tỏ ý nghĩ đó, NLV nói “Tui chỉ đi lụm những viên cuội của người xưa. Lụm lên chùi chùi phủi phủi bụi thời gian rồi lấy xài lại.” Vấn đề là nhặt ở đâu, nhặt cái gì và nhất là phủi bụi ra làm sao để nó khoe sắc lại dưới nắng trời Hôm Nay. Vậy mời các bạn tri âm, cùng tôi ôn lại những điều, không hẳn là cũ để biết cái mới mẻ của thơ hôm nay của NLV. Xem ông làm gì với những viên cuội thời gian ông lụm của tổ tiên. Để biết, người thơ để tình tự mình neo thế nào nơi bến cũ hiên xưa, Câu hát nao lòng bến cũ/ Nụ cười tươi máu hiên xưa…
Trong suốt 9 bài ở tập Tám Câu Lục Huyền Âm, mỗi bài 7 đoạn, xem như 63 bài,  đều tuân thủ chỉ với 6 chữ (đây là điều khác với lục ngôn cổ điển, có khi xen 7 chữ), và bài nào cũng nghiêm ngặt cặp đối Thực và Luận (3,4 và 5,6). Thật là rất thất kinh. Có ai đã làm chưa và không biết sau này có ai, hoặc chính ông, có tiếp tục không? Nó có phải là một quyến rũ để các nhà thơ muốn bước vào và thử nghiệm chăng?
Trong có hạn của một bài viết, tôi chỉ xin trích dẫn những cặp đối tiêu biểu, theo tôi, trong Lục Ngôn Bát Cú của NLV,
 
Phong dao mài thanh kiếm sắc
Thuỷ cầm rưới nấm mồ thanh
Trăng rợp mái đình vằng vặc
Dốc nghiêng vai gió vạnh vành
(Dốc Trăng Cố Xứ)
 
Chí Linh nhương sao nhấp nháy
Côn Sơn vung bút mãi mai
Oan nghiệt tuyệt không nhếch mép
Công danh đếch có rùn vai…
(Gửi Quốc Âm)
 
Về thăm vỉa hè góc phố
Đến chào quán xá mộ bi
Rùn vai ma khuya sóng sánh
Rụt cổ quỉ đêm rầm rì
Thiệt là mùi để lấy trớn
Thiệt là hứng cho đã thèm
Hỏi người đi đâu bụi bặm
Nhắn ai ngồi đó lấm lem
Cổ nhân hồ như khách lạ
Tri âm ắt hẳn đêm sâu
Viên sỏi cựa mình chẳng nói
Bóng cây gù lưng biếng chào
(Gửi Vỉa Hè Sài Gòn)
 
Thiên tặc gọi thì phải dạ
Địa phủ đón thì phải chào
Chào cái thây về cát bụi
Mừng cái phách hẹn trăng sao
(Gửi Một Khi Nào)
 
Bạn thử đọc và tìm thú vị riêng trong những cặp đối trên xem sao. Hẳn bạn cũng thấy được, đối ý đối chữ và đối cảnh. Theo Đường luật nếu hai câu thực (3,4) đưa ra những hình ảnh, sự vật, việc, dẫn đến cảm xúc đọng lại ở hai câu luận (5,6), thì NLV gần như cũng đã bắt mạch và lấy về thơ mình cái ưu thế ấy của Đường Thi.
 
Vẫy bàn tay chào một bận
Hất mái tóc bẩm đôi bờ
Bờ nào cũng đều lận đận
Bến mô cũng rặt ơ thờ
(Gửi Vu Vơ)
 
Giao hưởng thương đời mệnh bạc
Hòa âm xót kẻ đầu xanh
Trời chẳng nói đất chẳng nói
Sống cũng tanh chết cũng tanh
Bóng đi đâu dâu xanh ngất
Hình về đâu mây trắng phau
Chữ ứa cơn sầu cỏ mật
Thơ ghìm tiếng nấc vực sâu
Chép bài thơ trong trí nhớ
Gửi niềm đau theo trăng tan
Một nét lưng mềm tím phố
Một trời nhạc lắng xanh đàn
Thơ vốn không bờ không bến
Đời đâu có tuổi có tên
Lắng cùng ta Thượng Thanh Khí
Nghe cùng ta Âm Lục Huyền
(Gửi Một Người Thơ)
 
