Hôm nay,  

Lễ Vu Lan Từ Dương Gian Xuống Âm Phủ

28/08/202000:00:00(Xem: 3249)

LE VU LAN 01

Ngài Mục Kiền Liên (trái) và người mẹ là bà Thanh Đề. Hình vẽ vào thế kỷ 19.(nguồn: www.en.wikipedia.org)


Truyền thống văn hóa và Phật Giáo Việt Nam, ngày Rằm Tháng Bảy âm lịch hàng năm là ngày Lễ Vu Lan báo hiếu phụ mẫu và cầu siêu độ cho cõi âm hay những cô hồn ma quỷ. Thi hào Nguyễn Du trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh mô tả khung cảnh ảm đạm nơi cõi dương gian trong ngày Rằm Tháng Bảy để gợi lên một cõi âm thê lương:
 
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
 
Trong Lễ Vu Lan, các chùa theo truyền thống Bắc Tông như Việt Nam đều tụng Kinh Vu Lan.
 
Kinh Vu Lan
 
Kinh Vu Lan tiếng Phạn (Sanskrit) là Ullambana Sutra là bản kinh đã được tìm thấy trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Tripiṭaka) số 685 và 686 trong Quyển 16, trong phần Kinh Tập Bộ, theo www.en.wikipedia.org. Ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa – 226-304 sau Tây Lịch) từ Ấn Độ sang Trung Hoa đã dịch ra chữ Hán bản kinh số 685 trong Đại Chánh Tạng, có tựa đề Vu Lan Bồn Kinh, khoảng từ năm 265 tới 311 trước Tây Lịch vào triều đại Nhà Tấn. Bản Kinh Vu Lan số 686 đã được dịch sang chữ Hán vào Triều Đại Đông Tấn nhưng khuyết danh người dịch.

Kinh Vu Lan đã được dịch sang tiếng Việt bởi nhiều vị, trong đó có bản dịch và chú giải rất công phu của Hòa Thượng Thích Trí Quang.

Kinh Vu Lan cũng được dịch sang tiếng Anh bởi nhiều dịch giả, theo www.en.wikipedia.org.

Eoyang Eugene dịch "Maudgalyayana Rescues His Mother From Hell" [Mục Kiền Liên Cứu Mẹ Khỏi Địa Ngục] được Nhà Xuất Bản Đại Học Columbia xuất bản năm 1985.

Mair, Victor H., dịch "Maudgalyāyana: Transformation Text on Mahamaudgalyāyana Rescuing His Mother from the Underworld" [Mục Kiền Liên: Bản Dịch Kinh Mục Kiền Liên Cứu Mẹ Khỏi Cõi Âm], do NXB Đại Học Cambridge xuất bản năm 1983.

Waley, Arthur dịch "Mu Lien Rescues His Mother from Hell" [Mục Liên Cứu Mẹ Khỏi Địa Ngục] xuất bản tại London năm 1960.

Johnson, David dịch "Mulian Rescues His Mother" [Mục Liên Cứu Mẹ] từ bản kinh chữ Hán, do NXB Đại Học Columbia xuất bản năm 2000.

Kinh Vu Lan kể rằng ngài Mục Kiền Liên [Maudgalyayana] -- một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật và cũng là người có thần thông cao diệu nhất trong những đệ tử của Đức Phật – sau khi chứng được lục thông đã sử dụng thần thông để tìm cha mẹ đã quá vãng của ngài. Cuối cùng ngài Mục Kiền Liên đã thấy mẹ ngài là bà Moggalī [thường gọi là Thanh Đề] sinh trong loài quỷ đói nơi địa ngục. Ngài bèn mang cơm vào địa ngục cho mẹ ăn. Nhưng khi bà cầm chén cơm lên để ăn thi chén cơm bốc thành ngọn lửa cháy do vì lửa xan tham của bà nổi lên. Ngài Mục Kiên Liên thấy vậy rất đau lòng và đã đến trình lại với Đức Phật về sự việc này để mong Đức Phật dạy cho cách giải cứu mẹ của ngài. Nhân đó Đức Phật đã nói Kinh Vu Lan.