Trích những cặp đối theo tôi là rất hay, dĩ nhiên chỉ để cho bạn cùng tôi thích thú một nét lạ của thơ NLV, còn hiểu cho ra cái hay của sự hòa hợp để thấy được ý sâu của chữ thì tất nhiên, phải đọc toàn bài thơ. Để vỡ, à thì ra…, những viên cuội xa xưa ấy, người thơ đã phủi bụi thời gian như thế này đây, để nó lại long lanh phút hiện tại, Hôm Nay!
Gần như ai cũng đồng ý rằng, để cảm thụ Thơ phải nhờ con mắt trung gian là trái tim, đó là nhịp đập dẫn người ta đến cánh cửa tâm linh của Thơ.
Bằng cách đó, bạn sẽ nhìn ra cái “Tịch Mịch như Nguyên Thủy Nguyên Sơ” (chữ của NLV) trong bước trở về cùng Thi Ca của người thơ. Điều này tôi đã cảm thấy ở ý tứ cùng hình ảnh trong những cặp kết, hoặc chỉ một câu kết của mỗi bài thơ, nó, hoặc đóng lại một cách rất cô đọng, bất ngờ, hoặc như dòng sông đang miên man chẩy đẩy người đọc liên tưởng đến những bờ bến lạ. Gần như người làm thơ nào cũng biết, phải tu luyện cho tinh, để có thể buông cái cuối cùng đặt dấu ấn cho bài thơ. Xưa, Kim Thánh Thán đã nói rằng trong bài thơ bảy chữ tám câu, thường 4 câu cuối là phần tóm gọn “cái tình” của tác giả. Khi đọc sáu chữ tám câu của NLV, tôi nhận ra, những nơi tôi đánh dấu ngôi sao, thường cứ là những câu về cuối hoặc một câu kết của bài.
 
… Nếp trán vết hằn tâm sự/ Dốc trăng khuyết đĩa dầu hao…
… Một tràng kinh về đông đủ/ Chiêm bao gió lú rùng mình… (Dốc Trăng Cố Xứ)
…Vũ trụ cùng người đối ẩm/ Thềm khuya ứng mộng cho chăng?! (Gửi Quốc Âm)
… Nhậu một mình thấy chín cõi/ Bàn trơ khía cạnh lầm lì… (Gửi Vỉa Hè Sài Gòn)
 
Tôi rất thích hình ảnh vừa gợi hình vừa tức tâm, bàn trơ khía cạnh lầm lì này. Cặp tĩnh từ này thiệt đắt giá. Tác giả chắc cũng như tôi, mừng reo khi nhặt được những cặp tĩnh từ rất lạ rất việt, như những viên cuội long lanh này,
 
… Phỗng phao một cuộc rong chơi, đâu ngờ rằng: Muôn nẻo trùng sinh náo nhiệt/ Dè đâu ta chết lâu rồi… (Gửi Một Khi Nào)
 
… Tìm nhau đỏ con mắt đá/ Âm khua gót máu lặng thinh…
… Chờ nhau vắng chìm tâm sự/ Âm rền buốt hết xương da…
… Chiều hôm chim kêu rát cổ/ Rừng âm thổ huyết dâng mùa… (Gửi Bóng Hình)
 
… Vậy đó chữ là tri ngộ/ Xanh ngời giọt máu đỗ quyên (Gửi Một Người Thơ)
 
Những khắc khoải của tìm nhau, chờ nhau kia, cuối cùng biết ra rằng hạt máu đỗ quyên gọi khan một điểm hẹn hò là Con Chữ. Vậy đó, nếu không cô đơn hằng đêm Tim ta bắt nhịp môi đèn/ Bàn phím gõ ngàn ô lửa, thì sao đi hoài được con đường gian khổ mà đầy quyến rũ ấy để Tri Ngộ Chữ -Chữ Thơ-?
 
… Ừ nhỉ đời như chớp tắt
Hẹn nhau về với Không Hư…
 
Thưa Nhà thơ. Cõi Không Hư đó theo tôi, là Hiện Thực mộng ảo. Là đưa ta lần về Nguồn Cội để rồi chạm vào -Giấc Mơ!- Thực Mơ huyền dịu quá một âm bản thời gian*…
 
11.2013
*12 bài thơ Âm Bản Thời Gian, trong thi phẩm Tám Câu Lục Huyền Âm.
 
VÀ, NGUYỄN LƯƠNG VỴ. PHẤT PHƠ 5 CHỮ 5 CÂU
 
Cuối thu. Có một thứ rượu, chắc ngon cũng cỡ hoàng hoa tửu của thu ẩm trong thú sống vui của người xưa, rượu thơ.
Trong lất phất mưa, lạy trời mưa xuống, mưa tầm tã đi để Calif. yên bình này không lo lắng về một cơn hạn hán. Trong buồn cơn bệnh kéo thân thể nằm nghỉ ngơi, nhớ người bạn có gửi tới một bản thảo thơ, mở máy đọc, tâm hồn nhẹ và mỏng hẳn đi theo những sợi mưa bay ngoài cửa sổ, phất phơ với trời đất thiên nhiên, nghe xa xa tiếng cười của Thánh Thán, chắc tại sáng sớm nay chợt nghĩ sẽ ăn đậu chiên với dưa muối chua theo lời ông trước khi chết “dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này được lưu lại thì ta chẳng còn gì ân hận.” Ai nghĩ đây là lời trong thư ông gửi con trước khi bị hành hình? Những thú vui sống của ông sao mà giản dị, và phải tu luyện cái nhìn thế nào để thấu thị những điều nhỏ bé ấy?
Lúc này, đọc thơ bạn, trong cơn bệnh, cho khí trời thu hoà âm với cảm xúc mình, là chỉ muốn bắt chước hưởng những phút vui bình thường trong cuộc sống mà thôi, chứ không dám thưa thốt chuyện văn chương. Nếu bạn thích thì đọc cùng tôi, không thì xin mời nhấm chút trà ngon rồi tiễn bạn. Còn tôi, đang dở việc đọc thơ. Không phải đọc trên giấy, mà là không gian ảo của cái cửa sổ 11 inches này, ngẫu hứng câu nào thì góp chút cười chút khóc, coi như “thu ẩm thi tửu”…
 
Tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ tên Năm Chữ Năm Câu, trong đó có 100 bài 5 chữ 5 câu.  
 
nhìn trong thơ thấy đạo
nhìn trong đạo thấy thơ
nhìn trong thơ thấy gạo
nhìn trong gạo thấy mình
có-không thiệt rốt ráo… (bài 1)
Nghe như khẩu khí vô vi của Lão Tử, mà lại từ không khí tĩnh toạ của Thiền. Ngay bài đầu tiên này thấy con đường. Đạo, Con đường tu luyện Thơ ấy, thực sự đốn ngộ là rốt ráo có-không? Hãy đi theo, im lặng thôi, những cái nhìn và nghe, coi mình có thấy gì không. Đạo của Thơ.
 
nhìn trong em thấy mệnh
nhìn trong mệnh thấy đời
nhìn trong đời thấy bệnh
nhìn trong bệnh thấy lời
lời lôi âm rù quếnh… (bài 2)
Thơ là mệnh. Bao giờ cũng có dẫn dắt như thế ở những người sống chết với chữ. Và âm.
 
nhìn trong mưa thấy nắng
nhìn trong nắng thấy giông
nhìn trong giông thấy mộng
nhìn trong mộng thấy mồng
mồng bông bay lồng lộng… (bài 3)
Trời Đất uyển chuyển xoắn vào nhau hoá thân mộng. 4 câu biến hoá rồi thả câu kết như một làn gió bay… Phiêu phiêu ở cái nhìn. Tuyệt, là ở chỗ như vậy.
 
nhìn trong vườn thấy ruộng
nhìn trong ruộng thấy nương
nhìn trong nương thấy luống
nhìn trong luống thấy đường
đường thương tâm đã ruổng… (bài 4)
Nghe nát tan đến thế nỗi thương hải! Biến vi tất tật, nhưng không phải Phật đã bảo có sinh, trụ thì có hoại diệt sao?
 
nhìn trong kinh thấy kệ
nhìn trong kệ thấy sen
nhìn trong sen thấy lệ
nhìn trong lệ thấy đèn
đèn nhen thơm bóng huệ… (bài 9)
Những phút, những ngày, hay một đời “nhìn” ở bài 1- 9, như những bọt nước tung lên trên dòng sông quán niệm, ảnh hình biến thiên chập chùng, để bất chợt thấy mồng bông bay, sựng một tượng sốsợi lông phất phơ ngọn cỏ, đàn câm trước trò người ngợm, đèn soi một bóng huệ. Rồi sẽ tỏ như kệ và sen, không gì thường còn…
 
nghe âm A ngất máu
lạ chưa mưa tím than
mưa tan trong mắt đá
đá nở búp hoàng lan
vàng câm trên bến lạ… (bài 10)
A. Tiếng kêu của ngạc nhiên. Tiếng reo của vui mừng. Thường là phải bật ra thanh. Vậy mà ở đây, tiếng kêu ấy là câm ẩn sắc hoa vàng cõi lạ… Tứ và hình ảnh liên tưởng bất ngờ. Khí kỳ ảo Lý Hạ trong ngữ nghĩa rất mới.
 
nghe âm E ngoe nguẩy
ngỡ rằng em có đuôi
nên hồn ta sập bẫy
gờn gợn gió về xuôi
cái em lừng hây hẩy… (bài 11)
E, nói dài ra thì thấy nó thật có đuôi, sập bẫy cái thanh vừa thốt. E lại cũng là em. Ôi!
 
nghe âm Ê kể lể
ca dao đắng khổ qua
đồng dao chua khổ lụy
hớp vài hớp gọi là
đỡ cơn ghiền thiên lý…( bài 12)
Ê. Kêu ai. Mà lời đắng chua. Thì có thể có một “hớp”hạnh ngộ cho người thơ không, trên bước đường thiên lý?
 
nghe âm I đi mãi
tiếng chuông lau hết chiều
chiều lau hết con gái
tinh khôi hương tình yêu
ôi gái hồng ngây dại…( bài 13)
Ôi. I. Không còn gì, hoạ chăng ngây dại cái tình si. Hi hi là cười. Ở kia. Hi! Hi! Là chào, ở đây. Cặp kè mà đi. Cái cười chào trẻ thơ trong cái nghe già lão, chuông lau hết chiều
 
nghe âm O vành vạnh
lửa reo ngầm khía cạnh
ta reo ngầm dấu son
dấu môi em thơm lạnh
bướm gáy trên đầu non… (bài 14)
O đi đâu reo thơm ta dấu son. O tròn. Không nơi bắt đầu không chỗ kết thúc. Bỗng bay thành cánh bướm trên đầu non, phải nơi đấy là Chung? Tiếng reo kia của Thủy? Mở Kết thật mông lung, trong vành vạnh càn khôn kia đấy. Thấy hết lẽ biến đổi tự nhiên Đất Trời Âm Dương Sinh Tử.
 