Nội dung Kinh Vu Lan tương tự như Kinh Petavatthu Số 14 (Ngạ Qủy Sự Kinh) trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) của Kinh Tạng tiếng Pali. Kinh này kể chuyện về mẹ của ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) là vị đệ tử trí tuệ đệ nhất của Đức Phật. Kinh mô tả cách ngài Xá Lợi Phất cứu mẹ trong 5 đời về trước lúc đó mẹ ngài bị đọa làm con quỷ đói. Tương tự như Kinh Vu Lan, ngài Xá Lợi Phất đã thiết đàn tràng cúng dường thực phẩm cho Tăng Già bốn phương. Với sự chứng minh của Đức Phật, ngài Xá Lợi Phất đã hồi hướng công đức cúng dường nhân danh người mẹ đau khổ của ngài. Nhờ công đức cúng dường này mà mẹ của ngài Xá Lợi Phất đã có thể thoát khỏi thế giới ngạ quỷ và tái sinh.

Câu chuyện khác cũng được tìm thấy trong Kinh Avadanasataka, cũng rất giống với Kinh Vu Lan. Trong kinh này ngài Mục Kiền Liên thay mặt cho năm trăm ngạ quỷ giao tiếp với thân nhân của họ là những người thay mặt ngạ quỷ cúng dường cho cộng đồng tăng. Một khi sự cúng dường công đức này thành tựu, thì những ngạ quỷ được thoát khỏi khổ đau và tái sinh.

Như vậy, Kinh Vu Lan bản dịch chữ Hán từ bản chữ Phạn của ngài Trúc Pháp Hộ mà Phật tử Việt Nam sử dụng lấy nhân vật Mục Kiền Liên làm tiêu biểu cho lòng hiếu thảo. Trong khi trong Kinh Tạng tiếng Pali của Phật Giáo Nam Truyền cũng có bản kinh tương tự nhưng nhân vật là ngài Xá Lợi Phất.
 
Lễ Vu Lan báo hiếu
 
Trong bài thơ “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền Sư Nhất Hạnh được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc và thường được hát trong dịp Lễ Vu Lan, có đoạn mô tả về Mẹ.
 
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
 
Có lẽ trên thế gian này không có tình yêu thương nào sâu đậm, bền chặt và thiêng liêng như tình mẹ con. Và trên thế gian này dường như không có trường lớp nào dạy con người về cách yêu thương con cái và cha mẹ, nhưng như chất liệu tự nhiên tình yêu thương đó tuôn chảy mãi mà không bao giờ cạn. Tục ngữ Việt Nam nói rất nhiều về công ơn cha mẹ.
 
Ơn cha bóng núi âm thầm
Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn
Một đời dãi nắng dầm sương
Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào.
 
Chính vì vậy, lòng hiếu thảo là lẽ tự nhiên, là đạo làm người mà ở đâu và thời nào cũng ca ngợi, cũng tuyên dương. Khác chăng là Đạo Phật ngoài việc khuyên cha mẹ đóng đúng vai trò dưỡng dục con cái của mình và con cái giữ trọn lòng hiếu thảo với song thân về mặt vật chất, còn dạy con người chú tâm đến lãnh vực tinh thần và tâm linh. Điều này có nghĩa là cha mẹ và con cái ngoài việc yêu thương chăm sóc cho nhau về vật chất đầy đủ còn phải quan tâm và giúp đỡ nhau về mặt đời sống tâm linh để làm sao có được cuộc sống an lạc và giải thoát không những cho đời này mà còn nhiều đời kiếp trước và sau này.