nghe âm Ô trố mắt
ố ồ đọt rau dền
tím than nhớ tím ngát
nhạc treo trên nẻo quên
vớt chiều lên kẻo tắt… (bài 15)
Ô. Giống âm thanh ngạc nhiên của A. Vội hơn, như sợ sẩy mất điều gì, ô, chỉ là vạt nắng chiều! mỏng manh quá giữa tồn tại và hư vô…
 
nghe âm Ơ ú ớ
tiếng chó ngáp buồn thiu
tiếng chiều lèn nước lợ
đời kĩu kịt quá nhiều
mần thơ cho hết sợ… (bài 16)
Sao có nhiều âm để biểu lộ sự ngạc nhiên thế ở tiếng Việt mình. Có phải tiếng nói phát triển theo kiếp đời con dân Việt kĩu kịt quá nhiều? Dùng sự ngạc nhiên để đối phó thì kể người thơ cũng có nội lực lắm, vì chỉ có âm ngạc nhiên trẻ thơ A! Ô! Ơ! mới nhìn thẳng được những ú ớ cuộc đời.
 
nghe âm U bay vụt
vút lên sợi tơ trời
cả đời ta níu hụt
những trận gió hoài thai
thơ nhớ ai ngún ngút…(bài 17)
Trong trò chơi con trẻ, có một trò gọi là u mọi, kêu u u chạy nín thở một hơi về phía đối phương đập vào tay tên tù nhân để cứu thoát. Ai u u để cứu kiếp đời? A. Ô. Ơ. -Thơ!
 
nghe âm Ư rên khẽ
hạt bụi bay khóc ré
hạt nắng bay hát vang
thơ mần ta nữa nhé
kẻo mai kia lạnh tràn… (bài 18)
Có lần, người thơ nói với tôi, làm thơ thiệt đã. A. tiếng rên khẽ từ thơ mần đó vậy. Mà nắng bụi chuyển mình. Ưmm, tôi biết tôi cũng thế, thơ đến thì không thể ứ ừ em chả, được, vì thế thì sẽ lạnh tràn
Những bài thơ nghe được tinh của âm này không dễ, vì NLV đã kể rằng “lì đòn chờ âm rung.” Ra thế.
 
thấy và nghe ướt mộng
đêm nhớ ngày sủi tăm
bọt nước tan theo sóng
sóng tung bờm hí rân
ngựa thời gian lửng bóng… (bài 19)
Chiêm bao ơi, đừng như bọt nước, thời gian vó câu…
 
thấy và nghe khô máu
máu lịm phiến đá ong
đá vang ngàn ô cửa
vì có ngàn mắt chong
ngàn mắt đèn lệ ứa… (bài 20)
Tôi đồ rằng người-tu-thơ ngồi đó rất lâu, đến nỗi thấy ngàn mắt đá ong mở cửa, sáng loé ánh nhìn, huyết lệ. Bi sầu uẩn khúc kỳ lạ Lý Hạ cũng đến thế này thôi.
 
thấy và nghe tê lưỡi
ngọng nghịu chẳng nên lời
ù á ôi ừng ói
ói ũng ừng ấy ôi
bông khế rụng lưng đồi… (bài 21)
Thấy, Nghe trơ vị giác rồi. Âm thanh cũng ú ớ... Lợm đời, bèn chửi thề, ói xong rồi tưởng là hận lên chất ngất, nhưng không, lại vu vơ theo bông khế tím, năm câu này tuyệt (tuyệt tận) ở một câu kết mở mênh mang, đưa ta về cố lý yên bình hay nấm mộ buồn hiu lưng đồi? Nghe cũng hào sảng lắm…
 
thấy và nghe buốt óc
róc xương mây tủy trời
đốt thơ cho quỷ đọc
cho ta kịp lấy hơi
lấy trớn cho ma khóc…(bài 22)
Gom hết tuỷ trời xương mây thành thơ. Mà một bóng đối ẩm với quỷ, chờ nghe tiếng khóc của ma, biện biệt được không, người-ma, ma-người? Một ý nghĩ theo suốt NLV từ Huyết Âm. Tiếng cười hạt máu giọt lệ hoà thanh. Nam mô Tiên Thánh Phật Quỷ Thi!
 
thấy và nghe huyết tan
từ rất lâu trong chữ
chữ lòn trong nắng tàn
ta lòn trong mưa lụi
lượm lên phủi hú vang… (bài 23)
Nước mắt của chữ là máu, thinh không mênh mang, hay một vệt nắng tàn, một hơi mưa, ta vẫn nghe được tiếng những hạt lệ ấy… Qua tiếng hú mới rền được nỗi bi thương, tiếng hú cô liêu thơ trong biên giới không gian, thời gian. Có chạm được bến bờ đất trời không để tỏ nỗi lòng, Nhà Thơ ơi…
 
thấy và nghe máu vỡ
mái đình nằm nghiến răng
điện thờ nhang nín khói
tổ tiên tơ nhện giăng
một nùi không dám hỏi… (bài 24)
Đấy, cái cuộc đời, cuộc sống, thân phận con người, con dân nước Việt, trải mấy nghìn năm một nùi tơ nhện tổ tiên câm lời. Thôi đành, một là hú dài, hai là hoá câm. Lời kinh động cõi cội rễ…
 
thấy và nghe bóng rung
bóng sân bừng bóng ngọ
bông bụt đỏ bập bùng
bóng mẹ gầy như gió
gió thổi nhòe chân dung… (bài 25)
Có lẽ cái thấy và nghe nầy ít cay, ít xót, nhất trong những nghe nhìn trong trăm bài 5 chữ 5 câu này. Ngồi tưởng nhớ thấy bóng mình in trên bóng sân nắng quê nhà, đâu đó gió thổi liêu xiêu bóng mẹ, gió theo hạt lệ con nhìn nhoà bóng mẹ. Những câu thơ quyến luyến lôi kéo hình này đến ảnh nọ, như bóng con luẩn quẩn chân mẹ.
Như có hạt mưa trời Santa Ana rơi vào mắt, nãy giờ phất phơ cùng mưa hay thơ?
 
thấy và nghe bóng hiện
chèo bẻo hót nghiêng chiều
nghiêng vai đời lỗi hẹn
bông gòn bay quá nhiều
bóng in trên thềm rêu… (bài 26)
Xuống một câu kết đóng, tóm hết vào bóng, không biết trong đời lỗi hẹn kia, bóng rồi có hoá đá như người xưa không. Ngồi đợi. Chim tiễn chiều và bông gòn bay. Mấy thời gian đã trôi qua trên vai đời ấy mà thềm đã đầy rêu, nhớ xưa cái anh chàng khờ đợi người yêu dưới chân cầu, nước dâng cứ thế mà chết. Nỗi đợi nào cũng ngớ ngẩn, nên thơ. Bông gòn bay quá nhiều, nói như né cái đợi dài… chép miệng than vu vơ (ơ, hoá bóng chứ không hoá đá)
 
đếm dấu vân trên gỗ
câu thơ vỗ tay reo
lóng xương rừng đã trổ
những cụm mây lưng đèo
đến nay còn liếc theo… (bài 29)
Chập chùng hình ảnh, và tứ lạ. Tôi thấy những gợi mở tương phản: vẻ kiên khổ của người ngồi đếm dấu vân gỗ bên cạnh tiếng reo trẻ thơ của câu thơ vừa ráo mực. Cũng thế, lóng xương rừng vẽ ra một cảnh tang thương âm binh, mà níu được cái liếc mộng mơ của cánh mây! Đặt cạnh nhau như thế để nói vô thường chăng?
 
đếm linh hồn trên vách
thạch sùng liếm môi khuya
ta ngồi im liếm sạch
màu chiêm bao dị kỳ
âm xanh câm trôi đi… (bài 30)
Này bạn, tôi thấy người cũng hoá thành một loài bò sát và máu lạnh, như thạch sùng, và tôi thấy nỗi buồn rợn ốc trên da. Âm xanh câm trôi đi… âm, nó cũng động như người và thạch sùng trong bức tranh siêu thực này.
 
đếm trời thu trong hạt
hạt hát chào cô liêu
ta cô độc đánh liều
hát theo treo tóc bạc
âm trắng câm bay đi… (bài 31)
Âm bây giờ mang mầu trắng, hoà âm với hạt cô liêu mùa thu, sương móc treo tóc bạc, bản hoà âm câm, và trắng, cô độc… để tuyệt vời an nhiên bay đi… như nghe ngài Lão Tử: “Lời nói của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, thế mà thiên hạ không ai hiểu, không ai làm.”
 
đếm ngàn sông trên lá
lá ngu ngơ thở dài
thời gian phai nhanh quá
lá chỉ nhớ một vài
giọt sương tan ban mai… (bài 32)
Chiếc lá phai, dòng sông trôi, biểu tượng của thời gian. Màu lá, bước đi qua của mùa, phút giây thoáng chốc, thế mà chở hết cái miên man miết miết của con sông thời gian. Thế rồi trên những qua đi, chỉ cái mong manh nhất là giọt sương, đọng lại. Qua quặng lọc phôi phai ấy, nổi lên long lanh vẻ trường cửu. Cảm xúc về thời gian đẹp và lạc quan. Đêm tàn rồi lại bình minh…
 
đếm ngàn sông trên tay
tay dài thêm viễn xứ
phím nâu vĩ cầm lay
phím trắng dương cầm nở
tĩnh vật ướt lưng ngày… (bài 34)
Trong bức tranh tĩnh vật này, có một điều lay động, nỗi lòng kẻ ly hương, đổi màu theo tâm chuyển.
 