Kinh Vu Lan diễn tả lòng hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên đối với mẹ. Nhưng chính Đức Phật là người cả đời thể hiện lòng hiếu thảo của ngài đối với song thân là Vua Tịnh Phạn (Śuddhodana), Hoàng Hậu Maya và kế mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahaprajapati). Chuyện kể rằng Đức Phật sau khi thành đạo lần đầu tiên về thăm Phụ Hoàng là Vua Tịnh Phạn tại Thành Ca Tỳ La Vệ, vì sợ Vua cha ra đón nên Đức Phật đã âm thầm đích thân vào hoàng cung để thăm Vua Tịnh Phạn. Kinh Phật kể rằng Đức Phật đã từng lên Cung Trời Đao Lợi để thăm và thuyết pháp cho mẹ là Hoàng Hậu Maya sau khi mất đã sinh về đó. Chuyện cũng kể rằng, trong tang lễ của Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề là kế mẫu của Thái Tử Tất Đạt Đa, Đức Phật đã tự mình đỡ tay khiêng kim quan của bà đến nơi trà tỳ.

Tại Việt Nam Lễ Vu Lan cũng là Ngày Lễ Mẹ. Trong ngày này con cái bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ qua những hành động cụ thể như tặng quà, đưa cha mẹ đi chùa lễ Phật, tổ chức tiệc mừng thọ cho cha mẹ, v.v…

Lễ Vu Lan cũng được tổ chức tại nhiều nước theo truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền tức là các nước mà Phật Giáo được truyền vào qua ngả đường bộ từ Bắc Ấn Độ đến Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản.

Theo truyền thống, mỗi năm chư Tăng Ni cấm túc an cư kiết hạ trong 3 tháng, từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy mới giải hạ. Trong suốt 3 tháng này chư Tăng Ni tập trung tại một trú xứ, Tăng Ni ở riêng trú xứ, để học hỏi và tu tập. Sau 3 tháng an cư kiết hạ huân tu đạo nghiệp nên đạo lực của chư Tăng Ni đạt tới thời kỳ viên mãn và cũng đúng lúc để có thể cử hành Lễ Vu Lan cầu siêu độ cho các vong linh, cô hồn, ngạ quỷ chịu khổ nhục nơi cõi tối tăm đọa đày.

Vì vậy, theo thông lệ chiều tối ngày Rằm Tháng Bảy các chùa hay tổ chức lễ chẩn tế cô hồn để bố thí tài vật cho cõi âm thừa hưởng.

LE VU LAN 03

Thực phẩm được dâng cúng ông bà tổ tiên trong ngày Lễ Vu Lan tại Thái Lan.(nguồn: www.en.wikipedia.org)


Trong dịp Lễ Vu Lan tại Việt Nam theo truyền thống còn diễn ra nhiều cuộc cứu tế về tài vật và thực phẩm cho những người vô gia cư, người nghèo, và phóng sanh các loài động vật.

Có thể có nghi ngờ rằng không biết làm lễ cầu siêu và cúng dường như thế thì người chết có lợi ích gì không?

Trong tác phẩm “Để Ngộ Tông Chỉ Phật,” Cư Sĩ Nguyên Giác đã trích bản dịch tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Minh Châu đối với Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) mà trong đó Đức Phật trả lời câu hỏi có nên cúng tế, làm các nghi lễ bố thí cho người chết hay không.


“Thưa Tôn giả Gotama, bố thí có lợi ích gì cho các bà con huyết thống đã chết không? Các bà con huyết thống đã chết có được thọ hưởng bố thí ấy hay không?

—Này Bà-la-môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích, không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ…

(…)—Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống đã chết, không sanh vào chỗ ấy, và các bà con huyết thống khác cũng không sanh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy?

—Không có trường hợp ấy, không có cơ hội ấy, này Bà-la-môn, rằng chỗ ấy có thể trống không trong một thời gian dài, không có người bà con huyết thống đã chết. Nhưng này Bà-la-môn, người bố thí không phải không có hưởng quả.”

Cũng trong cuốn “Để Ngộ Tông Chỉ Phật,” do Ananda Viet Foundation xuất bản năm 2020 tại Hoa Kỳ, Cư Sĩ Nguyên Giác đã trích bản dịch Việt của Hòa Thượng Tuệ Sỹ và HT Đức Thắng trong Kinh Tạp A Hàm mà Đức Phật trả lời rằng việc cúng tế cho người chết có vô ích không.