đếm thời gian trên trán
trán châu thơm quê nhà
và thơm lâu quê quán
tình rất sâu rất xa
rất xa ôi rất xa… (bài 35)
Hỏi. Trán Ai thơm mầu quê cũ, mà để người nhìn thấy những vết nhăn quê nhà xa xôi chờ ngày hợp phố, không rất xa đâu tình ơi…
 
đếm thời gian trên mộ
mộ cha giữa chiều hồng
chiều ôm trùm tấc cỏ
cỏ ôm trùm thinh không
chiều hồng ơi chiều hồng… (bài 36)
Huyết cha nhuộm buổi chiều, thinh không mộ cỏ. Âm dương thê lương đến thế đối với cả người dưới mộ lẫn đứa con đứng gọi chiều, từng chiều…chiều hồng ơi chiều hồng, bạn nghe đó là tiếng gọi đầy nước mắt của đứa bé nhớ cha, hay tiếng bình thản của kẻ đã trôi qua vô tận nỗi đau?
 
câu thơ xưa yểu mệnh
chết trong vườn mưa xanh
chim quyên về ướt cánh
ta ôm mộng đái dầm
rùng mình la thất thanh… (bài 37)
Tứ đi đâu để câu thơ chết yểu, cho người thơ kêu thất thanh trong mộng vậy? Mỉm cười đọc câu 4, nghe nói rằng Tâm bất tịnh… Nhưng mà hình như ông biết hết mà giả bộ đấy ư, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ? và, la thất thanh…
 
câu thơ nay kiên khổ
lì đòn chờ âm rung
chờ nát tan tri ngộ
chờ ngất gió loạn bùng
một cú nhảy sau cùng… (bài 38)
Trước khi đi thạo, phải bước chập chững, muốn đi tới cuối đường, phải gian truân một con đường, muốn xong một bài thơ, thì đã nếm mùi khổ nhẫn, đã bao lần mấy bận lắng nghe tiếng rung của âm để mà giao hoà tâm mình với nó… Con châu chấu trong một buổi mai, bật lên cú nhẩy ngát xanh mầu cỏ sau một đêm-thiên thu-? A! Một cú nhảy sau cùng!
 
câu thơ soi chín vía
cho ý nhớ mười đời
chữ căng âm ngóng đợi
gần gụi với xa vời
rồi thôi thơ đi chơi… (bài 39)
Nghe như sinh mệnh Thơ là bản mệnh mình… Thơ hay Ta đi chơi? Như tôi, thì tôi thích, trao thân gửi phận cho Thơ xong thì ta đi chơi. Xin lỗi nhé Nhà Thơ, rượu thơ có khi quá chén…
 
câu thơ tươm lửa biếc
xanh trí não ngàn thâu
ta ngồi xâu ly biệt
mỗi kiếp một nếp chau
một hai ba… xâu mau… (bài 42)
Chuỗi ly biệt này dài tới đâu thì giáp vòng? Muôn muôn cứ chia tay mãi ư?
 
câu thơ tươm muối mặn
đời húng hắng gừng cay
ta sớt thêm mật đắng
hòa chung một chén đầy
dzô dzô dzô dzỗ tay… (bài 43)
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau(cd).
Thơ lại hoà thêm mầu sắc cho keo sơn hơn ly rượu đời chăng.
 
câu thơ tươm lệ nến
nến trắng gió tê nhòa
phong cầm lòa sóng biển
nến đỏ bóng ai qua
huyết khô trong bao la… (bài 45)
 
Từ bài 38 đến 45, và cả dòng thơ NLV nữa, làm liên tưởng đến câu của người xưa, Thi dĩ ngôn chí, và Phùng Khắc Khoan cũng đã phân tích rất rõ Chí để tìm hiểu về Thơ. “chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch, chí ở gió mây trăng tuyết thì thích vẻ thơ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư, chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán.” Dòng thơ NLV toát ra cái tịch mịch cô liêu, âm cười máu lệ, âm khóc hồn nhiên, tạm dựa vào quan điểm trên, tôi thấy, Chí ấy là ở đạo đức, ở rừng sâu u tịch, ở nỗi kiên khổ chịu đựng, nên lời thơ vừa u tịch vừa hoá giải những oan thù. Chữ ghìm trong tiếng nấc. Dại khờ mong gặp lại. dzô dzô dzô dzỗ tay. Rơi rơi rơi chiều tà. Huyết khô trong bao la. Chẳng phải Thơ nói Chí sao?!
 
mười ba năm xa xứ
ư hử một mình ên
lái xe trên xa lộ
cái nhớ khều cái quên
cái xe như cái mộ… (bài 48)
Nghe nói thời của ông, con người ta mở mắt ra là ở trong xe hơi, lăn hoài trên xa lộ. Ui, khổ quá cái văn minh, ngồi trên lưng hạc lưng lừa như người xưa, hay như thi sĩ đại ca Bùi Giáng bỏ thành thị về cưỡi bò khắp lũng đồi không phải thanh thơi hơn sao. Liên tưởng cái xe như cái mộ thật bất ngờ và nổi gai ốc cho văn minh cơ khí…
 
mười ba năm xa xứ
xa mãi có mong gì
ngày về xa tắp lự
thôi cứ niệm mâu ni
và niệm em nữa chứ… (bài 54)
Trong mười ba năm xa xứ, có một phùa hộ mệnh này: mẹ dặn nhìn chiếc nhẫn/ thấy chữ nhẫn rõ to/ quỳ lạy mẹ đừng lo… (bài 53) Thế thì có gì phải sợ đời hừ hư hứ hự nữa. Thôi cứ niệm mâu ni trên đường dài về cố xứ. Nguyễn Nhược Pháp chả bảo cứ cầu Quan Thế Âm Bồ Tát/ là tha hồ đi mau, đấy ư. Cũng có thể niệm gì mà riêng nhà thơ thấy linh ứng, cũng được: niệm em cho tận ý/ ý quên lời quên câu…(bài 61)
 
niệm ma-ta một niệm
tẩm liệm một âm quen
mận cũng vừa mới chín
thu cũng vừa mới nhen
bén lên một ngọn đèn… (bài 62)
Phất phất phơ phơ, tưởng niệm lắm tạp niệm, nhưng ngồi đó, một đêm, bén một ngọn đèn mà, ngàn thâu. Kết mênh mang.
 
Chơi một giấc ngủ vùi/ gọn một đời mọn bé (bài 64) chơi một giấc mất tích/ đời kiếm hoài chẳng ra (65), để rồi tất cả đều tỉnh ra một cơn điên:
 
đất điên theo kiểu đất
trời điên theo kiểu trời
phật điên theo kiểu phật
mang cái thân con người
nên điên theo kiểu phật… (bài 66)
Chỉ có đó là mái che và bến đỗ thôi. Để mà quên sạch sẽ khổ đau…
 
ta vẫn điên giản dị
nhẩm thơ cất trong đầu
lâu lâu rót một xị
mời quí vị ngàn thâu
sáng ra quên rất mau… (bài 71)
Cứ mỗi năm NLV rót một xị. Từ Âm Vang và Sắc Mầu đến tập thơ mới nhất này là tập thơ thứ 8. Một xị thành một biển muôn trùng ơ hay!...
 
quên rất mau để đón
câu thơ khác trong đời
ý thiêng ta bắt gọn
tình sâu ta tóm rồi
lại cất trong đầu thôi… (bài 72)
Cảm thấy người thơ đã chứng được cho mình -Thơ- trên con đường tu thơ, mới đầu là khổ hạnh, để cho nỗi đau xé mình nghìn tiếng nghìn câu, rồi điên mà tung hứng nỗi niềm, để biết rằng trong điên thơ ấy đã thấy được lung linh ý thiêng. Chí thành thì chứng ngộ.
 
rồi ra trong ly biệt
chẳng biết phải làm gì
đời vẫn trôi biêng biếc
mây vẫn bay rù rì
rằng thì đâu có chi… (bài 73)
Vô vi!
 
có chi đâu có đặng
gặn hỏi nói không đành
rằng thì là thinh vắng
sống là chết long lanh
nói thiệt đừng có hoảng… (bài 74)
Chết là hết hay chuyển sang một kiếp sống khác. Chết là giai đoạn cuối của vòng Sinh Trụ Hoại Diệt? Nhưng người thơ này đã đồng hoá sinh-tử tếu thế, nói thiệt đừng có hoảng… Làm như tất cả đều đùa thôi. Nhớ người đàn bà quạt mộ của Trang Tử.
 
chỉ có hơi tiêng tiếc
trần gian một tỉ vui
người-ma ngu ác liệt
ma-người ngu sặc sùi
ma-ta ngu điếc đui… (bài 75)
Ha! Đây là người nằm dưới mộ mà người đàn bà đang quạt cho cỏ xanh đây, phải không. Trời ngoài kia có chút nắng lên rồi, như cuối con ngõ quanh co có người vừa nói chia tay… Để gặp nhiều bóng độc hành:
 
một ba bảy cũng liều
như cô kiều ông giáng*
đứt ruột với lòi phèo
thì trời kia mới ngán
tài với mệnh cái veo… (bài 77)
(*cô kiều: trong“truyện kiều” của nguyễn du. *thi sĩ bùi giáng)
 
không chờ không mong đợi
hàn mặc tử ca xang
tình quê bay diệu vợi
tung ánh biếc lừng vang
đất trời tươm lộc mới… (bài 81)
 
không ồn không kể lể
ta khỏa nước chân cầu
ôn như hầu nhắc khẽ*
cổ độ trơ từ lâu
đừng hỏi nữa vì đâu… (bài 82)
(* ôn như hầu: nguyễn gia thiều, tác giả “cung oán ngâm khúc.”)
 