“Bà-la-môn bạch Phật: Thưa Cù-đàm, nếu con vì tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và cũng không có các thân tộc quen biết khác sanh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do lòng tin bố thí đó ai sẽ hưởng?

“Phật bảo Bà-la-môn: Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất đạt-thẩn.”
 
Ngạ Quỷ
 
Trong Kinh Vu Lan đã nói ở trên có nói đến mẹ của ngài Mục Kiền Liên vì tạo nghiệp ác mà phải sinh làm ngạ quỷ. Vậy ngạ quỷ là loài nào?

Ngạ quỷ tiếng Phạn (Sanskrit) là preta để chỉ cho một loại chúng sinh siêu nhiên trong Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo và tín ngưỡng dân gian tại Trung  Hoa và Việt Nam chịu nhiều đau khổ hơn loài người, đặc biệt cực kỳ đói khát, theo www.en.wikipedia.org.  Ngạ quỷ có nguồn gốc trong các tôn giáo Ấn Độ và được truyền vào các tôn giáo Đông Á khi Phật Giáo truyền bá tới. Chữ Preta thường được dịch sang tiếng Anh là “quỷ đói.” Trong các kinh văn Phật Giáo sơ thời như Petavatthu [Ngạ Quỷ Sự], chúng có nhiều khác biệt. Sự phát triển khái niệm ngạ quỷ đã bắt đầu với suy nghĩ rằng nó là tâm và hồn cùa người đã chết, nhưng sau đó quan điểm này đã phát triển thành trạng thái tạm thời giữa chết và tái sanh theo nghiệp theo vận mạng của một người. Để vào chu kỳ tái sanh theo nghiệp, gia đình của người chết phải thực hiện nhiều lễ nghi và cúng tế để hướng dẫn thần thức đau khổ vào cuộc đời mới.

LE VU LAN 02

Các ngạ quỷ bị nghiệp báo ăn phân người. Hình vẽ vào thế kỷ thứ 12.(nguồn: www.en.wikipedia.org)


Ngạ quỷ được tin là do đời trước của con người có nhiều sai quấy, tham nhũng, cưỡng bức, lừa đối, ganh tị hay tham lam. Như là kết quả của điều họ làm, họ đau khổ với sự thèm khát vô độ đối với vật chất. Truyền thuyết cho rằng những thứ vật chất đó là ghê tởm như xác chết hay phân. Ngạ quỷ và con người cùng sống chung và trong khi con người nhìn dòng sông thấy nước trong sạch, thì ngạ quỷ cũng nhìn dòng sông đó mà thấy ngược lại, như máu mủ và rác rưởi.

Ảnh hưởng bởi Ấn Độ Giáo (hay Bà La Môn Giáo ngày xưa) và Phật Giáo, hình ảnh ngạ quỷ cũng xuất hiện trong các nền văn hóa Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Tây Tạng, Thái Lan, Cam Bốt, Lào và Miến Điện.

Trong Đạo Phật, ngạ quỷ là một trong sáu loại chúng sinh, gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, atula, trời và người.

Tiếng Tàu gọi là ngạ quỷ, có nghĩa là “quỷ đói.”

Tại Nhật Bản, chữ preta được dịch là gaki [ngạ quỷ] tức là quỷ đói. Kể từ năm 657, một số Phật tử Nhật Bản lấy riêng một ngày đặc biệt vào giữa tháng 8 để làm lễ, qua nhiều hình thức như cúng dường, cầu nguyên trong niềm tin rằng các quỷ đỏi có thể được giải thoát khỏi tội nghiệp. Tại Nhật Bản ngày nay, chữ gaki thường để chỉ cho đứa trẻ hư hỏng hay con nít ranh.

Tại Thái Lan, chữ pret là quỷ đói trong truyền thống Phật Giáo đã trở thành một phần của dân gian Thái, nhưng được mô tả như là không thật.

Trong nền văn hóa Tích Lan, giống nhưng nhiều nền văn hóa Châu Á khác, người sinh làm ngạ quỷ nếu họ tham lam quá nhiều trong cuộc sống khiến cho các bụng to lớn của họ không bao giờ có thể chứa đầy bởi vì cái miệng của họ thì quá nhỏ.
 
Chuyện ngạ quỷ trong Kinh Phật
 
Trong tác phẩm “Để Ngộ Tông Chỉ Phật,” Cư Sĩ Nguyên Giác đã trích Kinh Ngạ Quỷ Sự (Petavatthu) do Hòa Thượng Indacanda dịch sang tiếng Việt kể chuyện một con quỷ đói xuất hiện trước ngài Nandasena tự giới thiệu rằng khi sinh tiền là vợ của ngài, vì tạo ác nghiệp nên sinh vào cõi ngạ quỷ. Truyện kể như sau.

“Nàng đen đủi, có vóc dáng xấu xí, thô kệch, có dáng vẻ ghê rợn, có mắt đỏ ngầu, có răng hô, tôi nghĩ rằng nàng không phải loài người?”

“Này Nandasena, tôi là Nandā, trước đây tôi đã là vợ của ông. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”

“Vậy ác hạnh gì đã được làm, bởi thân bởi khẩu bởi ý? Do quả thành tựu của nghiệp gì mà từ nơi đây nàng đã đi đến thế giới ngạ quỷ?”

Tôi đã là người nhẫn tâm, có lời nói thô lỗ, không tôn trọng ông. Sau khi nói lời tồi tệ với ông, tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”

“Này, tôi cho nàng tấm choàng. Nàng hãy quấn mảnh vải này vào. Sau khi quấn vào mảnh vải này, hãy đi đến, ta sẽ đưa nàng về nhà.

Khi nàng đã đi đến nhà, nàng sẽ nhận được y phục, cơm ăn và nước uống. Nàng sẽ trông thấy những đứa con trai của nàng, và nhìn xem những cô con dâu.”

“Vật thí của ông dầu tay trao tay vẫn không lợi ích cho tôi. Ông hãy làm toại ý các vị tỳ khưu đầy đủ giới hạnh, đã lìa luyến ái, có sự nghe nhiều (học rộng), với cơm ăn và nước uống, rồi chỉ định sự cúng dường là dành cho tôi. Khi ấy, tôi sẽ được hạnh phúc, có sự thành tựu tất cả các dục lạc.”

“Tốt lắm!” Sau khi thỏa thuận, vị ấy đã thực hiện dồi dào vật thí: cơm ăn, nước uống, vật thực cứng, vải vóc, chỗ trú ngụ, lọng che, vật thơm, tràng hoa, và nhiều loại giày dép. Sau khi làm toại ý các vị tỳ khưu đầy đủ giới hạnh, đã lìa luyến ái, có sự nghe nhiều (học rộng), với cơm ăn và nước uống, rồi đã chỉ định sự cúng dường là dành cho nữ ngạ quỷ ấy.

Khi được chỉ định thì quả thành tựu đã được sanh lên ngay lập tức: vật thực, y phục, nước uống; quả báo này là do sự cúng dường.

Do đó, nàng ấy (nữ ngạ quỷ) trở nên sạch sẽ, có y phục tinh khiết, có sự trang phục bằng vải hạng nhất của xứ Kāsī, có các đồ trang sức và các tấm vải nhiều màu sắc, đã đi đến gặp người chồng.

“Hỡi nàng tiên, nàng đứng, với màu da nổi bật, khiến cho khắp các phương sáng rực lên, ví như ngôi sao osadhī.

Do điều gì nàng có được màu da như thế ấy? Do điều gì mà (sự việc) được thành tựu cho nàng ở nơi đây? Và (do điều gì mà) các sự hưởng thụ thích ý sanh lên cho nàng?

Hỡi nàng tiên có đại oai lực, tôi hỏi nàng: ‘Khi là con người, nàng đã làm việc phước thiện gì? Do điều gì mà nàng có oai lực được rực sáng như vầy, và màu da của nàng chiếu sáng khắp các phương?’”

“Này Nandasena, tôi là Nandā, trước đây tôi đã là vợ của chàng. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.

Nhờ vào vật thí đã được chàng dâng cúng, tôi vui sướng, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu. Này gia chủ, mong rằng chàng sống thọ cùng với tất cả thân quyến.