không hỏi không cần biết
thức đếm nhịp xưa sau
trí lang thang náo nhiệt
óc trắng muốt trắng phau
hít một hơi thật sâu… (bài 83)
Thu sẽ héo và Đông rồi cũng sẽ tàn. Bước lại khởi xanh đi… từ những tàn lụi. Lừng hương sương. Em nở bông. Tung ánh biếc. Đất trời tươm lộc mới. Bánh xe ấy lại bắt đầu lăn, ở một khởi đầu mới óc trắng muốt. hít một hơi thật sâu nhè nhẹ như vừa hớp một chén trà cúng. Nhan ơi ba năm lẻ…
 
thương câu thơ kín kẽ
thương bạn đã về trời
nhan ơi ba năm lẻ
ba câu lục bát phơi
nắng chiêm bao ngời ngời… (bài 88)
 
thương câu thơ bạt mạng
chết xanh theo điêu linh
chết xanh theo khốn nạn
ảo hóa bóng soi hình
bấy nay ta động kinh… (bài 90)
Nghe trong những câu thơ này có hương của âm dương giao hoà. Một xâu hệ luỵ của kiếp người nhấp nhô ảo hoá trong cái bất tỉnh của cơn động kinh. Có phải đang xướng hoạ cùng Quỷ Thi đó không, ông Nguyễn Lương Vỵ?!
 
bấy nay ta ngáp vặt
gặp những ý tro bay
ý chớp tắt réo rắt
lời chưa bưa khôn khuây
thơ bảo tu tức khắc… (bài 91)
Ngáp vặt, ý tro. Nghĩ rằng tu cũng đã bưa rồi. tu thơ là tu chữ (bài 92) tu thơ là tu hú/ hú làm sao cho lâu (bài 93)
 
buông thơ ư tội lắm
đời mồ côi đã lâu
đời cuồng mê đã khẳm
gói ghém gửi sơ đầu
hy vọng còn gặp nhau… (bài 96)
Tôi biết người tu này không bỏ đạo đâu. Điện Thơ một trái tim đập như thế. Xuân Hạ Thu Đông rồi Xuân, còn gặp nhau mà…
Đi suốt quãng đường tu thơ. Mỗi người tu có riêng tự chứng tự nội. Có thể là tôi không kinh nghiệm về giai điệu huyết lệ NLV, nhưng tôi tan theo cảm xúc bổng trầm của chữ thơ, tứ thơ, bởi âm vang động của một tâm hồn cô độc trên con đường thăm thẳm về với cõi có-không này.
 
Tính giã từ cõi mưa bay, bỗng chợt nhớ, hỏi, sao là ngũ ngôn ngũ tuyệt? Ông bạn nhà thơ mỉm cười, ngũ hành ngũ uẩn… Nếu nói tiếp về những phạm trù ấy ắt là mùa thu sẽ qua đi, và Đông lại ngâm tuyết thi nữa chăng…
Gượm thêm một lời, thường nói dài mà nói được, đã là đáng nể, nói dài nói hay thì bậc cao thủ, nói ít mà cô đọng, và hay nữa thì, bậc thượng thừa, không nói chỉ cần cầm cành hoa để khai thị, thì chỉ có Phật.
Cũng giống như Hài Cú của Nhật, thường nói những chuyện như là trước mắt, tưởng là vu vơ, đơn sơ bé mọn, mà khi đọc thốt giật mình vì cái tình ý sâu kín của nó. năm câu năm chữ hiện/ năm âm gieo bốn lần/ một lần cuối chết điếng/ vì bốn lần sẩy chân/ bấn loạn hết tâm thần… (bài 99), đúng vậy, làm thể thơ này, giống như đi trên một sợi dây. Rớt nát tan hay vút bay cao là tùy cái giá đỡ của “câu tuyệt” nắm sinh mệnh bài thơ. Nên, câu kết là lợi hại nhất. Kết đóng hoặc mở (như tôi đã nói ở trên). Và, yếu tố bất ngờ. Ở chữ lẫn tứ. Chính yếu tố bất ngờ này tạo nên ấn tượng. Nếu không có, thì bài thơ coi như, nói nôm na là trớt wuốc. Và trăm bài này của NLV dường như đều làm một cú nhẩy sau cùng của tuyệt, tuyệt là tuyệt tròn trặn, hay tuyệt là cắt ngang như vết cắt quyết liệt, đều vi diệu cả…
 
năm chữ năm câu gọi
ta thức gõ phím đen
phím quen hơi quen chữ
chữ quen ta quen đèn
đèn quen thơ ngất ngứ… (bài 100)
 
Vậy, thơ lúc này, đi đâu, ở đâu, thế nào, bén những duyên nợ nào khác hay là, có phải sẽ trở về bước đầu, Nhìn trong thơ thấy đạo/ Nhìn trong đạo thấy thơ?

Còn tôi, vẫn ở cõi đất mưa thu này, sẽ lay lay áo ông Lão Tử giảng cho nghe chút nghĩa xuyên suốt…
Phố xá ngoài kia người ta đang lao xao Tết …
 
Santa Ana,11. 2013
(Hai bài viết này đã in trong tập Lang Thang Nghìn Dặm, NXB Sống, 2017)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới chế độ VNCH, từ miền Nam...
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.