Nơi chốn không sầu muộn, xa lìa luyến ái, là chỗ trú ngụ của các vị có quyền lực. Này gia chủ, ở đây sau khi thực hành Giáo Pháp, sau khi dâng cúng vật thí, sau khi loại trừ ô nhiễm của sự bỏn xẻn luôn cả gốc rễ, không bị chê trách, mong rằng chàng đi đến nơi chốn cõi Trời.”

Để chấm hết bài này, xin trích mấy câu trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của thi hào Nguyễn Du nhắc nhở mười loài chúng sinh chiêm nghiệm câu “vạn cảnh giai không” trong Phật Pháp để giải thoát khổ đau và cầu nguyện cõi âm được siêu độ.
 
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh,
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao,
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.

Ý kiến bạn đọc
02/09/202022:41:21
Khách
Ai tạo ra địa ngục?
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư...
Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ. Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau.
Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023. Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928. Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.
Kỷ vật, không trừu tượng, là một thứ gì bằng vật chất ghi lại, cưu mang, hoặc ẩn tượng một kỷ niệm nào đó. Loại kỷ niệm có động lực gợi lại những vui buồn, thương tiếc, nhớ nhung; có khả năng làm nhếch một nụ cười hoặc làm mờ khóe mắt. Có những kỷ vật dù đã mất nhưng không quên. Mỗi đời người càng sống lâu, càng có nhiều kỷ vật. Điều này cất vào kho tàng quá khứ, có hay không, nhiều hạnh phúc đã qua mà mùi hương không bao giờ xao lãng.
Có một tương đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Đó là đôi khi họ làm thơ. Nhưng dị biệt lớn giữa hai nhà thơ tài tử này chính là chủ đề, là nguồn cảm hứng để làm thơ. Nguyễn Phú Trọng làm thơ ca ngợi ông Hồ Chí Minh và những chủ đề tương tự, thí dụ, một lần ông Trọng làm ca ngợi khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Nhưng Tổng Thống Biden chỉ làm thơ tình, và chỉ tặng vợ thôi. Chúng ta không nói rằng thơ hay, hay dở, chỉ muốn nói rằng trong tâm hồn của Biden là hình ảnh thướt tha của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Và trong tâm hồn của ông Trọng là những khối xi măng có hình Lăng Ông Hồ, và rồi hình khách sạn Mường Thanh. Không hề gì. Thơ vẫn là thơ (giả định như thế). Bây giờ thì hai nhà thơ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng đã gặp nhau.
Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu, phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván ‒ cũng như đã từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm, nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn...
Sau tháng Tư năm 1975, tất cả những tác phẩm truyện ngắn truyện dài của các tác giả Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975] đều bị chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa cấm in ấn, phổ biến, lưu trữ. Tên tuổi tác giả, tác phẩm được công bố rõ ràng. Việc tưởng xong, là quá khứ. Bỗng dưng 32 năm sau năm, 2007, từ Hà Nội một nhà văn có chức quyền, có Đảng tịch, ông Phạm Xuân Nguyên, vận động, hô hào sẽ in lại một số tác phẩm Miền Nam, đang bị cấm. Trước tiên là 4 [bốn] tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Đó là các tác phẩm Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Khi sách được phát hành có ngay phản ứng. Rất nhiều bài báo lần lượt xuất hiện liên tiếp trên các báo tại Sàigòn “đánh/ đập” ra trò. Hóa ra, những người vận động in lại sách là các cán bộ văn hóa từ Hà Nội. Hung hăng đánh phá là những cây bút… Sàigòn. Trong đó có Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng, người trước kia bị chế độ Miền Nam bắt giam tù, Dương Nghiễm Mậu là một trong số các nhà văn, ký đơn xin ân xá cho Vũ Hạnh.
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
Bài phỏng vấn dưới đây do Christian Salmon thực hiện, đăng trên quý san văn học The Paris Review năm 1983 và sau đó xuất hiện trong tập văn luận “Milan Kundera Nghệ thuật tiểu thuyết” xuất bản năm 1986...